Cốt lõi của sáng tạo: Nhận ra những điều bị bỏ lỡ 

Chúng ta liên tục lọc thông tin giữa con lũ dữ liệu mà mình đối mặt hằng ngày. Quá trình này sẽ giúp giải thích điều gì mạng lại sự sáng tạo cho não bộ của chúng ta.

Tranh “Các sắc thái buổi tối” (1911-1917) của Oscar Bluemner. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Mỹ Smithsonian.

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao những cá nhân sáng tạo dường như phát hiện ra những điều mà người khác bỏ lỡ? Bất kể đó là một nhà phát minh tìm ra giải pháp sáng tạo cho một vấn đề quen thuộc hay một nghệ sĩ thể hiện lại một khung cảnh dưới một nhãn quan tươi mới, nhiều người sáng tạo có khả năng đặc biệt là tìm ra sự thú vị ngay cả trong những thứ tẻ nhạt. Nghiên cứu cho thấy đây không phải là sự trùng hợp: cách bộ não của một người ưu tiên cho thông tin gì có thể thực sự thúc đẩy tư duy sáng tạo. 

Hãy xem bộ não của bạn ưu tiên thông tin như thế nào trong các tình huống hằng ngày. Mỗi khi mở mắt, bạn sẽ bị ngập chìm trong thông tin hình ảnh – nhiều hơn rất nhiều so với khả năng xử lý đồng thời của não bộ. Tuy nhiên, bạn không bị choáng ngợp, nhờ vào các cơ chế chú ý tinh vi lọc bỏ những thứ không cần thiết. Những cơ chế này thường ưu tiên thông tin dựa trên mức độ quan trọng, giá trị, sự bất ngờ hoặc mức độ liên quan tới bạn lúc đó của nó. Chẳng hạn như, bạn có thể đang ngắm nghía những quả lựu chín trên cây (một nguồn tài nguyên có giá trị), nhưng nếu một con rắn đột nhiên trườn xuống cành cây, sự chú ý của bạn sẽ ngay lập tức chuyển sang con rắn vì sự hiện diện của nó khẩn cấp hơn nhiều. Quá trình tiến hóa đã tinh chỉnh quá trình này để đảm bảo chúng ta phản ứng nhanh chóng và phù hợp với thông tin quan trọng nhất; trong lúc này có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị (ví dụ, quả lựu) nhưng lại là một trở ngại nguy hiểm trong khoảnh khắc tiếp theo (ví dụ, rắn). Kết quả là, mọi người thường nhận thấy những điều tương tự trong môi trường của họ. Nhưng có một số khác biệt thú vị trong việc điều gì thu hút sự chú ý của mỗi người. Đó là nơi nghiên cứu của chúng tôi bắt đầu.

Công trình của tôi khám phá những cách thức mà các cá nhân có óc sáng tạo ưu tiên thông tin khác với những người ít sáng tạo hơn. Trong một nghiên cứu của chúng tôi, các cộng sự và tôi đã sử dụng một phương pháp cổ điển để xem cách não bộ phản ứng với một loại thông tin có tính ưu tiên cao khác: thông tin gây bất ngờ. Những người tham gia lắng nghe các nhịp điệu lặp đi lặp lại nhưng xen vào đó là một vài âm thanh hiếm gặp – các tiếng động “lạ” – trong khi hoạt động não của họ được ghi lại bằng điện não đồ. Thường thì, sóng não của các cá nhân phản ứng với kích thích hiếm gặp bằng một đỉnh rõ ràng trong hoạt động thần kinh, được gọi là P300, chỉ dấu cho sự ngạc nhiên. Nhưng đối với những cá nhân sáng tạo? Chúng tôi thấy đỉnh này ít rõ rệt hơn.

Dán nhãn những gì nổi bật để thu hút sự chú ý’ là quá trình mà bộ não vô thức gán ý nghĩa cho các dữ liệu giác quan thô, lọc xem dữ liệu nào xứng đáng được quan tâm, làm cho một số thông tin nổi bật hơn so với phần còn lại.

