An Giang ươm giống thành công loài cá rô biển

Đó là kết quả từ đề tài nghiên cứu “Sản xuất giống cá rô biển” do Ths Phan Phương Loan, trường ĐH An Giang làm chủ nhiệm. Sau hai năm nghiên cứu, An Giang đã tạo được con giống để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và bảo tồn nguồn cá nước ngọt bản địa.  

Không chỉ có giá trị kinh tế cao, cá rô biển có khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi của môi trường sống, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay ở khu vực ĐBSCL. Trên thực tế, cá rô biển có thể sống trong điều kiện nước lợ, thậm chí là nước ngọt. Tuy nhiên do khai thác quá nhiều, con cá rô biển đang hiếm dần và nếu không tìm cách bảo tồn, nhân giống có khả năng mất đi nguồn lợi thủy sản của các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là An Giang.

Trong quá trình nghiên cứu, Ths Phan Phương Loan đã tìm ra quy trình sinh sản giống cá rô biển, từ nuôi vỗ, kích thích sinh sản nhân tạo và ương giống. Để thực hiện thành cồng quy trình này, Ths Phan Phương Loan phải nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục cá rô biển trong điều kiện nhân tạo từ cá bột lên cá giống.

Kết quả nghiên cứu tại An Giang đã đạt các thông số kỹ thuật đáng chú ý như tỷ lệ thành thục cá bố mẹ đạt trên 50%, tỷ lệ thụ tinh đạt 50-60%; tỷ lệ nở 60-80%; tỷ lệ cá giống đạt 20-30%; kích cỡ cá giống đạt 3-5cm.

Hoàn thành đề tài, kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Trung tâm Giống thủy sản An Giang quy trình kỹ thuật sản xuất con giống, bàn giao 20.000 cá giống, 50kg cá bố mẹ. Trung tâm sẽ đảm trách nhiệm vụ sản xuất cung cấp giống cho người nuôi.

Được biết, trước đây Ths Phan Phương Loan từng nghiên cứu thành công đề tài “Ương giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu”, xây dựng quy trình công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu, góp phần chủ động sản xuất và cung cấp con giống có chất lượng cho người sản xuất trong các mô hình nuôi (bè và ao đất) và phát triển đa dạng loài nuôi.

                               

 

 

Tác giả

(Visited 58 times, 1 visits today)