Vì sao Trung Quốc làm nên kỳ tích kinh tế nhưng lại chưa trỗi dậy về văn hóa?

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng Trung Quốc đã có sự trỗi dậy về văn hóa chưa? Rõ ràng là chưa bởi dù đời sống kinh tế giàu lên, nhưng Trung Quốc vừa chưa giành được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, vừa chưa làm cho dân chúng trong nước được sống hạnh phúc hơn.

Trung Quốc cũng ý thức được điều đó, vì vậy họ cũng cố gắng giới thiệu nền văn hóa nước mình ra nước ngoài. Nhưng vì không có những tư tưởng mới và giá trị mới, Trung Quốc đành phải nhờ tới Khổng Tử. Họ lập các Học viện Khổng Tử. Nhưng các Học viện ấy lại bị đơn giản hóa thành nơi học ngôn ngữ, chữ viết của Trung Quốc. Bất kể người lập Học viện Khổng Tử hay người làm công tác truyền bá văn hóa khác, họ đều không biết mình cần phải truyền bá thứ văn hóa và giá trị như thế nào.

Theo quan điểm của ông Vương Canh Vũ **, sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay là lần trỗi dậy thứ tư. Trong lịch sử, Trung Quốc ít nhất từng có 3 lần được công nhận là quốc gia lớn mạnh nhất trong vùng, vì thế người ta gọi sự trỗi dậy lần nữa này của Trung Quốc là sự “phục hưng”. Và người ta có thể học được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ lịch sử những lần trỗi dậy này.

Lần trỗi dậy thứ nhất xảy ra vào quãng từ thế kỷ III trước CN đến thế kỷ III sau CN, tức từ khi triều nhà Tần thống nhất Trung Quốc cho đến triều nhà Hán. Vào thời nhà Hán, sức ảnh hưởng của Trung Quốc lan tới bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Nam Á. Rất nhiều nước xung quanh Trung Quốc thời nhà Hán đã nhập khẩu hàng hóa và công nghệ của triều Hán, chủ yếu là tơ lụa, giấy viết, đồ gốm sứ và các công nghệ lục quân và hải quân. Trong giai đoạn này, ấn tượng sâu sắc nhất mà Trung Quốc đem lại cho mọi người là về kinh tế và văn hóa. Trong hơn 400 năm sau đời Hán, Trung Quốc chia năm xẻ bảy thành mấy tiểu quốc rối loạn bất an.

Lần trỗi dậy thứ hai cùng với việc kiến lập triều nhà Đường hồi thế kỷ VII. Sức ảnh hưởng của triều Đường truyền bá tới Nhật và các vùng khác ở Đông Á, duy trì được gần 300 năm là nhờ có sự mở cửa [khai phóng] cao độ. Thời Đường chẳng những văn hóa mở cửa mà chính trị cũng mở cửa, Trung Quốc được các học giả phương Tây gọi là “Đế quốc mở cửa”. Sự truyền bá đạo Phật và việc các bộ lạc du mục phương Bắc định cư tại vùng trung nguyên — lực hỗn hợp lớn mạnh của hai loại ảnh hưởng đó đã tạo dựng nên một quốc gia mới, thể hiện tính thế giới cao độ của nó. Sự mở cửa cao độ cũng đem lại một thời đại không ngừng tăng trưởng về thương mại và công nghiệp, tạo dựng được một thời kỳ toàn thịnh thực sự trong lịch sử Trung Quốc.

Lần trỗi dậy thứ ba, với sự triều nhà Minh được lập vào năm 1368 và duy trì được khoảng 400 năm. Trong thời gian này, tư tưởng Nho giáo được tái xác lập là tư tưởng chính thống của tầng lớp thống trị. So với hai lần trước thì lần trỗi dậy này thua kém nhiều, bởi lẽ văn hóa chính trị của Trung Quốc bắt đầu trở nên rất bảo thủ. Chính sách bế quan tỏa quốc dẫn đến tình hình đất nước ngày một xấu đi. Mặc dầu triều Minh tăng cường phòng ngự nhưng vẫn không ngừng bị các nước xung quanh xâm nhập và cuối cùng bị người dân tộc Mãn chinh phục.

Tiếp đến triều nhà Thanh. Lúc mới thành lập rất hùng mạnh nhưng sau đó tầng lớp cai trị lại tiếp tục duy trì chính sách bảo thủ và bế quan tỏa quốc của triều nhà Minh, và suy sụp dần. Năm 1840, khi Anh Quốc tấn công Trung Quốc thì nhà Thanh đã không còn sức chống trả nữa.

Sự trỗi dậy thiếu hồn đổi mới

Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay, ít nhất cho đến bây giờ, không giống như sự trỗi dậy của thời nhà Hán Đường, mà giống như thời nhà Minh (Thanh). Đã không có sự sáng tạo đổi mới chế độ như đời Hán, lại cũng không có sự mở cửa và sự trỗi dậy về văn hóa như đời Đường. Điều duy nhất giống sự trỗi dậy 3 lần trước là phát triển kinh tế và kèm theo là tăng cường sức mạnh quân sự, còn văn hóa về cơ bản vẫn còn ở trạng thái bế quan tỏa quốc, vừa từ chối tiếp thụ các giá trị phổ quát lại vừa không có sức sáng tạo văn hóa ở bên trong. Và có khả năng lặp lại tấn bi kịch của triều nhà Minh, tức là trước khi quốc gia trỗi dậy thực sự thì đã bắt đầu suy thoái.

