Thịt bò ít carbon có thực sự giúp giảm lượng khí phát thải ra môi trường?

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa phê duyệt một chương trình mới giúp nông dân có thể tiếp thị thịt của mình dưới dạng “carbon thấp", song một số nhà khoa học lo ngại rằng những nhãn chứng nhận như vậy có thể đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ chủ quan và đánh giá thấp tác động khí hậu của quá trình chăn nuôi gia súc.


Ảnh: Angus Mordant/ Bloomberg/ Getty Images 

Có rất nhiều cách để mô tả một miếng thịt bò. Đi dạo qua quầy thịt của một cửa hàng ở Hoa Kỳ, bạn sẽ nhìn thấy một loạt những dòng mô tả chi tiết về quá trình món thịt này được tạo ra: Bò Angus, không tiêm kháng sinh, không tiêm hormone, ăn cỏ v.v.. Nhưng sớm thôi, có thể bạn sẽ thấy một dòng mô tả khác, có phần khó hiểu hơn, trên nhãn: carbon thấp (low-carbon).

Vào tháng 11, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã phê duyệt chương trình mới, nhằm mở ra một hướng tiếp thị thịt bò carbon thấp cho các nhà sản xuất. Hộ, doanh nghiệp sản xuất nào có thể chứng minh rằng gia súc của họ được nuôi theo phương pháp phát thải ít khí nhà kính hơn 10% so với trung bình của ngành đều có thể tham gia chương trình chứng nhận, do một công ty tư nhân có tên Low Carbon Beef phụ trách.

Đây là lần đầu tiên USDA phê duyệt hình thức chứng nhận này cho thịt bò, và nó sẽ giúp các nhà sản xuất dễ dàng “nhắn nhủ” với người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường hơn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. “Nếu bạn đi đến quầy bán thịt, bạn không thể thực sự biết liệu miếng thịt này có tạo ra nhiều khí thải hơn miếng thịt kia hay không”, Colin Beal, người từng sở hữu một trang trại và là nhà sáng lập Low Carbon Beef, cho biết:

Song một số nhà khoa học lo ngại rằng những nhãn chứng nhận như vậy có thể đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ chủ quan và đánh giá thấp tác động khí hậu của quá trình chăn nuôi gia súc. Thịt bò có một trong những dấu chân carbon lớn nhất trong số các mặt hàng thực phẩm (Carbon footprint – dấu chân carbon – là tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ). Năm 2018, hai nhà khoa học khí hậu Joseph Poore và Thomas Nemecek đã công bố phân tích toàn cầu của họ về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của quá trình sản xuất 40 loại thực phẩm phổ biến. Thịt bò dẫn đầu: Tính trên một gram protein, thịt bò tạo ra lượng khí thải nhiều hơn khoảng chín lần so với thịt gia cầm, gấp 6,5 lần so với thịt lợn và 25 lần so với đậu nành. Ngay cả thịt cừu, đứng thứ hai trong phân tích của Poore và Nemecek, cũng tạo ra chưa đến một nửa lượng khí thải carbon của thịt bò trên mỗi gram protein.

Matthew Hayek, nhà khoa học môi trường tại Đại học New York, cho biết một miếng bít tết được dán nhãn là carbon thấp vẫn có khả năng tạo ra lượng khí thải cao hơn nhiều lần so với các loại thực phẩm khác mà người mua hàng có thể sử dụng để thay thế. “Mục đích của nhãn là truyền đạt một cách chính xác điều gì đó tới người tiêu dùng”, ông phân tích. Nhãn carbon thấp “khiến người mua nghĩ rằng thứ này tạo ra carbon thấp hơn hơn những thứ khác mà họ có thể lựa ngay tại đó.”

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi về việc đâu là tiêu chuẩn cho thịt bò carbon thấp. Các nhà sản xuất muốn được chứng nhận phải cung cấp dữ liệu chi tiết về cách thức chăn nuôi gia súc của họ, và công ty của Beal sử dụng dữ liệu này để ước tính lượng carbon phát thải từ khi con bò sinh ra đến khi nó vào lò mổ. Nếu tính toán cho thấy lượng khí thải này thấp hơn ít nhất 10 phần trăm so với tiêu chuẩn, thì thịt bò có thể được chứng nhận là đã giảm phát thải khí nhà kính. Sau đó, USDA sẽ tiến hành kiểm tra lần nữa, nhà sản xuất có thể sử dụng chứng nhận này để tiếp thị cho sản phẩm.

