State of the Map Firenze 2022: Công nghệ dựa trên sức mạnh cộng đồng

Mỗi năm một lần, những người đóng góp và quan tâm đến nền tảng bản đồ mở lớn nhất thế giới – Open Street Map lại tụ hội trong sự kiện State of the Map.

Đại học Florence, nơi diễn ra sự kiện.

Wikipedia của giới bản đồ

Trong thời đại số như hiện nay, bản đồ dần trở thành nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hằng ngày. Từ trên phương tiện công cộng, hay các ứng dụng tìm đường, hoặc trang web tương tác đều có sự hiện diện của bản đồ. Hiện nay, một vài trong số những nền tảng bản đồ khá quen thuộc đó là Google Map, Google Street View hay Google Earth cho phép người dùng có thể quan sát quang cảnh đường phố, tình hình xe cộ, địa lý, địa hình của một khu vực để phục vụ cho những mục đích khác nhau từ đời sống hằng ngày đến học thuật. Tuy nhiên, khi các ứng dụng trên được quản lý và phân phối bởi doanh nghiệp như Google, dữ liệu của chúng sẽ bị chi phối bởi lợi nhuận, dẫn đến có những khu vực thiếu hụt thông tin hơn so với khu vực khác.

Những nhà phát triển phần mềm trên thế giới dần nhận ra rằng cần phải có một nền tảng bản đồ phi tập trung, đóng góp bởi nhiều bên và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Từ đó những hệ thống bản đồ mở được ra đời, và tiêu biểu trong số ấy là OpenStreetMap (OSM). OSM được Steve Coast khởi xướng vào năm 2004 ban đầu đáp ứng nhu cầu bản đồ tại Anh Quốc, sau đó mở rộng ra toàn cầu phục vụ đa mục đích.

Bản đồ OSM hoạt động và duy trì bởi người dùng, bởi vậy hai yếu tố quan trọng nhất của OSM là công nghệ và cộng đồng. Là bản đồ thế giới miễn phí, có thể dễ dàng chỉnh sửa, cũng giống như Wikipedia, OSM cho phép bất cứ ai cũng có thể bổ sung, chỉnh sửa các đối tượng địa lý trên nó sau khi đã đăng ký tài khoản. Ba yếu tố hình học địa lý cơ bản của OSM là điểm (node), tuyến (way) và liên kết (relation). Điểm lưu trữ dữ liệu vị trí, tuyến bao gồm từ hai đến 2000 điểm, tuyến kín sẽ tạo thành một vùng (area/polygon), nhiều tuyến dài hoặc nhiều vùng liên kết với nhau sẽ tạo thành đa vùng (multipolygon). Hệ thống nhãn (tag) để lưu trữ dữ liệu của một đối tượng. Ví dụ, khi vẽ một công trình, mapper (người vẽ bản đồ) sẽ vẽ một tuyến kín gồm bốn điểm tạo thành một hình chữ nhật, sau đó gắn nhãn “loại công trình” (building=*) hay địa chỉ (address=*) cho đối tượng, lưu lại trở thành một thay đổi (changeset) và tải trực tiếp lên server của OSM.

Việc rèn luyện, tổ chức các khóa đào tạo và nền tảng giáo dục chính là cơ sở để cải thiện chất lượng dữ liệu hiện hữu của OSM

Nhờ tính đơn giản và linh hoạt của mình, mọi người có thể tham gia bổ sung dữ liệu ở những địa điểm chưa hề có bản đồ số hóa. Ngày 12/1/2010, tại Haiti xảy ra một trận động đất với sức tàn phá được xem là  khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại. Trong vòng 48 tiếng sau trận động đất, nhờ hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, cộng đồng OSM đã bắt đầu xây dựng bản đồ nhằm đánh giá ảnh hưởng của thiên tai đến với bản thân khu vực. Sau một tháng cùng 600 tình nguyện viên, bản đồ nền của Haiti đã được hình thành giúp người địa phương cũng như các tổ chức cứu trợ quốc tế có thể thực hiện các hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Thời điểm đó Haiti chưa hề có bản đồ chi tiết trên Google Map. Ví dụ này cho ta thấy được bên cạnh công nghệ, sự đoàn kết và tính cộng đồng chính là mấu chốt của bản đồ mở OSM. Và đó là cơ sở sự kiện State of the Map hình thành.