Chính sách bế quan tỏa quốc về thể chế và về tư tưởng của triều nhà Minh đã làm cho Trung Quốc bỏ mất cơ hội trở thành một quốc gia biển. Thời kỳ triều nhà Minh là thời mở đầu thế kỷ hàng hải của thế giới. Hồi ấy dù là về mặt nhà nước hay xã hội, Trung Quốc đều có năng lực trở thành quốc gia biển hơn bất cứ quốc gia nào. Trịnh Hòa đi ra biển phía Tây là sự tượng trưng cho năng lực [biển] của nhà nước. Nạn “cướp biển” “điên cuồng lạ thường” ở vùng ven biển Đông Nam là sự tượng trưng cho năng lực biển của dân gian Trung Quốc. Thế nhưng trong điều kiện không có sự đổi mới về tư tưởng và chế độ, nhóm người từng giành được những lợi ích đặc quyền to lớn dưới sự che chở của vương quyền đã chặt đứt con đường Trung Quốc đi lên thành quốc gia biển.

Ý nghĩa của trỗi dậy văn hóa đối với sự phát triển bền vững của quốc gia bị [người Trung Quốc] đánh giá cực thấp. Trỗi dậy thời Hán Đường là trỗi dậy về văn hóa ; suy thoái sau chót cũng là suy thoái về văn hóa. Nếu văn hóa không thể trỗi dậy thì tất nhiên sẽ phát sinh sự chế ước nghiêm trọng đối với kinh tế thậm chí chính trị. Xét từ bên trong, không có sự sản sinh tư tưởng thì không thể có sự đổi mới về chế độ, cuối cùng tất nhiên dẫn đến khép kín và suy thoái. Xét từ bên ngoài, không sinh ra tư tưởng thì không thể tạo dựng được một nền văn hóa và giá trị quan có sức thu hút. Nếu chỉ có trỗi dậy về kinh tế và tiến trình quân sự hóa liên quan với nó, thì [quốc gia ấy] sẽ bị coi là “bá đạo” và là mối “đe dọa”, từ đó làm xấu môi trường quan hệ quốc tế.

Sở dĩ văn hóa không trỗi dậy theo kinh tế, nhân tố hàng đầu là mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa. Dù cho người ta có thể quan sát thấy thí dụ kinh tế và văn hóa đồng thời trỗi dậy (thời Hán Đường) nhưng người ta cũng có thể quan sát thấy thí dụ kinh tế trỗi dậy mà không dẫn đến sự trỗi dậy của văn hóa (triều nhà Minh). Trỗi dậy kinh tế và trỗi dậy văn hóa không tồn tại mối quan hệ tất nhiên với nhau, hai cái đó không phải là cùng một sự việc. Cho dù không có trỗi dậy kinh tế cũng có thể vẫn có trỗi dậy về văn hóa. Bất kể ở Trung Quốc hay ở phương Tây, rất nhiều sáng tạo tư tưởng và văn hóa vĩ đại đã được tiến hành dưới trạng thái cực kỳ nghèo khó.

Ba nhân tố phi kinh tế của trỗi dậy văn hóa

Sáng tạo văn hóa và sự phân quyền của nhà nước, văn hóa mở cửa, người văn hóa độc lập — ba nhân tố phi kinh tế này càng có liên quan với nhau. Nếu tồn tại một trong ba nhân tố đó thì có thể xuất hiện sáng tạo văn hóa.

Trong lịch sử, mỗi lần xuất hiện trạng thái phân chia quyền lực, nhất là khi hoàng quyền suy thoái, thì ngược lại, văn hóa sẽ xuất hiện tình cảnh phục hưng. Ngày nay mọi người Trung Quốc không muốn chính quyền nhà nước suy thoái để có sự trỗi dậy văn hóa. Ngược lại phần lớn mọi người mong muốn chính quyền nhà nước lớn mạnh cùng với sự trỗi dậy của văn hóa. Vấn đề là trong văn hóa chính quyền nhà nước nên quản lý cái gì, không nên quản lý cái gì.

Một nhân tố quan trọng hơn nữa là nhân cách độc lập của người văn hóa [văn hóa nhân]. Nếu có nhân cách độc lập thì không một nhân tố nào, kể cả chuyên chế và nghèo đói, có thể ngăn trở sự sáng tạo văn hóa. Nước Nga là một thí dụ điển hình. Bất kể nền chuyên chế của Sa Hoàng hay của chủ nghĩa cộng sản đều không thể ngăn cản sự sáng tạo tri thức của các nhà trí thức Nga. Dưới ách chuyên chế, các nhà trí thức Nga đã sáng tạo được một nền văn học nghệ thuật, tư tưởng triết học huy hoàng. Người văn hóa Trung Quốc chưa thể tiến hành sáng tạo văn hóa dưới ách chuyên chế — điều đó có liên quan tới việc người văn hóa ỷ lại cao độ vào chính quyền. Trong lịch sử Trung Quốc chưa từng xuất hiện cái mà phương Tây gọi là quần thể “nhà trí thức”, tức quần thể những người lấy sự sáng tạo tư duy làm nghề nghiệp suốt đời của mình.

