Khám phá lăng mộ Pharaoh Seti I: Thế giới tâm linh rực rỡ và sống động
Pharaoh Seti I là người đặt tiền đề sáng lập ra triều đại thứ 19-Đế chế mới ở Ai Cập cổ đại. Đây được coi là giai đoạn đỉnh cao về lực lượng quân sự, biến Ai Cập thành một quốc gia hùng mạnh. Và lăng mộ Seti I được coi là một trong những bức màn bí ẩn mà các nhà khoa học vất vả tìm hiểu trong Thung lũng các vị vua, nơi yên nghỉ của các vua Ai Cập cổ đại suốt cả thế kỷ qua. Kể từ khi lăng mộ dài nhất tại Thung lũng các vị vua này được phát hiện từ đầu thế kỷ 19 tới nay, các nhà khảo cổ học vẫn liên tục phát hiện ra những điều mới mẻ ở đây, về quy mô của lăng mộ, về con đường hầm dài còn dang dở, về thế giới nghệ thuật sống động được mô tả ở đây, về niềm tin tôn giáo và hành trình đi tới âm giới trong thế giới quan của người Ai Cập cổ đại... Phóng sự ảnh vừa được thực hiện mới đây trên National Geographic lột tả một phần thế giới rực rỡ, sống động đó.
Lăng mộ trong thung lũng các vị vua.
Ngôi mộ không có xác ướp
Ẩn mình giữa những lối vào lăng mộ của Thung lũng Các vị vua là một cấu trúc được các nhà khoa học đặt tên là khu KV17: Khu lăng mộ được xây dựng cho Vua Seti I, người đã chết vào năm 1279 trước Công nguyên, được phát hiện vào năm 1817 và ngay lập tức đã khiến những người khai quật ngạc nhiên với những bức tường được trang trí phong phú mô tả niềm tin tôn giáo thông qua hình ảnh của pharaoh đã chết và các vị thần của Ai Cập cổ đại.
Thung lũng các vị vua là nơi chôn cất của nhiều chủ nhân trị vì Đế chế mới ở Ai Cập (khoảng năm 1539-1075 trước CN), khi Ai Cập vươn lên một tầm cao mới về quyền lực và tầm ảnh hưởng. Công cuộc xây dựng nghĩa trang vĩ đại ngoài sa mạc này bắt đầu từ thời Thutmose I, vị vua thứ ba của triều đại thứ 18, người đã đánh dấu sự hồi sinh của Ai Cập sau một thời gian dài bất ổn. Thung lũng được dựng trên đá của thung lũng sa mạc gồ ghề ở bờ Tây sông Nile. Vị trí xa xôi hiểm trở như vậy đã được chọn để che giấu nơi chôn cất xa hoa của vị vua khỏi nguy cơ từ những kẻ đột nhập. Những người cai trị Đế chế mới tiếp theo cũng đặt mộ của họ ở đó, và nghĩa trang cứ thể ngày càng mở rộng. (Sức mạnh tư pháp được truyền từ pharaoh này sang pharaoh khác, ngay cả sau khi chết.)
Mặc dù phần bên trong của các ngôi mộ đều được che giấu bằng cách lấp đi các lối vào, hầu hết các ngôi mộ – ngoại trừ ngôi mộ nổi tiếng của Tutankhamun – đã bị cướp gần hết, và ngôi mộ của Seti I không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, ngay cả khi không có đồ vật chạm khắc bằng vàng hay thậm chí là xác ướp của pharoah, lăng mộ Seti vẫn có vô số báu vật. Đó chính là nghệ thuật vô giá tô điểm trên các bức tường vẫn còn nguyên vẹn, giúp cho các học giả hiện đại có một cái nhìn sống động về thứ nghệ thuật phức tạp này, giúp họ hiểu thêm về tâm linh Ai Cập và các nghi lễ tang lễ xung quanh cái chết của một vị vua.
Nạn nhân của nạn cướp bóc cổ vật
Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, nhà sử học Diodorus Siculus đã mô tả Thung lũng Các vị vua như một đống đổ nát. Thời gian đã không hề nương tay với địa điểm này, cả tự nhiên và con người đã làm suy thoái nó.
