Chúng ta vẫn luôn xao nhãng

Bạn lo sợ bị công nghệ “làm hỏng bộ não”? Những nỗi sợ về khả năng tập trung và chú ý thực ra xưa như chính chữ viết.

Ảnh lấy từ cuốn Le Régime du corps (1265-70 sau Công Nguyên).

Nếu bạn nghi ngờ rằng những công nghệ thế kỷ 21 đang làm hỏng bộ não của mình, bạn sẽ càng chắc chắn khi biết được thời nào thì khả năng chú ý cũng “không còn được như trước”. Ngay cả Seneca Trẻ, nhà triết học La Mã cổ đại, cũng lo rằng những công nghệ mới sẽ làm giảm khả năng tập trung của mình. Khoảng thế kỷ 1, ông phàn nàn rằng “sách vở nhiều quá khiến người ta bị xao nhãng”. Mối lo ngại này liên tục trở lại trong các thiên niên kỷ tiếp theo. Đến thế kỷ 12, triết gia Trung Quốc Chu Hy nhận định mình sống trong một thời đại xao nhãng mới gây ra bởi công nghệ in ấn: “Người thời nay đọc ẩu vì có quá nhiều sách in.” Và vào thế kỷ 14 ở nước Ý, học giả kiêm thi sỹ Petrarch còn tuyên bố mạnh hơn về tác động của việc ngày càng có nhiều sách:

Tin tôi đi, đây không phải là nuôi dưỡng tâm trí bằng văn chương, mà là giết hại và chôn vùi nó bằng sức nặng của mọi thứ, hoặc có thể là hành hạ nó cho đến khi, phát điên vì có quá nhiều vấn đề, tâm trí đó không thể nếm bất cứ thứ gì nữa, thay vào đó chỉ có thể thèm thuồng nhìn mọi thứ, như Tantalus bị khát ở giữa hồ nước.1

Tiến bộ kỹ thuật làm mọi thứ càng tệ hơn. Dòng lũ sách in khiến Erasmus, học giả thời kỳ Phục Hưng, phàn nàn rằng ông cảm thấy mình bị cuốn vào “hàng đám sách mới”, trong khi nhà thần học người Pháp Jean Calvin viết về những người đọc sách lang thang trong “khu rừng lạc lối” của sách in. Người ta sợ rằng sự chuyển hướng dễ dàng và liên tục từ cuốn sách này sang cuốn sách khác sẽ thay đổi một cách căn bản cách hoạt động của trí óc. Rõ ràng là trí óc hiện đại – dù bị thiếu dinh dưỡng một cách ẩn dụ, bị quấy rầy hay mất phương hướng – chẳng bao giờ suy nghĩ nghiêm túc nổi trong một khoảng thời gian dài.

Trong thế kỷ 21, công nghệ số đã thổi bùng lên những lo âu xưa cũ về sự tập trung và trí nhớ – và truyền cảm hứng cho những ẩn dụ mới. Giờ đây chúng ta có thể lo lắng rằng những vi mạch nhận thức trong bộ não đã được “đấu” lại thông qua tương tác với dịch vụ tìm kiếm Google, điện thoại thông minh hay mạng xã hội. Bộ óc được đấu nối lại giờ đây ủy nhiệm cho các thiết bị ngoại vi những công việc vốn được thực hiện bởi bộ nhớ trong của nó. Suy nghĩ phi từ ý tưởng này sang ý tưởng khác; bàn tay vô thức lần vào túi quần tìm điện thoại. Có vẻ như việc liên tục truy cập internet đã làm khả năng tập trung kéo dài của chúng ta bị xuống cấp. Sự đấu nối hiển nhiên này đã được lưu ý với cảm giác bất an, đôi khi mang tính báo động, và thường kèm theo lời khuyên để quay về một cách suy nghĩ tốt hơn, (được cho là) “tự nhiên” hơn. Sau đây là một số tiêu đề đầy tính báo động: “Google có làm cho chúng ta ngu ngốc?”2 (Nicholas Carr, The Atlantic, 2007); “Có phải điện thoại thông minh đã hủy hoại một thế hệ?”3 (Jean M Twenge, The Atlantic, 2017); hay “Sự tập trung của bạn không sụp đổ. Nó bị đánh cắp”4 (Johann Hari, The Observer, 2022). Mong muốn trở về một thời kỳ đã qua, khi sự tập trung và trí nhớ được sử dụng đúng cách, không có gì mới mẻ. Thời đại xao nhãng và lãng quên của chúng ta chỉ là một trong nhiều thời đại tương tự trong lịch sử: đế quốc La Mã của Seneca, triều Tống của Chu Hy, thời kỳ Cải cách Tin Lành của Calvin.

