George Ohr: Người khiến đồ gốm có giá như vàng

Nếu không có George Ohr đem tới một cuộc cách mạng cho đồ gốm vào khoảng 1900 thì những người thợ gốm sẽ mãi mãi chỉ là những người thợ thủ công bình thường.

Chất lượng và sức mạnh thẩm mỹ những sản phẩm gốm của George Ohr cho đến tận ngày này vẫn là có một không hai – và cuối cùng thì chúng có cái giá rất đắt, đúng như người tạo ra chúng từng mong muốn.  

George Edgar Ohr tự coi mình là “greatest art potter on earth (nghệ sĩ gốm vĩ đại nhất trên Trái đất)”. Người ta phải dịch là nghệ sỹ gốm, nếu gọi là thợ gốm nghệ thuật thì hoàn toàn không ổn. Đúng là ông đã có tất cả những gì mà một thiên tài thường có: cái vẻ ngoài điên điên khùng khùng, bộ ria mép dài và xoăn, khi làm việc ông phải buộc chòm râu mình ra phía sau gáy, một con người vô cùng phóng khoáng – ông có một trí tưởng tượng vô bờ bến và không ngừng tuôn trào. 

Trong những năm từ 1880 đến 1909 ông sáng tác các loại bình gốm hoàn toàn khác với những sản phẩm đã được làm trước đó. Ngày nay ông hầu như ít được công chúng biết đến nhưng trong giới chuyên môn thì có thể nói ông là số Một, ông là người đã đưa gốm từ vị trí thủ công mỹ nghệ lên vị thế của nghệ thuật hiện đại.

Tại sao có thể được như vậy, cho đến nay điều này vẫn còn là một điều bí ẩn. Đơn độc một mình, xa lánh mọi trào lưu tiên phong thời đó, Ohr sáng tác gốm tại thị trấn nhỏ ven biển Biloxi ở tiểu bang Mississippi, không chỉ là các loại bình gốm đơn thuần: những cái bình này đậm vẻ hoang dã điểm xuyết với các họa tiết nhiều loại động vật hiếm lạ, đôi khi chúng bị xoắn lại, đan xen nhau đến độ không nhận ra được hình hài của chúng, lớp men nhiều màu sắc, sặc sỡ mang dáng dấp của chủ nghĩa ấn tượng trong những năm 50, đèn Lava những năm 60 và đi trước cả hậu hiện đại của những năm 70. Những tác phẩm của ông không cái nào giống cái nào. 

Ohr học nghề gốm từ một người bạn của cha mẹ ông. Sau đó ông đi biệt hai năm liền qua các tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ, hấp thụ tất cả những gì liên quan đến nghề gốm. Không lâu sau ông tham gia các triển lãm bán hàng. Một thầy giáo cũ đã nhờ ông giúp một tay tại xưởng, sau khi câu lạc bộ gốm nghệ thuật ra đời năm 1884 gần New Orleans. 

Tầm ảnh hưởng của nơi này, nơi nghệ thuật được đề cao, tác động không nhỏ đến Ohr, con trai của một người thợ rèn. Đây cũng là nơi chàng trai trẻ sắp được làm cha kiếm được khá bộn tiền và chàng cũng thích trình diễn trước công chúng cơ bắp của mình. Cũng thời gian này ông mở một xưởng gốm của riêng mình tại Biloxi.


Vỏ ốc và cua, 1899 

Không ai có thể so sánh với quái nhân Ohr

Tuy nhiên không có một nghệ nhân gốm nào hoặc thậm chí cả nghệ sỹ gốm sứ thời đó tạo nên một cái gì đó tương tự như của quái nhân Ohr. Sự đơn giản tuyệt vời của sản phẩm gốm Nhật Bản, xuất hiện trên thị trường phương Tây từ thời Minh Trị 1868 tưởng như không có đối thủ cạnh tranh, những cái bát nuột nà của nghệ nhân gốm cỡ ngôi sao nước Anh như Bernard Leach hay những thiết kế bằng chất liệu đất sét của Bauhaus so với gốm của Ohr bỗng nhiên trở nên nhạt nhẽo, vô vị. 

Tại California vào thời gian trước đó, các nhà điêu khắc như Peter Voulkos, Ron Nagle và Ken Price đã bắt đầu nhào nặn đất sét theo trí tưởng tượng của họ thành những hình khối không nhằm bất kỳ mục đích sử dụng nào. Nhưng lúc này thế giới nghệ thuật vẫn chưa đạt độ chín để gốm có thể đứng độc lập. Mãi đến thời của của Ohr gốm mới trở thành một xu thế với những nghệ sỹ như Rosemarie Trockel, Thomas Schütte và Sterling Ruby, tuy nhiên các nghệ sỹ này chỉ nỗ lực cạnh tranh với một dòng tác phẩm duy nhất – tác phẩm của George Ohr.

Bởi điều kinh ngạc nhất là sự tinh tế thể hiện trong sự quằn quại phá cách trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Ohr. Cho dù vẻ bên ngoài của chúng xù xì, dị hợm nhưng thực ra những bình, những chậu của ông thường rất mảnh mai như tờ giấy lụa – nó thể hiện phẩm chất điêu luyện về tay nghề mà cho đến nay không mấy ai có thể đạt được. Có lẽ điều này liên quan đến loại đất sét mà Ohr lấy từ dòng sông Tchoutacabouffa rồi chở bằng ca nô về xưởng gốm của mình đặt trên nền đất của cha mẹ ông. 

