Sáng tạo: Tự do và trí tuệ

Chưa bao giờ chữ sáng tạo được nhắc đến nhiều như hiện nay. Có lẽ vì chưa bao giờ nhu cầu về sáng tạo cũng như đòi hỏi phải giải phóng sự sáng tạo lại bức bách như hiện nay. Không phải chỉ do sự cám dỗ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà gần gũi trước mắt nhất là cảm giác về sự tụt hậu của đất nước. Nhưng sáng tạo không phải do ý chí mà có được, càng không phải là một phong trào, một khẩu hiệu. Sáng tạo đòi hỏi trước hết phải có một nền tảng. Nền tảng đó là gì? Đó là TỰ DO và TRÍ TUỆ.


Nghiên cứu tổng hợp vật liệu mới tại phòng thí nghiệm tự chủ của TS. Trần Đình Phong, Đại học KH&CN Hà Nội. Ảnh: Châu Long.

Người ta chỉ có thể sáng tạo khi tự do. Tự do về tinh thần, tự do với cơm áo. Lao động bị cưỡng bức, lao động kiếm sống khó mà sáng tạo. Nhưng sáng tạo cũng có hai mức. Trong trường hợp người công nhân hoặc nông dân được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, khỏi những ràng buộc về cơ chế, họ sẽ lao động hết sức mình, tìm mọi cách để làm thật tốt công việc và do đó có thể có những sáng kiến, cải tiến để đạt được năng suất, hiệu quả cao nhất. Đó cũng là sáng tạo. Nhưng ở một mức cao hơn, khi xã hội hay kinh tế phát triển, khi khoa học và kỹ thuật đòi hỏi phải có những lối đi mới, những cách nhìn mới, những giải pháp và sáng chế, phát minh mới, vấn đề sáng tạo không chỉ dừng ở thái độ lao động, ở sáng kiến hay cải tiến mà trở thành vấn đề của tư duy, của nhận thức. Sáng tạo của nhận thức, của tư duy mới thực sự đem lại những đột phá, những kết quả sáng tạo mới mẻ, tạo ra những bước ngoặt, bước nhảy. Vậy làm thế nào để có được sáng tạo của nhận thức, của tư duy?

Albert Einstein nói: “Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: chỉ cá nhân mới [vượt lên] tạo dựng được những giá trị trân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi vẫn là trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc” (Thế giới như tôi thấy, NXB. Tri thức, 2006, tr.19).

Chính sự phát triển của cá nhân, của “cá thể sáng tạo” là đảm bảo cơ bản nhất cho sáng tạo. Nhưng “cá thể sáng tạo” này không tự xuất hiện, không phải bỗng dưng mà có. Nó hình thành trong quá trình lịch sử, phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi dân tộc và đặc biệt phụ thuộc vào chế độ chính trị – xã hội của mỗi quốc gia, vào quan niệm, dân trí của xã hội. Chỉ khi nào con người được giải phóng hoàn toàn, nhất là giải phóng về tinh thần, chừng nào con người không còn bị coi là công cụ của lịch sử, của cách mạng, không chỉ biết làm theo mệnh lệnh, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời, không bị xem chỉ như một hạt cát nhỏ trong khối quần chúng khổng lồ hay chỉ như nô lệ của thánh thần, khi đó mới có thể xuất hiện những “cá thể sáng tạo”, những người có khả năng tự nộp mình cho chân lí, cho khoa học, dám sống hết cho những đam mê, tìm tòi, khám phá, dám vượt qua chính mình, vượt qua những thành kiến, những điều cấm kỵ để đi tới những nhận thức mới, những phát kiến mới. Những tấm gương khởi nghiệp hiện nay là những dấu hiệu tốt của sự vượt lên ấy, chứng tỏ một cái gì đó đang chuyển động. Chỉ tiếc hiện tượng này mới phổ biến trong giới trẻ say mê kinh doanh và kỹ thuật, còn trong các lĩnh vực khác, trong hoạt động xã hội, trong khoa học, đăc biệt là khoa học xã hội, còn hết sức ít ỏi. Phải chăng ở đây vẫn còn những vòng kim cô, những bức tường vô hình nào đó?

