Trí thức cần có không gian sáng tạo riêng

“Để hiểu được những đóng góp của các nhà trí thức cho xã hội, cần phải phân tích cả không gian sáng tạo chính thức và phi chính thức của họ”, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, Đại học KHXH & NV Hà Nội).


Aristoteles và Platon thảo luận, trong bức tranh “The School of Athens” của Raphael. Nguồn: Wiki.

Tia Sáng: Gần đây đã có những thảo luận liên quan đến vai trò, tiếng nói của người trí thức, nhưng điều rất đáng quan tâm là không gian sáng tạo của người trí thức, ông có nhận xét gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Chính: Trước khi nói tới không gian sáng tạo của người trí thức Việt Nam, cần phải nhìn nhận lại cách hiểu về người trí thức. Cả trên thế giới và Việt Nam đều sẽ có những định nghĩa khác nhau về người trí thức, tuy nhiên, ở Việt Nam có một cách hiểu tương đối thô sơ nhưng khá phổ biến trong giới làm chính sách, cho rằng “trí thức là người lao động trí óc, có hiểu biết sâu và rộng, có trình độ đại học và tương đương trở lên”. Tôi cho rằng cách hiểu như vậy còn phiến diện và một chiều vì nó chỉ xem xét người trí thức ở các khía cạnh (1) nghề nghiệp; (2) năng lực nhận thức; và (3) học vấn.

Ông cũng đã tham gia nhiều diễn đàn nổi tiếng về vai trò của trí thức trong xã hội như “Asia Leadership Fellow Program” (ALFP) hay “Asian Public Intellectual” (API), vậy cách hiểu thô sơ như vậy có vênh với cách hiểu thông thường trên thế giới?

Từ hơn một trăm năm trước, học giả Mỹ Emerson, trong tác phẩm “The American Scholar” (1837) đã nói rằng “trí thức là con mắt của thế giới, chuyển tải tư tưởng của mình đến với thế giới chứ không chỉ là người lao động trí óc đơn thuần.” Hay Paul Baran, nhà kinh tế học Marxist người Mỹ đã viết trong tiểu luận được trích dẫn nhiều “Sứ mạng của người trí thức” (The Commitment of the Intellectual) đăng trên Tạp chí Nguyệt san (Monthly Review) số ra tháng 5/1961, cho rằng, người lao động trí óc có thể là người trí thức, nhưng sự khác nhau căn bản giữa hai khái niệm này là ở thái độ của họ đối với toàn bộ quá trình lịch sử. Người trí thức thực sự không chỉ khát khao nói lên sự thật, mà còn phải can đảm, phải dám suy nghĩ đến cùng sự việc. Ông cho rằng trong định chế xã hội tư bản thì loại người lao động trí óc thông thường là hình ảnh điển hình của những tên đầy tớ trung thành, của một nhân viên thừa hành, thường “bị nhốt cứng trong các ngăn kiến thức”, và hay “thoái thác trách nhiệm” để lo lấy phần của mình.

Nói như thế để thấy rằng quan niệm phổ biến về người trí thức là quan tâm đến các vấn đề của xã hội với một tinh thần phê phán, phổ biến các tri thức mà mình tạo ra cho xã hội, và có ý thức về bổn phận tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội. Trên thế giới, khi nhìn nhận về trí thức (public intellectual), giới chuyên môn đã nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản, có lý luận và phương pháp rõ ràng và thường xét tới các chức năng chính: một, sản xuất ra tri thức; hai, phổ biến tri thức đó; ba, sứ mạng xã hội, trách nhiệm xã hội (social commitment) – chức năng mà ở Việt Nam rất ít bàn tới hoặc thường bị “lờ” đi. Như vậy, là một trí thức, anh ta không thể chỉ làm mỗi chuyện ngồi tư duy, sản xuất ra tri thức rồi chấm hết, không quan tâm đến những gì đang diễn ra bên ngoài và mặc kệ xã hội.

Khi nghiên cứu về sứ mạng phản biện xã hội của các nhà trí thức, họ cũng phân biệt rõ hai dạng: một, những trí thức phản biện trung thành (loyal opposition) – tức là phản biện nhưng vẫn trung thành với đảng phái nào đó; hai, những trí thức phản biện theo cách không quan tâm tới đảng phái nào.


PGS.TS Nguyễn Văn Chính. Ảnh: NVCC

Trong bối cảnh còn nhiều cách nhìn nhận khác nhau như vậy, thì người trí thức Việt Nam có được không gian sáng tạo như thế nào? ông có nhận xét gì về những không gian sáng tạo của các nhà khoa học xã hội, một lĩnh vực mà ông quan tâm nghiên cứu?  

