Phát hiện những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa trong hang động ở Alabama

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ 3-D để đưa một loạt các tác phẩm nghệ thuật trong một hang động ở Alabama ra ngoài ánh sáng

Stephen Alvarez đang áp dụng kỹ thuật chụp ảnh mới bên trong Hang động không tên thứ 19 ở Alabama. Ảnh: Alan Cressler

Hang động uốn quanh có chiều dài hai dặm nằm ở phía bắc Alabama, với những đoạn rẽ đưa ta chìm vào vùng tối bí ẩn, trầm tích lắng đọng, thác nước và vực sâu. Dấu chân cổ xưa được in hằn trên lối đi. Tên của những người lính Liên bang miền Bắc tham gia Nội chiến được viết nguệch ngoạc trên một bức tường.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 1998, Alan Cressler tiến vào hang động. Phải khuỵu xuống vì trần hang quá thấp, ông bật đèn trên mũ bảo hiểm và chiếu tia sáng xuyên qua bề mặt phía trên trần. Tác phẩm nghệ thuật của những người sống từ cách đây nhiều thế kỷ đã xuất hiện: có thể là một con chim, với cái đầu tròn trịa.

“Hồi đó, khi nhìn lên trần, tôi chỉ kiểu ‘ồ, được đấy’”, Ông Cressler, người hiện đang làm việc cho Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn mới đây. “Nhưng giờ đây nó khiến tôi nổi cả da gà, bởi tôi đã nhận ra tầm quan trọng của nó.”

Cùng với một nhà khảo cổ học, một chuyên gia về nhiếp ảnh 3-D và những người khác, ông Cressler đã tiến hành khám phá sâu hơn về hang động – được gọi là Hang động không tên thứ 19 – và nghệ thuật của nó trong những năm qua. Tuần này, họ đã công bố phát hiện của mình trên tạp chí Antiquity. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của công nghệ 3-D trong việc khám phá nghệ thuật – những khám phá mà hơn 20 năm trước ông Cressler đã không nhìn thấy. Ông bị ép sát trần hang đến mức không thể nhìn thấy toàn cảnh trần hang tỏa ra theo mọi hướng phía trên mình.

Jan Simek, một nhà khảo cổ học tại Đại học Tennessee và là đồng tác giả của bài báo, cho biết đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật hang động lớn nhất được tìm thấy ở Bắc Mỹ, nằm sâu trong một vùng tối phức tạp nơi ánh sáng tự nhiên không thể chiếu tới.

Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ và phân tích mảnh vỡ đồ gốm, các nhà nghiên cứu ước tính rằng tác phẩm nghệ thuật này có niên đại từ thời kỳ Woodland Giữa đến Woodland Muộn (tức là từ năm 500 sau Công nguyên đến năm 1000 sau Công nguyên), khi hoạt động canh tác, săn bắn và hái lượm trong khu vực đã nhường chỗ cho sản xuất lương thực và lối sống định cư.

Có những hình vẽ với các đặc điểm của con người, một con rắn cuộn với cái đuôi khua qua khua lại và cái lưỡi chẻ đôi, và một con rắn dài 10 foot uốn lượn trên khắp nền trần rộng lớn. Một số hình vẽ kết hợp các đặc điểm của trần hang để tạo ra một tổng thể sinh động, chẳng hạn như con rắn xuất hiện từ một khe nứt tự nhiên.


Hình người với chiều cao 1m81. Ảnh: S. Alvarez / Antiquity

Những hình người ma quái được trang trí với lễ phục, các hình nét được chạm khắc đầy tinh xảo. Một số mảnh than vụn từ khúc tre đã cháy cho thấy tác phẩm nghệ thuật này là nỗ lực tập thể, có thể đã có một người cầm ngọn đuốc (bằng tre) trong khi người nghệ sĩ, hoặc các nghệ sĩ, làm việc. Những người nghệ sĩ ngày xưa có thể đã chạm khắc những tác phẩm của mình bằng ngón tay hoặc các công cụ tinh xảo có đầu nhọn. “Họ vẽ rất chi tiết”, Tiến sĩ Simek mô tả. “Các tác phẩm bao phủ lên diện tích bề mặt trần hang”.

Áp dụng công nghệ mới

Kể từ khi các nhà khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện ra những tác phẩm nghệ thuật hang động ở Bắc Mỹ vào năm 1979, Tiến sĩ Simek và ông Cressler đã đi khắp nơi để nghiên cứu nghệ thuật hang động vùng tối – những lối đi không thể tiếp cận bằng ánh sáng tự nhiên.