Bìa sách Lines of Thought, Even-Ezra, 2021.

Chữ viết – kẻ thù gây xao nhãng?

Plato sẽ thuyết phục chúng ta rằng cảm giác vừa lo lắng vừa hoài cổ này vốn xưa như chữ viết, rằng nó là một vấn đề nội tại không thể tránh khỏi của chữ viết. Trong đối thoại Phaedrus, ông kể về việc Theuth, vị thần Ai Cập phát minh ra chữ viết, khoe công trình của mình với Thamus, vua của các vị thần. “Thưa đức vua”, Theuth nói, “phát minh này sẽ khiến người Ai Cập thông thái hơn và cải thiện trí nhớ của họ; bởi nó là một thần dược cho trí nhớ và trí khôn”. Thamus dự đoán điều ngược lại:

Phát minh này sẽ khiến đầu óc những người học cách dùng nó trở nên lơ đãng, vì họ sẽ không rèn luyện trí nhớ. Sự tin tưởng vào chữ viết, là thứ bên ngoài không thuộc về cơ thể họ, sẽ khiến họ không cần sử dụng trí nhớ bên trong của mình. Thứ thuốc ngươi đã chế ra không phải thuốc ghi nhớ mà là thuốc nhắc lại; và ngươi cho các học trò của mình không phải trí tuệ mà là một thứ trông giống như trí tuệ, bởi chúng sẽ đọc rất nhiều mà không được hướng dẫn, và vì thế sẽ có vẻ biết rất nhiều trong khi thực ra hầu như ngu dốt và khó ưa, vì chúng không thông thái mà chỉ có vẻ thông thái.

Dự đoán của hai vị thần trái ngược nhau, nhưng dựa trên cùng một thuyết về nhận thức. Cả hai đều cho rằng những phát minh như chữ viết có thể thay đổi sự suy nghĩ, thậm chí tạo ra những cách suy nghĩ mới. Năm 1998, hai nhà triết học Andy Clark và David J Chalmers gọi hệ tương tác gồm tâm trí nội tại kết hợp với các vật thể của thế giới bên ngoài này là “tâm trí nối dài”. Theo họ, khả năng suy nghĩ của chúng ta có thể được thay đổi và nối dài nhờ các công nghệ như chữ viết. Ý tưởng hiện đại này diễn đạt một khái niệm cổ xưa hơn rất nhiều về sự vướng víu giữa ý nghĩ bên trong và các vật bên ngoài. Clark và Chalmers viết về điều này với giọng kinh ngạc, nhưng những học giả khác lại ít lạc quan hơn về sự nối dài của nhận thức. Đối với Senaca, Chu Hy và Calvin, sự “nối dài” này được coi là sự “xuống cấp” về nhận thức, báo trước tình trạng báo động về việc điện thoại thông minh và Google “làm cho ta ngu đi” và “phá hỏng” bộ não của chúng ta.

Ngay từ khi việc viết và đọc bắt đầu nối dài trí óc, các tác giả đã đưa ra những chiến lược để điều khiển tương tác đó và đưa những lời khuyên để suy nghĩ đúng cách trong những môi trường không thân thiện với suy nghĩ “đúng cách”. Không khó để tìm ra những lý thuyết trong quá khứ về cách các công nghệ, như in ấn và chữ viết, định hình sự suy nghĩ trong những thiên niên kỷ đã qua. Tuy nhiên, những lý thuyết này không giúp chúng ta hiểu chính xác cách tâm trí được hình thành, hoặc chúng ta sẽ được gì nếu suy nghĩ theo cách khác đi. Để hiểu sự vướng víu giữa sách và tâm trí trong quá trình hình thành tâm trí, chúng ta có thể tìm đến các độc giả và tác giả châu Âu thời Trung Cổ, khi trên giá đầy ắp sách nhưng trí nhớ và sự tập trung dường như teo lại.

