Từ các bức họa hàng thế kỷ tuổi đời: Sự tiến hóa của cây trái

Một cách tiếp cận liên ngành độc đáo với sự hợp tác của nhà sinh học và sử học đã ‘bắt’ các tài liệu nghệ thuật kể về sự thuần hóa các loài cây cỏ như cà rốt, lúa mì, dưa hấu và các loại gia vị.


Bức “Fruit Stall” (Quầy trái cây), một kiệt tác thời kỳ Baroque của họa sĩ Bỉ Frans Snyders. Nguồn: wiki.

Trong Fruit Stall (Quầy trái cây), một kiệt tác thời kỳ Baroque của họa sĩ Bỉ Frans Snyders, điểm đặc biệt của nó là dù có sự xuất hiện của con người, một bà chủ hàng đang cầm đĩa đào chín mời khách, rõ ràng thuộc tầng lớp khác, đang săm soi một trái, một chú chó cảnh sủa nhặng xị, một con khỉ nghịch ngợm vật nghiêng giỏ đào trước cái nhìn tò mò của một con sóc nhưng nét hấp dẫn nhất không phải là họ. Thu hút ánh nhìn bậc nhất là sự phong phú ê hề của một dãy đầy ấn tượng những sản vật xuất hiện khắp trong các giỏ và đĩa được đặt trên một cái bàn gỗ lớn. 

Ngày nay, chúng ta có thể nhận ngay ra được một vài loại hoa quả trong số đó, ví dụ những chùm nho xanh tràn miệng giỏ nằm ở giữa bàn. Nhưng những thứ hoa quả khác, trong đó có một loại quả vỏ xanh bị cắt làm đôi, phô ra lớp thịt quả màu trắng và điểm những hạt đen dường như ít quen thuộc hơn. Do đó, câu hỏi ‘Chúng xuất hiện trên bàn ăn từ khi nào?’, ‘Ngày nay chúng có còn tồn tại trên thế giới này?’ thường nảy ra trong óc mọi người khi xem tranh.

Những câu hỏi thật khó trả lời, nếu chỉ tìm manh mối từ những bức tranh. Rất may là cuộc trao đổi giữa Ive De Smet, nhà di truyền học thực vật làm việc tại Trung tâm Sinh học các hệ cây trồng VIB-UGent và David Vergauwen, nhà sử học nghệ thuật trường Đại học Vrije Brussel, đã dẫn chúng ta đến một phần đáp án của những câu hỏi như vậy. Kết quả nghiên cứu của họ lần lượt được xuất bản trên Trends in Plant Science, tạp chí của nhà xuất bản Cell Press, “Watermelons versus Melons: A Matter of Taste” (Dưa hấu và dưa: Một vấn đề của khẩu vị), “Genomes on Canvas: Artist’s Perspective on Evolution of Plant-based Foods” (Các hệ gene trên toan vẽ: Góc nhìn của họa sĩ về sự tiến hóa của thực phẩm từ thực vật).
 
Những câu hỏi thú vị ban đầu

Thông thường, nhà di truyền học thực vật tìm hiểu lịch sử cây trồng mà chúng ta ăn thông qua việc giải mã các hệ gene của các loại cây tổ tiên với các mẫu vật hiếm và được bảo quản tốt. “Các hệ gene của những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể giúp chúng ta hiểu những gì khiến cây cối có hình dạng như ngày nay, ví dụ màu sắc bắt nguồn từ những hoạt động trao đổi chất, và những đặc tính có thể có, ví dụ như vị ngọt. Hệ gene có thể giúp xác định được sự xuất hiện của các đặc tính nhất định theo mốc thời gian, giống như các bức họa”, De Smet cho biết. 


 Tranh tường trong lăng mộ của Nakht cho thấy những vật phẩm từ cây trái ở Ai Cập giữa những năm 1410 và 1370 trước Công nguyên. Nguồn: Wiki.

