Em vui – Một cách tiếp cận truyền thông mới

Chuyện kết hôn trẻ em tưởng chừng chỉ tồn tại trong ký ức của những người lớn tuổi giờ vẫn xuất hiện như các nốt trầm giữa không gian các tỉnh miền núi cả nước. Có thực tại day dứt như thế khiến người ta không thể ngồi yên…

12 tập phim hoạt hình “Hành trình của Mỷ” được đông đảo các em chờ đón theo dõi.

“Ở trường tôi có em Cháng T.G 14 tuổi là một học sinh năng động, học tập tốt, ngoan và được các bạn trong trường bầu làm liên đội trưởng. Vậy mà chỉ sau dịp nghỉ tết Nguyên Đán, em G đã bỏ học để lấy chồng, một thanh niên cùng xóm. Nhà trường đã báo cáo chính quyền xã can thiệp nhưng em nhất quyết không đi học nữa để ở nhà lấy chồng. Một buổi chiều đầu năm, chúng tôi đến vận động em G đi học. Trước mái nhà em nhỏ bé, sân vườn ướt không có nổi một chỗ khô ráo để bước chân vào… Tôi hỏi ‘sao em không đi học’, em đáp ‘em cũng muốn học nhưng gia đình em bắt em lấy chồng’ vì con gái học nhiều làm gì, vì học thì cũng ăn ngô, không học cũng ăn ngô’”…

 “Lấy chồng từ thuở mười ba”, câu chuyện của giáo viên trong một xã của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang kể lại cho chúng ta thấy, kết hôn trẻ em là một thực tế phổ biến ở nhiều tỉnh miền núi trong cả nước. Thậm chí, tỉ lệ tảo hôn ở một số tộc người như người H’mông, Cơ Lao, Mảng… vẫn lên tới 50%, các em đều rời bỏ ghế nhà trường sau khi kết hôn. 

Những vòng lặp đói nghèo

Tuy nhiên, các hình thức tuyên truyền, cổ động chỉ “khu trú” vào tác hại của tảo hôn, các luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cũng như nhấn mạnh vào “xử phạt” liệu có đạt hiệu quả như mong đợi, khi nguyên nhân gốc rễ của tảo hôn bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế xã hội phức tạp, rộng lớn hơn nhiều.

Trái với giả định là người dân tộc thiểu số không nắm rõ quy định, hướng dẫn về việc không được tảo hôn, một số khảo sát gần đây, đơn cử như “Kết hôn trẻ em ở một số cộng đồng tộc người thiểu số ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Kinh tế, xã hội, môi trường (iSEE) cho thấy phần lớn người dân đều đã biết qui định của pháp luật và nhập tâm diễn ngôn về “tảo hôn” như một hành vi vi phạm nhưng chấp nhận hình phạt để tiếp tục quyết định kết hôn hoặc “lờ” đi không quan tâm. Những hình phạt có tính răn đe của chính quyền địa phương hầu như chỉ có tác dụng “bề mặt” là hạn chế việc tổ chức đám cưới/đăng ký kết hôn công khai cho các cặp dưới tuổi kết hôn, chứ không thể kiểm soát các cặp trẻ em, hoặc các cặp mà người nam đủ tuổi, còn người nữ vẫn đang ở độ tuổi trẻ em lấy nhau.

Các em ở Bản Lang, Phong Thổ, Lai Châu thảo luận nhóm về nguy cơ, các phòng vệ khi gặp kẻ người lừa đảo.

Thông thường chúng ta vẫn nghĩ đi học, có hiểu biết thì các em sẽ có nhiều cơ hội kết hôn và sinh kế. Tuy nhiên trên thực tế, với trẻ em dân tộc thiểu số, sống ở miền núi thì đi học không có nghĩa là có thể đổi đời. Kể cả đi học, các em vẫn dễ luẩn quẩn trong vòng lặp đói nghèo. Các khảo sát cho thấy, các cặp kết hôn sớm và gia đình các em thường không những không đủ khả năng kinh tế để các “cô dâu chú rể nhí” tiếp tục học mà còn không thấy động lực để các em tiếp tục đi học. Đơn giản là vì cơ hội công việc sau khi đi học của các em cũng không rõ ràng. Nhận định “các hoạt động trong đời sống của người dân tộc thiểu số hầu như để phục vụ mục đích sinh tồn. Do sống trong điều kiện đòi hỏi đứa trẻ tham gia vào việc đóng góp sức lực, kinh tế cho gia đình, trẻ em dân tộc thiểu số được xem là trưởng thành khá sớm so với độ tuổi quy định kết hôn trong luật pháp. Nam và nữ dân tộc thiểu số đến tuổi trưởng thành được trông đợi phải tập trung vào lao động sản xuất. Học hành nếu không đáp ứng cho mục tiêu đó cũng trở thành thứ yếu”, trong báo cáo của iSEE, sau này được trích dẫn lại trong báo cáo rà soát năm năm thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 cho chúng ta hình dung về điều đó. 

