Tư duy dài hạn về mục tiêu tăng trưởng

Đặc điểm nổi bật nhất của nội dung kinh tế trong Báo cáo Chính phủ trước Quốc hội năm nay hầu như chủ yếu dành cho nhiệm vụ cải cách thể chế và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Các mục tiêu số lượng - điển hình nhất là mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP và mức lạm phát (thể hiện ở chỉ số giá bán lẻ hàng tiêu dùng CPI) - được đề cập đến trong đó được diễn đạt theo một cách khác hẳn.

Thay cho các chỉ tiêu “cứng” (thường hàm nghĩa pháp lệnh) là sự co giãn thể hiện tính mềm dẻo:

 Để đạt tốc độ tăng trưởng tiềm năng, phải nâng cao hiệu quả đầu tư chứ không phải là dốc sức tăng khối lượng đầu tư.

Năm 2006 và 5 năm 2006-2010 phải phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn và bền vững hơn” và “Tiếp tục thực hiện chính sách tài chính – tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và kiểm chế chỉ số giá tiêu dùng không vượt nhịp độ tăng trưởng kinh tế”1. Phải nói đây là sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận đến mục tiêu kinh tế. Nó tiếp nối và khẳng định những nỗ lực đã có từ những năm trước của Đảng và Chính phủ nhằm tạo ra sự chuyển hướng ưu tiên đối với các mục tiêu phát triển.
 


 Tăng trưởng cần tuân theo qui luật cạnh tranh tự do và lành mạnh. ảnh: Quốc Tuấn

Không nghi ngờ gì, đây là sự chuyển hướng đúng, phù hợp với vai trò chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Tranh luận quanh mức tăng trưởng 8%
Nhưng từ sự chuyển hướng mạnh trong tư duy về mục tiêu cho đến việc quán triệt sâu rộng nó vào đời sống xã hội, trước hết là vào bộ máy điều hành và quản lý nhà nước và cuối cùng, chuyển hóa tư duy đổi mới đó thành một cơ chế hành động thực tiễn phù hợp luôn luôn là một công việc không dễ dàng và đòi hỏi nhiều thời gian. Và điều này bộc lộ ngay trên trên diễn đàn Quốc hội, thông qua cuộc tranh luận về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2006.
Cuộc tranh luận này xoay quanh mức tăng trưởng 8%, với hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng mức tăng trưởng 8% là thấp; còn một luồng khác cho rằng cần chú ý mạnh hơn đến chất lượng tăng trưởng thay vì đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn.
Luồng ý kiến thứ nhất chủ yếu dựa trên 3 luận cứ. Một là năm 2005, trong điều kiện đối mặt với rất nhiều khó khăn (biến động giá xăng dầu, thị trường hàng dệt may, bão lụt, cúm gà, v.v.) mà nền kinh tế vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao (dự kiến 8,4%) xấp xỉ mục tiêu đề ra 8,5%. Hai là nền kinh tế nước ta, như được luận chứng trong nhiều công trình nghiên cứu và được hàng loạt văn kiện của Đảng và Nhà nước khẳng định, đang tăng trưởng thấp hơn mức tiềm năng. Do đó, nó có đủ các điều kiện cơ bản để nâng tốc độ tăng trưởng lên cao hơn đáng kể so với mức hiện tại. Ba là trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, yêu cầu tăng trưởng nhanh đối với nền kinh tế nước ta là mang tính sống còn. Chúng ta không thể thoát khỏi tình trạng tụt hậu ngày càng xa hơn (mà nền kinh tế hiện đang thực sự lâm vào) nếu không đẩy tốc độ tăng trưởng lên cao hơn.
Quả thật là những luận cứ xác đáng và dường như không có gì bắt bẻ được. Dựa vào đó, một số người đề nghị cần nâng mức tăng trưởng mục tiêu cho năm 2006 (và theo logic đó là cho cả các năm sau) lên 8,5-9%.

