MS Swaminathan: Khởi xướng cuộc cách mạng xanh Ấn Độ

Những công việc mà MS Swaminathan thực hiện đã biến Ấn Độ từ một quốc gia thường xuyên chịu cảnh đói khát trở thành một trong những nước sản xuất lương thực lớn nhất thế giới.

Swaminathan đã làm nên cuộc cách mạng xanh tại Ấn Độ. Nguồn: HK Rajashekar

Bước ngoặt cuộc đời

Trong những năm sau khi giành được độc lập, Ấn Độ đã phải trải qua một số nạn đói quy mô nhỏ và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài – điều mà Swaminathan và những người khác gọi là “cuộc sống tàu tới mới có ăn”. 

Mankombu Sambasivan Swaminathan sinh ra ở bang Kumbakonam, Madras (ngày nay là Tamil Nadu) ở miền Nam Ấn Độ vào ngày 7/8/1925. Năm 18 tuổi, khi đang là sinh viên trường đại học Maharaja, MS Swaminathan đã tận mắt chứng kiến nạn đói tàn khốc ở Bengal, Ấn Độ năm 1942-1943. Tình trạng thiếu gạo trầm trọng đã gây ra cái chết của khoảng 3 triệu người nước này. Thảm họa khốc liệt đã khiến chàng sinh viên trẻ xác lập con đường sự nghiệp của mình. Đang từ khoa động vật học, ông đã chuyển sang nghiên cứu về nông nghiệp. Sau này ông viết: “Tôi quyết định sẽ sử dụng nghiên cứu nông nghiệp để giúp nông dân nghèo sản xuất được nhiều hơn”. 

Trong những năm hai mươi đầy nhiệt huyết, Swaminathan đã đi tới nhiều quốc gia nhờ học bổng của Unesco để hấp thụ những kiến thức và tư tưởng tiên tiến nhất. Đầu tiên ông nghiên cứu kỹ thuật trồng cây ở Hà Lan, và rồi lấy được bằng tiến sĩ ở Đại học Cambridge. Ông hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Wisconsin, tại đây ông gặp Norman Borlaug, một nhà nông học người Mỹ, người đề xướng cuộc cách mạng xanh và đã được trao giải Nobel vào năm 1970 cho công trình nghiên cứu nguồn cung thực phẩm toàn cầu.

Quá trình công tác

Sau khi kết thúc việc học, Swaminathan quay trở lại Ấn Độ. Ông cùng Borlaug đã thử nghiệm các giống lúa mới tại Viện Nghiên cứu gạo trung tâm ở miền Đông bang Orissa (ngày nay là Odisha). Tại đây, hai người họ đã thử lai các giống lúa mì lùn Nhật Bản và Mexico khác nhau, công việc này đã cho ra đời các giống cây trồng chống bệnh, cho năng suất cao hơn – những thứ đã làm nên cuộc cách mạng trong nền nông nghiệp thế giới. Borlaug đã được trao giải Nobel cho công trình này, và ông tôn vinh Swaminathan vì đã nhận ra giá trị tiềm năng của giống lúa mì lùn Mexico: “Nếu không có chuyện này xảy ra, có thể cuộc cách mạng xanh sẽ không thể diễn ra ở châu Á”.

Swaminathan đã khuyến khích đưa giống cây trồng mới này cho người nông dân để thay thế những giống truyền thống. Việc trồng loại lúa này sau đó được triển khai trên khắp mạng lưới nông trại mô hình. Vào cuối những năm 1960, nỗ lực của ông cùng với Borlaug đã khiến năng suất lúa mì tại Pakistan và Ấn Độ tăng gấp đôi. Swaminathan đã đi trước thời đại với nông nghiệp bền vững và nói về một “cuộc cách mạng thường xanh”, mà có lúc ông mô tả là “cuộc cách mạng xanh cộng với hệ sinh thái – năng suất vĩnh viễn chứ không phải đột ngột vọt lên”.