Nói cách khác, có vẻ như những người sáng tạo không xem thông tin bất thường là quá bất thường. Điều này có thể mang lại lợi thế lớn cho tư duy sáng tạo vì nó làm mờ ranh giới giữa cái gì là bình thường và dị thường, khiến họ lưu tâm đến những ý tưởng khác lạ – và không tiêu tốn hết sự chú ý cho những gì người đời coi là sự hiển nhiên của một vấn đề. 

Quan điểm cho rằng sức sáng tạo và khả năng chú ý có liên quan với nhau không phải là mới. Nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức sáng tạo và các hình thức chú ý khác nhau, bao gồm cả mối liên kết giữa tính sáng tạo với ADHD (hội chứng tăng động giảm chú ý), với năng lực chú ý rộng hoặc không tập trung, và cái gọi là sự chú ý ‘hở’ – nghĩa là một bộ lọc chú ý kém hiệu quả hơn, cho phép các thông tin chẳng liên quan gì tới tình huống hiện tại cũng “lọt” vào tâm điểm của sự chú ý. Nghiên cứu của chúng tôi đang gợi ý rằng những khác biệt trong khả năng chú ý này có thể được giải thích từ những khác biệt trong cách não bộ của chúng ta ưu tiên dữ liệu giác quan – một quá trình được điều khiển bởi dopamine gọi là ‘dán nhãn những gì nổi bật để thu hút sự chú ý’.

‘Dán nhãn những gì nổi bật để thu hút sự chú ý’ là quá trình mà bộ não vô thức gán ý nghĩa cho các dữ liệu giác quan thô, lọc xem dữ liệu nào xứng đáng được quan tâm, làm cho một số thông tin nổi bật hơn so với phần còn lại. Quá trình này có liên quan chặt chẽ với khả năng chú ý của một người nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy suy nghĩ và hành động để đáp ứng với thông tin quan trọng. Đây dường như là chìa khóa để hiểu quá trình “nổi bật hóa” này hỗ trợ tư duy sáng tạo như thế nào. 

Nhiều người tin rằng Picasso là người có hội chứng ADHD. Trong ảnh là bức chân dung tự họa của ông ở tuổi 90. Nguồn: National Geographic/ © 2018 Estate of Pablo Picasso / Artists Rights Society (ARS), New York

Nhiều lý thuyết về sự chú ý – chẳng hạn như ý tưởng cho rằng người sáng tạo có một ‘bộ lọc hở’ – giúp giải thích tại sao các cá nhân sáng tạo nhận thấy thông tin mới, nhưng không giải thích tại sao họ được nó truyền cảm hứng. Những bộ óc sáng tạo dường như không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của thông tin lạ thường hoặc dị biệt. Đồng nghiệp của tôi – Jonathan Schooler và tôi cho rằng các đặc tính động lực của sự nổi bật đã thúc đẩy sức hấp dẫn này. Khi những thông tin dị biệt được dán nhãn, nó hoạt động như một nam châm, buộc các cá nhân phải khám phá nó. Hoạt động khám phá này tăng cơ hội để thông tin mới trở thành một phần của quá trình giải quyết vấn đề sáng tạo, khơi dậy những ý tưởng đổi mới.