Kết hôn trẻ em phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế – xã hội rộng lớn như nghèo đói, thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội việc làm, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và chịu tác động từ mạng lưới xã hội xung quanh cũng như những chuẩn mực xã hội về hôn nhân trong cộng đồng tộc người… Tương tự với tảo hôn là lừa đảo buôn bán người – nhiều nghiên cứu gần đây đã xác định kinh tế là nguyên nhân lớn nhất trong số các nguyên nhân phổ biến khiến một người có thể trở thành nạn nhân của mua bán người: nghèo khó, không có việc làm, hoặc thu nhập cực kỳ thấp.

Kết hôn trẻ em phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế – xã hội rộng lớn như nghèo đói, thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội việc làm, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và chịu tác động từ mạng lưới xã hội xung quanh cũng như những chuẩn mực xã hội về hôn nhân trong cộng đồng tộc người…

“Đây đều không phải là vấn đề tự thân mà có căn nguyên từ các vấn đề xã hội khác, vì nghèo đói, vì văn hóa, vì sinh kế, vì bất bình đẳng giới… tất cả những thứ đó đan cài với nhau”, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) nói. Làm sao cả cộng đồng cùng hòa một nhịp trong việc giải quyết một vấn đề như vậy? Vì thế ISDS và Plan Việt Nam đề xuất một cách thức truyền thông tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn theo một cách thức hoàn toàn mới. Trước đây người ta chỉ tác động vào một nút trong mạng lưới, nay phải tác động vào cả mạng lưới thì mới hòng tạo ra thay đổi về suy nghĩ, hành động trong cả cộng đồng. 

Đặt tên là “Em vui”, dự án này không chỉ nhắm trực tiếp vào truyền thông về tảo hôn và mua bán người mà đặt ra cách tiếp cận rộng lớn hơn, gắn với bối cảnh xã hội, gốc rễ gắn với đói nghèo, cơ hội việc làm ở miền núi. Đó chính là lý do, dù chỉ tập trung truyền thông về một lĩnh vực, nhưng dự án phải kết nối tới 190 cơ quan, đơn vị từ cấp bộ, cấp tỉnh, huyện cho tới cấp xã và cán bộ thôn bản ở 52 xã của bốn tỉnh miền núi cũng như các tổ chức xã hội có liên quan tới trẻ em và vùng dân tộc thiểu số cùng tham gia. “Cách làm mới kết nối đồng bộ, ở các quy mô khác nhau, và nhất là ở cấp xã thấy ai cũng tham gia đòi hỏi nội dung của dự án phải phù hợp, có lợi cho công việc của mình, các em học sinh và mọi người trong cộng đồng luôn thấy câu chuyện, hình ảnh của mình ở đó”, TS. Khuất Thu Hồng giải thích, “sản phẩm không hữu ích cho họ thì họ sẽ không sử dụng”.

Các em nhỏ xem tranh của dự án Em vui tại chương trình Europe Village – Ngôi làng châu Âu 2023.