Trong những năm 1970, ông Indira Gandhi lúc đó là Thủ tướng đã trao cho ông Swaminathan các vai trò cấp cao trong chính phủ, với nhiệm vụ cải cách nền nông nghiệp. Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Nông dân, ông đã tập trung hỗ trợ những người nông dân khốn khó. Swaminathan thực hiện các báo cáo đề xuất mức giá hỗ trợ tối thiểu cho cây trồng, các đề xuất để tăng trưởng nhanh hơn và toàn diện hơn, và một chính sách quốc gia bao hàm mọi mặt để giải quyết làn sóng người nông dân tự tử vì không có khả năng trả nợ – một vấn nạn xảy ra từ năm 1995 và vẫn tiếp diễn tới sau này. Chỉ riêng năm 1995, con số nông dân tử vong đã lên tới 296.438 người. 

Swaminathan đã trở thành kiến trúc sư trưởng của “cuộc cách mạng xanh” tại Ấn Độ. Có thể nói, những nỗ lực của ông đã đưa Ấn Độ từ một quốc gia hạn hán hoành hành và phụ thuộc vào nhập khẩu của Mỹ trong những năm 1960 trở thành đất nước có thể tự tin tuyên bố là sản xuất đủ lương thực vào năm 1971. Tới thập kỷ tiếp theo, số lương thực được sản xuất ra đã tăng trưởng vượt quá cả dân số của nước này.

Những thành tích vang dội mà Swaminathan đạt được đưa danh tiếng của ông lan xa ra ngoài phạm vi Ấn Độ. Ông được mời đảm nhận các vai trò cố vấn trong các tổ chức quốc tế. Từ năm 1982, ông là Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu gạo quốc tế tại Manila, Philippines. Trong những năm 1990, ông nghiên cứu các giống gạo biến đổi gene khác nhau cùng các giống cây trồng khác có thể chịu được nước mặn. Trong giai đoạn 2002-2005, ông đồng quản lý Dự án Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về tình trạng thiếu ăn. Vào năm 1983, ông đã có một bài phát biểu về “thế giới nghịch lý và bất bình đẳng”, khi đó ở châu Á có 500 triệu người sống trong cảnh nghèo đói tột cùng và đi ngủ với cái bụng đói. Năm 1987, ông được trao giải thưởng Lương thực Thế giới đầu tiên cho các thành tựu của mình.

Ngày nay, nhờ một phần vào các nỗ lực của Swaminathan, nền nông nghiệp của nước này đã tạo ra được thặng dư. Nhưng nạn đói và tình trạng nghèo khó ở vùng sâu vùng xa vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để. “Thật nghịch lý khi chúng ta là một trong những quốc gia nông nghiệp năng động nhất trên thế giới. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng gánh ô danh là nơi có đông trẻ em, phụ nữ và đàn ông không đủ ăn nhất”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2004.

Tuy nền nông nghiệp Ấn Độ có năng suất cao nhưng nó không bền vững. Các nông trại thương mại ở miền Bắc hoạt động hiệu quả, nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn nạn mà Swaminathan đã thấy trước từ lâu, bao gồm nhiễm mặn đất và nước, lạm dụng thuốc trừ sâu ở các vùng thâm canh. Để giải quyết vấn đề này, ông đã sử dụng số tiền nhận được từ giải thưởng Lương thực Thế giới để thành lập Tổ chức nghiên cứu MS Swaminathan. Mục đích của tổ chức này là tăng tốc các mục tiêu của cuộc cách mạng thường xanh, thực hiện biện pháp “ủng hộ người nghèo, ủng hộ phụ nữ và ủng hộ thiên nhiên”. Ông cũng tiếp tục quyên góp số tiền nhận được từ các giải thưởng tương lai cho tổ chức này.

Ngoài giải thưởng Lương thực Thế giới, Swaminathan còn nhận được tặng thưởng từ Hà Lan, Philippines, Pháp, Campuchia và Trung Quốc. Ông cũng được nhiều lần vinh danh từ nhà nước Ấn Độ như các giải thưởng dân sự cao thứ hai, thứ ba và thứ tư của nước này. Nhiều người cho rằng ông xứng đáng được trao Bharat Ratna (vinh dự cao nhất của Ấn Độ).

Mankombu Sambasivan Swaminathan , nhà nông học, nhà khoa học nông nghiệp, nhà di truyền thực vật, nhà quản lý và nhân đạo, đã qua đời ngày 28/9/2023.

Anh Thơ – Đào Liên

Nguồn: ft.com, theguardian.com, static.mygov.in

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 47)

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)