Sau khi bố mẹ, qua đời ông vẫn kiên quyết không rời mảnh đất của các cụ mặc dù anh chị em ông đã bán mảnh đất này cho người khác; rồi xưởng gốm của ông với hàng ngàn hiện vật bị thiêu trụi. Nhưng ngọn lửa đó đã làm bùng lên sự quyết tâm tìm tòi cái mới; ông tái thiết lại mọi thứ nhờ vào sự tài tình, khéo léo của mình nhưng cuối cùng ông vẫn buộc phải đóng cửa xưởng gốm của mình. Đơn giản vì ông hét giá quá cao cho những cái bình hình thù dị dạng, quái đản. Ông mất năm 1918 ở tuổi lục tuần vì bệnh ung thư vòm họng, để lại một bộ sưu tập gốm đồ sộ cho những người thừa kế, tuy nhiên bộ sưu tập đó đã bị đắp chiếu ngủ yên hơn 50 năm ở sau xưởng sửa chữa ô tô của Ojo, con trai ông.


Cho dù vẻ bên ngoài của chúng xù xì, dị hợm nhưng thực ra những bình, những chậu của ông thường rất mảnh mai như tờ giấy lụa.

Tái phát hiện sau 50 năm

Mãi cho đến năm 1968 khi nhà buôn đồ cổ Jim Carpenter ở New Jersey tới Biloxi tìm mua phụ tùng ô tô cũ. Khi Ojo gạn hỏi, liệu ông có muốn ghé qua kho đồ gốm của bố ông không, thì bà vợ nhà buôn đồ cổ Carpenter có vẻ tò mò. Và thế là hai vợ chồng đã có mặt tại kho chứa toàn bộ sản phẩm gốm của Ohr, cái thì để trên bàn, cái thì đóng gói trong các thùng carton. Cho dù chưa một lần nghe nói đến tên George Ohr nhưng tay buôn đồ cổ sành sỏi Carpenter lập tức cảm thấy đây là một kho báu. 

Ông ta ngỏ ý sẵn sàng mua cả tất cả với giá 15.000 USD, vị chi bình quân khoảng 2 USD một món. Sau khi trao đổi với anh em trong nhà, ông Ojo lắc đầu không bán. Sau một hồi cò kè họ chấp nhận mức giá 50.000 USD. Nhưng đến khi Carpenter định mở hầu bao thì Ojo đòi 1,5 triệu USD. Thương vụ này ba năm sau mới hoàn tất và toàn bộ tác phẩm của người bố đã được vận chuyển sang bờ biển phía Đông.

Và tại đây, được sự quảng bá của Carpenter và do được giới thiệu tại Phòng trưng bày Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ Jordan-Volpe ở thành phố New York, nên sự nghiệp của George Ohr đã được hồi sinh và thật sự cất cánh.

Jasper Johns, Robert Rauschenberg và Andy Warhol là một trong những nhà sưu tầm đầu tiên của ông, cũng như người phụ trách bảo tàng David Whitney, người bạn đời của kiến trúc sư Philip Johnson. Sau đó là Steven Spielberg và Jack Nicholson. Các cuộc đấu giá của nhà buôn gốm sứ David Rago, người đã hợp tác chặt chẽ với Carpenter, lúc nào cũng thu hút đông đảo khán giả chẳng khác gì các buổi thánh lễ ở nhà thờ.

Tháng 10/1994 – đúng 100 năm sau cái ngày xảy ra hỏa hoạn tại xưởng gốm của George Ohr – Rago đã khai trương một cuộc triển lãm tại phòng trưng bày ở Upper East Side, và đã được tờ “New York Times” khen ngợi. Hầu như tất cả vật trưng bày của Ohr tại cuộc triển lãm này đã được bán hết. George Ohr trở thành một nghệ sỹ đã phá mọi tiêu chí về sản phẩm gốm, về nghệ thuật cũng như về thủ công mỹ nghệ.

Năm 2010, tại Biloxi đã khai trương bảo tàng đầu tiên ở nước Mỹ chỉ nhằm tôn vinh nhà nghệ sỹ gốm duy nhất – bảo tàng này do kiến trúc sư Frank Gehry thiết kế, nó có dáng dấp như một cái bình của George Ohr. Từ hai năm nay các tác phẩm của Ohr cũng có mặt trong Bảo tàng Metropolitan và Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York. Từ lâu giá thị trường ổn định ở mức cao: năm 2006 giá một cái bình của Ohr tại Sotheby’s đạt mức kỷ lục đối với gốm là 132.000 USD. Tháng giêng 2020 một cái bình được bán tại David Rago với giá 100.000 USD.

Gã thợ gốm điên khùng ở Biloxi đã tính giá sản phẩm của mình theo giá vàng, một cái bình nhỏ méo mó ông hét giá 500 USD. Hồi ấy mọi người chỉ biết lắc đầu lè lưỡi. Duy chỉ có George Ohr mới biết ông có lý như thế nào. 


Bình đất nung tráng men của George Ohr 

Xuân Hoài tổng hợp – Nguồn bài và ảnh: Welt.de

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)