Tôi cho rằng các nhà KHXH ở Việt Nam có nhiều hơn một không gian sáng tạo khoa học. Nhiều nhà KH làm việc trong khuôn khổ của một định chế KH của nhà nước (formal space) nhưng họ có xu hướng mở rộng không gian sáng tạo KH không chính thức (informal space) của riêng mình, và chính trong cái không gian riêng này, họ lại có thể lan tỏa được tri thức và tiếng nói ra xã hội theo một cách không tưởng. Tôi muốn nói đến hai bậc thầy đã quá cố của mình là GS Từ Chi và GS Trần Quốc Vượng. Cả hai đều nghiên cứu lịch sử và văn hóa, và làm việc trong cơ quan nhà nước. Do tài năng thông tuệ của mình, hai ông tạo ra được sức hút cực mạnh đối với học trò và đồng nghiệp. Và những buổi “lên lớp” có sức truyền tải tri thức mạnh mẽ đến người khác lại không chỉ ở các giảng đường chính thống mà là khi họ “trà dư tửu hậu” với lớp trẻ. Hai ông thường trình bày các quan điểm học thuật và kiến giải về xã hội của mình bằng cái giọng “bông phèng (chữ của GS Nguyễn Huệ Chi khi nói về anh mình, GS Từ Chi)”. Để nói ra được những quan điểm ấy, các ông đều phải trả giá cho sự ngay thẳng của mình, thậm chí như GS Từ Chi, phải chịu “xê dịch” hết từ cơ quan này đến cơ quan khác để “khỏi phải thay đổi chủ kiến”, còn GS Trần Quốc Vượng cũng nhiều lần bị “sờ gáy”, nhưng điều quan trọng là các ông đã không im lặng mà vẫn tìm ra được những không gian riêng để nói lên tiếng nói tâm huyết của mình làm “thức tỉnh xã hội”.

Như vậy, để hiểu được sức sáng tạo học thuật của một trí thức, cần thiết phải nghiên cứu cả hai không gian sáng tạo chính thức và phi chính thức. Khi nghiên cứu không gian sáng tạo phi chính thức của họ cần phân tích xem họ tương tác thế nào với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… Có nhiều GS nói rằng tôi không có học trò, là vì thực ra, ông ta không có không gian sáng tạo phi chính thức, không lan truyền được cảm hứng, không xây dựng được một đội ngũ theo đuổi, ủng hộ tư tưởng của mình. Đó là những người chỉ giảng bài ở trên lớp và đôi khi, trong những bài giảng, họ buộc phải “tiết chế” mình lại.

Không ít người cho rằng, với sự hạn chế về nguồn lực và những bó buộc khác trong điều kiện ở Việt Nam, các nhà KH Việt khó có thể trở thành những nhà nghiên cứu độc lập (independent researcher). Vậy làm thế nào để trong bối cảnh hiện tại, các nhà nghiên cứu xây dựng được không gian sáng tạo riêng cho mình?

Đúng là trong điều kiện hiện nay, nhà nghiên cứu bắt buộc phải gắn bó với một tổ chức, một cơ quan, một hội nghề nghiệp nào đó như: trường học, viện nghiên cứu… mới có điều kiện làm KH. Nhưng tôi cho rằng, dù chịu sự quản lý của một đơn vị, nhà trí thức vẫn có thể tự thiết lập một chân trời riêng, một không gian riêng để phát huy cá tính sáng tạo. Tuy vậy, tôi rất tiếc khi ở Việt Nam, nhiều nhà KH chủ yếu chỉ sáng tạo trong giai đoạn từ 25 – 40 tuổi, sau đó, khi đã tham gia công tác quản lý, bị ràng buộc vào những vị trí lãnh đạo nhất định, họ hầu như không tạo ra được cái mới và tự đánh mất không gian sáng tạo riêng của mình. Do đó, để phát triển những không gian sáng tạo của riêng mình, nhà KH có thể phải làm việc ở các cơ quan nghiên cứu của nhà nước nhưng không nhất thiết phải trở thành nhà quản lý.

Ngoài ra, không gian học thuật vốn có tính không biên giới, nên nhà KH cũng có thể tự mở rộng không gian sáng tạo của mình ra ngoài lãnh thổ một quốc gia, một khu vực. Trên thế giới, có những nhà KH tuy không nổi tiếng trong nước nhưng lại được giới KH quốc tế biết đến và đánh giá rất cao, vì anh ta chủ động “tương tác” với đồng nghiệp quốc tế. Quan trọng là, anh ta phải nỗ lực tìm cách “lên tiếng” ở đâu đó chứ không thể im lặng và chịu lệ thuộc vào hoàn cảnh.

Theo quan sát của cá nhân ông thì trong thời gian gần đây, trí thức Việt Nam có phát huy được trách nhiệm xã hội của mình không?