Dự án đã xây dựng được một nền tảng Em vui gồm ứng dụng cài trên điện thoại, máy tính bảng, website, không phải chỉ dành riêng cho học sinh miền núi, mà còn cho tất cả các bên, từ nhà trường, cán bộ các ngành lao động thương binh xã hội, công an, biên phòng ở địa phương cho đến các hội đoàn như Hội phụ nữ, thanh niên đều có thể sử dụng. Chỉ cần cài đặt ứng dụng hoặc truy cập website này, các em học sinh và các cán bộ địa phương dễ dàng có được tài liệu truyền thông đã được soạn sẵn dưới dạng phim hoạt hình, truyện tranh dài kỳ, trò chơi có tích điểm thưởng. “Trẻ con rất nhanh chán nên mình phải nghĩ ra các nội dung vui, hấp dẫn, có tính bất ngờ để trẻ đi theo mình cả một quá trình. Vì thực ra ngoài kia có bao nhiêu thứ khác hấp dẫn các em theo chương trình nên phải nghĩ cách thu hút các em”, TS. Khuất Thu Hồng giải thích. Tất cả thông tin rất phong phú, sinh động về chính cuộc sống các em chứ không phải chỉ “nhăm nhăm” tuyên truyền một chiều, khô khan, cứ nói đi nói lại mãi về tảo hôn và mua bán người. Nếu làm thế chỉ có một tập phim là hết truyện, nội dung truyền thông sẽ vô cùng nghèo nàn, và trẻ em sẽ rất chán. Nhờ các quan sát kỹ lưỡng ấy, bộ phim hoạt hình và truyện tranh “Hành trình của Mỷ” – một trọng tâm truyền thông về các yếu tố văn hóa kinh tế xã hội có liên quan, từ việc sinh con ở nhà, tìm hiểu bạn bè trên mạng xã hội, đi tìm việc làm, giúp đỡ bố mẹ cho tới câu chuyện phát triển sinh kế của bố mẹ các em… Điều đó khiến các em đều thấy Em vui và “bộ phim Hành trình của Mỷ như nói về cuộc sống ở bản của chính chúng cháu”, em Chuyền, học sinh lớp 6, trường THCS xã Chiến Phố, Hoàng Su Phì, Hà Giang cho biết. Đây cũng là cách truyền thông mà các thầy cô giáo, cán bộ địa phương mong chờ từ lâu, như cô Hồng, giáo viên trường Chiến Phố kể lại “chia sẻ về nền tảng này cho các em rất dễ, vì nếu tuyên truyền đao to búa lớn thì các em sẽ không nghe”. 

Cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm không chỉ nhìn thấy trong thiết kế nội dung truyền thôngmà còn được thể hiện trong các cuộc đối thoại chính sách “Điều em muốn nói” do chính các em học sinh tổ chức, điều phối. Nghe thì to tát nhưng đối thoại chính sách lại là cách để các em cởi bỏ mọi ngại ngần để cất lên tiếng nói của chính bản thân mình và cả những ý tưởng dù mới vụt thoáng qua đầu. Không đơn thuần là những câu hỏi xoay xung quanh nội dung về tảo hôn và phòng chống mua bán người, phạm vi thắc mắc và câu hỏi của các em rộng hơn rất nhiều. Nó cho thấy các em cũng có những suy nghĩ sâu sắc về tương lai chính mình, mong muốn nhập cuộc thực sự và vô cùng thực tế: “đoàn thanh niên làm gì để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp?”, “Nếu cháu học xong cấp 3, cháu muốn đi làm và cần được tư vấn thì cháu cần gặp ai?”, Ai có thể giúp đỡ cháu tìm kiếm việc làm?”… Những câu hỏi này, không chỉ xuất hiện trong các buổi đối thoại chính sách, mà các em cũng đặt lại, trong nhiều bình luận (comment) trên ứng dụng/website Em vui. 

Tranh của dự án Em vui.

Không chỉ bao phủ nội dung “trên mọi mặt trận”, Em vui cũng tạo ra một không gian cho chính các em học sinh, các thầy cô giáo, cán bộ địa phương tham gia kể chuyện, sáng tác truyện, phim ngắn, vẽ tranh để phản ánh những khó khăn mà các em đang gặp phải trong cuộc sống thường ngày ở miền núi. Khi các em học sinh các thầy cô và các cán bộ địa phương coi Em vui là kênh để chia sẻ, giãi bày về cuộc sống thì nó thực sự đã trở thành không gian không thể thiếu cho cộng đồng. Cách làm này giống như “nồi cơm Thạch Sanh”, tạo ra nguyên liệu nội dung không bao giờ vơi cạn cho Em vui. Hiện nay một số báo cáo định kỳ của bốn tỉnh đều do chính các em học sinh và các cán bộ địa phương đóng góp nội dung dưới hình thức các câu chuyện thực tế. 

Một cách làm bền vững 

Chính nhờ cách tổ chức nội dung và kết nối hữu ích như vậy mà Em vui đã thu hút tới hơn 17.000 em học sinh và 54.000 người có liên quan tham gia đọc tư liệu, thảo luận về vấn đề vẫn được coi là tế nhị, khó truyền thông này. Ứng dụng Em vui đã được gần 8.000 em tạo tài khoản để thường xuyên truy cập, học vui, chơi vui trên ứng dụng này, đến nay đã có tới hơn 150.000 lượt truy cập.

