Các “quỷ máy” tạo công ty khởi nghiệp làm biến đổi thế giới
Những đôi bạn trẻ Steve Wozniak - Steve Jobs, Paul Allen - Bill Gates đã tạo ra những chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới. Hơn thế nữa, các Công ty Apple và Microsoft của họ đã đóng vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng tin học trong suốt hơn 50 năm qua.

Từ những trò tinh quái
Thật khó tin rằng hơn 50 năm trước, cả hành tinh này không hề có một chiếc máy tính cá nhân nào. Kể từ khi chiếc máy tính cá đầu tiên ra đời năm 1975, cuộc cách mạng tin học đã làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của xã hội. Nhưng điều tuyệt vời nhất là nó xảy ra một cách tình cờ do bởi một nhóm những thanh niên tinh nghịch và đam mê kỹ thuật, và câu chuyện đó đã được kể lại trong bộ phim tài liệu “Triumph of the Nerds (tạm dịch là ‘Khúc khải hoàn của những quỷ máy1)” phát hành năm 1996 của hãng truyền hình PBS, Mỹ.
Trước năm 1975, tất cả máy tính đều có kích thước lớn bằng cả một căn phòng hay chí ít một chiếc tủ lớn. Chúng được gọi là máy tính chủ (mainframe computers) có giá từ vài trăm ngàn cho tới hàng chục triệu đô la, được bảo vệ nghiêm ngặt tại bộ quốc phòng, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm ngân hàng … . Để cho máy tính chủ hoạt động, các dữ liệu phải được đưa vào dưới dạng mã nhị phân chỉ chứa các số một và số không. Máy thực hiện các thao tác theo thứ tự chính xác được hướng dẫn bởi các lệnh cũng dưới dạng các mã, được gọi là chương trình. Vào thời kỳ đầu tiên, các hướng dẫn được thực hiện bằng cách bật và tắt các công tắc và sau đó bằng các cuộn băng giấy có đục lỗ bởi một thứ gọi là ngôn ngữ máy. Vì thế, lúc bấy giờ máy tính rất khó sử dụng với hầu hết tất cả mọi người, kể cả những kỹ sư và các nhà khoa học. Chiếc máy tính điện tử đầu tiên của quân đội Mỹ, chiếc ENIAC chỉ mất hai mươi giây để tính toán quỹ đạo của một quả đạn pháo nhưng cần mất hai ngày để lập trình. Tệ hơn nữa, mỗi loại máy tính lại dùng một ngôn ngữ máy khác nhau. Năm 1952, một nữ khoa học gia của Hải quân Hoa Kỳ tên là Grace Hopper đã phát minh ra một ngôn ngữ máy tính, để máy tính có thể tự dịch lệnh bằng tiếng Anh ra các mã nhị phân. Lúc này, người sử dụng có thể nhập toàn bộ các lệnh vào máy thay vì phải bật lên bật xuống các công tắc. Ngôn ngữ đầu tiên đó có tên là COBOL, tiếp theo là các ngôn ngữ khác như FORTRAN và BASIC làm cho máy tính thân thiện hơn một chút với người sử dụng. Vào đầu những năm 1970, một số trường học ở Mỹ đã bắt đầu xuất hiện những trạm kết nối với máy tính chủ cho phép học sinh học các chương trình tính toán đơn giản.

Đa số học sinh không quan tâm đến việc máy tính thực hiện những phép tính như thế nào. Nhưng đối với một vài cậu học trò tinh quái và ham hiểu biết thì đó quả là một thế giới bí hiểm cần phải khám phá. Hai người bạn Steve Wozniak (Woz) và Steve Jobs là một trong số những người như thế. Woz kể lại “tôi mang cuốn sách mô tả máy tính PDP 8 về nhà và ôi, nó giống như một cuốn kinh thánh đối với tôi vậy… . Tôi đam mê những mô tả chi tiết bên trong máy.” Còn Jobs thì kể “…bạn nhập các lệnh vào và đợi một lúc, rồi sẽ nghe tiếng phát ra tạch tạch … và nó sẽ cho bạn biết những kết quả đơn giản, nhưng ngay cả như vậy thì nó vẫn rất đặc biệt – nhất là với một đứa trẻ mười mấy tuổi, rằng bạn có thể viết một chương trình bằng Basic hoặc Fortran và cỗ máy sẽ thực hiện ý muốn của bạn và đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị…. Đó là vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 70, là lúc tôi đang trưởng thành.”