Cách tiếp cận này thường gặp thách thức là tồn tại những khoảng trống trong mốc thời gian như khi nào và ở nơi nào, các loài cây cỏ hoa trái, ngũ cốc hiện đại ngày nay đã tiến hóa. “Đó là những điều nằm ngoài tầm với của tôi”, Ive De Smet cho biết trên thông cáo báo chí của Cell Press. “Chúng tôi có thể có một số mã di truyền của một vài loài thực vật cổ xưa nhưng thông thường các mẫu lại không được bảo quản tốt. Vì vậy, việc nhìn vào các tác phẩm nghệ thuật cũng có thể giúp chúng tôi thấy một số loài trên bản đồ thời gian và dò theo sự tiến hóa của chúng”.

Tuy nhiên việc dựa vào nguồn tài liệu này chưa hẳn đã hoàn hảo, cần có thêm một vài nguồn khác để có thêm miếng ghép hoàn chỉnh bức tranh. Câu chuyện này bắt đầu từ một chuyến tham quan đi chơi riêng của họ ở Bảo tàng nghệ thuật Hermitage, thành phố St. Petersburg, Nga vài năm trước đây. Khi đứng trước một bức tranh, chúng tôi đều không nhận ra một vài loại trái cây. Vergauwen hỏi tôi đó là quả gì và tôi trả lời là mình không rõ và thậm chí còn cho rằng có thể do họa sĩ thiếu tài năng. Tuy nhiên, anh ấy nói, bức tranh này là một trong những kiệt tác của thế kỷ 17. Vì vậy, nếu loại quả đó được miêu tả như thế nào thì nó đúng phải là như thế”, De Smet kể lại với CNN

Một câu hỏi được đặt ra là liệu thứ quả không rõ tên này ngày nay như thế nào? Thậm chí, sau khi rời Hermitage, trên một chuyến tàu tới Tsarskoye Selo, một bảo tàng khác ở St. Petersburg, băn khoăn lại dấy lên thành một thảo luận khác là liệu những loại hoa trái hiện đại như thế nào vào thế kỷ 17. Cuộc thảo luận đã khơi mở cho hai nhà nghiên cứu cùng bắt tay vào một cuộc phiêu lưu độc đáo, kết hợp kiến thức di truyền học thực vật với thông tin từ những bức tĩnh vật có tuổi đời hàng thế kỷ. Bằng cách đó, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng họ có thể tạo ra được một mốc thời gian trực quan về quá trình thuần hóa cây cối của con người. “Chúng tôi bắt đầu thực hiện một số cuộc ‘đào bới’ vào tài liệu nghệ thuật và tôi cho rằng, chúng tôi sẽ còn không ngừng làm việc đó”, De Smet nói với ZME Science. “Một số người bạn thường câu cá hoặc chơi quần vợt cùng nhau, tôi và David tới các viện bảo tàng, gặp gỡ các học giả khác, nhìn vào các bức họa và nghiên cứu về lịch sử của thực phẩm hiện đại của chúng ta”.

Truy dấu nguồn gốc cỏ cây

Các tác phẩm nghệ thuật miêu tả chi tiết các loại cây trái thật hữu dụng cho các nhà nghiên cứu bởi chúng cho thấy các quá trình biến đổi từng bước một mà qua đó, con người đã dày công lai tạo các loài cây hoang dại thành các loại hoa quả thơm ngon cũng như thời điểm các loại thực phẩm xuất hiện ở những phần khác nhau của thế giới. “Chúng tôi quan tâm chủ yếu đến câu chuyện loài cà rốt hiện đại thật ra ‘xuất thân’ từ một loài cỏ dại ít được biết đến và biến đổi thành một loại cây ăn củ phổ biến màu cam dưới hình thức như hiện nay,” De Smet giải thích với CNN

