Cây bần chứa nhiều hợp chất quý chống ô xy hóa, kháng khuẩn
Không chỉ là loài cây quan trọng trong các khu rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, cây bần chua còn chứa nhiều hợp chất quý, có tính chất kháng khuẩn, chống ô xy hóa và có tiềm năng cung cấp nguyên liệu cho ngành dược.
Cây bần (Sommeratia caseolaris) được coi là một loài cây quan trọng bậc nhất đối với các chương trình phục hồi và bảo tồn rừng. Từ bắc chí nam, bần luôn được coi là cây tiên phong để phát triển rừng ngập mặn ven biển và các bãi bồi ven sông. Hệ thống rễ của cây bần có khả năng chắn sóng, chống xói mòn và gió.
Tại Việt Nam, ba vùng lõi của cây bần là các quần thể ở ba vùng đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung và Nam Bộ với mức độ đa dạng di truyền tổng thể, cấu trúc quần thể. Trong đó, vùng có sự đa dạng di truyền bậc nhất là Nam Bộ do sự tiếp nhận các vật liệu di truyền ngoại lai – hạt và mầm phát tán từ Indonesia, Malaysia và Philippines qua các dòng hải lưu và gió mùa tây nam trong mùa hè, theo công bố của các nhà khoa học Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) trên tạp chí Journal of Genetic Engineering and Biotechnology 1.
Trong cuộc sống hằng ngày, loài cây chắn sóng này còn có nhiều công dụng. “Muốn ăn mắm sặc bần chua/Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”, cây bần đã đi vào câu ca của người dân ĐBSCL, khi trở thành nguyên liệu chế biến nhiều món ăn dân dã như bông bần trộn gỏi với thịt heo, tép bạc, cá sặc, bần chín nấu canh chua, kho cá hoặc dầm với nước mắm để chấm rau lang, rau muống luộc…2 Ngoài ra, trong dân gian cũng có những bài thuốc sử dụng trái bần để cầm máu, viêm tấy, giải nhiệt 3.
Trên thế giới, bần được sử dụng như chất kháng ô xy hóa và kháng các tế bào độc hại. Trái bần cũng được nhiều người sử dụng như chất làm se vết thương, chữa bong gân, chữa bệnh trĩ, ngăn cản xuất huyết…3
Trước những tiềm năng đó của trái bần, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Úc đã phân tích một số hoạt chất từ trái bần. Để thực hiện nghiên cứu, họ đã lựa chọn những trái bần ở bên sông Bến Tre, tỉnh Bến Tre vào tháng 9/2019, sau đó sấy khô và tán bột.
Sử dụng thiết bị sắc ký khí khối phổ (GC–MS), họ đã phân tích bột trái bần để nhận diện các chuyển hóa thứ cấp trong thực vật, và phát hiện ra sự hiện diện của một số hợp chất quan trọng như cồn béo – loại cồn thường được sử dụng trong hóa mỹ phẩm, dược phẩm; acid béo – một trong những thành phần không thể thiếu đối với hoạt động của cơ thể; phenols (hay axit carbolic) – một hợp chất hữu cơ quan trọng được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp; chất béo; dẫn xuất terpenes – một loại chất chuyển hóa thứ cấp lớn nhất của thực vật; và dẫn xuất carboxylic acids – một loại acid hữu cơ chứa nhóm chức carboxyl thường thấy ở thực vật.
Nhiều ngành công nghiệp và dược phẩm từng sử dụng các hợp chất hóa học như phenol, terpen và dẫn xuất carboxylic acids ở các loài cây trong rừng ngập mặn và acid béo thường được biết là có hoạt tính kháng khuẩn. Dịch chiết methanol từ quả bần có hoạt tính kháng khuẩn tương đối cao, ví dụ kháng các vi khuẩn thường thấy như E. coli, tụ cầu vàng S. aureus gây tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Do đó, “nghiên cứu này cung cấp cơ sở cho nghiên cứu sâu rộng hơn nữa trong việc khám phá khả năng của các hợp chất hoạt tính sinh học tự nhiên mới có hoạt tính kháng khuẩn”, các tác giả viết.