Một xã hội tự do, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của cá nhân sẽ là nền tảng vững chắc của sáng tạo. Bởi vì khi tự do và được tự do, tự do không phải theo kiểu được phép tha hồ nhảy múa, nhào lộn trong một vòng tròn giới hạn vạch sẵn hay thoải mái tung bay trên con đường độc đạo thẳng tắp chạy đến cái đích đã nhìn thấy trước, tức là khi thực sự tự do con người mới có thể phát huy hết năng lực của mình và sáng tạo chính là kết quả thăng hoa của sự phát triển tự do của cá nhân.

Nhưng sáng tạo không phải là một hành động thuần ý chí. Sáng tạo trước hết là hành động trí tuệ. Sáng tạo bắt nguồn từ nhu cầu nhận thức, từ sự tự vận động, vận động bên trong của tri thức. Tri thức có tính chất nội sinh, tri thức sản sinh tri thức. Sáng tạo là con đẻ của quá trình sản sinh tri thức. Chúng ta vẫn thường kêu tại sao nước mình rất nhiều trí thức, nhiều người có bằng cấp, học vị cao mà lại ít có những công trình nghiên cứu có giá trị, ít có những phát minh, sáng chế. Đó một phần là vì trong đội ngũ đông đảo trí thức này ít người thật sự đeo bám tri thức, say mê sáng tạo, theo đuổi sự học đến cùng. Người ta đi thi, đi học cốt để có cái bằng, cái danh, để cho đủ tiêu chuẩn của một chức danh, chức vụ nào đó là chính chứ không phải để có điều kiện hiểu biết nhiều hơn, để vươn tới những chân trời khoa học xa hơn, khám phá điều gì đó chưa được nói tới, những vấn đề nào đó đang đặt ra trước giới nghiên cứu, trước xã hội. Thông thường trong những trường hợp như vậy tri thức khoa học có được chỉ vừa với một cái bằng chứ không đủ để sáng tạo. Tri thức được dùng như phương tiện không phải là tri thức có tính chất sản sinh. Khoa học đích thực rất vô tư, vô tư không phải theo nghĩa nó lơ lửng ở trên trời, không dùng được vào việc gì mà vô tư theo nghĩa nó chỉ có mục đích tối cao là sáng tạo.

Sáng tạo còn gắn với trí tuệ về một phương diện nữa: đó là không có trí tuệ thì không thể sáng tạo. Dĩ nhiên sáng tạo cũng có nhiều mức, nhiều loại. Nhưng cái chúng ta đang thiếu và đang cần hiện nay không phải chỉ là sáng tạo theo kiểu cải tiến nhỏ lẻ, chắp vá, cóp nhặt mà là sự thay đổi căn bản trong nhận thức, tư duy, gắn với phát minh, sáng chế. Có lẽ trong thời đại hiện nay cách nghĩ theo lối “ vận dụng sáng tạo”, “đi tắt đón đầu”, kiểu tư duy“ nhà nhà làm gang thép” không còn thích hợp nữa. Có nhiều người cho rằng người Việt mình có biệt tài về “tư duy lắp ghép” (bricolage) và xem đó như sức mạnh và đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Quả thật đây là cách nghĩ, cách làm khá điển hình của người Việt, nhưng nếu nói nó là sức mạnh thì đó là sức mạnh chỉ có thể phát huy trong một nền văn hóa tồn tại chứ không thể đáp ứng  nhu cầu của nền văn hóa phát triển. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển kinh tế – xã hội đang diễn ra trên thế giới mang một hàm lượng trí tuệ rất cao. Đó không phải là sự thay đổi nhỏ lẻ mà là sự biến đổi mang tính chất hệ hình (paradigm). Bởi vậy muốn có sáng tạo phải có cách nghĩ khác, có chính sách khác.