Trần vòm của phòng chôn cất dưới của Seti I tượng trưng cho bầu trời và các ngôi sao. Các chòm sao khác nhau từ bầu trời đêm, bao gồm cả chòm sao Ursa Major – một con bò đực trong vũ trụ học Ai Cập cổ đại, xuất hiện giữa các vị thần.
Về sau này sự quan tâm chân thành về học thuật của các học giả người Pháp sau cuộc xâm lăng Ai Cập năm 1798 của Napoléon đã trùng với mối quan tâm về giá trị thương mại của những cổ vật được phát hiện trong lăng mộ. Vào đầu những năm 1800, nhiều lăng mộ trên khắp Ai Cập đã bị cướp phá để cung cấp các cổ vật quý hiếm cho thị trường châu Âu.
Khi nhà thám hiểm người Ý Giovanni Belzoni đến Ai Cập vào năm 1815, đất nước này nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Belzoni vốn được biết đến như một nhà thám hiểm và kẻ trộm mộ, nhưng điều này đã không ngăn cản lãnh sự Anh giúp ông vận chuyển một tượng đầu khổng lồ của Ramses II đến Alexandria và từ đó nó được chuyển đến Bảo tàng Anh ở London. Belzoni cũng bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với lãnh sự Pháp, người đã thuê các băng đảng cướp mộ để truy tìm các cổ vật.
Để giúp đối đầu với một địch thủ người Pháp, Belzoni đã kết bạn với người dân địa phương gần Thung lũng các vị vua, những người làm nghề cướp mộ. Nhờ thông tin của họ, ông đã trở nên quen thuộc với khu vực này. Và mặc dù là một tay hám lợi nhưng Belzoni cũng thực sự quan tâm đến giá trị khảo cổ học. Ông đã nghiên cứu địa hình thung lũng và ghi nhận cách nước mưa chảy nhanh có thể chỉ ra vị trí ẩn giấu của những cánh cửa.
Vào mùa đông năm 1816, Belzoni tìm được vị trí của lăng mộ pharaoh Ay – triều đại thứ 18. Vào tháng 10 năm sau, người của ông đã phát hiện ra lăng mộ Ramses I, người sáng lập vương triều thứ 19. Trong quá trình khám phá đó, Belzoni nhận thấy có một cái hố nhỏ khác dễ dàng hấp thụ nước mưa, và điều đó cho thấy một khoang trống nằm bên dưới. Khi đào, nhóm của ông tìm thấy một lối vào đầy gạch vụn. Khi các mảnh vỡ đã được dọn sạch, họ có thể nhìn thoáng qua những bức tường được trang trí tuyệt đẹp bên kia. Trong khi khám phá ngôi mộ, Belzoni tìm thấy một con bò đã bị ướp xác, khiến ông tin rằng ngôi mộ dành riêng cho Apis – con bò thần được thờ phụng ở phía Bắc Ai Cập, và không hề thấy có một xác ướp nào.
Bức tranh mô tả vua Seti I đã gặp nhiều vị thần khác nhau trong căn phòng này. Vị Pharaoh đi cùng với nữ thần Isis và thần Anubis, thần của cái chết và ướp xác – có đầu hình con chó.
Triển lãm của những kì quan
Mặc dù không biết gì về danh tính chủ nhân thực sự của ngôi mộ, Belzoni nhận ra rằng những hình vẽ trang trí bên trong thực sự đặc biệt.
Khi Belzoni đến phòng chôn cất có trần sơn tráng lệ tượng trưng cho thiên đàng, ông tìm thấy một chiếc quan tài trống rỗng. Cỗ quan tài được tìm thấy nằm trên một cầu thang dẫn xuống một hành lang dài và bí ẩn, và người của ông đã dừng không khám phá tiếp sau khi đi được một trăm thước Anh. Chiếc quan tài đã được đưa khỏi ngôi mộ và cuối cùng được nhà sưu tập người Anh John Soane mua lại (ngày nay nó ở London, Anh, trong bảo tàng mang tên Soane).