Là một tác giả ở thế kỷ 13, nhà ngữ pháp học Geoffrey de Vinsauf có nhiều lời khuyên cho những tác giả bị ngợp thông tin. Người viết giỏi thì không được vội; họ cần dùng một “thước đo tâm trí” để soạn trong đầu một mô hình suy tưởng trước khi lao vào việc viết lách: “Đừng để bàn tay vội nắm lấy bút… Hãy để những chiếc la bàn bên trong tâm trí trải đường cho toàn bộ các chất liệu.” Geoffrey trình bày ở đây một lý tưởng, nhưng cuốn sổ tay của ông không cho ta biết nhiều về cách người ta thực sự suy nghĩ khi ngồi ở một chiếc bàn thời Trung Cổ, giấy trắng trước mặt và bút lông trong tay. Khi tìm cách vượt qua vấn đề này, nhà nghiên cứu lịch sử trí tuệ Ayelet Even-Ezra theo đuổi một con đường tìm đến câu trả lời trong cuốn Lines of Thought (2021)5 (Tạm dịch là Dòng tư tưởng). Theo bà, những “dòng tư tưởng” là những đường nối tạo nên cấu trúc của nhiều lược đồ phân nhánh có đầy trong  những trang sách thời Trung Cổ. Một trong những cái cây nằm ngang đó được vẽ trên bìa cuốn sách của bà.

Bản dịch tiếng Latin của hai cuốn cách ngôn Prognosticon và Regimen acutorum của Hippocrates (460-375 trước CN), với lời bình được cho là của thầy thuốc kiêm triết gia người Hy Lạp Galen (khoảng 130-200 sau CN).

Lần theo những nhánh vẽ trên bìa sách đến tận gốc rễ, bạn sẽ thấy rằng cả lược đồ mọc ra từ một nơ-ron. Lược đồ và hệ thần kinh đứng cạnh nhau này gợi ý khá trực tiếp luận điểm của cuốn sách: với Even-Ezra, những nhánh lược đồ do những người chép sách thời Trung Cổ vẽ không chỉ ghi lại thông tin – chúng ghi lại đường đi của suy nghĩ được khơi mở từ chính dạng phân nhánh của lược đồ. Những lược đồ phân nhánh tiết lộ cách bộ óc nối dài thời Trung Cổ hoạt động bằng tương tác với bút, mực và trang giấy trắng.

Hãy để ý kỹ hơn đến những lược đồ này, và đôi khi chúng sẽ tiết lộ sự hình thành của một quá trình nhận thức thời Trung Cổ. Hình sau đây là một lược đồ thế kỷ 13 mà Even-Ezra đã tìm hiểu.

Lược đồ này vẽ bản đồ các nhánh của y học; nó có vẻ không như dự kiến của người viết sách. Nhánh đầu tiên mọc ra cân bằng và thuận tiện. Tuy nhiên, nhánh thứ hai bị đổi hướng một cách kì quặc. Một đoạn mọc thêm dường như mãi về sau mới được người viết nghĩ ra và ghép vào. Nhánh dưới cùng dày đặc những sửa đổi và những đường tư tưởng đi lệch hướng. Even-Ezra lưu ý một điều hiển nhiên: người viết không ước lượng khoảng giấy trước khi bắt đầu. Đó là một phần vấn đề. Nhưng cũng rõ ràng là cấu trúc chính xác của thông tin này đã “hiện lên trong quá trình vẽ”; những lược đồ được vẽ ra như thế này giúp quá trình suy nghĩ phức tạp, trừu tượng trở nên dễ dàng hơn. Những ý tưởng trừu tượng mới này có thể đột ngột đến với người suy nghĩ, người sẽ lưu chúng lại ở mọi nơi có thể bằng cách vẽ lược đồ. Even-Ezra gợi ý rằng dạng cái cây nằm ngang khiến các khái niệm “dễ điều khiển”, trừu tượng hóa và tách chúng khỏi sự tuyến tính của ngôn ngữ. Việc điền hết các nhánh chi chít của những lược đồ này “dọn đường cho những câu hỏi mới”.

