Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam

Tại sao Việt Nam (VN) cần có đại học ĐCQT ? Thực tế nhiều năm qua cho thấy do chất lượng đại học của ta quá kém, sinh viên VN ra nước ngoài du học ngày càng đông, hiện đã trên 4 vạn người, mỗi năm tốn mấy trăm triệu USD. Trong đó chỉ một số ít chen chân được vào các đại học danh tiếng, còn phần đông chỉ theo học ở những đại học bình thường của các nước phương Tây. Thậm chí có một số đại học rất tầm thường vẫn thu hút nhiều sinh viên ta sang du học, hơn nữa còn là đối tác liên kết của mấy đại học lớn của ta.

Nhằm thu hút đông sinh viên để tăng nguồn tài chính, nhiều trường ở một số nước thường có chính sách dễ dãi đối với sinh viên ngoại quốc, không đặt yêu cầu chất lượng nghiêm túc như đối với sinh viên bản địa(1). Thành thử mấy trăm triệu USD dân ta bỏ ra hàng năm để đi du học là một khoản đầu tư lớn, nhưng hiệu suất không tương xứng. Đáng chú ý là nhiều người giỏi được đào tạo ở các trường tốt thường không muốn trở về VN. Còn những người trẻ trong nước khi được đào tạo đến trình độ khá cũng tìm cách ra nước ngoài kiếm sống và phát triển tài năng. Rất ít nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài muốn về VN làm việc lâu dài. Tình hình này nếu không khắc phục sớm thì đất nước rất khó phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Để thu hút người tài, quan niệm phổ biến về “chiêu hiền đãi sĩ” hiện nay trong cả nước, từ Trung ương cho đến các địa phương, chỉ thu hẹp ở những ưu đãi về lương bổng. Đúng là lương quá thấp thì không chiêu mộ được ai, nhưng nuôi dưỡng chất xám cao cấp không chỉ cần lương mà còn cần, và cần nhiều hơn, những điều kiện và môi trường thuận lợi cho hợp tác, nghiên cứu và phát triển tài năng – những thứ này chỉ có thể đáp ứng được khi có một đại học ĐCQT. Vì vậy, xây dựng một đại học ĐCQT ngay tại VN là hết sức cấp thiết, để giải quyết tối ưu yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đồng thời góp phần đảo ngược dòng chảy chất xám cao cấp hiện chỉ có đi mà ít có về.
Gần đây, với xu thế tự do hóa nhiều ngành dịch vụ, một số nước đang đẩy mạnh xuất khẩu đại học sang các nước khác, xem đó là nguồn lợi kinh tế đáng kể.(2). Trong tình hình ấy, nước nào không có những đại học tốt sẽ ở thế rất bất lợi, vì phải nhập khẩu ngày càng nhiều những đại học mà chất lượng đôi khi không tương xứng với giá, trong khi đó tiềm lực chất xám của chính mình không phát huy được, ngày càng hao mòn. 
Sau cùng, một lý do cốt yếu cần có đại học ĐCQT là muốn hiện đại hóa đại học nhanh chóng, rất cần xây dựng một đại học làm “hoa tiêu” để thực hiện cải cách và đổi mới, đồng thời làm cửa ngõ giao tiếp, hợp tác với giáo dục và khoa học thế giới để chuyển giao tri thức và công nghệ có hiệu quả. Vì những lẽ đó có thể tin rằng xây dựng đại học ĐCQT là một trong các giải pháp chính hiện nay để chấn hưng giáo dục và khoa học, công nghệ.
Nên xây dựng mới hay gộp, cải tạo, nâng cấp các đại học sẵn có ?
Có người nghĩ đại học của ta dù sao cũng có một số thành tựu, không nên “phủ định” hết các thành tựu ấy, mà nên xuất phát từ hiện trạng để nâng cấp dần các đại học của ta lên tầm quốc tế. Đương nhiên việc này cần làm, song kinh nghiệm cho thấy chỉ đi con đường ấy để có một đại học ĐCQT phải mất rất nhiều thời gian, công sức, vì phải vượt qua một sức quán tính lớn và rất nhiều lực cản không hy vọng có thể khắc phục nhanh. Cách đây mười năm, khi Chính phủ có ý định thành lập ĐH QG Hà Nội chúng tôi cũng đã từng đề nghị nên lập mới hoàn toàn. Chính vì không lập mới mà chỉ gộp nhiều trường cũ lại nên sau mười năm xây dựng ĐHQG vẫn cách xa những đại học tầm cỡ trong khu vực. Trong lúc đó áp lực cạnh tranh với các nước trong khu vực không cho phép chúng ta chờ đợi lâu hơn nữa.
