Nước nghèo chịu thiệt hại do phát thải của nước giàu

Một nghiên cứu mới do hai nhà khoa học ở ĐH Dartmouth (Hoa Kỳ) đã tính toán ảnh hưởng kinh tế mà các quốc gia phát thải nhiều hơn đã gây ra cho các quốc gia khác. Các dữ liệu này có thể được dùng trong xét xử hoặc các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế về việc các nước giàu đã đốt nhiều than, dầu và ga phải chi trả cho các nước nghèo bị thiệt hại do khí thải.

Trong hàng thập kỷ, các nhà hoạt động môi trường, một số cơ quan chính phủ và các nhà khoa học đã cho rằng các nước giàu phải chi trả nhiều nhất để giải quyết biến đổi khí hậu, thậm chí là bồi thường cho các nước nghèo, bởi các nước công nghiệp phát triển trong lịch sử đã phát thải nhiều khí nhà kính nhất.

Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Climatic Change, các nhà khoa học ở ĐH Dartmouth (Hoa Kỳ) đã tính toán thiệt hại kinh tế mà các quốc gia phát thải nhiều hơn đã gây ra cho các quốc gia khác.

Ví dụ, dữ liệu cho thấy quốc gia thải carbon nhiều nhất trong suốt thời gian qua – Hoa Kỳ, đã gây thiệt hại hơn 1,9 nghìn tỉ USD về mặt khí hậu cho các quốc gia khác từ năm 1990-2014. Cụ thể là thiệt hại 310 tỉ USD cho Brazil, 257 tỉ USD thiệt hại cho Ấn Độ, 124 tỉ USD cho Indonesia, 104 tỉ USD cho Venezuela và 74 tỉ USD cho Nigeria. Trong khi đó, ô nhiễm carbon của Hoa Kỳ đã mang lại cho nước này hơn 183 tỉ USD.

Các nước đang phát triển đã thuyết phục các nước giàu hỗ trợ tài chính để họ giảm lượng khí thải carbon trong tương lai, nhưng chẳng nhận được khoản bồi thường cho những thiệt hại mà các nước giàu đã gây ra. “Các nghiên cứu mang tính đột phá như thế này cho thấy các nước phát thải nhiều không thể trốn tránh nghĩa vụ của họ trong việc giải quyết các tổn thất và thiệt hại”, nhà khoa học khí hậu Bahamian Adelle Thomas ở Climate Analytics, người không tham gia nghiên cứu, cho biết. Bà nói rằng gần đây ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đang làm tê liệt các nước đang phát triển.

Trong khi phát thải carbon đã được theo dõi trong nhiều thập kỷ ở cấp độ quốc gia và được tính toán thiệt hại, Callahan và Mankin cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên tìm ra mối liên hệ giữa các quốc gia tạo ra khí thải với các quốc gia chịu ảnh hưởng. “Những quốc gia phát thải ít nhất lại là những quốc gia chịu nhiều thiệt hại do sự gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Do vậy, sự bất công kép này chính là kết quả trọng tâm mà tôi muốn nhấn mạnh”, Callahan nói.

Để tiến hành nghiên cứu, Callahan đã tìm hiểu lượng phát thải carbon của mỗi quốc gia và tác động của chúng tới nhiệt độ toàn cầu, bằng cách sử dụng các mô hình khí hậu lớn và một thế giới mô phỏng – một phiên bản của kỹ thuật phân bổ được thường sử dụng cho các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Sau đó, ông đã kết nối chúng với các nghiên cứu kinh tế để xem xét mối quan hệ giữa gia tăng nhiệt độ và thiệt hại ở mỗi quốc gia.

Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc (1,8 nghìn tỉ USD), Nga (986 triệu USD), Ấn Độ (809 tỉ USD) và Brazil (528 tỉ USD) là các quốc gia gây nhiều thiệt hại nhất kể từ năm 1990 – các nhà nghiên cứu chọn thời điểm này vì đã có sự đồng thuận về mặt khoa học, các quốc gia không thể chối rằng họ không biết về sự nóng lên toàn cầu. Chỉ riêng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gây ra 1/3 thiệt hại về khí hậu trên toàn cầu.

Năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất tính theo tổng số tiền là Brazil, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Indonesia – nhưng đó là do các quốc gia này có nền kinh tế lớn nhất trong số các vùng nóng dễ bị tổn thương. Nếu xét về GDP, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là UAE, Mauritania, Ả Rập Saudi, Oman và Mali, Callahan cho biết. Dù nằm trong số các quốc gia phát thải và chịu nhiều thiệt hại nhất, nhưng Brazil và Ấn Độ không nộp đơn kiện để đòi bồi thường.

Câu hỏi về sự công bằng cho những quốc gia bị thiệt hại và làm thế nào để chuẩn bị và giảm thiểu ảnh hưởng của khí hậu ngày càng quan trọng trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu. Một số quốc gia, cộng đồng địa phương và các nhà hoạt động khí hậu đã kêu gọi các nước phát thải carbon lớn nhất trong lịch sử trả tiền “bồi thường khí hậu” cho những thiệt hại mà họ đã gây ra cho các quốc gia, cộng đồng vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ các hệ thống áp bức như chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ.

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-07-rich- nations-climate-poorer.html

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)