Nhiều thế kỷ sau đó, chúng ta có thể nhìn vào những lược đồ này và thấy cách suy nghĩ của người viết sách, và làm thế nào mà thói quen viết cho phép suy nghĩ như vậy. Even-Ezra coi lược đồ phân nhánh là một thiết bị cốt yếu của một bộ óc nối dài thời Trung Cổ: nó là một công cụ suy nghĩ có thể hòa giải “phức tạp và đơn giản, trật tự và sáng tạo, một cách đồng thời”. Nhờ nó, trí óc có thể bớt gánh nặng. Ở trung kỳ của thời Trung Cổ, thế kỷ 13 và đầu thế kỷ 14, điều này vô cùng quan trọng. Các nhà thần học và các nhà triết học cố gắng sắp xếp tri thức của mình về thế giới vào một hệ thống suy nghĩ bao trùm tất cả. Một cách lý tưởng, hệ thống này bằng cách nào đó phải vô cùng phức tạp nhưng lại được xây dựng trên những nguyên lý cơ bản, dễ nhận biết, như cái thế giới nó tìm cách hiểu.

Phát minh ra kĩ thuật in của Johannes Gutenberg đã khiến nhiều học giả “than phiền” rằng họ bị xao nhãng vì có quá nhiều sách để đọc.

Bạn còn nhớ câu chuyện về Thamus, vị thần Ai Cập đầy hoài nghi dự đoán rằng những bộ óc trẻ sẽ bị chữ viết làm hỏng? Theo Even-Ezra, lược đồ phân nhánh đại diện cho một hệ quả tốt của phát minh ra chữ viết. Những lược đồ này có thể tạo điều kiện cho suy nghĩ sâu sắc hơn, đặc biệt là suy nghĩ trừu tượng, khi đọc với cường độ cao. Chúng cũng có thể bổ trợ thay vì thay thế trí nhớ, vì chúng đóng gói lại thông tin trong những họa tiết có thể in sâu vào tâm trí. Những người thư ký thời Trung Cổ vẽ những lược đồ này kín các lề sách, nhiều cái trong đó là bằng chứng của sự chu đáo tỉ mỉ và khao khát kết tinh tri thức mới. Even-Ezra mô tả cái cách mà sự trỗi dậy của các lược đồ này – một loại công nghệ viết mới – định hình lại nhận thức.

Chúng ta có thể thấy những hiệu ứng được vẽ ra trên trang giấy. Geoffrey de Vinsauf có lẽ sẽ nhìn với vẻ kinh hoàng khi những người vẽ lược đồ thời Trung Cổ, bỏ ngoài tai lời khuyên tốt nhất của ông, cầm bút lên và vẽ ra những ý tưởng trừu tượng còn chưa được diễn đạt đầy đủ. Nhưng cũng như Even-Ezra, chúng ta có thể nhìn sự phát triển này mà không thấy lo lắng hay báo động. Từ một khoảng cách lịch sử an toàn, Lines of Thought đề xuất rằng mốt vẽ cây thời Trung Cổ đã “đấu” lại một cách tinh vi bộ óc Trung Cổ. Nhưng ngày nay, cả Even-Ezra lẫn chúng ta đều không ai lo lắng cho những cách suy nghĩ cũ hơn có thể đã mất đi trong quá trình đó.