Vì vậy, cần dứt khoát xây dựng mới hoàn toàn, đúng như đề nghị của nhiều nhà khoa học (cả Mỹ và Việt kiều) và cũng là ý kiến chúng tôi đã nêu trong bản Kiến nghị về giáo dục gửi lên Trung ương tháng 6 năm 2004 (đại học hoa tiêu nêu ra trong Kiến nghị đó chính là đại học ĐCQT chúng ta đang bàn). Dĩ nhiên xây dựng mới hoàn toàn cũng có những khó khăn nhất định, nhưng nếu sợ khó thì thà đừng làm còn hơn lặp lại kinh nghiệm cũ đã thất bại. Trong điều kiện giáo dục VN hiện nay, nếu chỉ thay đổi từ từ, “kế thừa” những kinh nghiệm cũ để đi lên dần dần, không mở hướng đột phá mới, thì đó là cách tốt nhất để tụt hậu. Nói thế không có nghĩa là cứ phải xáo trộn lung tung mới tiến bộ được. Giải pháp đại học ĐCQT chính là một cách tiến nhanh mà không gây xáo trộn nhiều.
Thời cơ thuận lợi để xây dựng một đại học ĐCQT
Thực ra, ý tưởng về một đại học đàng hoàng đã được nhiều người đưa ra từ lâu, dưới nhiều hình thức, từ ý đồ mở đại học tư có chất lượng để học sinh có thể “du học tại chỗ” (ĐH Thăng Long như ý đồ ban đầu), đến những dự định thành lập trung tâm quốc tế đào tạo toán học trình độ cao trong khu vực, để từ đó tiến dần lên một đại học đa ngành theo tiêu chuẩn quốc tế. Tiếc rằng những đề nghị tâm huyết ấy, tuy có lúc đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, cuối cùng đã phải bỏ dở do sức cản của một vài quan chức thiếu trách nhiệm, trong một bộ máy còn nặng quan liêu và bảo thủ, tiêu cực.
Tình hình bây giờ sáng sủa hơn. Tuy bộ máy quản lý quan liêu vẫn còn đó nhưng đã có cơ hội để xây dựng đại học ĐCQT không quá lệ thuộc bộ máy này. Thủ tướng Phan Văn Khải rất ủng hộ ý tưởng xây dựng sớm một đại học mới, ngang tầm những đại học hàng đầu trong khu vực, và Chính phủ cũng đang có những động thái tích cực theo hướng ấy. Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng, một số đại học danh tiếng như Harvard và MIT đã bày tỏ nhiệt tình muốn giúp VN xây dựng một đại học hàng đầu. Dư luận rộng rãi giới trí thức trong nước và Việt kiều đã hưởng ứng tích cực sáng kiến  này. Tiếp theo bản đề án “Sử dụng tri thức Việt kiều để xây dựng giáo dục đại học chất lượng cao tại VN” (tháng 9/2005) của 6 trí thức Việt kiều tham gia Hội thảo Đà Nẵng gửi Thủ tướng, các báo trong nước cũng đã đăng tải những ý kiến tâm huyết của GS Bùi Trọng Liễu (Paris),  PGS Trần Nam Bình (Sydney), và nhiều bậc thức giả khác. Đặc biệt, chúng ta cũng thích thú được biết bản đề cương của ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Fulbright tại TP HCM, về một dự án đại học hàng đầu của VN với sự hợp tác tích cực của các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Theo tôi, đó là những đề nghị rất thiết thực, có thể làm cơ sở để thảo luận, đi đến những giải pháp hợp lý, khả thi. Ít khi có một ý tưởng được hưởng ứng nhiệt thành như vậy, mở ra một cơ hội quý giá để thanh toán sự tụt hậu của đại học, đưa giáo dục và khoa học của chúng ta tiến lên một giai đoạn mới trong đó sự cạnh tranh để làm chủ tri thức đã trở nên sống còn đối với dân tộc. 