Đôi bạn mới tốt nghiệp trường trung học đó là những nhà sáng lập tương lai của công ty Apple. Woz là một tay phù thủy về máy móc còn Jobs là người có tầm nhìn đã sớm thấy tương lai của máy vi tính. Nhưng máy tính không phải là doanh nghiệp đầu tiên của họ. Woz & Jobs đã từng chế tạo một thiết bị để lừa công ty điện thoại – họ gọi đó là ‘Hộp Xanh’.
Một hôm, họ tìm thấy trong thư viện của đại học Stanford, một tạp chí kỹ thuật của AT&T trình bày toàn bộ một kỹ thuật mà theo Jobs kể lại “đó là một khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên – chúng tôi đã nhìn thấy và nghĩ rằng ‘Chúa ơi, tất cả đều là sự thật’ và thế là chúng tôi bắt đầu chế tạo một thiết bị gọi là ‘Hộp Xanh’ có thể gọi điện miễn phí đến bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Woz kể “…Tôi gọi sang Italy và hỏi số của tòa thánh Vatican và cuối cùng đã gọi được đến Vatican. Tôi nói ‘đây là Henry Kissinger – tôi muốn nói chuyện với Đức Giáo hoàng về chuyến thăm thượng đỉnh sắp tới, và các nhân viên hốt hoảng nói ôi trời, xin ngài đợi một chút, chúng tôi phải đánh thức Đức Giáo hoàng dậy. Lúc đó khoảng 4:30 sáng ở Italy’ …” Sự kiện này với Jobs là “Những gì chúng tôi học được là chúng tôi có thể tự mình chế được thứ gì đó có thể điều khiển cả hệ thống trị giá hàng tỷ đô la trên thế giới, bạn biết đấy, chúng tôi chẳng là gì, vậy mà chúng tôi có thể chế một thứ nhỏ bé có thể điều khiển cả một thứ khổng lồ và đó là một bài học đáng kinh ngạc. Tôi nghĩ sẽ không có Apple nếu không có ‘Hộp Xanh’”.
Chiếc máy Apple 1 đầu tiên rất thô sơ. Woz chế tạo nó vào tháng 7/1976 để gây ấn tượng với bạn bè tại câu lạc bộ điện tử nghiệp dư. Mọi người rất quan tâm, tụ tập xung quanh và hỏi han về chiếc máy tính. Jobs nhận thấy có nhiều người thích và anh đã bàn với Woz bán chiếc máy còn Jobs thì bán chiếc xe cũ của anh để lập ra công ty Apple, ngay trong gara nhà bố mẹ của Jobs.
Apple 1 thậm chí còn kém hơn cả một cái hộp với các bảng mạch đơn giản có tên là Altair 8800 không có bàn phím lẫn màn hình đang khá phổ biến trong giới chơi điện tử nghiệp dư lúc bấy giờ. Tuy vậy, họ đã bán được 50 chiếc Apple 1 và lên kế hoạch cho một chiếc máy tính thực sự – Apple 2.

Cuộc cạnh tranh tạo ra đột phá
Trước đó, đầu năm 1975 đã xuất hiện trên thị trường một chiếc máy Altair 8800 được quảng cáo là chiếc máy tính tay (calculator), với các chức năng cực kỳ đơn giản. Sự xuất hiện của Altair cũng chính là lý do để Microsoft lừng danh không kém Apple đã ra đời vào tháng 4 năm 1975.
Câu chuyện thực ra đã bắt đầu từ năm 1970 khi Ed Roberts giải ngũ từ phòng thí nghiệm của Không quân Hoa kỳ và lập ra công ty MITS chế tạo các thiết bị điện tử. MITS đã có mặt hàng bán khá chạy là các máy tính tay. Tuy vậy, đến năm 1972, gã khổng lồ Texas Instruments đã tung ra thị trường các máy tính tay nhỏ đẹp và chỉ sau vài năm đã đẩy MITS đến bên bờ phá sản.