Khung lí thuyết này cung cấp một cách hiểu mới về cả các đặc điểm và trạng thái sáng tạo. Khi nói về đặc điểm sáng tạo, tôi muốn đề cập đến những khác biệt nhất quán về sức sáng tạo mà chúng ta quan sát thấy khi so sánh các cá nhân. Nghiên cứu chỉ ra rằng cách cá nhân xử lý những gì quan trọng – hệ thống dán nhãn những gì nổi bật của não – thay đổi có hệ thống từ người này sang người khác. Ví dụ, não của những người mắc chứng tâm thần phân liệt hoặc tự kỷ thường có cách xử lý thông tin nổi bật độc đáo, nghĩa là họ tự nhiên bị thu hút bởi những chi tiết dị biệt. Chẳng hạn, những cá nhân mắc chứng tự kỷ có xu hướng thờ ơ với đặc điểm khuôn mặt và các sắc thái giao tiếp xã hội, như hướng nhìn của ai đó, nhưng lại chú ý nhiều hơn đến các thiết bị cơ khí hoặc các đối tượng liên quan đến sở thích hẹp của họ. Bởi vậy, chúng tôi gợi ý rằng sự khác biệt trong hệ thống “nổi bật hóa” của não bộ có thể khiến một số cá nhân chú tâm và xem xét những gì dị thường, từ đó hình thành một thiên hướng tới tư duy độc đáo sáng tạo.  

Giờ thì đi sâu vào các trạng thái sáng tạo – những khoảnh khắc sáng tạo có thể lóe lên bất kì lúc nào. Ngay cả những cá nhân sáng tạo nhất cũng không phải lúc nào cũng ở trong trạng thái đó, và họ cũng không sáng tạo trong mọi tình huống. Nhưng trong những thời khắc tư duy sáng tạo, những khía cạnh vốn bị lu mờ của một vấn đề bỗng dưng tự nhiên trở nên rõ nét, dẫn đến giây phút “eureka” khi người ta phát hiện ra những liên kết mới. Ngược lại, những ý tưởng nhàm chán là kết quả của việc khi ai đó không thể nhìn xa hơn những điều hiển nhiên, bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu quen thuộc. Đây cũng là lúc các rào cản phổ biến với sự sáng tạo xuất hiện, sự ngáng trở này bao gồm cả một hiện tượng gọi là “sự cố định chức năng” – một thiên kiến nhận thức hạn chế con người nhìn thấy những cách ứng dụng khác của một đồ vật hoặc các giải pháp mới cho một vấn đề. 

Chúng tôi cho rằng hoạt động của hệ thống “nổi bật hóa” của bộ não đóng vai trò quan trọng trong các chế độ khác nhau này. Khi sự chú ý của một người bị hút bởi một khía cạnh của vấn đề hoặc tình huống vốn không đáng kể hoặc không liên quan, hệ thống nổi bật hóa đã đánh dấu thông tin dị biệt đó để xử lý thêm, mở đường cho một hiểu biết mang tính sáng tạo. Mặt khác, các rào cản sáng tạo, như sự cố định chức năng, dễ nảy sinh trong quá trình nổi bật hóa “thông thường”, nơi hệ thống chỉ đánh dấu các đặc điểm nổi bật nhất, hiển nhiên nhất của vấn đề để xem xét.

Não của cá nhân sáng tạo đánh dấu thông tin bất thường hoặc ‘không liên quan’ là quan trọng, thúc đẩy họ khám phá thêm. Sự khám phá này cho phép họ xem xét những ý tưởng và mối liên hệ xa xôi mà người khác bỏ qua, tăng khả năng hình thành một cái nhìn sâu sắc sáng tạo.

Hãy nghĩ về cái nhìn sâu sắc nổi tiếng của Isaac Newton về lực hấp dẫn. Theo câu chuyện, Newton thấy một quả táo rơi từ trên cây xuống – điều mà hầu hết mọi người có thể xem là tầm thường. Vậy nhưng, trong trường hợp này, ông thấy việc quả táo rơi là đáng quan tâm, thúc đẩy ông suy ngẫm sâu hơn về nó. Giải trí với tầm quan trọng tiềm tàng của sự kiện tưởng chừng không liên quan này đã dẫn đến một mối liên kết đột phá: chính lực khiến quả táo rơi cũng ảnh hưởng đến các thiên thể như Mặt trăng.