State of the Map (SOTM) là một sự kiện tổ chức thường niên bởi cộng đồng xây dựng bản đồ mở OSM. SOTM là cơ hội để cộng đồng yêu thích và đóng góp cho OpenStreetMap trên khắp thế giới tụ hội và chia sẻ về những đổi mới sáng tạo của họ từ nền tảng bản đồ mở này. Sau hai năm 2020 và 2021 tổ chức Online do đại dịch, cuối cùng SOTM 2022 được tổ chức tại Florence (Firenze), thành phố của đại thi hào Dante và nơi khai sinh của Brunelleschi, cha đẻ của kiến trúc Phục Hưng. SOTM 2022 có sự tham gia của những cộng đồng OSM trên khắp thế giới như Wikimedia Italia – tổ chức phi chính phủ quản lý và điều phối trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia ở Ý,  Youthmappers – Liên minh sinh viên các trường đại học đóng góp cho bản đồ nguồn mở, Humanitarian OpenStreetMap Team – Tổ chức sử dụng OSM vì mục đích nhân đạo, UNMappers – Sáng kiến cộng đồng xây dựng bản đồ vì mục đích nhân đạo và hòa bình của Liên Hợp Quốc, The OpenStreetMap Foundation – Tổ chức điều phối và vận hành OSM và hơn hết là chục hàng ngàn đại diện cho những cộng đồng nhỏ hơn đang kiên trì đóng góp cho OSM trên toàn thế giới. Ngoài ra, cũng có những tập đoàn công nghệ như Meta (sở hữu Facebook) và Microsoft.

Độc lập nhưng vẫn chuyên nghiệp?

Chương trình sự kiện SOTM bao gồm các bài nói (talks) của những nhà phát triển công nghệ và xây dựng cộng đồng, tập trung vào những công nghệ, sản phẩm, những nghiên cứu mới hay các kinh nghiệm được đúc rút liên quan đến bản đồ số và những ứng dụng xoay quanh chúng. Một trong số những chủ đề được bàn tán và hưởng ứng là ứng dụng mã nguồn mở Street Complete.

Ứng dụng OSM kết hợp với thực tế ảo để hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình.

StreetComplete là một phần mềm vẽ trên OSM. Điểm đặc biệt của Street Complete là được thiết kế dưới dạng game: người dùng sẽ thực hiện một loạt các nhiệm vụ và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm để đóng góp dữ liệu lên OSM. Quá trình này sẽ được tính điểm và ghi nhận trên một bảng xếp hạng, ai được điểm càng cao sẽ càng “vinh dự”. Người tham gia Street Complete không cần có bất kì kiến thức cơ bản nào về bản đồ và cũng không cần phải quen thuộc với các công cụ vẽ có phần hơi khô khan của OSM. Trong sự kiện State of the Map vừa rồi, Mateusz Konieczny, một trong những nhà phát triển và đóng góp chính đứng sau Street Complete đã kể lại quá trình phát triển sản phẩm này. Trong đó, cách mà Mateusz kiểm thử khả năng sử dụng của Street Complete là một ý tưởng rất đáng học hỏi với những nhà công nghệ “đơn phương độc mã” phát triển phần mềm cho cộng đồng.