Cũng vào thời gian này, tạp chí Popular Electronics vốn được giới chơi điện tử nghiệp dư rất yêu thích bị tờ báo Radio Electronics cạnh tranh quyết liệt. Tạp chí đã quyết định phải thay đổi cách đăng bài và đưa tin bằng cách tìm đến các nhà kỹ thuật có tiếng và đặt bài về các máy mới. Tháng 10 năm 1974 tạp chí liên lạc với Roberts và hỏi xem MITS có thiết bị mới nào để đăng vào số cuối năm. Nhận thấy đây là một cơ hội quan trọng, Roberts cho biết ông đang chuẩn bị cho ra một loại máy tính tay sử dụng các chip 8080 mới của Intel. Sau những mô tả vắn tắt, Popular Electronics đồng ý sẽ đăng bài về chiếc máy đó vào số tháng 12/1974 và yêu cầu MITS gửi cho họ chiếc máy mà trên thực tế còn chưa thiết kế. Ngay lập tức, Roberts và một kỹ sư đã thiết kế và chế ra chiếc máy tính khá đơn giản, không có bàn phím cũng như không có màn hình. Phía trước máy có các công tắc ứng với các số và nút điều khiển. Chẳng hạn, bạn có thể bật công tắc số 2 và công tắc cộng rồi bật số 2 để tính (2+2) và bóng đèn ở số 4 sẽ sáng lên cho kết quả 2+2 = 4. Vì quá bận, Roberts để mặc cho tạp chí đặt tên cho chiếc máy, và cái tên Altair là do cô con gái 12 tuổi của tổng biên tập đặt, lấy tên một địa danh trong bộ phim Star Trek mà cô bé mới xem tối hôm trước.
Một tháng sau, Roberts gửi chiếc máy bằng đường bưu điện từ tiều bang New Mexico cho tạp chí ở New York. Nhưng chiếc máy đã bị thất lạc do nhân viên bưu điện bãi công và thế là Popular Electronics đành phải đăng các bức ảnh do MITS gửi chứ không phải do họ chụp như kế hoạch. Số báo tháng 12/1974 với bức ảnh của Altair 8800 ngay trang bìa thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới ham mê chơi điện tử nghiệp dư. Roberts kể lại “Chúng tôi đến ngân hàng vay 65.000 và họ hỏi tôi nghĩ sẽ bán được bao nhiêu chiếc trong năm tới. Tôi nói tám trăm là con số mà tôi nghĩ là lạc quan quá mức. Vậy mà, chỉ trong vòng một tháng, chúng tôi đã nhận được 250 đơn đặt hàng mỗi ngày.” Nhiều người phải lái xe từ các tiểu bang khác đến cắm trại ngoài bãi đậu xe của thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico, chờ đến lượt nhận máy.

Tuy vậy, vào lúc này, Altair vẫn chỉ là một thứ đồ chơi cho giới điện tử nghiệp dư. Để nó trở thành một thiết bị có thể sử dụng một cách hữu ích thì cần có một ngôn ngữ lập trình để người dùng có thể nhập chương trình điều khiển máy thay vì phải bật tắt các công tắc. Những gì Altair cần là một phiên bản của một ngôn ngữ chẳng hạn ngôn ngữ BASIC sử dụng cho máy tính chủ với các sửa đổi phù hợp cho Altair, hay còn gọi là trình thông dịch BASIC. Nhưng, lúc bấy giờ trình thông dịch như vậy vẫn chưa tồn tại. Các chuyên gia máy tính cho rằng bộ nhớ của Altair không đủ để chạy một chương trình thông dịch như thế. Và hai anh bạn trẻ là Paul Allen và Bill Gates đã chứng minh điều ngược lại. Trên thực tế, chip Intel 8080 chứa hơn một triệu transistor (bóng bán dẫn) có chức năng rất mạnh. Các con chip silicon chính là sức mạnh của máy tính cá nhân và đó là lý do tại sao người ta gọi “Thung Lũng Silicon” chứ không phải thung lũng máy tính.
Paul Allen kể lại “Một hôm, tôi đang ở Quảng trường Harvard (Boston), tôi nhìn thấy trang bìa của tạp chí Popular Electronics có ảnh chiếc máy Altair. Tôi lấy nó ra khỏi kệ, xem qua và trả tiền rồi chạy về ký túc xá đại học Harvard để gặp Bill. Tôi nghĩ bụng có lẽ anh chàng đang chơi bài poker vào tối đó và chắc đang thua tiền …” Khi xem qua bài báo, Bill Gates nhận thấy ngay rằng chiếc máy đó cần một phần mềm thông dịch và cần phải gọi ngay cho MITS. Paul Allen kể “Chúng tôi gọi cho họ và nói rằng chúng tôi có chương trình Basic cho máy của các anh, và nó sắp hoàn thành. Chúng tôi có thể đến trình diễn cho các anh xem.”
