Bán và cho thuê đất, họa hay phúc?
Một diện tích đất tương đương 45 triệu sân bóng đá đang được cho thuê trên toàn thế giới để rồi phần lớn bị bỏ không chờ cơ hội đầu tư thích hợp. Khái niệm “cướp đất” (land grabbing) đã ra đời, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn chưa thống nhất được với nhau về định nghĩa của nó.
Nhà đầu tư sẽ xuất khẩu và tùy theo biến động giá cả trên thị trường thế giới, họ sẽ trồng lúa mì hay các loại cây trồng khác để thu được lợi nhuận tối đa.
Một vấn đề khác, theo nguồn tin của Hội về các chủng tộc bị đe dọa (GfbV) của Đức, ở phía tây nam Ethiopia có tổng cộng khoảng 60.000 thổ dân phải di dời để dành chỗ cho các nhà đầu tư mới. Năm ngoái GfbV đã chính thức lên tiếng phản đối sự vi phạm nhân quyền tại đây.
Tình hình ở Ethiopia cho thấy rõ: việc cho các nhà đầu tư thuê đất – đang diễn ra ở khắp châu Phi và những nơi khác trên thế giới – không hề “ngon ăn” như người ta tưởng. Ngày càng có nhiều đất đai rơi vào tay các nhà đầu tư trong khi người dân bản địa hầu như không được hưởng một chút lợi ích nào. Vì vậy người ta gọi hiện tượng này là “cướp đất”, ngôn từ tiếng Anh là “land grabbing”.
45 triệu sân bóng đá
Land-Matrix, một trong những tổ chức độc lập cung cấp số liệu về vấn đề chuyển nhượng đất đai, cho biết, tổng diện tích đất đã cho thuê trên toàn thế giới là 32,8 triệu hectare – tương đương 45 triệu sân bóng đá.
Tổ chức Cứu trợ nạn đói thế giới (Welthungerhilfe) của Đức thì đề cập con số 200 triệu hectare đã bị bán hay cho thuê trên toàn thế giới. Kể từ năm 2009, các nhà đầu tư đẩy mạnh việc mua và thuê đất, xuất phát từ cuộc khủng hoảng lương thực thời kỳ 2007 và 2008 – khi đó giá ngô, lúa mì và gạo tăng gấp đôi.
Người thuê đất thường là các công ty đầu tư lớn, quỹ hưu trí và doanh nghiệp nhà nước. Họ thường “săn” đất ở các nước đang phát triển ở châu Phi và Nam Mỹ, nhưng theo một nghiên cứu đang được xúc tiến thì cả một số nước Đông Âu như Ukraine, Hungary và Romania cũng nằm trong tầm ngắm.
Không có gì khó hiểu khi các hoạt động kinh doanh đất đai bị dư luận chỉ trích và phản đối dữ dội. Nhiều tổ chức muốn tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ, còn Liên hợp quốc đã phải công bố những hướng dẫn “về trách nhiệm to lớn trong việc quản lý đất đai, quyền sử dụng đất, nguồn lợi thủy sản và rừng”.
Chưa có định nghĩa thống nhất
Tuy nhiên việc chống lại nạn “cướp đất” hoàn toàn không dễ dàng. Ngay cả định nghĩa một cách thống nhất về khái niệm này hiện cũng chưa có, gây khó khăn cho các tổ chức phản đối hành động “cướp đất”.
Trong khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) chỉ đề cập khái niệm “cướp đất” khi diện tích chuyển nhượng trên 1.000 hectare thì tổ chức phi lơi nhuận GRAIN (Tây Ban Nha) trong nghiên cứu “Cướp đất và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu” (Land grabbing and the global food crisis) lại coi những vụ chuyển nhượng trên 10.000 hectare mới là cướp đất, còn Land-Matrix lấy con số trên 200 hectare làm cơ sở. Thế nhưng, tổ chức cứu trợ Oxfam lại cho rằng, việc đề cập bất kỳ số liệu nào nói trên đều sai – định nghĩa cướp đất của Oxfam là: “Đầu tư vào đất nông nghiệp thuê hoặc mua, trong đó nhà đầu tư không quan tâm đến quyền lợi và nhu cầu của những người dân từng canh tác hoặc sinh sống trên diện tích đó.”
Để giải quyết vấn đề, cần đối mặt trực tiếp với doanh nghiệp thực hiện đầu tư. Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó vì thường không biết ai là người thực sự đứng đằng sau các vụ mua bán, cho thuê. Theo thông tin của Land-Matrix thì các nước thuộc khối OECD – trước hết là Mỹ, Anh – và một số quốc gia mới nổi như Malaysia và Ấn Độ, đóng vai trò to lớn trong việc thuê, mua đất.
