Tỉ lệ học tiếp sau phổ thông của Việt Nam bằng một nửa các nước thu nhập trung bình cao

Khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông (bao gồm giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) của học sinh Việt Nam, tính bằng tỷ lệ nhập học chung là 28,6%, chỉ hơn 1/2 của Trung Quốc cũng như các quốc gia thu nhập trung bình cao, và chưa bằng ½ Hàn Quốc. Theo báo cáo "Giáo dục để tăng trưởng" của Ngân hàng thế giới.

Ảnh: Báo Chính phủ

Báo cáo đánh giá, hệ thống giáo dục sau phổ thông là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất của Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Báo cáo đánh giá chung về hiện trạng giáo dục của Việt Nam: mặc dù trong 25 năm qua, Việt Nam đã mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao tỷ lệ nhập học giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục sau phổ thông nhưng giáo dục sau phổ thông – tạo nguồn lực trực tiếp cho nền kinh tế – vẫn còn chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế. Điểm tích cực là trẻ em Việt Nam ngày nay có nhiều cơ hội tốt nghiệp giáo dục tiểu học với khả năng đọc hiểu và làm toán thành thạo.

Thành công đó của Việt Nam có được là nhờ Chính phủ chi tiêu khá cao cho giáo dục, tập trung vào yếu tố công bằng, thu hút và hỗ trợ giáo viên có trình độ, đầu tư vào giáo dục tiền tiểu học, áp dụng chiến lược các hình thức đánh giá, song song với những đổi mới qua các quyết định dựa trên bằng chứng. Sau khi điều chỉnh về thời lượng học tập, số năm học ở trường bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng thứ hai sau Singapore trong các Quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng có chỉ số vốn nhân lực (HCI) cao, trong đó thể hiện vốn nhân lực tương quan mà một đứa trẻ sinh ra hiện nay có thể đạt được vào năm 18 tuổi. Chỉ số này còn thể hiện năng suất lao động của thế hệ tiếp theo so với mốc chuẩn chung về giáo dục phổ thông và sức khỏe toàn diện.19 Đó chính là yếu tố hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong hai thập kỷ qua.

Lĩnh vực giáo dục sau phổ thông đã trải qua hai giai đoạn phát triển rõ rệt. Từ năm 2000 đến năm 2016, Việt Nam đã có những tiến triển đáng ghi nhận về mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục sau phổ thông khi chỉ tiêu tuyển sinh tăng từ 0,9 triệu lên 2,3 triệu sinh viên. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực qua đào tạo sau phổ thông vẫn còn ít ỏi so với khu vực và trung bình của thế giới.

Nhìn chung, Việt Nam ít cả “thầy” lẫn “thợ” so với các nước khác. Vì khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông (bao gồm giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) của học sinh Việt Nam, tính bằng tỷ lệ nhập học chung, đạt dưới là 28,6%, một trong những mức thấp nhất trong số các nước Đông Á. Tỉ lệ này của Việt Nam thấp hơn mức bình quân 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao, thấp hơn nhiều so với các nước có thu nhập cao hơn như Hàn Quốc (trên 98%), Trung Quốc (hơn 53%) và Malaysia (43%). Kết quả đầu ra giáo dục sau phổ thông của Việt Nam, đo bằng tỷ lệ tốt nghiệp gộp, chỉ đạt 19%.

Trước đó, theo khảo sát về doanh nghiệp và kỹ năng của Ngân hàng Thế giới (2019), 73% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, 54% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng cảm xúc – xã hội, và 68% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.

Báo cáo đánh giá một số nguyên nhân dẫn đến kết quả khiêm tốn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Các yếu tố cầu bao gồm chi phí cơ hội cao và chi phí tài chính ngày càng tăng khi theo đuổi giáo dục đại học, kết hợp với suất sinh lợi đang có xu hướng giảm. Các yếu tố cung liên quan đến sự chênh lệch giữa kỹ năng và việc làm, đầu tư hạn chế từ Nhà nước, và cấu trúc thể chế quản lý giáo dục đại học yếu kém và phân tán.

Để trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ năng. Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)