Đàm phán với những mã lệnh: Hợp đồng thông minh và vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ

Hợp đồng thông minh được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, do đó việc xác định hệ thống pháp luật điều chỉnh hoặc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm.


Ảnh minh họa. Nguồn: arzdigital.

Xung đột pháp luật – câu đố chưa có lời giải

Có thể thấy rằng, việc xác định biên giới mạng, phạm vi lãnh thổ quốc gia trên môi trường mạng đang là một câu hỏi hóc búa. Hơn nữa, Hợp đồng thông minh hoạt động thông qua các nút mạng phi tập trung (decentralized node) có thể được phân bổ trên khắp thế giới, do đó, rất khó để xác định luật áp dụng hiện hành và thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Điều này cũng làm tăng rủi ro cho các bên khi giải quyết những tranh chấp phái sinh từHợp đồng thông minh.

Đứng trước vấn đề trên, một số nhà nghiên cứu luật quốc tế đã đưa ra đề xuất xây dựng một bộ quy tắc riêng để điều chỉnh Hợp đồng thông minh. Theo đó, Incochains có thể ra đời, giữ vai trò tương tự như các bản Incotermsđang được sử dụng hiện nay [1].Và trong tương lai không xa, Lex Cryptographia (tương đương với Lex Mercatoria – tập hợp các tập quán thương mại quốc tế dùng giữa các thương nhân) có thểđược xây dựng với kỳ vọng là không chỉ là bộ quy tắc điều chỉnh Hợp đồng thông minh mà còn có thể điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tự trị phi tập trung (Decentralized Autonomous Organization- DAO)[2].

Tính bất biến – nan đề khi sử dụng Hợp đồng thông minh

Đặc tính bất biến (immutability) của công nghệ blockchain áp dụng vào Hợp đồng thông minhnhư một con dao hai lưỡi. Đặc tính này, về mặt lý thuyết giúp đảm bảo thực thi những giao kết hợp đồng đã định, tránh những rủi ro liên quan đến vi phạm hợp đồng và bảo mật thông tin. Tuy nhiên, cần nhận định rằng sự thỏa thuận là một đặc điểm nổi bật của hợp đồng, do vậy đặc tính bất biến có thực sự ưu việt khi áp dụng vào trong các giao dịch phức tạp?

Câu trả lời là không. Như đã phân tích ở trên, Hợp đồng thông minh mặc định rằng thỏa thuận của các bên là cuối cùng và quá trình thực hiện không có các vấn đề ngoại cảnh phát sinh. Trên thực tế, trường hợp bất khả kháng vẫn luôn diễn ra, không kể là ở thế giới thực hay thế giới ảo.

Trong tháng 6 năm 2016, những kẻ tấn công (hacker) đã khai thác lỗ hổng phần mềm và rút hàng triệu đồng ether, tương đương hàng chục triệu đô la. Trong một bức thư ngỏ cho cộng đồng Ethereum, kẻ tấn công tuyên bố rằng hắn đã không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp, hắn chỉ “Sử dụng tính năng được mã hoá theo các điều khoản Hợp đồng thông minh”. Tạm gác lại hành vi của kẻ tấn công sang một bên, có thể thấy rằng Hợp đồng thông minh mặc dù có khả năng “miễn nhiễm”với những “ẩn ý” hoặc “mập mờ” trong thuật ngữ pháp luật và ngôn ngữ soạn thảo văn bản, nhưng vẫn dễ gặp phải lỗi mã hoá [3]. Như vậy, các yếu tố ngoại cảnh luôn rình rập để phát sinh, nhưng các bên lại bị mất đi tính linh hoạt trong việc điều chỉnh hợp đồng và thay đổi tiến trình thực hiện giao kết. Những rủi ro này, mặc dù đã được bảo vệ bởi quy định về trường hợp bất khả kháng, nhưng tương lai vẫn cần các hướng đi phù hợp khác để hạn chế tối đa những rủi ro mà giao kết hợp đồng trong môi trường ảo gây ra.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng– câu chuyện về bình mới rượu cũ