Đương nhiên xây dựng một đại học ĐCQT có thể khá tốn kém: theo ước lượng của ông Thomas Vallely, cần khoảng 100 triệu USD trong vòng 5-10 năm (chưa kể phần đất đai), theo ước lượng của nhóm Việt kiều, cần đầu tư ban đầu 22 triệu USD và mỗi năm tối thiểu 10 triệu USD (cho hai trường). Tính tổng cộng trong 10 năm cũng cần xấp xỉ 300-400 triệu USD. Đó là một khoản đầu tư không nhỏ, nhưng vẫn chưa vượt quá chi phí bỏ ra trong một năm để gửi sinh viên du học, mà cái lợi thu được chắc chắn rất lớn. Một yếu tố thuận lợi nên tính đến là khả năng kết hợp việc này với việc xây dựng các trung tâm chất lượng cao (centers of excellence) theo chương trình sáng kiến thiên niên kỷ và Quỹ VEF của Hoa Kỳ. Nếu kết hợp được, hai dự án sẽ bổ sung, thúc đẩy lẫn nhau, thay vì có thể trùng lặp và gây cản trở cho nhau nếu tiến hành riêng rẽ.
Vì những lẽ trên, đã đến lúc không nên chần chừ nữa mà nên khẩn trương nắm lấy cơ hội. Đây là một trong các bước quyết định để chuẩn bị thiết thực cho tương lai của đất nước trong thế giới toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Nếu trì hoãn, cơ hội có thể không còn, và nhiệt tình của nhiều người chân thành muốn giúp ta cũng khó giữ được trọn vẹn.
Nhiều phương án hay, cần lựa chọn và quyết định sớm
Trong bản đề cương của ông Thomas Vallely, cũng như các ý kiến của GS Bùi Trọng Liễu và nhóm tác giả đề án đại học CLC, đều có bàn cụ thể lộ trình thực hiện, phương thức điều hành, quy chế hoạt động, hướng phát triển v.v. Trên những nét lớn các ý kiến đều gặp nhau và cũng phù hợp với suy nghĩ của nhiều người trong nước muốn có bước đột phá cho đại học. Tôi nghĩ trên cơ sở ấy đã có thể hình dung đại thể mục tiêu, những yêu cầu, cùng là tính cấp thiết và khả thi của dự án.
Đã đến lúc cần chuyển sang giai đoạn hành động và sớm có quyết định về vấn đề cơ bản: nên xây dựng một hay nhiều trường, ở đâu và bằng phương tiện nào. Có mấy phương án được đề nghị: 1)Tập trung làm một trường thôi, một đại học mới ở ngay Thủ đô, có cả cấp cử nhân và cấp sau cử nhân (đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ); 2)Xây dựng hai đại học CLC, chủ yếu về những ngành nhân văn (văn, sử, triết, chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, v.v…) và khoa học cơ bản (toán, lý, hóa, sinh, tin, v.v…), bằng cách huy động tối đa lực lượng trí thức Việt kiều (còn về công nghệ thì có thể tiếp tục liên kết đào tạo với một số trường lớn ở nước ngoài, như hiện đang làm); 3)Xây dựng đại học hàng đầu ở VN bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đại học hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là Havard và MIT. Về phương án này cũng có hai ý kiến cần cân nhắc: xây dựng một trường, ở một thành phố lớn, trước mắt chỉ tập trung ở cấp cử nhân; hoặc xây dựng đồng thời hai trường: một ở Hà Nội chuyên nhiều hơn về các ngành nhân văn và khoa học cơ bản và một ở TP HCM, về công nghệ, cả hai đại học đều có cả cấp cử nhân (kỹ sư) và cấp sau cử nhân. Cũng có ý kiến vài nhà khoa học nước ngoài là nên xây dựng đại học ĐCQT ở một thành phố lớn, nhưng có điều kiện thuận tiện để nghỉ ngơi, thư giãn những ngày cuối tuần hay trong những dịp nghỉ khác, nhất là đối với gia đình những nhà khoa học giỏi nước ngoài mà ta định mời họ đến làm việc một thời gian tương đối dài. Mọi phương án đều hay, vấn đề là phải cân nhắc và lựa chọn. Đó là chưa kể việc nâng cấp một số đại học sẵn có, và lập một đại học mới ngay trong Viện Khoa học và Công nghệ VN đều phải nghiên cứu phối hợp để tránh dàn trải, phân tán các phương tiện và nguồn lực.