Chúng ta có thể đi theo một con đường tương tự xuyên suốt lịch sử dài của nỗi lo lắng cảm sinh từ công nghệ. Đã có hàng nghìn năm với những nỗi sợ tương tự về bộ não bị hỏng, bị xao nhãng, bị u mê, hay bất kỳ một ẩn dụ nào khác được tạo ra để nói về chúng. Nỗi lo hiện tại của chúng ta là một bước lặp mới của một vấn đề cũ. Não chúng ta vẫn luôn bị “đấu nối” lại (ngay cả trước khi các công nghệ truyền thông mới chuyển sang điện tử và hình ảnh ẩn dụ “đấu nối” hiện diện khắp nơi; ẩn dụ này rất cũ, có từ thời điện tín).

Chỉ mục tạo ra những người đọc nông cạn?

Hãy xét một thí dụ khác: chỉ mục trong các cuốn sách có khiến người đọc xao nhãng hơn không? Trong Index, A History of the (2022)6, nhà sử học người Anh Dennis Duncan lấy câu chuyện của Plato về hai vị thần Ai Cập làm cột mốc cổ xưa đánh dấu một quá trình lịch sử lâu dài của sự lo lắng về công nghệ kéo dài đến Google. Ở nhiều thời điểm giữa Plato và cỗ máy tìm kiếm, Duncan vẽ sự phát triển của chỉ mục như một thiết bị tìm kiếm cho người đọc sách. Những nhà biên soạn và người dùng chỉ mục đầu tiên ở thế kỷ 16, như vị bác sỹ người Thụy Sĩ Conrad Gessner, thấy tiềm năng lớn ở chúng, nhưng cũng có dè dặt. Gessner dùng công nghệ này trong nhiều cuốn sách của mình, tạo ra những danh mục ấn tượng về động vật, thực vật, ngôn ngữ, sách, tác giả và những người khác, sinh vật, đồ vật. Ông nghĩ rằng những danh mục tốt là “tiện nghi tuyệt vời nhất” và “tuyệt đối cần thiết” đối với các học giả. Nhưng ông cũng biết rằng nhiều học giả ẩu đôi khi chỉ đọc chỉ mục chứ không đọc toàn bộ tác phẩm.

Thamus, vị thần Ai Cập cho rằng phát minh ra chữ viết sẽ khiến con người “lười”, không thèm nhớ những gì có thể viết ra.

Chỉ mục mời gọi một kiểu dùng sai mục đích sỉ nhục những học giả trung thực, những người mà theo Gessner là đối tượng nó cần phục vụ. Erasmus, nhà trí thức lớn thời Phục Hưng, cũng phê phán việc sử dụng chỉ mục không đúng cách, nhưng ông ít lo ngại hơn về những độc giả lười nhác chỉ xem chỉ mục, mà lo ngại nhiều về những tác giả khai thác xu hướng này. Vì nhiều người “chỉ đọc tiêu đề và chỉ mục”, các tác giả bắt đầu đưa vào đó những thứ gây tranh cãi nhất (thậm chí tục tĩu) để tăng lượng độc giả và doanh số. Nói cách khác, chỉ mục là nơi lý tưởng cho một dạng sơ khai của trò “câu view” ngày nay. Việc “bấm vào” – để đọc cả quyển sách thay vì chỉ xem các mục từ bắt mắt – trước khi vội vàng kết luận là việc của độc giả. Erasmus không kỳ vọng nhiều độc giả sẽ chịu khó bỏ công. Nhưng ông không phản đối sách in có chỉ mục, cũng như không phải đối in thêm trang bìa cho sách (trang bìa khi đó cũng là thứ mới mẻ của sách in). Với Erasmus, chỉ mục là một công cụ, tốt hay xấu do ở người dùng. Duncan kể cho chúng ta lịch sử về một sự tranh cãi đầy lo lắng xung quanh chỉ mục và cách người ta dùng nó; ông lấy một thứ vô cùng quen thuộc có ở cuối mọi cuốn sách và làm hé lộ số phận sơ khai của nó như một lời đe dọa của công nghệ đối với việc suy nghĩ thấu đáo.