Cách làm mới mẻ của Em vui khiến các nhà đánh giá độc lập như TS. Nguyễn Trần Lâm “đánh giá rất cao về tính phù hợp, hiệu quả, hiệu suất, tác động và tính bền vững”. Khảo sát tỉ lệ các em đủ tự tin để vận động cho quyền của mình và tự bảo vệ mình khỏi nạn tảo hôn và mua bán người trước và sau khi Em vui được thực hiện cho thấy từ chỗ chỉ có 0.5% em trong số 1.725 em có kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân trước nạn mua bán người, hoặc 10% các em có kiến thức cơ bản về an toàn trực tuyến trên không gian mạng, nay lên hơn 70% các em có kiến thức, kỹ năng tới mức đủ tự tin giải thích cho người khác, vượt tới 200-300 lần so với mục tiêu đề ra (30% các em có kiến thức, kỹ năng).

Em vui đã làm “thay đổi về năng lực, sự tham gia và ủng hộ của đối tượng hưởng lợi/các bên, từ trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên thay đổi về kiến thức và kỹ năng về tảo hôn và mua bán người, cho tới các thành viên của mạng lưới phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và nhóm công tác về quyền trẻ em cũng như các nhà hoạch định chính sách. Về mục tiêu phát triển, Em vui góp phần tăng cường kiến thức và nhận thức cho cộng đồng, giúp các em tự tin khẳng định bản thân, làm chuyển biến về thái độ của lãnh đạo chính quyền địa phương, của cả cộng đồng đa số (như dân tộc Kinh, Tày, Nùng) đối với cộng đồng dân tộc thiểu số (gồm H’mông, Dao, Bru Vân Kiều, Chứt…), góp phần tăng sự tự tin, sự tham gia và trách nhiệm của các bên đối với cộng đồng”, TS. Nguyễn Trần Lâm cho biết. Thậm chí Em vui còn mang lại tác động lớn hơn dự kiến khi lan tỏa tới 41 trường học khác không trực tiếp tham gia Em vui. 

“Nếu không tiếp tục sử dụng nền tảng Em vui thì sẽ là một sự lãng phí vô cùng lớn, nên đối với tôi câu hỏi không phải là có nên duy trì nền tảng này hay không? Mà là sẽ duy trì như thế nào?”, TS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP cho biết.Theo quan sát của chị, hiện nay các bộ, ngành như Giáo dục, Y tế, Ủy ban dân tộc… đều vô cùng cần cách thức truyền thông và những bộ tài liệu như của Em vui đã xây dựng. Đơn cử, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang thúc đẩy giảng dạy cho cácgiáo viên ở các trường miền núi những nội dung tương tự, rất nên tận dụng platform này. Thực tế hiện nay, nhận thấy cách làm hiệu quả của Em vui, có tới 15 tổ chức xã hội khác cũng đã tham gia, “gieo hạt” vào platform này. Các đơn vị đã tiếp cận, gửi tư liệu lên website và ứng dụng Em vui để mong thông qua platform này, các em học sinh miền núi tiếp cận được nội dung truyền thông của mình. Ngay tại buổi tổng kết của Em vui, đại diện của nhiều tổ chức xã hội đã kỳ vọng app và web Em vui trở thành platform chung cho các hoạt động về truyền thông, giáo dục, kết nối việc làm cho trẻ em và thanh thiếu niên miền núi. Thông qua đó, các cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức xã hội có thể sử dụng, đưa tư liệu vào kho thư viện trên platform chung, kết nối trực tiếp với học sinh, thanh thiếu niên. 

Đó mới chỉ là những đo lường trong ngắn hạn về tác động của Em vui. Thay đổi nhận thức không phải trồng cây ngắn ngày, theo mùa vụ mà phải bền bỉ, nếu không tiếp tục, bỏ giữa chừng thì hiệu quả không được bao nhiêu nên mới cần tới pha sau của dự án. TS. Khuất Thu Hồng cho biết, nếu còn tiếp tục, dựa trên cách làm này Em vui sẽ có thể tác động lên số lượng trẻ em và cha mẹ các em lớn hơn giai đoạn 1 rất nhiều lần. Mặt khác, 17.200 em thụ hưởng trực tiếp và 57.400 em thụ hưởng gián tiếp tham gia Em vui cũng sẽ chính là các mắt xích kết nối, truyền thông thêm cho các em khác trong cộng đồng ở giai đoạn tiếp theo. 

Điều quan trọng hơn cả, “Em vui không chỉ mang lại thông tin hữu ích cho riêng vấn đề tảo hôn và mua bán người, mà Em vui đã tạo ra một cách làm mới, nếu anh cứ sử dụng cách này ở các dự án truyền thông khác ở miền núi thì cũng sẽ đem lại hiệu quả”, TS. Khuất Thu Hồng nói.□

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)