Riêng ý tôi thiên về một phương án trung gian: hợp tác chặt chẽ với các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ (và có thể một số nước khác), đồng thời huy động sự đóng góp của trí thức Việt kiều, để xây dựng chỉ một trường, ít nhất là trong 5-7 năm tới. Lúc đầu chưa cần qui mô lớn mà có thể xây dựng từng phần, với quy mô nhỏ, nhưng cái gì đã làm thì phải đạt chuẩn mực quốc tế (có nước có đại học ĐCQT xây dựng 5 năm cũng chỉ mới có qui mô vài trăm sinh viên). Có thể lựa chọn để làm trước một số ngành có điều kiện thuận lợi, nhờ trong nước đã phát triển khá, hoặc nhờ có thể dựa vào sự hợp tác hiệu quả của ngành đó ở một nước tiên tiến, rồi dần dần mở rộng ra các ngành khác. Nhưng ngay từ đầu nên có cả hai cấp đào tạo cử nhân và sau cử nhân. Nếu không có cấp sau cử nhân thì trường sẽ khó thu hút được các nhà khoa học giỏi tới dạy, khó tạo dựng không khí học thuật sôi động trong trường. Ngược lại, nếu không có cấp cử nhân thì khó tuyển được sinh viên giỏi ở đầu vào, và thiếu sinh viên giỏi thì cũng khó thu hút được thầy giỏi tới dạy. Hơn nữa, cấp cử nhân cũng là nơi các phương pháp đào tạo mới cần được thực hiện, làm hoa tiêu cho các đại học khác tham khảo áp dụng.
Cần sự quan tâm và cam kết trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất
Xây dựng một đại học mới đạt chuẩn mực quốc tế cũng giống như xây dựng một nhà máy hiện đại nhập công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Muốn dự án này thành công, cần phải có sự quan tâm đặc biệt và sự cam kết trực tiếp của Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc khi xây dựng Viện công nghệ KIST hay kinh nghiệm của Singapore khi xây dựng Đại học quốc gia Singapore, thiếu điều kiện ấy thì rất khó vượt qua nhiều cản trở không dự đoán được, chắc chắn sẽ xuất hiện trong quá trình thực hiện.
Dự án cần có quy chế riêng, không phụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và được bảo đảm những điều kiện hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ cả về chuyên môn, tài chính và nhân sự. Sự kiểm tra của Chính phủ chủ yếu theo lối hậu kiểm, giống như đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Đại thể quá trình xây dựng gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn thành lập, khoảng vài năm, từ lúc bắt tay xây dựng cho đến lúc thành hình một cơ cấu đại học có thể hoạt động bình thường. Giai đoạn này toàn bộ công việc vạch kế hoạch, quản lý, điều hành, tìm nguồn ủng hộ tài chính bổ sung, quan hệ với các đối tác, v.v…, cần được ủy thác cho một ban đặc nhiệm (tạm gọi là ban thành lập) có đủ quyền, đủ khả năng và đủ uy tín. Đến khi thành hình rồi thì việc vận hành sẽ giao lại cho Hiệu trưởng và Hội đồng quản trị được tổ chức theo quy chế tương tự như ở các đại học tiên tiến của các nước.
Để tranh thủ tối đa sự hợp tác và giúp đỡ của các đại học hàng đầu ở Mỹ và các nước tiên tiến khác, ban thành lập trường cần có sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín quốc tế, tiêu biểu ở các đại học hàng đầu của các nước tiên tiến. Còn về phía VN, tôi nghĩ ta cũng không nên câu nệ, người ở trong ban này về phía VN có thể là người Việt ở trong hay ngoài nước, miễn sao đủ uy tín khoa học, có tầm nhìn rộng, có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, khoa học của VN và có điều kiện làm tốt công việc mà ta kỳ vọng nếu được trao đủ quyền. Như ý kiến của GS Bùi Trọng Liễu mà tôi rất tán thành, nhiệm vụ ngắn hạn của ban thành lập làm tăng tính vô tư của họ, tránh được những phiền phức như đã từng xảy ra trong quá khứ, khi việc thực hiện một ý tưởng tốt được giao cho những người thiếu công tâm, lại không đủ tầm, cho nên thất bại.