Trong ví dụ này, não của cá nhân sáng tạo đánh dấu thông tin bất thường hoặc ‘không liên quan’ là quan trọng, thúc đẩy họ khám phá thêm. Sự khám phá này cho phép họ xem xét những ý tưởng và mối liên hệ xa xôi mà người khác bỏ qua, tăng khả năng hình thành một cái nhìn sâu sắc sáng tạo. Lưu ý rằng thông tin được đánh dấu không nhất thiết phải liên quan trực tiếp đến vấn đề đang xét tới; giá trị của nó nằm ở những liên kết tiềm năng mà nó có thể truyền cảm hứng, dẫn đến những kết quả đổi mới và bất ngờ. Một quá trình tương tự có thể diễn ra trong các bối cảnh nghệ thuật, chẳng hạn như khi một họa sĩ, nhạc sĩ hoặc nhà làm phim thấy một chi tiết tưởng chừng không liên quan là có ý nghĩa. Ví dụ, một nghệ sĩ có thể bị thu hút bởi cái bóng do một vật thể tạo ra, thấy nó thú vị hơn chính vật thể đó. Điều này có thể truyền cảm hứng cho một loạt tác phẩm khám phá vẻ đẹp ẩn tàng của bóng tối.

Nếu ta coi quá trình nổi bật hóa dị biệt này như một trạng thái giống như một công tắc có thể bật lên, thì nó có thể thắp sáng tư duy sáng tạo. Tuy thiếu vắng bằng chứng trực tiếp, nhưng có một số ví dụ gợi ý về khả năng này.

Một ví dụ đến từ những cá nhân mắc bệnh Parkinson (PD). Đặc biệt, một số bệnh nhân đang được điều trị bằng liệu pháp tiêm dopamine đã được chứng minh là thể hiện các dấu hiệu đặc trưng của quá trình nổi bật hóa dị biệt trong não; đôi khi họ báo cáo về trải nghiệm thế giới như đang tràn ngập những ý nghĩa bất thường, mà ngay cả thông tin tầm thường hoặc không liên quan dường như cũng mang ý nghĩa tiềm ẩn. Một nhánh nghiên cứu biệt lập cho thấy các bệnh nhân PD được điều trị có thể đột nhiên phát triển thiên hướng nghệ thuật hoặc nổi hứng sáng tạo. 

Newton thấy một quả táo rơi từ trên cây xuống – điều mà hầu hết mọi người có thể xem là tầm thường. Vậy nhưng, trong trường hợp này, ông thấy việc quả táo rơi là đáng quan tâm, thúc đẩy ông suy ngẫm sâu hơn về nó. Ảnh: National Geographic

Một số kiểu trải nghiệm nhất định hằng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến cách não bộ gán sự nổi bật. Ví dụ, một số loại nghệ thuật thị giác, như các tác phẩm trừu tượng hoặc siêu thực, phá vỡ cách nhìn thông thường của người xem bằng cách tạo ra những nghịch lý và xung đột thị giác không xảy ra trong tự nhiên. Chúng tôi tin rằng bản chất không theo quy ước của nghệ thuật trừu tượng khuyến khích não bộ bước vào một trạng thái khác, thả lỏng các dự đoán nhận thức mặc định của nó để thích nghi với dữ liệu giác quan bất thường. Ủng hộ ý tưởng này, phòng thí nghiệm của chúng tôi đã phát hiện ra rằng việc quan sát nghệ thuật dẫn đến một số hệ quả mà chúng tôi tổng kết thành lý thuyết, liên quan đến sức sáng tạo. Giờ đây, chúng tôi dự định kiểm tra xem liệu quá trình nổi bật hóa dị biệt có vai trò chính trong việc thúc đẩy tác động của nghệ thuật lên những kết quả này hay không.