Các tác phẩm trong lăng mộ không chỉ khiến người ta ngưỡng mộ vì vẻ ngoài tráng lệ ngoạn mục mà còn cung cấp cho các nhà Ai Cập học ngày nay những văn bản tang lễ sớm nhất, đầy đủ nhất từ thời Ai Cập cổ đại. Các bức tranh trên tường mô tả các cảnh chi tiết từ Sách Amduat (cuốn sách về Âm giới của Ai Cập) và các văn bản từ Litany of Re – bộ sưu tập các lời cầu nguyện cho vị thần Mặt trời. Chiếc quan tài khổng lồ được trang trí với những cảnh trong Sách Gates, một văn bản Ai Cập kể lại đoạn văn của một linh hồn qua thế giới ngầm và ngày nay được coi là một trong những cổ vật quan trọng nhất từ triều đại Ai Cập thứ 19.
Vào năm 1828, học giả người Pháp Jean-François Champollion đã giải mã chữ tượng hình trong lăng mộ và xác định nó là của vua Seti I, một trong những nhà cai trị vĩ đại nhất của triều đại thứ 19, là cha đẻ của vua Ramses II. Seti I cai trị 11 năm trong thời gian ông mở rộng ảnh hưởng của Ai Cập đến Nubia và phía Đông Bắc đến Syria. Các nhà khảo cổ sau này sẽ tìm thấy xác ướp vua trong một ngôi mộ Hoàng gia gần đó, nơi nó đã được di chuyển dến trong thời cổ đại để giữ an toàn.
Xác ướp của Seti I đã được đưa ra khỏi ngôi mộ trong thời cổ đại và được giấu gần đó để giữ an toàn. Xác ướp được phát hiện vào năm 1881, nay được lưu tại Bảo tàng Ai Cập, Cairo.
Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về ngôi mộ trong thế kỷ tiếp theo. Năm 1903, Howard Carter (người sau này sẽ phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun vào năm 1922), đã khai quật lại ngôi mộ Seti một cách tỉ mỉ và ghi lại nội dung trong lăng mộ. Hơn một thế kỷ sau, nhà Ai Cập học Zahi Hawass cuối cùng đã khai quật được đường hầm mà Belzoni đã tìm thấy dẫn xuống từ buồng ngăn. Ông phát hiện ra rằng nó kết thúc đột ngột sau 570 feet, và kết luận rằng có thể nó dùng để kết nối liên thông nơi chôn cất với thế giới bên kia.
Kể từ lần khai quật đầu tiên của Belzoni, do mở cửa lăng mộ và du khách đến thăm nhiều nên lăng mộ Seti đã hư hại, nhưng rất nhiều nỗ lực đã được đưa ra để cố gắng bảo vệ và bảo tồn nó. Vào năm 2016, Quỹ Factum đã sử dụng công nghệ mới nhất để quét và chụp ảnh toàn bộ khu phức hợp không chỉ để bảo tồn và nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật, mà còn tạo ra các bản fax có độ chính xác cao có thể được in để dựng lên các mô hình kích thước đầy đủ của ngôi mộ với đầy đủ màu sắc. Thông qua các tư liệu này, du khách có thể trải nghiệm sự hùng vĩ của một nơi an nghỉ của pharaoh mà không tham quan trực tiếp gây nguy hiểm cho tư liệu gốc trong lăng mộ.
Việc khai quật ngôi mộ phần lớn đã hoàn tất, nhưng hào quang bí ẩn của nó sẽ kéo dài trong nhiều thế kỷ tới.
Những bước đầu tiên
Lối vào lăng Seti dẫn đến một loạt các hành lang và phòng. Trên các bức tường trong các căn phòng đầu tiên này có vô số tác phẩm nghệ thuật (dưới dạng phù điêu màu) mô tả các văn bản tang lễ tập trung vào thần Mặt trời Re. Một trong số đó là Sách âm giới Amduat của Vương quốc mới, cho thấy quá trình cầu nguyện mỗi đêm của thần Re, trên các bức tường in một bộ sưu tập các lời cầu nguyện cho vị thần Mặt trời. Du khách sẽ được xuống một bộ cầu thang và sau đó đi qua ba hành lang.
Với độ cao 290 feet từ sảnh vào đến phòng chôn cất (và xa hơn 570 feet dưới dạng đường hầm), lăng mộ Seti I (được gọi là KV17) là ngôi mộ dài nhất trong Thung lũng các vị vua. Nó chứa nhiều phòng với chức năng nghi lễ, và mô tả rõ các quy trình tang lễ Ai Cập cổ đại.
