Mentor Tuấn Minh ra mắt sách về tư duy và công cụ cho khởi nghiệp

Mentor Nguyễn Đặng Tuấn Minh vừa cho ra mắt cuốn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Tư duy và công cụ” mà nhiều nội dung quan trọng của nó đã được giới thiệu ở chuyên mục Khởi nghiệp/Đổi mới sáng tạo trên Tia Sáng dưới dạng các bài báo.

Tuấn Minh từng chia sẻ, làm cộng tác viên thường xuyên của Tia Sáng, chị “ép” mình phải viết liên tục, từ đó sinh ra động lực hoàn thành cuốn sách. 
Có thể nói, cuốn sách đã được “bắt đầu” từ khóa học đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp (ToT) của Chương trình đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP2) mà nữ mentor này là một trong 12 học viên của khóa đầu tiên. Nội dung cuốn sách tập trung giới thiệu các khái niệm của khởi nghiệp tinh gọn – một phương pháp phát triển kinh doanh và sản phẩm đang phổ biến trên thế giới và các bước thực hành nó, dành cho không chỉ các nhà khởi nghiệp mà cả những người bắt đầu một dự án mới trong một tổ chức. 

Tác giả Nguyễn Đặng Tuấn Minh (thứ hai từ trái sang) trong buổi ra mắt sách. Đối thoại cùng với chị là anh Nguyễn Hoàng Giang, cũng là học viên trong khóa ToT đầu tiên của IPP. Ảnh: Lê Hương.

Tại buổi ra mắt sách hôm 22/9 tại Hà Nội, chị kể lại, trong buổi học đầu tiên, các “thầy” đến từ Thung lũng Sillicon Valley đã đưa ra bài tập xây một cái tháp bằng giấy càng cao càng tốt và có thể di chuyển được. Trong khi nhiều nhóm “cắm đầu cắm cổ xây tháp càng cao càng tốt” và rồi thất bại ngay khi di chuyển nó thì có một nhóm xây một module bé tí, đủ vững chãi mới bắt đầu nhân thành một chiếc tháp lớn. Đó là bài học đầu tiên của Tuấn Minh về khởi nghiệp tinh gọn: phải bắt đầu từ những thứ nhỏ, và thử nghiệm với tốc độ càng nhanh càng tốt (để đi đến cái lớn hơn). 
Tư duy quan trọng hơn công cụ
Từng khởi nghiệp với khoảng 10 công ty, mentor Tuấn Minh cho rằng, nếu biết về khái niệm khởi nghiệp tinh gọn sớm hơn, chị đã học được nhiều hơn từ những thất bại và thành công của mình. Theo chị, điều quan trọng nhất mà khởi nghiệp tinh gọn mang lại cho một doanh nhân hay bất cứ ai bắt đầu một dự án mới không phải là những công cụ của nó (được đúc kết từ kinh nghiệm kinh doanh của các CEOs hàng đầu thế giới) mà chính là tư duy, cách tiếp cận vấn đề của nó. Đó cũng là lý do mà trong tiêu đề cuốn sách, chữ tư duy được đặt lên trước chữ công cụ. 
Theo Tuấn Minh, từ trước đến nay, tư duy phổ biến của số đông là “tư duy hướng đến nguyên nhân”, nghĩa là mỗi khi gặp vấn đề, người ta sẽ cố gắng đi tìm và giải quyết nguyên nhân cốt lõi của nó. Điều đó mất rất nhiều thời gian, công sức và không loại trừ trường hợp khi tìm ra nguyên nhân thì cũng là lúc nhận ra mình không đủ khả năng để giải quyết nó. “Tư duy hiệu quả” là một cách tiếp cận khác, nghiêng về làm thế nào để tối ưu hóa nguồn lực hạn chế đang có để có cách giải quyết tốt nhất với vấn đề mình gặp phải. 
Tư duy hiệu quả có năm nguyên tắc, nhưng với Tuấn Minh, hai nguyên tắc quan trọng nhất là “con chim trong tay” – xuất phát từ thành ngữ “một con chim trong tay còn hơn hai con chim trong bụi rậm”, đề cao việc tối ưu nội lực và thế mạnh của bản thân trước khi nghĩ đến nguồn lực bên ngoài và nguyên tắc “cốc nước chanh” – xuất phát từ thành ngữ “nếu cuộc đời ném cho bạn một trái chanh, hãy biến nó thành cốc chanh vắt”, ngụ ý hãy luôn tìm ra cơ hội trong những thách thức. 
Những tư duy và công cụ khởi nghiệp tinh gọn trong quyển sách không mới, có thể tìm đọc miễn phí trên blog của những nhà khởi nghiệp và chuyên gia đổi mới sáng tạo trên thế giới, chẳng hạn như blog của Steve Blank – người được mệnh danh là cha đẻ của khởi nghiệp tinh gọn. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của quyển sách nằm ở cách diễn giải và minh họa bằng các case study cũng như việc “Việt hóa” các công cụ khởi nghiệp dựa trên kinh nghiệm tiếp xúc và tư vấn cho khoảng 1.000 startup trên khắp Việt Nam của tác giả trong quá trình tham dự khóa ToT của IPP2 và xây dựng công ty tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp KisStartup sau này.
Tại buổi ra mắt sách, khi được hỏi, đã có một cuốn sách với những công cụ được mô tả rõ ràng và hướng dẫn từng bước một cho các doanh nghiệp áp dụng như vậy, thì liệu những nhà cố vấn khởi nghiệp – mentor có cần thiết, Tuấn Minh dẫn ra câu nói nổi tiếng của nhà triết học Friedrich Nietzche “nếu bạn không có một người cha tốt, hãy tìm cho mình một cố vấn tốt”, hàm ý rằng, mentoring là câu chuyện gặp gỡ giữa người với người, là sự chia sẻ kinh nghiệm làm việc và quan niệm sống mà không cuốn sách nào thay thế được. Cuốn sách chỉ hỗ trợ cho việc “tự đào tạo” của mỗi người, giúp cho họ có lộ trình tìm hiểu về khởi nghiệp tinh gọn một cách rõ ràng hơn mà thôi. 

Cuốn sách “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Tư duy và công cụ” do NXB Phụ Nữ ấn hành, in màu, giá bìa 168.000 đồng

Nguyễn Đặng Tuấn Minh tốt nghiệp thạc sĩ về Quản trị doanh nghiệp số tại Đại học Westminster (Anh). Chị từng là giảng viên Đại học Quốc tế, ĐHQG HN về doanh nghiệp số, chính phủ điện tử, nghiên cứu thị trường…Hiện nay, chị là sáng lập viên của KisStartup, công ty hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cố vấn khởi nghiệp.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)