Suy tàn rồi nổi lên của chế độ tập trung mới

Chúng ta có nên nhìn lại những tương tác luôn biến đổi đó giữa sách và trí óc, và lo ngại rằng một quá trình “Đại Đấu nối” đã diễn ra nhiều thế kỷ trước? Dĩ nhiên là không. Ngay cả nếu cho rằng việc viết ra các ý tưởng một cách rất thông thường đã làm thay đổi cách hoạt động của bộ óc thời Trung Cổ, như lập luận của Even-Ezra, chúng ta cũng không hối tiếc khi nhìn lại. Ngay cả nếu số lượng sách khổng lồ, và những chỉ mục kết nối chúng, báo động những người chứng kiến sự sinh sôi của chúng và sự suy tàn của thói quen đọc cẩn thận và tập trung, chúng ta cũng không thấy báo động khi nhìn lại. Những chế độ ghi nhớ và tập trung mới thay thế những cái cũ. Dần dần những cái mới này cũng trở thành cũ, bị thay thế để rồi người ta mong nhớ.

Sự mong nhớ đó giờ có dạng hoài niệm về những ngày xưa đẹp đẽ, khi người ta “đọc ngấu nghiến”, đặc biệt là đọc tiểu thuyết. Johann Hari, trong cuốn Stolen Focus (2022)7, giới thiệu với chúng ta một người bán sách trẻ tuổi, người không thể kết thúc bất cứ cuốn sách nào của Vladimir Nabokov, Joseph Conrad hay Shirley Jackson mà cô đã bắt đầu đọc: “Cô ấy chỉ có thể đọc qua một hai chương đầu, sau đó sự chú ý của cô ấy tắt dần, như một động cơ bị hỏng.” Tâm trí của người-đọc-tiềm-năng đơn giản là hết năng lượng. Chính Hari cũng lui về một thị trấn ven biển để thoát khỏi “những tiếng ‘tinh tinh’ và chứng hoang tưởng của mạng xã hội” và nhờ đó tìm lại được trải nghiệm đã mất về sự tập trung và trí nhớ. Đọc tác phẩm của Dickens là một phần phương pháp tự điều trị của ông: “Tôi trở nên đắm chìm sâu hơn trong những cuốn sách mình chọn. Tôi lạc trong chúng rất lâu, có khi cả ngày – và tôi cảm thấy hiểu hơn và nhớ tốt hơn những gì mình đã đọc.” Với Hari, và nhiều người khác, tái tập trung vào việc đọc các tác phẩm hư cấu là một phương pháp hiển nhiên để đưa tâm trí quay về một trạng thái tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Cách điều trị mới mẻ này là một phương pháp hiển nhiên và xảy đến với nhiều người đến nỗi nó thường không cần giải thích.

Việc chìm trong sách và tiểu thuyết đã được xét lại như là một thói quen mẫu mực trong cuộc sống hiện đại: đó là thói quen và bằng chứng của một đầu óc lành mạnh. Nhưng cũng chính thói quen đó từng bị coi là một chứng bệnh. “Kẻ đọc ngấu nghiến” thể hiện như tâm trí của con nghiện suy dinh dưỡng trí tuệ bị kích thích quá đà mà Petrarch đã chẩn đoán, suy kiệt vì một chế độ ăn chỉ toàn những văn bản nông cạn: “phát điên vì có quá nhiều vấn đề, tâm trí đó không thể nếm bất cứ thứ gì nữa”. Don Quixote là hiện thân của người đọc mắc bệnh, bị mê hoặc bởi những cuốn sách hư cấu đến nỗi quên mất hiện thực. Ở nước Anh đầu thế kỷ 18 của Jane Austen, khi ngày càng nhiều phụ nữ và một tầng lớp trung lưu đang đông dần lên bắt đầu đọc tiểu thuyết, đã xuất hiện những cảnh báo về những tác động độc hại của tiểu thuyết. Những nhà quan sát bi quan ở đầu những năm 1800 đã viết rằng “sự đam mê đọc tiểu thuyết” là “một trong những nguyên nhân chính của những rối loạn thần kinh” và là một nguy cơ đối với “trí tuệ nữ giới”. Hãy cảnh giác, người ta viết năm 1806, với “sự kích thích quá mức tác động lên tâm trí bởi những câu chuyện hấp dẫn và mùi mẫn đặc trưng của tiểu thuyết”.