(1) Trước đây, dựa vào chính sách “hữu nghị” ấy một số khá đông PTS và TS của ta được đào tạo ở các nước Đông Âu thời đó chưa đạt  trình độ tiêu chuẩn. Tuy ngắn hạn điều đó có giải quyết được một số nhu cầu bức thiết,  nhưng về lâu dài có hại nhiều hơn lợi (đó chính là một nguyên nhân  làm cho bộ máy quản lý của ta có quá nhiều người bằng cấp đầy mình nhưng trình độ kém, lại được trao trách nhiệm lãnh đạo, nên chủ quan, bảo thủ và dễ dị ứng với tài năng đích thực, cản trở bước tiến của giáo dục, khoa học).

(2) Chỉ vài năm gần đây  Mỹ, Úc và các nước Châu Âu đã xuất khẩu hàng loạt đại học sang Trung Quốc, Đông Nam Á, và khối các nước Trung Đông. Nhiều đại học ở Châu Âu đưa vào nhiều chương trình quốc tế, dạy bằng tiếng Anh. Thậm chí có những đại học ở một vài nước phương Tây được bán hẳn cho một vài công ty Mỹ chuyên kinh doanh đại học.

 

 

 

Thế nào là đại học đẳng cấp quốc tế?


Để xác định phạm vi thảo luận, xin nói rõ đại học bàn ở đây có người gọi là  đại học mới, có người gọi là đại học hàng đầu (“top tier university”) hay đại học chất lượng cao (CLC), gần đây nhiều người thường nói đại học đẳng cấp quốc tế (ĐCQT), nên tôi cũng xin tạm dùng từ này. Tuy nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nội dung chính, theo tôi hiểu, là đại học đạt các chuẩn mực quốc tế về các mặt:
– Cơ sở vật chất (khuôn viên trường, nhà sở, thư viện, phòng thí nghiệm, điều kiện sinh hoạt và làm việc của thầy và trò).

– Môi trường học thuật (thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật sôi nổi, tự do, quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi).

– Trình độ, năng lực giáo sư và giảng viên

– Trình độ, chất lượng sinh viên tuyển vào và sinh viên ra trường.

Hơn nữa, đó phải là loại đại học nghiên cứu (research university), nghĩa là không những chỉ có giảng dạy, đào tạo, mà đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ. Một đại học như thế, về cơ bản, có thể sánh ngang các đại học trung bình ở các nước tiên tiến phương Tây. Như thế cũng đã quá tốt và không dễ gì thực hiện. Cụm từ top tier tuy có nghĩa là hàng đầu nhưng ở đây chỉ nên hiểu là hàng đầu trong khu vực chứ chưa phải lúc nhằm tới hàng đầu trên thế giới.

Hoàng Tụy
Nguồn tin: Thanh Hà (ghi)

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)