Cụ thể, để được cấp chứng nhận, 1 kg thịt bò carbon thấp phải phát thải thấp hơn ít nhất 10% so với con số trung bình là 26,3 kg carbon dioxide. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có tính đến các tác động nóng lên khác nhau của các loại khí như methane. Nhưng con số 26,3 kg có vẻ hơi cao: Một nghiên cứu năm 2019 về sản xuất thịt bò ở Mỹ cho thấy rằng quá trình này tạo ra trung bình 21,3 kg carbon dioxide trên mỗi kg thịt.

Karen Beauchemin, một chuyên gia về dinh dưỡng gia súc tại Bộ Nông nghiệp và Nông sản Canada, cũng cho rằng tiêu chuẩn của Beal có vẻ quá cao: Ở Canada, lượng khí thải carbon trung bình từ khi bò sinh ra cho đến khi giết mổ là khoảng 19 kg carbon dioxide trên mỗi kg thịt. Con số 26,3 kg khiến nhiều nhà sản xuất sẽ tự động thấy mình nằm trong ngưỡng 10 phần trăm để đạt chứng nhận thịt bò các-bon thấp, điều này có thể khiến người nông dân mất động lực tìm ra phương án giảm lượng khí thải carbon trong quá trình chăn nuôi .

Beal cho biết công ty của ông đã phát triển một mô hình độc quyền để tính toán ra con số 26,3 kg – đảm bảo có thể so sánh chính xác tỷ lệ phát thải trong thịt bò của các nhà sản xuất. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thiện các phương pháp của chúng tôi trong năm nay và cố gắng hài hòa các tính toán của chúng tôi với các tiêu chuẩn và nghiên cứu mới của các nhà khoa học.”

Các giải pháp

Beauchemin cho biết người nông dân có thể áp dụng một số phương pháp giúp giảm lượng khí thải từ đàn gia súc của họ. Hầu hết khí thải của thịt bò ở dạng khí methane, việc này khiến bò bị ợ hơi trong khi tiêu hóa thức ăn; do đó, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi giúp giảm sản sinh khí methanol có thể là một trong những giải pháp hiệu quả.

Trên thực tế, Brown, nhà đồng sáng lập và cũng là CEO của công ty khởi nghiệp Alga Biosciences, đang phát triển một loại phụ gia thức ăn chăn nuôi có thể thay đổi hệ tiêu hóa của bò. Thông qua nghiên cứu, các chuyên gia của công ty phát hiện ra rằng việc cho gia súc ăn một loại tảo (algae) đặc biệt – cụ thể là Asparagopsis taxiformis – có thể giúp giảm hơn 80% lượng khí mê-tan ợ hơi của chúng. Trên thực tế, việc sản xuất Asparagopsis taxiformis trên quy mô lớn khá tốn kém, vì vậy công ty của Brown đang nghiên cứu cách biến đổi hoá học tảo bẹ (kelp) để tạo ra một loại tảo bẹ rẻ tiền có tác dụng tương tự. Brown cho biết, công ty đang xây dựng thương hiệu như một đơn vị cung cấp giải pháp tiết kiệm chi phí cho nông dân: Bò giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn khi chúng ăn tảo bẹ, vì vậy người nông dân có thể cho chúng tiêu thụ ít thực phẩm hơn khoảng 20%.

Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo rằng mọi việc đều nên cẩn trọng. Matthew Hayek, giáo sư chuyên nghiên cứu về môi trường tại NYU, cho biết công ty chưa chứng minh được rằng tất cả các chất phụ gia thức ăn gia súc chứa tảo đều “giúp giảm lượng khí thải trong suốt quy trình sản xuất thịt bò”. Nếu tiếp thị không đúng cách, giải pháp này “thậm chí có thể khuyến khích các công ty sản xuất thịt bò nhiều hơn nữa”.