Trong căn phòng đầu tiên, chúng ta có thể thấy hình vẽ Seti I đang chào đón vị thần Re-Horakhty trong một cảnh trong cuốn Litany of Re – mang ý nghĩa liên kết vị pharaoh quá cố với các hình dạng khác nhau của thần Mặt trời. Một loạt các con kền kền đại diện cho nữ thần Nekhbet xuất hiện trên trần nhà với nền sao. Hình ảnh từ Litany cũng xuất hiện ở cầu thang thứ hai, mô tả thần Re dưới các hình thức khác nhau. Hành lang tiếp theo mô tả các giai đoạn khác nhau của hành trình thần Re hằng đêm trên các bức tường bên trái và bên phải, như được kể lại trong Sách âm giới Amduat. Các du khách sau đó sẽ dừng lại ở khoang “giếng” (well chamber), nơi tượng trưng cho việc mai táng của Osiris, vị thần của thế giới ngầm. Các phẩm nghệ thuật ở đây cho thấy các vị thần đang chào đón vị pharaoh đã chết.
Trụ cột của các vị thần
Sau giếng Osiris, du khách đi vào một căn phòng có bốn cột trụ được trang trí phong phú. Trong khi các hành lang và phòng sơ bộ tập trung vào vai trò của thần Mặt trời Re, thì không gian này đánh dấu sự thay đổi trong một loại hình nghệ thuật mà các nhà sử học gọi là thuật chthonic (liên quan đến âm giới). Tác phẩm nghệ thuật trong căn phòng này mô tả những cảnh trong Sách của Gates – sách kể lại hành trình của những người quá cố qua âm giới, trong đó mỗi giờ trong đêm được đánh dấu bằng một cánh cổng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trên mỗi bên của các cột, linh hồn của Seti quá cố đang trò chuyện với một vị thần. Trên bức tường phía sau căn phòng, Seti được Osiris, vị thần của âm giới chào đón. Một cánh cửa dẫn đến một buồng hai cột có tường được phủ đầy những hình trang trí còn dang dở được phác họa rất chi tiết, nhưng người ta đã không sơn thêm màu vào sau khi đưa Seti I vào ngôi mộ. Cầu thang dẫn xuống tầng dưới của ngôi mộ để tiếp tục hành trình về phía phòng chôn cất.
Gần hơn với thế giới bên kia
Đi xuống cầu thang từ căn phòng của những cây cột, du khách sẽ đến một hành lang khác với những bức tường được vẽ hình vua Seti I đang đứng trước một chiếc bàn. Hình vẽ trên bức tường bên trái cho thấy một loạt các ghi chép và hình ảnh được kết nối với nghi lễ Mở miệng (Opening of the Mouth), một nghi lễ cho phép bản sao của người chết lấy lại khả năng sống, nói và ăn ở thế giới bên kia.
Phòng chôn cất phía trên mở ra cho chúng ta thấy cảnh tượng tuyệt đẹp: Các vị thần và chòm sao nổi bật trên nền màu xanh lam của trần nhà cong, đại diện cho vòm của thiên đàng.
Một lối đi bắt đầu bằng cầu thang và tranh treo tường với hình những con rắn bảo vệ có cánh trước khi bước vào một căn phòng được trang trí thêm nhiều cảnh của nghi lễ Mở miệng và trích đoạn từ Litany of the Eye of Horus, một văn bản tang lễ cho phép người quá cố được nhập vào cùng đoàn với một loạt các lễ vật dâng lên thần. Một căn phòng theo sau với những bức tranh ngoạn mục về bầu trời đầy sao trên trần nhà.
Các phòng chôn cất
Sau căn phòng với trần nhà đầy sao, chúng ta nhìn thấy sự huy hoàng của chính khu phức hợp chôn cất, nơi sẽ chứa xác ướp pharaoh. Theo tiền lệ được thiết lập trong lăng mộ của Amenhotep II một thế kỷ trước, căn phòng được chia thành hai phần: một phòng phía trên, có sáu cây cột được trang trí phong phú, và một khoang dưới với trần nhà cao, hình vòm được vẽ bằng những bức họa tuyệt đẹp của các vị thần Ai Cập. Với chiều cao 20 feet (khoảng 6 mét) và cấu trúc cong tượng trưng cho vòm thiên thể, các bức họa thể hiện một loạt các nam thần và nữ thần đang tiến tới các biểu tượng của các chòm sao mang hình dáng động vật. Các bức tường được trang trí với những cảnh trong Sách âm giới Amduat. Từ điểm cao nhất trên bức tường phía sau, ta có thể thấy hình ảnh nữ thần phép thuật Isis dang rộng đôi cánh.