Và thế là, theo Bill Gates “Chúng tôi vội lập ra trình thông dịch BASIC đó. Paul đem cuộn băng chương trình bay đi gặp họ. Đêm trước hôm bay, trong khi anh ấy ngủ tôi đã kiểm tra lại mọi thứ để đảm bảo không có sai sót gì.” Nhưng cả hai đều hết sức lo lắng vì họ không biết chắc máy sẽ hoạt động như thế nào: phần mềm đó chưa từng được chạy thử trên máy tính nào cả. Khi Allen đến tất cả kỹ sư của MITS đã tập trung và cũng rất căng thẳng. Allen đặt ngón tay lên các công tắc và tải cuộn băng giấy trình thông dịch BASIC vào máy, gõ lệnh ‘2 + 2’ và màn hình cho kết quả ‘4’. Sau một vài lệnh đơn giản khác, tất cả mọi người đều òa lên vui sướng. Bill Gates nói “Thật tuyệt vời khi Paul gọi điện cho tôi và nói rằng máy đã hoạt động ngay lần đầu tiên. Và tất nhiên, nó cực kỳ nhanh. Thật không thể tin được. Việc chiếc máy thực sự hoạt động là một bước đột phá.” Theo David Bunnell, tổng biên tạp chí tạp chí PC World thì ““ Có lẽ sẽ không có Microsoft nếu hôm đó màn hình không hiện lên gì cả, ai mà biết được, mọi thứ có thể sẽ rất khác.”
Sau buổi trình diễn thành công, một hợp đồng được ký kết giữa MITS và Micro Soft vừa mới thành lập (04/4/1075) bởi Bill Gates (vừa mới 19 tuổi) và Paul Allen (21 tuổi). Hơn thế nữa, sợ bỏ lỡ cơ hội thống trị một ngành công nghiệp mới ra đời, Bill Gates đã quyết định dừng việc học hành tại đại học Harvard của mình. Anh cùng Allen đến thuê một phòng trọ của Sundowner Motel đối diện với MITS, trong một khu phố tồi tàn cạnh những quán bar với các cô gái mại dâm và những kẻ buôn ma túy ở góc phố của thành phố Albuquerque, New Mexico. Họ tuyển thêm vài người bạn, tất cả còn rất trẻ, tràn đầy năng lượng. Họ làm việc suốt đêm, mở nhạc đinh tai nhức óc. Khi rảnh rỗi, cả bọn nhảy lên xe đến quán ăn rồi đi xem phim hành động. Có những hôm Bill Gates ngủ luôn trên sàn phòng làm việc. Chính ở đó, họ đã viết BASIC cho máy tính Altair và Micro Soft đã cất cánh và sau này trở thành Microsoft lừng danh. Ngày nay, Microsoft là công ty lớn thứ 2 toàn cầu với trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đô la.
Sau này nhìn lại, nhà đồng sáng lập Intel, Gordon Moore kể lại một cách tiếc nuối vì đã bỏ lỡ cơ hội chế tạo máy tính cá nhân đầu tiên, dù chính những con chip của Intel đã làm nên lịch sử. “ Nhìn lại, tôi biết có một cơ hội khi một kỹ sư đến gặp tôi đề xuất ý tưởng về một chiếc máy tính dùng trong gia đình. Tất nhiên, khi đó nó chưa được gọi là máy tính cá nhân. Mặc dù anh ấy rất tin tưởng vào điều đó, ví dụ duy nhất về tiện ích của nó mà anh ta có thể nghĩ ra là các bà nội trợ sẽ lưu trữ công thức nấu ăn của họ trong máy. Và tôi không thể tưởng tượng nổi việc vợ tôi lưu giữ các công thức nấu ăn của cô ấy trên một chiếc máy tính đặt trong bếp. Chúng tôi không thấy những chiếc máy tính đó có bất kỳ ứng dụng thực tế nào, vì vậy Intel đã không theo đuổi ý tưởng đó.”
