Quan niệm mới về sự bắt chước

Bắt chước hay sao chép các ý tưởng phát minh, sáng chế hiện được coi là một hành động ăn cắp, đáng bỉ ổi. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu đã xem xét lại nhiều trường hợp bắt chước và sao chép ý tưởng, rồi đi đến kết luận: hành động sao chép nhiều khi đem lại giá trị xã hội lớn hơn so với bản thân các phát minh, sáng chế. Tạp chí Harvard Business Review (HBR) đã phỏng vấn Giáo sư Oded Shenkar, người thực hiện nghiên cứu về câu chuyện này.

Oded Shenkar: Đúng vậy, bắt chước ý tưởng của người khác là một hình thức kinh doanh tốt. Đôi khi, nó là một thương vụ tuyệt vời. Trong nghiên cứu của mình, tôi đã xem kỹ lại 48 phát minh và nhận thấy rằng 34 phát minh trong số này (tức là gần ¾) là những thứ bắt chước. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tỉ lệ bắt chước hiện vẫn tiếp tục gia tăng. Thí dụ, Chrysler đã phát minh ra chiếc minivan (xe tải nhỏ), với chiếc bánh lái phía trước và chiếc xe một khối (carlike unibody) vào năm 1984. Nhưng phải đến gần một thập kỷ sau, các nhà sản xuất ô tô khác mới bắt chước ý tưởng này. Nhưng ngay sau khi GM giới thiệu chiếc xe loại nhỏ Spark, chiếc xe QQ của Trung Quốc bắt chước hoàn toàn mẫu xe Spark đã ra đời chỉ sau có một năm và bán chạy gấp 6 lần tại thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, gần 98% giá trị được tạo ra bởi các phát minh lại rơi vào túi của những người bắt chước chứ không phải là các nhà phát minh, mặc dầu những bản quyền đã được ghi nhận.

HBR: Như vậy, người ta chỉ cần đợi có cái gì đó thành công và ăn cắp ý tưởng đó?
Thực ra, những người bắt chước thành công không bao giờ chờ đợi. Họ tìm kiếm một cách tích cực những ý tưởng đáng để bắt chước. Và họ thường kiếm tìm từ những nơi rất xa so với ngành công nghiệp và quê hương của họ. Họ cũng không chỉ bắt chước một ý tưởng mà còn tìm cách biến ý tưởng đó thành một sản phẩm ngày càng rẻ hơn và tốt hơn.  Những người bắt chước lại luôn xây dựng được nền tảng vững chắc trên thị trường và luôn chờ đợi những phản ứng của thị trường để đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Tuy nhiên, người ta vẫn thường hay nói rằng bắt chước thực ra là những hành động ăn cắp. Làm thế nào để một công ty có thể vừa thực hiện hành động bắt chước một cách có ý nghĩa, vừa thoát khỏi những điều khoản về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh đối đầu với những vụ kiện?
Chúng ta hãy bắt đầu thế này nhé. Quyền sở hữu trí tuệ thường chỉ đưa ra được một sự bảo vệ hạn chế. Vả lại, nó khá tốn kém và trong nhiều trường hợp, nó khó có thể thi hành được. Người ta có thể đưa ra những thứ kiểu như “phát minh liên quan” (invented around), hoặc đòi hỏi những minh bạch để giúp việc bắt chước được thực hiện một cách dễ dàng hơn. Sự thật là đối với phần lớn sản phẩm, tiến trình, ứng dụng hoặc ý tưởng không hề được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ.

Các nét chính trong nghiên cứu của Oded Shenkar
Phát hiện: Bắt chước là hành động đang bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, nó có thể được coi là có tầm quan trọng lớn hơn đối với việc tăng trưởng kinh doanh khi so với hiệu quả thực sự của phát minh/sáng chế. Bắt chước không phải là một quá trình lặp lại không suy nghĩ (rập khuôn). Mà thực ra đó là một nghiên cứu thông minh để có thể giải quyết vấn đề “con gà-quả trứng”.
Nghiên cứu: Oded Shenkar xem xét kỹ càng các phát kiến lớn nhất trong mô hình kinh doanh, các phát hiện có tính chất đột phá của 8 nhà khoa học và nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau, từ lịch sử đến khoa học thần kinh. Trong những trường hợp này, ông nhận thấy sự bắt chước là khởi nguồn của tiến bộ, ngay cả khi sự tiến bộ này thường không được các học giả và những nhà điều hành thừa nhận. Ông cũng khám phá ra rằng một sự bắt chước (với mục đích) tốt và hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi nhiều trí thông minh và tưởng tượng hơn người ta tưởng.
Con số chính:
97,8% giá trị của các phát minh thuộc về… những người bắt chước.