Hồi tháng ba năm nay, theo nguồn tin của tổ chức môi trường thế giới Global Witness, vụ liên doanh của Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) bị lộ diện. Công ty con của ngân hàng này là DWS Investment GmbH cùng với hai liên doanh là doanh nghiệp cao su của Việt Nam bị tố “cướp đất” ở Campuchea. Cách đây ba năm, Deutsche Bank cũng từng bị chỉ trích về những vụ làm ăn tương tự ở Thái Lan khi liên doanh với nhà sản xuất đường ăn KSL tại đây.
Bị bỏ hoang
Đối với nhà đầu tư, triển vọng kinh doanh trong nông nghiệp khá sáng sủa vì dân số thế giới không ngừng tăng, kéo theo nhu cầu về lương thực thực phẩm, bảo đảm đầu tư vào lĩnh vực này sẽ có lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, việc kinh doanh nhiên liệu sinh học cũng là một động lực thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ tiền vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên các nhà đầu tư dường như còn nằm yên chờ thời cơ. Theo Land-Matrix, đến nay phần lớn những diện tích đất đã được thuê vẫn để hoang, hầu như chưa trồng trọt gì. Trong tổng số 32,8 triệu hectare, việc canh tác mới được tiến hành trên 1,7 triệu hectare.
Các nhà khoa học đánh giá việc chuyển nhượng đất đai về cơ bản không có gì xấu. Họ nêu lí do tương tự như ý kiến của chính phủ Ethiopia: “Trong một thời gian dài, ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia châu Phi đã bị sao nhãng và giờ đây nhu cầu đầu tư rất lớn. Đòi hỏi này phần nào có thể được thỏa mãn thông qua những dự án lớn.” Thực tế là 85% trong số 90 triệu dân Ethiopia làm nông nghiệp, nhưng thu hoạch vẫn không đủ ăn, vì kỹ thuật quá lạc hậu. Hằng năm luôn có đến hàng triệu người Ethiopia phụ thuộc vào viện trợ lương thực của nước ngoài và Ethiopia hiện là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Khoảng 80 % trong số 2,5 tỷ nông dân ở các nước đang phát triển làm ăn nhỏ lẻ, không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đồng ruộng mà họ canh tác từ đời này qua đời khác để tồn tại. Đất đai ở đây chính thức thuộc sở hữu nhà nước. Việc người nông dân không có giấy tờ chứng minh chủ quyền đối với mảnh ruộng của mình cộng với cấu trúc quản lý chuyên chế tạo nên điều kiện lý tưởng cho nạn “cướp đất” và hủy hoại thiên nhiên mà Ấn Độ là một thí dụ.
Ấn Độ là nước sớm có chiến lược về “nhiên liệu sinh học” với mục tiêu đến năm 2017, nhiên liệu sinh học phải trộn 20 % ethanol (hiện nay tỷ lệ này là 10%). Cây cọc rào (Jatropha) là cây chủ lực để làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học. Người ta đánh giá đây là một giống cây có thể xanh tươi trên những vùng đất đai cằn cỗi, khô hạn, thậm chí cả ở những nơi bị coi là sa mạc. Năm 2004, hãng sản xuất ô tô Daimler Benz (Đức) đã mở chiến dịch quảng bá cho giống cây kỳ diệu này bằng việc cho một chiếc Mercedes-Nobellimousine chạy xuyên tiểu lục địa Ấn Độ bằng nhiên liệu chế tạo từ Jatropha. Chính phủ Ấn Độ dự kiến về lâu dài sẽ dành 39 triệu hectare đất để trồng Jatropha. Cùng với các tập đoàn ADM của Mỹ và Bayer của Đức, tập đoàn Daimler chủ trương đầu tư lớn để trồng Jatropha ở Ấn Độ. Hãng D1 Oil của Anh và người khổng lồ BP cũng đã cùng với công ty con D1 BP Fuel Crops của Ấn Độ trồng 150.000 hectare Jatropha ở nhiều bang của nước này. Hãng Naturol Bioenergy Limited, một liên doanh của Mỹ và Áo, được chia 120.000 ha để trồng Jatropha. Tuy nhiên những kết quả thu được từ việc trồng Jatropha ở Ấn Độ lại rất khiêm tốn. Dự án công tư hỗn hợp ở bang Chhattisgarh thuộc miền trung Ấn Độ bị phá sản. Theo kế hoạch, đến năm 2012, trên đất “hoang hóa” ở đây phải trồng 1 triệu ha Jatropha nhưng ba năm qua người ta chỉ trồng được 100 triệu cây trên 40.000 ha, vả lại có tới 50% số cây bị chết. Trong khi đó, cơ quan trồng rừng chịu trách nhiệm về chương trình Jatropha ở đây đã dùng kế hoạch này làm đòn bẩy xua đuổi người dân bản địa để lấy đất trồng cây làm nhiên liệu. Sự phản đối của người dân bị cướp đất đã làm cho dự án không thể tiến triển. |