Nghệ thuật cho phép các nhà nghiên cứu tìm lại những ngả đường tiến hóa của nhiều loại thực phẩm khác như cà chua, bắt nguồn từ nỗi sợ hãi có thể có độc trong suốt thế kỷ 16 nhưng cuối cùng trở thành nguyên liệu chủ lực của các căn bếp Ý thế kỷ 19. Cà chua có nguồn gốc từ Peru, và hiện những tổ tiên hoang dại của chúng vẫn còn được tìm thấy ở đó. Nhà nông học Ý Isabella Dalla Ragione cũng có nỗ lực tương tự khi sử dụng các bức họa Phục Hưng để tái khám phá những loại quả và rau đã thất truyền. Bà đã tìm đến những cánh đồng đã bị hoang hóa, nơi có thể bắt gặp những hậu duệ của nó đã bị ‘bỏ rơi’ theo thời gian vì nhiều lý do, ví dụ lớn quá chậm hoặc không phù hợp với lối thu hoạch hiện đại. Tuy nhiên, nghiên cứu của De Smet và Vergauwen lại hơi khác một chút: họ tìm về tổ tiên của cây cỏ.    


Bức “The Garden of Earthly Delights” (Khu vườn lạc thú trần tục) do Hieronymus Bosch vẽ. Nguồn: CNN.

Để làm được điều đó, De Smet và Vergauwen đã lục lại một số tác phẩm nghệ thuật cổ xưa bậc nhất, những bức họa Ai Cập cổ đại có khắc họa các quả dưa hấu với những đường kẻ màu xanh lá cây sẫm và sáng tương tự như hậu duệ của chúng ngày nay. Các phân tích di truyền của lá dưa hấu may mắn tìm thấy trong một hầm mộ Ai Cập cũng cho thấy vị của quả dưa cách đây khoảng 4000 năm giống như dưa chuột, đó là những gì Vergauwen và De Smet phát hiện ra.

Dẫu các bức họa đều có thể trao cho hai nhà nghiên cứu những quan sát trực quan về các loại rau quả và nơi chúng được tìm thấy trong quá khứ nhưng cách tiếp cận này còn phải đối diện với một vài vấn đề mà cần có sự hỗ trợ của lịch sử nghệ thuật như đặc trưng và phong cách nghệ sĩ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc mô tả cây cỏ. Ví dụ cảnh chợ của Snyders dù miêu tả sự phong phú của các loại hoa trái thì chúng cũng phải được thu hoạch trong cùng một mùa và đúng như hình thái thực của chúng. Các tác phẩm của Jan Van Eyck (thế kỷ 15) cũng mang sắc thái tương tự như đồng nghiệp Hà Lan thế kỷ 17 này, “lối miêu tả của họ hoàn toàn đáng ngưỡng mộ”, các tác giả viết như vậy trong công bố của mình. “Những nghệ sĩ này có thể được coi là đáng tin cậy vì những chi tiết mà họ đưa ra có thể kiểm chứng được ở nơi khác. Nếu một họa sĩ mô tả một tòa nhà vẫn còn ở đó ngày nay hoặc một nhạc cụ hiện đang có trong viện bảo tàng và cả hai trường hợp, anh ta tái hiện nó y thật thì không có lý do gì để cho rằng họa sĩ đó có một thói quen làm việc khác biệt khi vẽ hoa quả, cây trái”. 

Không thể thấy điều đó trong tác phẩm hiện đại như Bowl of Fruit, Violin and Bottle của Pablo Picasso vẽ năm 1914 bởi sự mơ hồ khiến các nhà nghiên cứu chỉ tìm được một ít thông tin về trái cây xuất hiện trong bức tranh. “Nếu quan tâm đến việc xác định loại quả hoặc rau cỏ trên thực tế như thế nào và dùng tranh của Picasso làm điểm tham chiếu thì anh có thể mắc sai lầm”, Vergauwen giải thích. “Rất khó để giải thích hoặc diễn dịch một số hình ảnh bởi phong cách nghệ thuật quá mơ hồ”. Điều này không chỉ có trong tranh của Picasso mà còn xuất hiện ở nghệ thuật Ai Cập cổ đại, và các họa sỹ bậc thầy Old Masters, những người sống trước năm 1800, ví dụ như “The Garden of Earthly Delights” (Khu vườn lạc thú trần tục) do Hieronymus Bosch vẽ quãng năm 1503–1515 đã miêu tả những trái dâu tây một cách chính xác về hình thái nhưng kích thước của chúng rõ ràng lại vượt so với tỷ lệ thực. 