Bên cạnh đó, Beauchemin đề xuất thêm một giải pháp khác là nuôi các giống bò có khả năng hấp thụ thức ăn để tăng trọng lượng hiệu quả hơn những giống khác. Chứng nhận Bò carbon thấp có tính đến các yếu tố này cùng với tổng số 20 yếu tố khác, bao gồm quản lý phân, sử dụng phân bón và lượng carbon được cô lập trong cánh đồng của nông dân. Sau một thời gian dùng để chăn thả gia súc và trồng trọt cây cối, cánh đồng cần được phục hồi – điều này có thể làm tăng lượng carbon cô lập trong đất. “Mọi người hoàn toàn có thể giảm được lượng khí phát thải”, Beauchemin hào hứng, “nhưng trong tương lai, chúng tôi hy vọng mức giảm sẽ lớn hơn nữa.”

Hiện tại, Beal cho biết Low Carbon Beef đang làm việc với các công ty sản xuất thịt lớn để giải thích cho họ về tầm quan trọng của nhãn thịt carbon thấp, và đang xem xét có nên chia các nhà sản xuất ra thành nhiều cấp đánh giá dựa trên lượng carbon mà họ hạn chế thải ra hay không. Ông hy vọng rằng thịt bò được chứng nhận là carbon thấp có thể bán được với mức giá cao tương tự như thịt bò hữu cơ – năm 2019 thịt bò hữu cơ được bán lẻ ở Mỹ với giá cao hơn 67% so với thịt bò thông thường, theo dữ liệu của USDA. “Không thể xem nó là thị trường ngách, quy mô của nó lớn hơn nhiều”, ông cho biết. “Tôi nghĩ thịt carbon thấp đang bắt đầu xuất phát để phát triển thành một thứ có tiềm năng tương tự như thịt hữu cơ”.

Tara Garnett, nhà nghiên cứu tại Viện Biến đổi Môi trường thuộc Đại học Oxford, cho biết chứng nhận cho thịt bò carbon thấp hơn cũng có thể có tác động tiêu cực đến quyền lợi động vật. Một trong những lý do tại sao lượng phát thải trong quá trình chăn nuôi gia súc trên một kg thịt ở Mỹ thấp hơn so với các quốc gia khác, đó là do bò ở đó chủ yếu được nuôi tập trung để vỗ béo, do đó nó có tuổi thọ ngắn hơn, từ đó lượng khí thải carbon trên mỗi kg trọng lượng cơ thể ít hơn. Song điều này đồng nghĩa với việc các trang trại chỉ chăm chăm vào việc cho ăn chứ không làm gì để cải thiện mức sống của động vật. Hayek cũng đưa ra quan điểm rằng nếu việc giảm phát thải khí nhà kính được tính trên cơ sở mỗi kg, nó có thể khuyến khích nông dân sản xuất nhiều thịt hơn và dẫn đến tăng lượng khí thải trong trang trại của họ – thật trái khoáy.

Tất nhiên, vẫn có một cách khác để giảm lượng khí thải từ sản xuất thịt bò: ăn ít thịt hơn. Người dân Hoa Kỳ trung bình tiêu thụ khoảng 37 kg thịt bò mỗi năm – cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của người dân Vương quốc Anh. Các nhà khoa học khí hậu đã liên tục khuyến cáo rằng người dân ở các nước phát triển nên cắt giảm lượng thịt đỏ trong chế độ ăn của họ để hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Một nghiên cứu lớn vào năm 2019 về chế độ ăn bền vững và lành mạnh khuyến nghị mọi người không nên ăn quá 98 gram thịt đỏ mỗi tuần. Chỉ riêng bò lấy thịt đã chiếm khoảng 3,7% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Mỹ – gần một nửa tổng lượng khí thải từ nền nông nghiệp. Garnett cho biết, sau rốt, chứng nhận carbon thấp sẽ không giải quyết được các vấn đề do tiêu thụ thịt bò gây ra. “Chúng ta cần phải thực sự điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình”, bà nói.

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

Is There Really Such a Thing as Low-Carbon Beef?

A Wave of Startups Is Tackling Cow Burps and Other Climate Issues

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)