Trong khi đó, sau thành công khiêm tốn của Apple 1, Steve Jobs ấp ủ giấc mơ tạo ra một chiếc máy tính cá nhân Apple 2. Nhưng để chiếc máy tính thực hiện được những chức năng mong muốn cần phải có rất nhiều chip, khiến sản phẩm trở nên quá phức tạp và tốn kém. Woz đã tìm cách thu nhỏ và giảm số lượng chip trong thiết kế “tôi thấy có thể sử dụng một chip thay vì năm chip, và cứ thế tiếp tục. Khi hoàn thành, tôi nói với Jobs, cậu có thể lập trình để tạo ra các mẫu hình màu, hoặc chơi trò chơi hoặc bất cứ thứ gì đó… Jobs nói chúng tôi có thể bán được một nghìn chiếc máy tính như thế mỗi tháng. Nhưng chúng tôi cần vài trăm nghìn đô la. Đó là số tiền lớn đối với cả hai đứa, thậm chí đến một tài khoản ngân hàng 400 đô la cũng không có”.Và thế là họ tìm đến gặp Arthur Rock, người phát minh ra “Quĩ đầu tư mạo hiểm” và cũng là nhà tài trợ đầu tiên cho công ty Intel. Nhưng, theo Arthur Rock chí ít thì những chàng trai sáng lập ra Intel cũng đã tốt nghiệp đại học và mang những bộ vest, trong khi đó thì Jobs “Anh ta đi dép xăng đan và có mái tóc dài, rất dài, có râu và ria mép, nhưng ăn nói rất lưu loát… và khi tôi gặp anh ta lần đầu tiên, có lẽ là anh ta chỉ toàn ăn trái cây” ngụ ý là Jobs lúc đó nhìn xanh xao. Vậy mà ông đã bị Jobs thuyết phục và Apple 2 đã ra đời và được sản xuất.
Hai năm đã trôi qua với biết bao thay đổi, kể từ khi Altair và Microsoft ra đời năm 1975 cho đến sự ra đời của Apple năm 1976 và chiếc máy tính Apple 2 năm 1977. Thế giới công nghệ đã chuyển từ một chiếc máy tính tay của những người chơi máy tính nghiệp dư sang một chiếc máy tính, về cơ bản trông không khác gì những chiếc máy tính cá nhân mấy chục năm sau, và chúng ta phải cảm ơn Steve Jobs vì điều đó. Khiếu thẩm mỹ của Jobs cùng với tài năng thiết kế kỹ thuật của Steve Wozniak đã biến Apple 2 thành một hiện tượng. Apple 2 được ra mắt tại West Coast Computer Faire 1977 – một trong những hội chợ triển lãm máy vi tính lớn đầu tiên. Triển lãm năm 1977 đã thu hút hàng ngàn người và nhiều công ty tham gia triển lãm. Steve Jobs đã thương lượng để có được một vị trí đắc địa ngay cạnh lối ra vào. Tại đó, trên chiếc bàn nhỏ là chiếc Apple 2 đã làm mê hoặc tất cả những ai nhìn thấy nó, dường như có một vầng hào quang xung quanh nó. Sau này Jobs kể lại “Tôi nhớ lại là chúng tôi đã chiếm toàn bộ sự thu hút của cuộc triển lãm. Các nhà phân phối đã tranh nhau đặt hàng và Apple bắt đầu cất cánh.” Ngày nay, Apple là công ty lớn nhất toàn cầu với trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la.
Cũng giống như nhiều đột phá bất ngờ trong lịch sử, những chiếc máy tính cá nhân khởi đầu cho cuộc cách mạng tin học không phải do những thần đồng, cũng không phải do các bậc học giả cao quí tạo ta, mà chính là do những kẻ nghịch ngợm nhưng ham hiểu biết và đầy khát vọng. Chính họ đã khởi xướng một cuộc cách mạng công nghiệp và làm thay đổi văn hóa, lối sống và kinh doanh, và chính họ đã làm nên lịch sử. □ (Còn tiếp)
New York, 16/4/2025,
———
* TS Nguyễn Trung Dân là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm R&D Corning, Mỹ.
Chú thích
1. https://archive.org/details/triumph_of_the_nerds
2. Chú thích của người viết: “nerds” trước đây thường được dùng để chỉ những người ham đọc sách hiểu sâu biết rộng, hay còn gọi là “mọt sách”; cũng được gọi là “thần đồng” thông minh xuất chúng. Tuy vậy, vào những năm 1970, từ này hay được dùng để chỉ các thanh niên đam mê khám phá các thiết bị điện tử và máy tính. Các thanh niên này dù rất giỏi máy móc, kỹ thuật nhưng nhiều người rất nghịch ngợm, thậm chí học hành không đến nơi đến chốn. Vì thế, chúng tôi tạm dùng từ “quỷ máy” hay “quái máy” để mô tả những mẫu người như thế ở trong bài này.
Bài đăng Tia Sáng số 9/2025