Một ví dụ khác về sự giao thoa giữa sức sáng tạo và quá trình nổi bật hóa dị biệt là trong bối cảnh sử dụng cần sa. Nhiều người dùng cho rằng cần sa khơi dậy sức sáng tạo của họ, giúp họ suy nghĩ ngoài khuôn khổ và nảy ra những ý tưởng độc đáo. Nhận thức này có thể liên quan đến khả năng của cần sa trong việc tạo ra quá trình nổi bật hóa dị biệt. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa sức sáng tạo và cần sa là khó quan sát trong môi trường phòng thí nghiệm. Hầu hết các nghiên cứu khoa học xem xét sức sáng tạo và cần sa đã tập trung vào các loại tư duy sáng tạo rất cụ thể – chẳng hạn như loại nhiệm vụ thường thấy trong phòng thí nghiệm mà trong đó người tham gia phải tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt trong một thời gian ngắn. Những nhiệm vụ này phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát nhận thức, tức khả năng tập trung và lọc bỏ thông tin không liên quan. Phong cách suy nghĩ này có thể thực sự xung đột với phong cách chú ý cởi mở, tự do hơn liên quan đến quá trình nổi bật hóa dị biệt. Do đó, nghiên cứu hiện tại có thể đang che khuất các tác động rộng lớn hơn của cần sa đối với tư duy sáng tạo.

Bằng cách phân biệt giữa các loại chú ý khác nhau, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những cách thức đa dạng mà sự sáng tạo thể hiện, và điều chỉnh cách tiếp cận của mình để nghiên cứu và nuôi dưỡng sự sáng tạo trong các bối cảnh khác nhau.

Điều này dẫn chúng ta đến một điểm quan trọng: sáng tạo là khái niệm rộng và đa diện. Dưới tán ô của ‘sáng tạo’, các nhà nghiên cứu đã xác định hai phong cách chú ý riêng biệt. Một trong số này, được mô tả trước đó, là sự chú ý hở, đã được liên kết với những thành tựu sáng tạo trong cuộc sống thực. Loại chú ý còn lại được đặc trưng bởi sự tập trung ‘kín như bưng’ có kiểm soát cao. Những người có phong cách chú ý này rất giỏi trong việc gạt bỏ các yếu tố gây xao nhãng và khóa sự chú ý của họ vào những gì cần thiết cho nhiệm vụ trước mắt. Và loại chú ý này thường là một yếu tố dự đoán mạnh mẽ cho sự thành công trong các nhiệm vụ sáng tạo trong phòng thí nghiệm, đặc biệt là những nhiệm vụ nhạy cảm với thời gian và yêu cầu tạo ra nhiều ý tưởng nhanh chóng.

Khung lý thuyết về quá trình nổi bật hóa dị biệt của chúng tôi phù hợp nhất với phong cách chú ý hở và do đó nhiều khả năng giải thích được hiệu suất sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật và dự đoán những thành tựu sáng tạo trong cuộc sống thực. Bằng cách phân biệt giữa các loại chú ý này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những cách thức đa dạng mà sự sáng tạo thể hiện, và điều chỉnh cách tiếp cận của mình để nghiên cứu và nuôi dưỡng sự sáng tạo trong các bối cảnh khác nhau.

Ted Nelson – tác giả của hypertext là người có ADHD. Ảnh: pbworks.com

Nhìn lại, nghiên cứu của chúng tôi đề xuất một cái nhìn mới về những gì vốn được coi là hành vi tư duy “lành mạnh”.  Tuy hoạt động thần kinh này rất hữu ích trong việc tập trung vào các thông tin rõ ràng và liên quan nhất đến tình huống hiện tại, nhưng điều này đôi khi có thể hạn chế tiềm năng sáng tạo. Ngược lại, những gì có vẻ như là thông tin không liên quan lại thực sự có thể mang tới lợi thế thích nghi, dẫn đến những suy tư bất ngờ. Từ góc độ này, sự độc đáo của các cá nhân sáng tạo nằm ở khả năng nhận thức và ưu tiên thông tin theo những cách đặc biệt, đón nhận những điều bất thường và bất ngờ.□

Tuệ Tâm dịch

Nguồn: https://psyche.co/ideas/a-key-part-of-creativity-is-picking-up-on-what-others-overlook

Bài đăng Tia Sáng số 20/2024

Tác giả

(Visited 576 times, 1 visits today)