Ai cũng biết rằng, phần mềm nào cũng bắt buộc phải trải qua nhiều bước kiểm thử khả năng sử dụng (usability testing) mới được đưa ra thị trường. Theo đó, những nhà phát triển phần mềm sẽ mời một nhóm người, thường là thuộc khách hàng tiềm năng để dùng thử sản phẩm “nháp” tại chỗ để quan sát và hỏi phản ứng của họ. Thông thường, tổng số người tham gia suốt quá trình phát triển sản phẩm có thể lên tới hàng chục đến hàng trăm người. Usability testing là một quá trình quan trọng nhưng đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Với các công ty lớn về sau kiếm bộn tiền từ sản phẩm thì điều đó không phải là vấn đề lớn. Nhưng còn với những nhà phát triển độc lập thì sao? Phần lớn họ không làm, chính vì vậy, sản phẩm làm ra phần lớn sẽ…không ai dùng bởi quá nhiều khuyết tật.

Từ kinh nghiệm của mình, Mateusz Konieczny cho rằng, usability testing chỉ với ba người là đủ. Ba người đấy có thể là bất kì ai, càng ngẫu nhiên càng tốt: người nhà, người gặp trong quán bar, trong quán beer, trong sự kiện…Sau đó, nhìn cách thức mà ba người họ sử dụng phần mềm của bạn và xem xét sửa chữa những vấn đề chính. ”Đem theo dự án của bạn, bất kể hình hài nó thế nào, trong máy tính xách tay. Bước ra một quán nào đó, không phải là quán say khướt là được mà kiểu tĩnh lặng gần giống như Starbuck ấy. Sau đó hãy tìm ai đó trông giống người dùng mục tiêu của bạn, và mời họ một cốc nước, nếu họ đồng ý thực hiện một nhiệm vụ đơn giản trên phần mềm của bạn trong năm phút, còn bạn thì ghi chép và quay lại màn hình. Thế là với một chút tiền, và 10 phút là bạn có thể được nghe sản phẩm của mình tệ thế nào” Tại sao chỉ cần ba người? Bởi vì sửa sai dựa trên đóng góp ý kiến của ba người là đã có thể tạo ra một sản phẩm cơ bản hữu dụng. Với những sản phẩm phẩm mở, cộng đồng sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp cho sản phẩm đó. Với mỗi người đóng góp, họ lại tiếp tục đi hỏi ba người khác để kiểm thử sản phẩm. Và cứ như vậy, sản phẩm sẽ dần hoàn thiện.


Ứng dụng OSM để mô phỏng lại vụ cháy lịch sử Rennes 1972.

Bản đồ mở và hoạt động nhân đạo

SOTM còn giới thiệu các ý tưởng ứng dụng OSM vào các mục đích nhân đạo và phát triển bền vững. Chẳng hạn như UNMappers đã sử dụng OSM để hỗ trợ các lực lượng gìn giữ hòa bình triển khai các chuyến nghiên cứu thực địa. Theo đó, họ vẽ thành phố Mogadishu (Somalia) và Tripoli (Libya) dưới dạng 3D dựa trên dữ liệu của OSM do YouthMappers – liên minh các trường đại học toàn cầu cùng đóng góp cho bản đồ nguồn mở, “chi nhánh” tại Đại học Quốc gia Somali và cộng đồng OSM tại Libya đóng góp. Kết hợp với công nghệ thực tế ảo, lực lượng gìn giữ hòa bình có thể “điều tra” hai thành phố này từ xa, đánh giá những vị trí nào họ có thể/không thể tiếp cận trên mặt đất, thử nghiệm và đánh giá nhiều tình huống có thể xảy ra, lên kế hoạch hành động. UNMappers còn kết hợp với Viện Quy hoạch giáo dục của UNESCO để vẽ mạng lưới đường sá tại vùng Vakinankaratra (Madagascar) trên OSM để giúp Bộ Giáo dục nước này quy hoạch trường học và điều phối học sinh hợp lí hơn, rút ngắn thời gian và quãng đường hằng ngày các em đi bộ tới trường. Trong khuôn khổ SOTM, UNMappers còn giới thiệu Learning Hub, về cơ bản là một khóa học trực tuyến mở về vẽ bản đồ và nhập liệu trên OSM. Dù OSM là nền tảng mở, dễ tiếp cận với tất cả mọi người nhưng nhưng phần lớn dữ liệu được đóng góp bởi những tình nguyện viên với kỹ năng cao. Bởi vậy, việc rèn luyện, tổ chức các khóa đào tạo và nền tảng giáo dục chính là cơ sở để cải thiện chất lượng dữ liệu hiện hữu của OSM.

