Lạm dụng phân bón khiến Trái đất có nguy cơ bị hủy hoại vì phosphorus
Nguyên tố phosphorus trong phân bón có vai trò rất quan trọng đối với việc cung cấp nông sản cho con người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu người Anh cảnh báo, con người hiện đang sử dụng quá lãng phí loại hàng hóa quý giá này, và kéo theo những nguy cơ hủy hoại môi trường rất nặng nề.
Việc lạm dụng phosphat (phân lân) trong nông nghiệp không chỉ dẫn đến thiếu phân bón mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu và môi trường.
Chuyên gia thổ nhưỡng Phil Haygarth của Đại học Lancaster nói với The Guardian: “Chúng ta đã đạt đến ngưỡng bùng phát quan trọng. Có lẽ chúng ta vẫn có thể xoay chuyển tình thế, nhưng chúng ta phải sử dụng phân lân một cách khôn ngoan hơn, nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thảm họa mang tên là ‘Phosphorgeddon’.”
Thảm tảo màu xanh lục độc hại trên bãi biển Baltic của Thụy Điển
Phosphorus là một nguyên tố cần thiết cho sự sống, nhưng việc sử dụng quá mức sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhà khoa học người Đức Hennig Brandt đã phát hiện ra nguyên tố này vào năm 1669, ông đã chiết xuất nó từ nước tiểu. Phosphorus là một trong những chất dinh dưỡng chính của cây trồng và việc bón phân lân làm tăng năng suất cây trồng rõ rệt.
Khoảng 50 triệu tấn phân lân được bán ra trên toàn thế giới mỗi năm, theo các chuyên gia, việc nuôi sống 8 tỷ người trên trái đất hiện nay là điều không tưởng nếu không có phosphorus.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo chúng ta hiện đang quá lãng phí phosphorus. Dữ liệu từ Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) cho thấy mức tiêu thụ phosphorus toàn cầu đã tăng gấp 5 lần từ năm 1961 đến năm 2020. Điều này có thể gây ra những hậu quả đối với an ninh lương thực, bởi phosphorus thuộc diện quý hiếm, chủ yếu chỉ có ở một số nước như Maroc, Trung Quốc, Ai Cập, Algeria và Syria. Phân lân bị rửa trôi từ đồng ruộng cũng gây hại cho môi trường.
Một số hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới đang phải vật lộn với bệnh dịch tảo chưa từng có. Tảo nở hoa và các thực vật thủy sinh khác lấy đi oxy của cá, dẫn đến “vùng chết” trong các vùng nước.
Ngư dân Kenya khốn đốn vì tình trạng thực vật phát triển quá nhanh che phủ mặt nước Hồ Victoria
Phosphorus làm cho thực vật trong ao hồ phát triển mạnh mẽ. Ví dụ, ở biển Baltic, tảo trở thành một thảm họa và xuất hiện nhiều trong vài chục năm gần đây. Một phần của hồ Victoria ở Đông Phi, hồ nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới, từ cuối những năm 1990 cũng bị che phủ bởi một loại bèo tây hay còn gọi là lục bình. Loại “cỏ dại” thủy sinh không chỉ cướp đi không khí của cá mà còn là nơi sinh sản của muỗi mang mầm bệnh. Sự phát triển dày đặc của chúng ngăn cản giao thông đường thủy, thậm chí làm tắc nghẽn các đường ống ở các nhà máy thủy điện.
Bryan Spears thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh cho biết: “Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ấm lên từ đó sẽ có nhiều tảo nở hoa hơn, bên cạnh đó lượng phosphat dư thừa làm cho tảo và các loại thực vật trong nước phát triển mạnh mẽ hơn. Theo chuyên gia Spears: “Khi tảo chết đi, nó sẽ giải phóng khí methan trong quá trình phân hủy. Do vậy, tảo nở hoa phát triển mạnh có nghĩa là khí methan được bơm vào bầu khí quyển nhiều hơn.” Khí methan thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu gấp khoảng 80 lần so với khí CO2 thông thường. Điều này thực sự rất đáng lo ngại.
Hoài Nam lược dịch