Con người chiến thắng bóng tối

Sự ra đời của bóng đèn điện vào thế kỷ 19 được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất đưa nhân loại đến cuộc sống phồn vinh.  

Ngay từ năm 1852, tại cuộc Triển lãm thế giới ở London, người ta đã trưng bày một loại bình ắc-quy khổng lồ để chạy đèn hồ quang, đây là một nguồn sáng mới dù loại đèn hồ quang này rất tốn kém và có nhiều nhược điểm. Chỉ đến khi bóng đèn điện ra đời thì ánh sáng nhân tạo mới có điều kiện được sử dụng rộng rãi.

Nhờ có đèn điện nên mọi người có thể thắp sáng ngôi nhà của mình với giá rẻ, ổn định và không nguy hiểm như nến. Nhờ có đèn điện người ta có thể làm việc, nghiên cứu cả ban đêm từ đó sản lượng và tri thức tăng nhanh gấp bội, làm cho con người có thêm sự khác biệt với động vật vì con người giờ đây có thể tự quyết định về chu kỳ ngày và đêm của mình.

Người tạo nên dấu ấn lịch sử này là nhà sáng chế, phát minh Thomas Alva Edison (1847 – 1931), người đã vươn lên từ cậu bé bán báo thành một triệu phú.

Edison sinh ra ở Ohio, ông làm việc một thời gian về điện tín thuộc công ty hỏa xa, tại đây ông đã có một số cải tiến đối với lĩnh vực điện tín, năm 1876 ông thành lập một hãng riêng ở Menlo Park ở New York. Hãng này đi sâu vào lĩnh vực “sáng chế phát minh theo đơn đặt hàng’’. Edison được coi là một nhà nghiên cứu hiện đại, ông không quan tâm đến cảm hứng bất chợt mà đặc biệt quan tâm tới việc thực nghiệm một cách có hệ thống các giải pháp mới khác nhau với một đội ngũ cộng sự đông đảo làm việc trong các phòng thí nghiệm. Ông đặt ra chỉ tiêu: Cứ 10 ngày thì có một phát minh loại nhỏ và sau sáu tháng phải có một phát minh lớn hơn.

 

Bản thân Edison thích coi mình là một “nhà sáng chế công nghiệp” và ông gọi doanh nghiệp của mình là “nhà máy sáng chế’’. Ông không chú trọng tới những vấn đề thuộc về bản chất tự nhiên, mà đặc biệt quan tâm tạo ra những sản phẩm xuất phát từ những tri thức khoa học mới nhất thời đó để phát triển kinh tế.

Người ta vẫn cho rằng bóng đèn điện được phát minh vào năm 1879, thời điểm Edison đã thử nghiệm 6.000 chất liệu khác nhau để làm dây đốt trong đèn điện và cuối cùng ông đã quyết định dùng sợi carbon, nhưng trước đó đã có một số người khác dùng chất liệu này vì thế đã xảy ra tranh chấp bản quyền. Khả năng dẫn điện của carbon kém nên khi cho điện chạy qua dây dẫn carbon trong một bình thủy tinh chân không, thì dây sẽ phát ra ánh sáng: nguồn sáng đầu tiên này ước khoảng 25 Watt.

Trước đó cũng từng diễn ra những thử nghiệm với dây đốt điện, thí dụ Heinrich Göbel, một chuyên gia cơ khí và quang học người Đức di cư sang Mỹ, đã làm thí nghiệm này trước Edison. Nhưng Edison đã tạo ra bước đột phá: ông tổ chức biểu diễn ở Menlo Park để cho đèn điện chiếu sáng liên tục 40 giờ đồng hồ, chứng minh cho cả thế giới thấy đã đến lúc kết thúc giai đoạn thử nghiệm đối với bóng đèn điện và đưa vào sử dụng trong thực tiễn.

Edison nhận thức được rằng nếu thiếu một hạ tầng cơ sở để truyền dẫn điện thì chiếc bóng đèn điện của ông cũng trở nên vô nghĩa. Việc phát minh ra bóng đèn điện đã làm tăng lập tức việc tiêu thụ máy phát điện bằng hơi nước cùng với dynamo. Tuy nhiên mãi sau khi xây dựng các nhà máy điện và lắp đặt hệ thống dây dẫn thì mới tạo được bước đột phá đối với việc sử dụng ánh sáng điện ở các thành phố lớn.