Chính tại nơi đây, dưới trần nhà hình vòm tuyệt đẹp này, Belzoni đã tìm thấy chiếc quan tài trống rỗng của Seti. Một số giả thuyết cho rằng những kẻ trộm mộ từ thời xưa đã phải bỏ nó lại phía sau vì kích thước của nó lớn tới mức họ gần như không thể di chuyển được. Điều khiến các nhà khảo cổ học suy nghĩ trong gần hai thế kỷ là đường hầm dài, chưa hoàn thành kéo dài xuống dưới (nhà Ai Cập học Zahi Hawass đã khai quật nó vào những năm 2000 và nhận ra nó chẳng dẫn đến đâu cả). Nhiều học giả tin rằng đường hầm dài hướng xuống phía dưới có ý nghĩa liên kết nơi an nghỉ trên trần gian của Seti với vương quốc của người chết ở phía dưới.
Nhà kho của người chết
Phòng chôn cất phía trên có hai phòng phụ nhỏ. Khi Howard Carter phát hiện ra ngôi mộ Tutankhamun còn nguyên vẹn vào năm 1922, ông đã tìm thấy những căn phòng đó được dùng như phòng trữ đồ cho thế giới bên kia. Chúng chứa đầy đồ gốm, đồ chơi và thậm chí cả thức ăn. Căn phòng trữ đồ của lăng mộ Seti có thể chứa các di vật tương tự nhưng đã bị cướp phá từ lâu. Kho trữ đồ đầu tiên được trang trí với các cảnh trong Sách của Gates, trong khi một kho chứa đồ đôi nằm đối diện cho thấy các cảnh trong Sách Heavenly Cow, kể lại cách nữ thần Nut lên ngôi và tạo ra vòm thiên thể.
Theo câu chuyện được kể lại ở trên các bức tranh trang trí, vì chiều cao khiến bà trở nên lênh khênh, bà phải nhờ đến sự hỗ trợ của một số vị thần.
Khoang chôn dưới cũng có hai buồng phụ. Một buồng vuông với hai cột trụ được bao phủ bởi các hình, bao gồm cả pharaoh đã chết, vị thần Osiris và nhiều hình ảnh khác từ Sách âm giới Amduat. Ở phía sau của khu phức hợp là một nhà kho khác chưa được trang trí. Tại đây Belzoni đã tìm thấy xác ướp con bò và vô số ushabtis – những bức tượng nhỏ làm từ gỗ và sẽ phục vụ người quá cố ở thế giới bên kia.
Đường hầm đến âm giới
Một lối đi dài bí ẩn dẫn xuống từ các phòng tang lễ Seti I, và trong gần hai thế kỷ, không ai biết nó dẫn đến đâu. Năm 1817, Belzoni đã đi theo nó một đoạn trước khi quay trở lại. Thời đó người ta suy đoán cho rằng đường hầm, phần dưới của nó chứa đầy đá vụn, có thể che giấu nơi an nghỉ thực sự của vua Pharaoh. Vào năm 1960, một nhà khảo cổ nghiệp dư địa phương đã dọn sạch thêm 100 feet nhưng sau đó rẽ nhầm và mất đi lối đi ban đầu. Cuối cùng, vào năm 2007, một nhóm do nhà khảo cổ học Ai Cập Zahi Hawass dẫn đầu đã bắt đầu ba năm dọn dẹp đống đổ nát một cách cẩn thận. Năm 2010, họ phát hiện ra đường hầm dài 570 feet đã kết thúc đột ngột mà không còn buồng nào nữa. Hawass tin rằng hành lang có thể đã được dự định để liên kết phòng chôn cất với thế giới bên kia, nhưng nó đã bị bỏ dở khi Seti I qua đời. □
Hạnh Duyên lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.nationalgeographic.com/history/magazine/2020/05-06/pharaoh-seti-painted-tomb-missing-its-mummy/