Giáo sư có thể đưa ra những ví dụ về doanh nghiệp trong đó chúng ta coi họ có những phát kiến quan trọng, nhưng thực tế chúng chỉ là sự sao chép y nguyên?
Nếu bạn để ý tới các công ty đứng đầu mỗi lĩnh vực sản xuất hoặc dịch vụ, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi họ không chỉ là những người tiên phong, mà còn là những người có khả năng sao chép, và sao chép rất sáng tạo. Thí dụ như McDonald’s chẳng hạn, công ty này đã bắt chước ý tưởng về hệ thống bán hàng mà White Castle (hệ thống bán đồ ăn nhanh đầu tiên ở Mỹ, bắt đầu từ năm 1921) là người đầu tiên đưa ra. Tương tự như vậy, hãy nghĩ tới các loại thẻ tín dụng như Visa, MasterCard hay American Express. Tất cả đều đã mượn ý tưởng từ những nỗ lực của Diners Club, loại thẻ tín dụng đầu tiên đã đem lại cuộc cách mạng về mua bán không dùng tiền mặt. Hay Wal-Mart cũng vậy. Những người sáng lập chuỗi siêu thị danh tiếng này đã thừa nhận họ mượn ý tưởng từ những người đi trước. Nhưng họ cải tiến và kết hợp những ý tưởng này lại thành một công thức đem lại chiến thắng cho họ. Ngày nay, các công ty lớn nắm giữ nhiều thị phần lại chính là các công ty bắt chước ý tưởng của người khác.

Nếu như việc sao chép, bắt chước hiệu quả như vậy, tại sao người ta không phát triển liên tục ý tưởng này?
Về mặt xã hội, chúng ta thường được giáo dục từ thửa ấu thơ rằng cần đối xử với sự sao chép, bắt chước như là một hành động bỉ ổi và đáng chê trách. Và đó là thứ do những kẻ không bình thường tạo ra. Ngay cả ở những công ty thực hiện việc sao chép, các nhà điều hành thường miễn cưỡng sử dụng chữ “i” (tức là dấu hiệu ghi rõ là sản phẩm sao chép), bởi đó là một dấu hiệu sỉ nhục. Kết quả là sự sao chép thường được thực hiện trong bóng tối mà không hề có chiến lược hay chiến dịch đáng ra phải có để thu hút sự chú ý của công luận, người tiêu dùng.

Thế còn những nghiên cứu từ các nhà khoa học thì nói gì về sự bắt chước?
Các nhà khoa học lúc đầu nhìn nhận sự sao chép, bắt chước như là một hành động trí tuệ ở mức thấp (low-level activivy), một số miêu tả hành động này như cách ứng xử của động vật, của trẻ con hay một hành động thiểu năng trí tuệ. Hiện nay, sau các thực nghiệm với việc quan sát động vật và con người ở nhiều dạng khác nhau, các nhà khoa học đã nhìn nhận đây thực sự là một tiến trình phức tạp và cần thiết đòi hỏi trí tuệ bậc cao cùng các năng lực nhận thức tập thể ở mức cao. Theo các nhà nghiên cứu động vật, khả năng bắt chước có từ loài khỉ lớn với mục đích thích nghi và tồn tại trong một môi trường thù địch nhằm bù đắp cho một số khiếm khuyết về mặt vật lý của chúng. Đây là bằng chứng cho thấy có thể có điều tương tự trong môi trường doanh nghiệp hiện nay.

Hoàng An  lược dịch từ Harvard Business Review số tháng 3/2010

Tác giả