Theo cha đẻ của Hợp đồng thông minh – Nick Szabo, dạng thức hợp đồng này sẽ mở ra một chân trời mới cho tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch. Như vậy, mọi đối tượng, không kể người khuyết tật, người tị nạn hay những nhóm người yếu thế khác đều có thể tham gia giao dịch một cách bình đẳng và tránh được những thiệt thòi và chèn ép như khi tham gia thương lượng, thỏa thuận theo phương thức hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận ở một khía cạnh khác rằng với cơ chế thực hiện theo công thức lệnh “nếu X thì Y”, quyền lợi của người tiêu dùng trong Hợp đồng thông minh liệu có được bảo vệ đầy đủ?

Với mục tiêu đảm bảo sự thuận tiện và chính xác khi chuyển đổi ngôn ngữ soạn thảo sang các mã lệnh, hợp đồng, trong trường hợp này, ít nhiều sẽ không đảm bảo các nội dung cần thiết như hợp đồng tiêu dùng truyền thống. Sự khuyết thiếu trong Hợp đồng thông minh thể hiện rõ nhất ở các điều khoản về quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng hoặc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Hiện nay, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra những quy định nhằm đảm bảo rằng các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ, hàng hóa phải đăng ký nội dung của Hợp đồng mẫu hoặc Điều kiện giao dịch chung để tránh việc soạn thảo, giao kết và thực hiện các hợp đồng chứa đựng các điều kiện và điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng. Nhưng câu chuyện muôn thuở luôn là khung pháp lý còn nhiều kẽ hở, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành lại thiếu vắng những quy định chi tiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, cơ chế để người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến việc giao kết và thực hiện Hợp đồng mẫu/Điều khoản giao dịch chung còn nhiều hạn chế. Như vậy, trước xu hướng phát triển nhanh của Hợp đồng thông minh– hay “Hợp đồng mẫu/ Điều khoản giao dịch chung được mã hóa”, các nhà quản lý hơn bao giờ hết nên bắt đầu suy ngẫm và đưa ra những giải pháp hữu ích để bảo vệ bên yếu thế trong quan hệ này.

Chặng đường dài cho các chính sách quản lý trong tương lai

Công nghệ như một bài toán đố có kết quả vô hạn và những bước tiến của khoa học công nghệ luôn nhanh hơn một bước so với những chính sách quản lý hiện tại. Thực tế đã cho thấy không chỉ các quốc gia đang phát triển, thậm chí EU hay các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản cũng đang loay hoay trước sự chuyển mình không ngừng của công nghệ. Đã đến lúc các chính sách quản lý phải thực sự nhìn thẳng vào tiềm năng tương lai của công nghệ để có những chiến lược quản lý đường dài. Nhưng trước tiên, cần phải hiểu rõ những đột phá công nghệ là gì, các tác động của ứng dụng đó tới đời sống ra sao và từ đó đề xuất chính sách quản lý phù hợp.

Hi vọng rằng các chính sách quản lý trong tương lai sẽ không đi theo xu hướng của Dự án thí điểm Uber và Grab – cố gò ép những công nghệ sáng tạo vào khung pháp lý đã cũ. Hi vọng rằng đến thời điểm mà Hợp đồng thông minh nói riêng và các đột phá công nghệ nói chung thâm nhập vào từng ngõ nhỏ của cuộc sống,các nhà quản lý đã sẵn sàng trả lời cho những băn khoăn của dư luận, thay vì “mông lung quan ngại” và cho rằng đó chỉ là một câu chuyện viễn tưởng.

———

Chú thích:
[1] Riccardo de Caria, A Digital Revolution in International Trade? The International Legal Framework for Blockchain Technologies, Virtual Currencies and Smart Contracts: Challenges and Opportunity, trang 7.

[2] Decentralized Blockchain Technology and The Rise of Lex Cryptographia, Aaron Wright & Primavera De Filippi, trang 1.

[3] Alexander Savelyev, Contract law 2.0: “smart” contracts as the beginning of the end of classic contract law, trang 20.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)