Rất rõ ràng, muốn thực hiện sự trỗi dậy văn hóa Trung Quốc, khâu mấu chốt là ở chỗ điều chỉnh mối quan hệ giữa chính trị với văn hóa. Ý tưởng muốn chính quyền là chủ thể của sáng tạo văn hóa hoàn toàn chỉ là không tưởng. Như vậy không phải là nói chính quyền không có bất kỳ mối quan hệ nào với sáng tạo văn hóa, mà hoàn toàn ngược lại.

Thực tế cho thấy Ban Tuyên giáo Trung ương nhiều năm qua không thực hiện cải cách quản lý văn hóa có tính thực chất, mà trở thành một kiểu cơ chế kiểm soát đơn giản, dẫn đến sự chính trị hóa cao độ và quan liêu hóa cao độ trong lĩnh vực văn hóa, khiến cho những gien [gene] sáng tạo văn hóa nguyên sơ nhất cũng hoàn toàn không thể xuất hiện.
Sách lược của chính quyền, chính quyền ủng hộ cái gì và phản đối cái gì đều sẽ gây ra ảnh hưởng sâu sắc đối với sự trỗi dậy văn hóa. Tại Trung Quốc có hiện tượng quá nhiều nguồn lực của chính quyền bị dùng vào việc kiểm soát, và dùng quá ít nguồn lực cho sự sáng tạo cái mới, hoặc rót vào lĩnh vực văn hóa nào chính quyền tán đồng mà thôi. Nhưng có một thực tế là trong bất cứ xã hội nào, rất ít quan chức chính quyền hiểu được nội dung của sáng tạo văn hóa. Do vậy không ít trường hợp chính quyền ủng hộ văn hóa lại dẫn đến sự suy thoái của sự nghiệp văn hóa. Thí dụ điển hình là lĩnh vực Phật giáo, do được chính quyền ra sức ủng hộ, kết quả dẫn đến sự tham nhũng và phân hóa lớn trong nội bộ Phật giáo. Các lĩnh vực văn hóa như văn nghệ, văn học … cũng vậy.

Việc chính quyền kiểm soát văn hóa đưa đến tình trạng phần lớn mọi người ỷ lại cao độ vào chính quyền, kết quả sẽ dẫn tới suy thoái văn hóa. Đối với những người văn hóa muốn giữ được một số tính độc lập, họ muốn sinh tồn và phát triển thì biện pháp duy nhất họ dùng là chống lại [đối kháng] chính quyền, qua đó tạo ra một loại văn hóa khác đối lập với chính quyền. Đó cũng là một loại văn hóa chính trị hóa quá mức, được người phương Tây khen hay, gọi đấy là sự trỗi dậy văn hóa của Trung Quốc. Nếu xem xét từ lập trường khách quan, dù là sáng tạo văn hóa do bản thân chính quyền tiến hành hay là sáng tạo văn hóa được tiến hành vì để chống lại hiện trạng chính trị, cả hai đều rất khó đi đến sự trỗi dậy của văn hóa.

Chắc chắn là nếu Trung Quốc muốn đi con đường trỗi dậy thời nhà Đường mà tránh đi con đường trỗi dậy thời nhà Minh thì biện pháp duy nhất là phải tiến hành cải cách thể chế văn hóa, giải phóng văn hóa ra khỏi chính trị, ra khỏi thể chế quan liêu, giải phóng người văn hóa ra khỏi quá trình quan liêu chính trị. Chỉ có “nhốt quyền lực vào trong cũi” thì văn hóa Trung Quốc mới có thể trỗi dậy được.

—-

* Tác giả Trịnh Vĩnh Niên 郑永年, s. 1962, Thạc sĩ Luật ĐH Bắc Kinh, Tiến sĩ chính trị học ĐH Princeton, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nhà bình luận nổi tiếng của Báo Buổi Sớm (Singapore), thường viết về chủ đề Trung Quốc với thái độ phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, được nhiều báo Trung Quốc đăng lại.

** Vương Canh Vũ, s. 1930, Tiến sĩ sử học ĐH London, thời gian 1957-86 từng dạy ở ĐH Malaya (Malaysia) rồi ĐH Quốc gia Australia, 1986-95 Hiệu trưởng trường ĐH Hong Kong, 1997-2007 Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, từ 2007 tới nay là Giáo sư đặc cấp Đại học Quốc gia Singapore kiêm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú

Nguồn:
http://business.sohu.com/20130424/n373836036.shtml
郑永年:中国创造经济奇迹 但为何文化没有崛起?

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)