Điều quan trọng nhất vẫn là chú ý tới tăng trưởng dài hạn  quan trọng chứ không phải dồn sức cho đầu tư ngắn hạn và dàn trải. ảnh: Quốc Tuấn

 Luồng ý kiến thứ hai đòi hỏi chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng. Trong đòi hỏi đó chứa hàm ý về một mục tiêu tăng trưởng vừa phải hơn, 7,5-8%. Lập luận của luồng ý kiến này rất đơn giản. Thứ nhất, trong khi mô hình tăng trưởng của ta hiện nay là dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư và nguy cơ lạm phát bùng nổ đang là mối đe dọa gần kề thì không thể dốc sức tăng trưởng ngắn hạn bằng cách phá hủy các cơ sở tăng trưởng dài hạn mà cơ sở quan trọng nhất là sự ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, một số điều kiện tăng trưởng cơ bản không thuộc tầm kiểm soát của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đang có những biến động bất thường và gây nhiều bất lợi cho quá trình tăng trưởng. Đó là tình hình thị trường thế giới – cả thị trường đầu vào (xăng dầu, hóa chất, thép, phân bón, tỷ giá hối đoái và lãi suất,v.v.) lẫn thị trường đầu ra (hàng dệt may, giày dép, hải sản,v.v.) cũng như xu hướng thiên tai bệnh dịch lan rộng (bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, v.v.) đang và chắc sẽ còn tác động tiêu cực mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta.

 Cần đoạn tuyệt với mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác chiều rộng (tăng vốn đầu vào), vào khai thác tài nguyên và vào đầu tư nhà nước và chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên nguyên lý phân phối nguồn lực do thị trường đóng vai trò quyết định, tuân theo quy luật cạnh tranh tự do lành mạnh.

Tuy chỉ có hai luận cứ chính nhưng mức độ thuyết phục của luồng ý kiến này cũng rất cao, không kém gì của luồng ý kiến thứ nhất.
Như vậy, dường như chúng ta phải lựa chọn mục tiêu phát triển kinh tế cho năm 2006 và của giai đoạn 2006-2010 trong thế lưỡng nan. Dù có lý lẽ vững chắc đến đâu thì cả hai luồng ý kiến nêu trên đều chưa chỉ ra một cách thuyết phục bằng cách nào nền kinh tế nước ta trong năm 2006 có thể đạt được những định mức tăng trưởng – dù cao hay thấp – được mỗi bên xác định như trên.Tăng trưởng phải theo đúng qui luật
Trước hết, cần phải nói rằng nếu không chịu những biến cố bất thường gây tác động tiêu cực quá lớn, nền kinh tế nước ta hoàn toàn có đủ điều kiện để tăng trưởng cao hơn mức hiện tại. Nhưng đó chỉ là một khả năng, cho dù là khả năng có tính hiện thực rất cao. Muốn biến khả năng đó thành hiện thực, tức là chuyển hóa tiềm năng tăng trưởng thành tốc độ tăng trưởng GDP thực tế 9-10%, thậm chí 15-17%, cần phải có những điều kiện nhất định. Logic ở đây không có gì là phức tạp: để đạt tốc độ tăng trưởng tiềm năng, phải nâng cao hiệu quả đầu tư chứ không phải là dốc sức tăng khối lượng đầu tư.
Nhưng nói theo ngôn ngữ kinh tế học, để nâng cao được hiệu quả đầu tư, người ta phải dốc sức cho việc tạo ra và củng cố các cơ sở dài hạn của tăng trưởng chứ không phải cho việc huy động vốn tối đa và phân bổ nó chủ yếu cho các doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể hơn, sự chú ý chính sách và nỗ lực của bộ máy điều hành vĩ mô phải dành ưu tiên cho việc tạo ra cơ chế phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế. Một môi trường kinh doanh lành mạnh và năng động, bao hàm sự phát triển đồng bộ của các thị trường, sự “phân vai” hợp lý giữa nhà nước và thị trường, sự phân công và phối hợp chức năng tối ưu giữa các chủ thể thị trường, mà quan trọng nhất là giữa các thành phần và khu vực kinh tế2, một hệ thống thuế đơn giản và có định hướng khuyến khích rõ ràng, một hệ thống các ngân hàng thương mại hoạt động theo nguyên tắc không thiên vị xuất xứ “thành phần” của doanh nghiệp, v.v. chính là thực chất của cơ chế phân bổ nguồn lực như vậy.
Tất cả những cơ sở tăng trưởng này, tuy đã hiện diện trong nền kinh tế nước ta, song vẫn còn thấp xa mức yêu cầu để nền kinh tế đạt được đồng thời cả tốc độ tăng trưởng lớn lẫn chất lượng tăng trưởng cao. Chính vì thế, trong những năm qua, cho dù Chính phủ và cả khu vực doanh nghiệp nhà nước có quyết tâm cực kỳ cao, đã dốc sức tối đa cho tăng trưởng, song tốc độ tăng trưởng mà nền kinh tế đạt được cũng chỉ dưới mức tiềm năng, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, chưa kể một lượng không nhỏ nguồn lực bị lãng phí.
Muốn nền kinh tế nước ta thực sự nâng cao tốc độ tăng trưởng đạt mức tiềm năng và cải thiện chất lượng tăng trưởng, cần phải khổ công tạo ra và củng cố những “cơ sở” tăng trưởng đó. Đây chính là thực chất của cái gọi là của tầm nhìn dài hạn trong tăng trưởng, cũng là nội dung quan trọng hàng đầu của yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và chuyển hướng tiếp cận đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đang đặt ra bức bách.