Một trong những việc nhà nước phải làm hiện nay là bên cạnh việc “khai dân trí” cần thay đổi quan niệm về trí thức, xem trí thức như lực lượng đi đầu trong công cuộc canh tân đất nước, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt cần quan tâm vun đắp và trân trọng sự cống hiến của tầng lớp trí thức tinh hoa, những người có thực tài, có tâm huyết với khoa học, với đất nước. Chúng ta có khá nhiều “nhà khoa học”, nhiều người có học vị học hàm và hằng năm nhà nước cũng tiêu tốn khá nhiều tiền chi cho các đề tài nghiên cứu, nhưng kết quả thu được không tương xứng, lãng phí rất nhiều, rất ít những công trình có sáng tạo đột phá, đóng góp có giá trị cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cho tiến bộ của khoa học – kỹ thuật. Tài năng vốn bao giờ cũng hiếm. Bởi vậy nhìn ra được người có thực tài, trân trọng “nguyên khí của quốc gia”, tạo điều kiện để người có tài phát huy hết khả năng sáng tạo và cống hiến không chỉ thể hiện sự khôn ngoan của nhà cầm quyền mà còn là việc làm rất thiết thực trong tình hình hiện nay.

Cuối cùng nói đến đổi mới sáng tạo không thể không nói đến vấn đề điều kiện, môi trường làm việc. Nhà khoa học dĩ nhiên cũng phải sống thì mới có thể làm việc được. Nhưng với những người làm khoa học thực sự, sự ưu đãi về điều kiện sống không quan trọng bằng điều kiện làm việc. Cái cần nhất với những người làm khoa học là môi trường làm việc. Một môi trường làm việc thân thiện trong đó mỗi người được tự do suy nghĩ, có ý kiến, trong đó mọi người đều được tôn trọng và tôn trọng nhau, cùng hợp tác với nhau, không ghen ghét, đố kỵ, trân trọng những thành công của nhau là điều kiện đầu tiên và thiết yếu để có thể khám phá, sáng tạo. Bên cạnh môi trường xã hội và nhân văn ấy, một môi trường vật chất – kỹ thuật cũng là điều kiện không thể thiếu đối với người muốn tìm tòi, người làm khoa học. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay việc cung cấp những điều kiện vật chất để làm việc như sách vở, phòng thí nghiệm, mạng Internet…không còn khó khăn như trước. Cái khó nhất có lẽ vẫn là môi trường xã hội – nhân văn, quan hệ con người.

Thông thường thiếu cái gì hay kêu gọi cái ấy. Báo chí hay nói đến chuyện tử tế là vì ai cũng thấy trong xã hội hiện nay đâu đâu cũng có quá nhiều chuyện không tử tế. Kêu gọi đoàn kết hay chống tham nhũng có lẽ đại loại cũng như vậy. Chúng ta nói nhiều đến sáng tạo, đổi mới sáng tạo cũng không nằm ngoài tình trạng ấy. Nhưng cũng giống như chống tham nhũng hay khôi phục lối sống tử tế, ngoài khẩu hiệu, những lời kêu gọi hay chính sách cụ thể, cái quan trọng là phải thay đổi “tư duy hệ hình”, tức là phải thay đổi một cách căn bản, thay đổi hệ thống. Ở các nước có chỉ số sáng tạo cao vấn đề nền tảng – tự do và trí tuệ –  không còn đặt ra cấp bách; quan trọng với họ là định hướng và đầu tư. Tình hình nước ta hiện nay có khác. Do đó đổi mới sáng tạo là điều không thể làm được ngay một lúc. Ở đây không chỉ có vấn đề cơ chế, chính sách cụ thể hay đầu tư tài chính – cơ sở vật chất mà còn có những vấn đề nền tảng gắn với sự hình thành con người tự do, hình thành những “cá thể sáng tạo”, gắn với dân trí, với giáo dục.

Nhưng đó lại là những vấn đề không thể muốn là có ngay, bởi vậy mặc dù không còn chần chừ được nữa mà phải làm ngay, song cũng không nên duy ý chí, vội vã.                                                                                                                                            

 

 

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)