Sau đó, trong thế kỷ 20, Walter Benjamin đưa ra lý thuyết rằng thói quen đọc một mình những tiểu thuyết ra đời hàng loạt của các thị dân khiến họ hầu như không thể đạt đến trình độ nhận thức đủ để kể chuyện. Đối với ông, tiểu thuyết – cùng với báo chí và những thông tin hữu ích nhỏ giọt liên tục – khiến cho trạng thái thư giãn tinh thần thực sự, phát sinh từ sự buồn chán, khó đạt được hơn rất nhiều. (Ông coi sự buồn chán là lồng ấp tự nhiên của kể chuyện.) Đáng chú ý là hai thời đại khác nhau có thể cùng nói rằng: “Chúng ta sống trong một thế giới xao nhãng, gần như chắc chắn là thế giới xao nhãng nhất trong lịch sử nhân loại”, để rồi đi đến hai kết luận hoàn toàn ngược nhau về ý nghĩa của câu đó, và về điều chúng ta nên làm.

Trong một thời khác, cảnh điền viên để quản lý đúng cách sự tập trung của Hari (tức là đắm chìm trong sách) có thể được coi là chỉ dấu rõ ràng của một tâm trí ốm yếu bị kích thích quá đà. Sự trớ trêu của lịch sử có thể dạy cho ta điều gì đó. Những công nghệ mới sẽ đến để tranh lấy sự chú ý của chúng ta, hoặc để giải phóng trí nhớ của chúng ta với sự truy cập thông tin ngày càng dễ dàng. Và bộ não sẽ thích nghi khi chúng ta học cách nghĩ với những công nghệ mới. Trong Stolen Focus, Hari dẫn lời nhà sinh học Barbara Demeneix: “Ngày nay chúng ta không thể nào có một bộ não bình thường.” Ở đây có một khát khao về một ngày hôm qua đã mất, khi tâm trí hoạt động theo đúng cách của nó. Nhưng đó chính xác là khi nào? Seneca, Petrarch và Chu Hy có lẽ đều muốn biết.

Hoài cổ công nghệ rồi sẽ sai, dù đó là mong muốn quay lại trước thời Gutenberg, hay trước khi có nhật báo, hay trước khi có Twitter. Hari có lý khi nói rằng cần hành động để chống lại sự “đấu lại” một cách có hệ thống bộ não của chúng ta để phục vụ lợi ích của những gã khổng lồ công nghệ, của những kẻ gây ô nhiễm môi trường, và thậm chí là văn hóa bao bọc con quá mức. Ông không cho rằng chúng ta có thể thực sự thoát khỏi thời đại xao nhãng bằng cách, chẳng hạn, vứt bỏ điện thoại thông minh. Quả vậy, chúng ta vẫn sẽ lo lắng, một cách cần thiết, về cách bộ óc của mình tương tác với những thứ bên ngoài. Nhưng ta nên cùng nhau hình dung về một tương lai của sự suy nghĩ chú tâm hơn, thay vì về quá khứ.□

Nguyễn Hoàng Thạch dịch

Nguồn: https://aeon.co/essays/weve-always-been-distracted-or-at-least-worried-that-we-are

——

Chú thích

1 Trong thần thoại Hy Lạp, Tantalus bị các thần trừng phạt, phải đứng giữa một hồ nước và dưới một cái cây trĩu quả, nhưng cứ giơ tay hái thì cành cây lại nhấc lên cao, cứ cúi xuống để uống thì nước lại tránh đi chỗ khác.

2 Is Google making us stupid?

3 Have Smartphones Destroyed a Generation?

4 Your Attention Didn’t Collapse. It Was Stolen.

5 Tạm dịch: Những dòng tư tưởng.

6 Tạm dịch: Chỉ mục, Lịch sử (“Lịch sử chỉ mục” nhưng được viết theo định dạng của mục từ trong chỉ mục).

7 Tạm dịch: Sự tập trung bị đánh cắp.

Tác giả

(Visited 26 times, 1 visits today)