Edison nung nấu mơ ước điện khí hóa New York, một dự án mà ông tham dự ngay từ đầu. Đến năm 1882 ông đã cho xây dựng đường cáp ngầm và nhà máy điện lớn đầu tiên với sáu máy phát điện bằng hơi nước. Ngay trong năm đó đã có 59 khách hàng đầu tiên được cung cấp điện và chỉ một năm sau con số này tăng lên 513. Đến cuối năm 1886 nhóm doanh nghiệp của Edison đã có tới 3.000 nhân viên với số vốn là 10 triệu đôla, tập đoàn của Edison là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới thời đó.

Ngay từ đầu sáng chế của Edison đã bị áp lực cạnh tranh rất lớn của đèn thắp bằng khí đốt. Vào thời đó đèn chiếu sáng bằng khí đốt đã có chỗ đứng khá vững chắc ở các thành phố lớn dù có một số nhược điểm: dễ gây cháy, nổ, đốt khi cháy tiêu hao một lượng lớn oxy, làm nóng khu vực xung quanh nên các rạp hát dùng đèn khí đốt thường làm khán giả thấy mệt mỏi, buồn nôn và đau đầu. Thời đó nhà hát kịch ở Boston là một trong những công trình lớn đầu tiên được Edison trang bị toàn bộ bằng đèn điện, sau đó một số khách sạn lớn cũng là khách hàng đầu tiên của ông. Ít lâu sau là giới nhà giầu, tiếp theo là các nhà máy cũng có nhu cầu lắp hệ thống đèn điện.

Để thu hút lượng khách hàng sử dụng đèn điện ngày càng nhiều để cạnh tranh với đèn khí đốt, các doanh nghiệp điện ở một số thành phố kéo đường dây điện đến từng hộ gia đình và thậm chí cho dùng miễn phí bóng đèn điện đầu tiên. Ánh sáng điện không những chỉ ở các nhà máy, trường đại học và ngay cả trên đường phố. Số lượng bóng điện được sản xuất thời đó là minh chứng cho sự thành công của ngành sản xuất điện chiếu sáng. Sản lượng bóng đèn điện của “công ty điện phổ thông (Allgemeine Electricitätsgesellschaft)’’ hồi đó là công ty sản xuất bóng điện vào loại hàng đầu đã tăng từ 60.000 bóng trong năm 1885 lên trên 300.000 bóng chỉ trong vòng hai năm.

Sản xuất, học tập và sinh hoạt vào ban đêm trở nên tiện lợi hơn và ít tốn kém. Bóng đèn điện có một chức năng rất quan trọng là trong quá trình phát triển bóng đèn điện luôn là kẻ đi tiên phong trong sự nghiệp điện khí hóa, tạo nên một hạ tầng cơ sở mà sau này hạ tầng cơ sở đó đã được tiếp tục phát triển để sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Nơi nào có nhà máy điện thì người ta sẽ không chỉ dùng điện để phục vụ chiếu sáng mà còn dùng điện để chạy các loại máy móc thiết bị điện khác như ra đời hệ thống xe điện. Chi phí cho giao thông bằng xe điện rẻ chỉ bằng một nửa so với sử dụng hệ thống giao thông do ngựa kéo. Sau này người ta còn dùng điện để sưởi ấm, nấu nướng. Nếu không có điện thì làm sao có được các quầy bán hàng tự động, có hệ thống biển quảng cáo bằng sánh sáng và cũng sẽ không có truyền hình cũng như computer.

Nếu thấy được ánh sáng điện có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển phồn vinh ngày nay thì người ta ít nhiều có thể thông cảm với ai đó còn nuối tiếc chiếc bóng đèn điện ngày nào. Bóng đèn điện sẽ biến mất và sẽ bị thay thế bởi loại bóng tiết kiệm năng lượng, từ đó cũng biến mất điều từng tạo nên cuộc sống hiện đại, tạo nên cuộc sống phồn vinh của chúng ta ngày nay. Chúng ta đã coi sự hiện diện của cái bóng điện trong cuộc sống là điều hoàn toàn đương nhiên, không thể thiếu được. Theo triết gia người Pháp Gaston Bachelard thì “Ngọn đèn điện không chỉ là một sản phẩm, mà đã trở thành trung tâm của ngôi nhà, là linh hồn canh giữ nơi sinh sống của mỗi người chúng ta. Khó có thể tưởng tượng về một ngôi nhà mà không có bóng đèn cũng như có bóng đèn mà không có ngôi nhà.’’

             

Tác giả

(Visited 175 times, 1 visits today)