Kết quả được công bố trong bài báo “Polyphenol Contents, Gas Chromatography-Mass Spectrometry (GC–;MS) and Antibacterial Activity of Methanol Extract and Fractions of Sonneratia Caseolaris Fruits from Ben Tre Province in Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Food Microbiology and Biotechnology 4.
Cũng đi tìm các hoạt chất quý từ cây bần, một nhóm nghiên cứu khác gồm các giảng viên Trường Đại học Công Thương TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tập trung vào dịch chiết lá bần.
Để thực hiện nghiên cứu này, họ đã lấy lá từ ba loại bần trưởng thành là bần trắng (Sonneratia alba), bần chua (Sonneratia caseolaris), bần ổi/bần trứng (Sonneratia ovata Backer) từ tháng 6 đến tháng 7 từ rừng ngập mặn Cần Giờ, sau đó sấy khô, nghiền bột và phân tích ở Khoa Công nghệ singh học, ĐH Khoa học tự nhiên. Họ kiểm tra các hàm lượng hóa chất, hoạt tính chống ô xy hóa của dịch chiết; hoạt chất kháng khuẩn; các hoạt chất có đặc tính sinh học; các hoạt chất sinh học và hoạt tính chống ô xy hóa.
Kết quả thu được, dịch chiết methanol của bần trắng có hàm lượng phenol và flavonoids (một loại chất chuyển hóa trung gian của thực vật) cao nhất, do đó có tiềm năng cao nhất về hoạt tính chống ô xy hóa. Dịch chiết của cả ba loài đều có chức năng kháng khuẩn và ức chế mạnh sự phát triển của các loại mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy như Staphylococcus aureus, Salmonella typhimurium và Escherichia coli, tương tự như dịch chiết từ trái bần.
Ngoài ra, trong số ba loài bần thì bần trắng có lá giàu hàm lượng gallic acid, một axit hữu cơ có nhiều tác dụng chữa bệnh như chống viêm, chống ung thư, chống ô xy hóa, ức chế sự hình thành mạch máu để ngăn cản dinh dưỡng đến các khối u) 5. Với tiềm năng này, bần trắng hứa hẹn sẽ trở thành một nguồn tự nhiên cung cấp gallic acid.
Kết quả nghiên cứu được nêu chi tiết trong bài báo “Analysis of active compounds and bioactivity of leaves extracts of Sonneratia species”, xuất bản trên tạp chí Engineering Report 6.
Trước đó, ở một số tạp chí trong nước đã đăng tải một vài nghiên cứu nhỏ về cây bần, đáng chú ý có nghiên cứu khảo sát thành phần rễ bần trồng tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, phần lập được hai hợp chất lupeol và betulinaldehide mà theo tác giả “hợp chất betulinaldehyde lần đầu được phân lập trên cây bần chua (Sonneratia caseolaris L.), hợp chất lupeol đã được phát hiện trên cây này nhưng được trồng tại các vùng khác không phải ở Việt Nam. Đây là những hợp chất đã được nghiên cứu đều có hoạt tính sinh học cao do đó phần nào giải thích cơ sở khoa học của các bài thuốc trị liệu dân gian” 3.
Cả hai nghiên cứu này đều mở ra những cơ hội mới để khai thác những giá trị dược liệu quý của cây bần, đồng thời gợi mở nhiều nghiên cứu sâu hơn để tìm thêm những hoạt chất tiềm năng.
——————————————–
1. Son Le, Thanh Van Le. “Genetic diversity and population structure of natural provenances of Sonneratia caseolaris in Vietnam”. Journal of Genetic Engineering and Biotechnology.
2.https://www.phunuonline.com.vn/nhung-cong-dung-cua-trai-ban-cang-an-cang-me-a1414229.html
3. Lê Thanh Phước và Từ Minh Tỏ “Góp phần khảo sát thành phần hóa học của vỏ rễ cây bần (Sonneratia Caseolaris L.)” . Tạp chí Khoa học tự nhiên Trường Đại học Cần Thơ.
4. https://www.jmb.or.kr/journal/view.html?doi=10.4014/jmb.2304.04019
5. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/gallic-acid
6. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/eng2.12870