Tổ chức bác sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontières – MSF) cũng có một bài phát biểu tại sự kiện. Họ không chỉ sử dụng dữ liệu của OSM để cứu hộ, cứu nạn tại những nơi vùng sâu vùng xa trên khắp thế giới mà tổ chức này còn có dự án MissingMap (tạm dịch là Bản đồ còn thiếu) đồng tổ chức với Hội chữ Thập đỏ Mỹ. Dự án này kêu gọi, tổ chức sự kiện huấn luyện và đào tạo cộng đồng vẽ bản đồ những nơi dễ bị tổn thương bởi thiên tai và khủng hoảng xã hội, đang là trọng tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Ý tưởng nhỏ, cảm hứng lớn

Bên ngoài hội trường của các bài nói chuyện là gian triển lãm poster với những ý tưởng mới, những kinh nghiệm độc đáo trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng OSM. Một trong những ý tưởng độc đáo chính là ứng dụng dữ liệu của OSM và OHM (OpenHistoricalMap – một nhánh dữ liệu bản đồ mở về lịch sử dựa trên công nghệ gốc từ OSM) để mô phỏng lại trận cháy lịch sử đầy sống động tại chính thành phố này 300 năm về trước của bảo tàng Brittany ở Rennes (Pháp).

Thực tế, những người đứng sau dự án này không hề có bản đồ số sẵn từ đầu. Kho OHM chỉ có bản đồ scan từ giấy của thành phố Rennes năm 1720 chứ không phải bản đồ có thể sửa chữa, biên tập được. Sử dụng OSM, các nhân viên bảo tàng đã dựa trên tư liệu scan đó để vẽ lại thành phố trước khi trải qua trận cháy phá hủy hầu như toàn bộ phía Bắc thành phố. Trên nền bản đồ này, người chơi sẽ tự mình xây dựng các công trình thời trung cổ với đồ họa dạng block vốn nổi tiếng với trò chơi Minecraft trên nền bản đồ. Để làm được như vậy, họ cần phải tham quan bảo tàng để hiểu kiến trúc khung gỗ đặc trưng của Rennes vào thế kỉ 18 mà về sau đã bị phá hủy bởi vụ cháy.   

***

Kết thúc sự kiện, những người tham gia như tác giả nhận ra giá trị SOTM2022 thực sự đem lại chính là cơ hội để những người cống hiến, đam mê, hoạt động xung quanh môi trường OSM, những người chỉ biết đến nhau dưới những nickname trên các cộng đồng nguồn mở, gặp nhau sau hai năm tổ chức Online. Trong những bữa trưa hoặc tiệc trà giữa giờ, dưới mái kính của trường Đại học Florence, họ trò chuyện, trao đổi kiến thức, tạo thêm những mối quan hệ mới, những người bạn mới và những cơ hội mới. SOTM thật sự là một “sân chơi”, một sợi dây, mối nối giữa những người đam mê, nhà phát triển, doanh nghiệp, những tổ chức quan tâm tới OSM..□

Chú thích

Hình ảnh và nội dung được ghi nhận tại sự kiện. tham khảo thêm tại trang web chính thức của sự kiện https://2022.stateofthemap.org/

Những thông tin về OSM được đóng góp bởi cộng đồng OpenStreetMap (©OpenStreetMap Contributors)

Tác giả