Hang động được phát hiện vào năm 1979 ở Tennessee chứa các hình vẽ bằng bùn, có tuổi đời từ 750 đến 800 năm, mô tả các chủ đề tôn giáo của người Mỹ bản địa thời tiền Colombo, nghiên cứu được đăng tải trên Antiquity cho biết. Kể từ đó, 89 địa điểm nghệ thuật hang động thời tiền Colombia khác đã được xác định ở Đông Nam Bắc Mỹ. Tác phẩm sớm nhất có niên đại gần 7.000 năm, nhưng hầu hết trong số chúng có niên đại từ năm 800 sau Công nguyên đến năm 1600 sau Công nguyên

Một số hang động thuộc sở hữu tư nhân và những phát hiện đó được giữ bí mật để đảm bảo không có kẻ phá hoại nào muốn xâm nhập vào khu vực. Những hang động khác nằm trên đất công, bao gồm ở Virginia, Tennessee, Kentucky và Alabama. Các nhà khoa học buộc phải di chuyển bằng thuyền, bởi vì các con sông đã dâng cao lên ngập lối vào mà trước đây có thể tiếp cận bằng đường bộ .

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu cho biết thêm trong nghiên cứu của mình rằng việc áp dụng mô hình 3-D trong Hang động không tên thứ 19 ở Alabama “hứa hẹn một kỷ nguyên khám phá mới về nghệ thuật hang động cổ đại”.

Kỹ thuật này đã được sử dụng ở những nơi khác, chẳng hạn như để tạo ra một bản sao của tác phẩm nghệ thuật trong các hang động Lascaux ở Pháp; song không nhiều chuyên gia sử dụng kỹ thuật này vào việc tìm kiếm, mà như Tiến sĩ Simek mô tả là “để xem liệu có thứ nào mà mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy được hay không”.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là phép quang trắc (Photogrammetry), trong đó máy ảnh sẽ di chuyển dọc theo một đường ray, liên tục chụp những hình ảnh chồng chéo. Sau đó các nhà khoa học sẽ ghép các tấm ảnh lại với nhau bằng phần mềm. Stephen Alvarez, người sáng lập Cơ quan Lưu trữ Nghệ thuật Cổ đại và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết nó tạo ra một sự thể hiện liền mạch làm nổi bật những tác phẩm đẹp nhất trong hang. Ông là người chịu trách nhiệm về công việc chụp ảnh 3-D trong Hang động không tên thứ 19.

Hơn 16.000 bức ảnh chồng lên nhau đã tạo ra bản đồ nghệ thuật tuyệt diệu của hang động. “Hệt như phép màu”, ông Alvarez nói. “Những tác phẩm chìm vào màn đêm hơn 1.000 năm nay đột nhiên sống lại. Dù những người tạo ra chúng đã mất đi, nhưng câu chuyện của họ vẫn còn ở lại”.

Phương pháp này rất hữu ích vì trần hang động có đặc trưng là không bằng phẳng, gồ ghề, điều này tạo ra bóng che khuất các đường nét tinh tế trong tác phẩm nghệ thuật. Ông Cressler cho biết chính sự gồ ghề của trần hang đã khiến ông khó lưu lại những tác phẩm này bằng máy ảnh.

Tiến sĩ Simek thường hình dung về việc các nghệ sĩ cổ đại không có công nghệ hoặc cơ hội để xem tổng thể bức tranh lớn mà mình tạo ra. Không giống như nghệ thuật đá ngoài trời, trần hang động quá thấp và quá tối, các nghệ sĩ bên trong hang động chẳng thể bước lùi lại và suy ngẫm về quá trình sáng tạo của mình. Vì lẽ đó, việc ứng dụng phép quang trắc trở nên thú vị hơn.

“Những người sáng tác nên tác phẩm này không thể nhìn thấy chúng trong tổng thể một bức tranh lớn, họ chỉ có thể tưởng tượng trong tâm trí của họ,” ông nói. “Điều đó có nghĩa là họ đã có ý tưởng về những gì họ phải vẽ, và nó quẩn quanh trong tâm trí trong quá trình họ khắc từng đường nét.”

Nhưng chính xác là những nghệ sĩ đã nghĩ gì thì cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ. Tiến sĩ Simek cho biết dự án đang hợp tác với các tình nguyện viên người Mỹ bản địa để giúp giải thích mối quan hệ có thể có giữa hang động với lực lượng siêu nhiên.

Dustin Mater, một thành viên bộ lạc Chickasaw và là nghệ sĩ làm việc với kho lưu trữ của ông Alvarez, cho biết các chủ đề và hình ảnh từ nghệ thuật hang động có đôi nét tương tự với những chủ đề và hình ảnh mà ông đã nghe trong các câu chuyện mà những già làng trong bộ lạc vẫn thường kể, chẳng hạn như cổng hang động mở ra lối đi vào thế giới dưới lòng đất và một hình người có cánh đang cầm chùy.

“Đây gần như chỉ là suy đoán, nhưng có những đặc điểm vẫn còn được lưu giữ trong văn hoá truyền thống và trong những câu chuyện của chúng tôi,” ông Mater, người có tổ tiên là những người bản địa bị ép rời khỏi tây bắc Alabama vào những năm 1800 cho biết. “Các nền văn hóa sống tiếp thu các biểu tượng và sau đó hồi sinh chúng, mang lại ý nghĩa cho chúng.”

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn: In Alabama’s ‘19th Unnamed Cave,’ a Trove of Ancient Dark-Zone Art

Discovering ancient cave art using 3D photogrammetry: pre-contact Native American mud glyphs from 19th Unnamed Cave, Alabama

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)