Bức Bowl of Fruit, Violin and Bottle của Pablo Picasso vẽ năm 1914

“Việc tìm kiếm thông tin qua các bức họa và những hình thức nghệ thuật khác dĩ nhiên là một hướng thu hút”, Esther van der Knaap, một nhà sinh học thực vật tại trường Khoa học nông nghiệp và môi trường Đại học Georgia, nói với CNN về vai trò của lịch sử nghệ thuật trong những nghiên cứu như vậy. “Dù không hoàn hảo thì lịch sử nghệ thuật cũng góp thêm một số cái nhìn vào những đặc điểm nghệ thuật rất quan trọng trong vài thế kỷ trước.”

Để đo lường sự chính xác của một bức họa trong miêu tả các loại hoa quả, De Smet và Vergauwen sử dụng hoa hồng như một điểm tham chiếu. Các bông hoa đã được thuần hóa từ khoảng 5.000 năm trước và những bước đưa loài hoa dại này thành loài cây trồng làm cảnh và chưng chất tinh dầu đều được ghi chép đầy đủ. 

Cách tiếp cận này lập tức chứng tỏ có nhiều biến đổi chung của rau cỏ và hoa trái so với thời kỳ trước khi có lĩnh vực di truyền hiện đại. “Trái cây mà chúng ta thấy trong các siêu thị không nhất thiết ra đời từ các thao tác sinh học phân tử. Điều này có thể xảy ra thường xuyên với những biến đổi tự nhiên đã tồn tại hàng thế kỷ”, De Smet rút ra kết luận.

Hai nhà nghiên cứu Vergauwen và De Smet (bên trái).  

Tuy nhiên việc sử dụng nghệ thuật để dò theo sự tiến hóa của hoa trái cũng còn có một số thách thức khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, các bộ sưu tập online của phần lớn các bảo tàng thường “chỉ cung cấp mỗi cái tên tác phẩm và đoạn ngắn mô tả đi kèm cùng một số bức ảnh chụp lại tác phẩm ở kích thước rất nhỏ” khiến cho thật khó khăn để có thể nhận diện được những bức họa mình cần. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật quan trọng lại thuộc về những bộ sưu tập cá nhân mà họ cũng không thể tới tìm hiểu với tư cách cá nhân. “Ví dụ nếu có một bức họa cà chua thú vị của thế kỷ 17 trong gian bếp của một tu viện Tây Ban Nha không bao giờ mở cửa cho khách tham quan thì chúng tôi không thể tìm được”, De Smet nói với ZME. “Đó là lý do giải thích vì sao chúng tôi cần sự giúp đỡ”. Dự án nhỏ #ArtGenetics của họ với một ứng dụng và cơ sở dữ liệu công khai được đưa ra trong quá trình nghiên cứu đã giúp họ giải quyết khó khăn.

“Đó chính là vẻ đẹp của việc thực hiện nghiên cứu ngày hôm nay”, De Smet trả lời CNN. “Công cụ huy động vốn đám đông sẽ cho phép truy cập vào rất nhiều dữ liệu nhanh hơn việc chúng tôi có thể đến từng bảo tàng”. □

Tô Vân tổng hợp
Nguồn: 
https://www.cell.com/trends/plant-science/fulltext/S1360-1385(20)30192-8?utm_source=EA
https://www.eurekalert.org/pub_releases/2020-07/cp-aba070920.php
https://edition.cnn.com/style/article/artgenetics-food-history-study-wellness-scn/index.html
https://www.smithsonianmag.com/smart-news/how-paintings-can-teach-us-about-evolution-food-180975381/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)