Người ta vẫn có xu hướng cho rằng trí thức là người lao động trí óc, “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, thế là được. Trí thức được xem như một thứ danh hiệu, nói như ai đó thì đấy là một kiểu “được phong hàm trí thức”. Thực ra, những thứ hình thức ấy chỉ mới là điều kiện đủ thôi. Điều tôi quan tâm hơn là những yếu tố nào làm hạn chế sự tham gia của trí thức vào các vấn đề của xã hội? Theo tôi, người trí thức muốn phát huy được vai trò xã hội của mình cần có những không gian sáng tạo riêng và một bản lĩnh KH. Phần lớn trí thức ở Việt Nam chỉ làm việc trong khuôn khổ của định chế nhà nước trong khi không gian sáng tạo riêng rất hạn hẹp nhưng nhờ bản lĩnh, vẫn có nhiều người vượt lên để đem đến những đóng góp to lớn. Có rất nhiều ví dụ như vậy nhưng tôi chỉ xin lấy một ví dụ thôi, đó là trường hợp khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên. Khi chủ trương hợp tác với Trung Quốc để khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên được công bố rộng rãi thì gần như ngay lập tức các nhà nghiên cứu đã lên tiếng, phân tích mọi điều hơn lẽ thiệt để nhà nước cân nhắc. Gần đây, hàng loạt các chương trình phát triển lấy đất của các hộ nông dân nhỏ bé để trao vào tay các công ty, tập đoàn kinh tế tư bản cũng nhận được những ý kiến mạnh mẽ và tâm huyết từ các nhà trí thức. Các chương trình sửa đổi Hiến Pháp và Luật Đất Đai năm 2013 cũng nhận được sự tham gia của nhiều bậc thức giả hiểu được vai trò của mình với xã hội và cộng đồng. Tiếng nói của họ dù còn khá thưa thớt, nhưng mạnh mẽ và xác đáng, đôi khi tạo ra được cả những cơn bão về nhận thức. Tôi không có ý cho rằng phản biện là độc quyền của trí thức, vì mọi người dân sống trong một quốc gia đều có quyền và trách nhiệm với đất nước của mình, nhưng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và sức mạnh của các căn cứ KH trong tiếng nói của trí thức.    


Các nhà khoa học trao đổi tại Khu CNC Hòa Lạc trong dịp Chính phủ mời 100 nhà khoa học, trí thức từ nước ngoài về Việt Nam tháng 8/2018. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Khi đánh giá vai trò, vị thế của một trí thức, có ý kiến cho rằng, trí thức Việt Nam phải chịu cảnh thiệt thòi do cái nhìn “cái quan định luận” – tức là sau khi “nhắm mắt xuôi tay” rồi thì mới được công nhận

Để đánh giá vị thế của một trí thức, tất nhiên, phải lấy ý kiến của học trò và đồng nghiệp. Nhưng cần chú ý một vấn đề, đó là tính đố kỵ. Tính đố kỵ trong giới KH, nghệ thuật có ở tất cả các môi trường học thuật, nhưng điều đó đặc biệt nặng nề ở trong môi trường Việt Nam. Rất nhiều trí thức lớn của Việt Nam phải chịu cảnh thiệt thòi do cái nhìn “cái quan định luận” đó. Cố GS Từ Chi là một ví dụ điển hình (ông được giới dân tộc học nước ngoài coi là chuyên gia số một về người Mường, người Việt. GS. Georges Condominas đánh giá ông là một nhà bác học). Chỉ sau khi ông mất, người ta mới đánh giá đúng về những đóng góp lớn lao của ông. Giá như sự công nhận ấy đến sớm hơn thì cuộc sống của ông đã bớt nhọc nhằn. Tôi vẫn nhớ, các học giả người Pháp đã vô cùng ngạc nhiên khi cùng tôi đến thăm nhà GS Từ Chi, một căn gác nhỏ ọp ẹp nằm trên đường Nguyễn Thượng Hiền. Gọi là nhà nhưng thực chất nó chỉ là một cái studio nhỏ với một cái sập, một tủ sách với những chồng sách được ông bó lại cẩn thận. Tất cả gia sản của ông chỉ có thế. Suốt sự nghiệp nghiên cứu KH, ông cứ phải chuyển việc hết cơ quan này sang cơ quan khác, lương thì phải nhận mức thấp nhất. Tới lúc sắp mất mới được phong PGS. Thỉnh thoảng, được một buổi đàm đạo hay nói chuyện, uống bia cùng học trò, với ông, thế đã là hạnh phúc rồi. Nếu tiếp cận và phân tích về cố GS Từ Chi ở nhiều góc độ khác nhau sẽ thấy ông ấy là một con người, một nhà KH vĩ đại. Chứ nhiều người, lúc sinh thời rất nổi tiếng nhưng sau này lại không được ai nhắc đến, là bởi họ không thực sự có những đóng góp cho KH và cho xã hội.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Bảo Như thực hiện 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)