Cây tảo nhân tạo sản sinh oxy gấp 100 lần cây xanh đích thực

Julian Melchiorri rất tâm đắc với quá trình quang hợp. Ông đã chế tạo các mô-đun nhỏ liên kết CO2 và tạo ra oxy. Đèn chùm biết hô hấp của ông được treo trong Bảo tàng Victoria và Albert ở London.


Đèn chùm giúp không khí trong lành

Julian Melchiorri làm việc với những sinh vật nhỏ nhất để cứu những thứ lớn lao. Ông chuyên nghiên cứu về các loài vi tảo. Chúng là những sinh vật có sức sinh sôi nảy nở nhanh nhất trên hành tinh. Với sự giúp đỡ của loại vi tảo này, Melchiorri mong muốn tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ được giảm thiểu, đồng thời góp phần vào việc cung cấp nguồn thức ăn bền vững cho thế giới.
Julian Melchiorri tâm sự: “Để chống lại biến đổi khí hậu, người ta nên lắng nghe lời khuyên của thiên nhiên. Mọi công nghệ đều xuất xứ từ tự nhiên. Quang hợp chỉ là một trong số đó, và nó đã được phát triển qua hàng tỷ năm. Tôi nghĩ thật hợp lý khi con người nhìn vào thiên nhiên, lấy cảm hứng từ những đổi mới của nó và bắt chước thiên nhiên để tạo ra một cái gì đó.”

Mô-đun cơ bản là một chiếc lá

Tên tuổi của Melchiorri gắn liền với chiếc lá Biosolar. Nó được tạo ra dưới bàn tay con người, mô phỏng một chiếc lá thật. Nó hấp thụ carbon dioxide từ không khí và giải phóng oxy. Để làm được điều này, lá Biosolar chỉ cần ánh sáng mặt trời. Ban đầu, nó chỉ là một cái cốc chứa đầy nước và tảo.

Để tạo ra những loại tảo đầu tiên, Melchiorri đã chiết xuất lục lạp từ tảo và hòa tan chúng trong một loại tơ – protein. Chất trong lá được tưới qua các kênh phức tạp. Melchiorri cho biết: “Một chiếc lá có một loạt các rãnh nhỏ hoặc gân lá, cung cấp nước. Tôi lấy cảm hứng từ đó, công nghệ đã được phát triển hơn nữa để tảo tự nhiên cũng có thể đóng vai trò là nhà cung cấp oxy. Loại tảo này chứa gấp đôi lượng protein so với thịt, chúng có vitamin, khoáng chất,các loại axit béo thiết yếu và chất dinh dưỡng và hơn hết là chúng hấp thụ carbon dioxide. Do đó, tảo có thể trở thành thức ăn của tương lai.”

Khu rừng của các thành phố

Quá trình quang hợp cũng xảy ra ở tất cả các loài thực vật khác, vậy vi tảo có gì đặc biệt? Chúng là một sinh vật đặc biệt đơn giản, không có yêu cầu gì và dễ nhân giống. Đồng thời, có thể chế biến chúng thành thực phẩm.

Môi trường nhân tạo mang lại nhiều lợi thế hơn nữa. Do có lá nhân tạo bao bọc, tảo luôn phát triển mạnh trong “nhà kính” nhỏ – vì vậy chúng cần ít nước hơn nhiều so với trong điều kiện tự nhiên, vì không xảy ra hiện tượng bốc hơi nước.

Ngoài ra, có thể dễ dàng che phủ các cấu trúc nhân tạo bên trong và bên ngoài bằng lá cây. Các cây nhỏ có thể được lắp đặt trên các tòa nhà và cảnh quan như các tấm pin mặt trời. Những cây nhân tạo khổng lồ cũng có thể được lắp đặt trong vòng vài ngày. Công ty Arborea của Melchiorri hiện đang làm việc với Đại học Hoàng gia London để đưa các modun lên một số mái nhà của trường.

Mỗi cái lá là một mô-đun, từ đó có thể dễ dàng hình thành các cấu trúc lớn hơn như một tầng sinh vật. Arborea cho hay một Biotree có thể “làm sạch không khí tương đương 100 cây”. Điều này có thể đúng về mặt lý thuyết, nhưng tỷ lệ ánh sáng sẽ hạn chế hiệu suất thực tế.

“Đèn chùm sinh học Exhale” của Melchiorri là kiệt tác quang học của ông. Nó là một cấu trúc sống và thở được, giúp lọc không khí trong nhà. Melchiorri thực sự là một kỹ sư, được đào tạo để giải quyết các vấn đề của đời sống. Đèn chùm rong biển hiện là một phần trong bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Victoria và Albert ở London.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: 

https://www.stern.de/digital/technik/kuenstliche-algenbaeume-sollen-100-mal-mehr–sauerstoff-als-ein-echter-baum-produzieren-9047286.html

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)