Có những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn hay trung hạn rất cao nhưng vẫn có thể thua trong cuộc đua tranh phát triển dài hạn do bị thất bại trong cạnh tranh.

Nói cụ thể hơn, đã đến lúc chúng ta cần phải đoạn tuyệt với mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác chiều rộng (tăng vốn đầu vào), vào khai thác tài nguyên và vào đầu tư nhà nước, từng bước chắc chắn nhưng cũng không thể quá chậm trễ chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên nguyên lý phân phối nguồn lực do thị trường đóng vai trò quyết định, tuân theo quy luật cạnh tranh tự do lành mạnh, khuyến khích sự tham gia tối đa của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, dựa ngày càng nhiều hơn vào 2 yếu tố: công nghệ cao, nguồn nhân lực kỹ năng cao và hội nhập quốc tế.

Phải loại bỏ “chủ nghĩa thành tích”

Với tiềm lực tài chính có hạn, năng lực bộ máy và cán bộ chưa đủ cao, ngay tức thời trong năm 2006 (và có thể một vài năm sau đó), Chính phủ khó có thể đồng thời giải quyết tốt như mong muốn cả hai việc: vừa tập trung nỗ lực để tạo ra và củng cố các cơ sở nền tảng của tăng trưởng, lại vừa đáp ứng được đòi hỏi tăng trưởng cao (huy động vốn phục vụ đầu tư cao và sử dụng vốn một cách hiệu quả). Cách thức tối ưu nhất trong giai đoạn trước mắt chỉ có thể là tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ tạo lập và củng cố cơ sở tăng trưởng thay cho nỗ lực tăng vốn đầu tư nhà nước lên cực đại để đạt bằng được mục tiêu tốc độ.
Nhưng cũng cần nói rõ rằng quá trình chuyển biến này sẽ rất không dễ dàng. Hiện nay, xu hướng tăng đầu tư để đạt thành tích tăng trưởng cao đã trở thành một căn bệnh nghiêm trọng, không dễ chữa trong nền kinh tế. Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, ở các bộ, ngành và tỉnh, đầu tư phát triển đang biến thành một cuộc đua tranh quyết liệt. Trong không ít trường hợp, ẩn sau cuộc đua đó, tạo thành động cơ mạnh mẽ nhất của nó là căn bệnh thành tích, là lợi ích cục bộ giành được từ “chiếc bánh” đầu tư nhà nước, là lợi ích cá nhân nhờ xà xẻo, tham nhũng, hối lộ và lạm dụng khe hở cơ chế3. Về mặt đạo đức, mọi người đều sẵn sàng lên án căn bệnh này. Song từ bỏ lợi ích do cơ chế đó mang lại, trên lập trường kinh tế mà xét, về mặt cá nhân, lại rất ít tính hợp lý.  

Cuối cùng vẫn là “cái nhìn dài hạn”

Những điều nói trên phản ánh một khía cạnh cơ bản trong tư duy mới về mục tiêu tăng trưởng. Nhưng còn một điểm nhấn khác không kém phần quan trọng. Đó là yêu cầu phải chuyển hướng từ “tĩnh” sang “động” trong quan niệm về mục tiêu. Lâu nay, mục tiêu kinh tế được xác định chủ yếu theo hướng “định lượng – tĩnh”, nghĩa là trong một thời gian nào đó (1 năm, 5 năm hay 10 năm), nền kinh tế sẽ “được thiết kế” đạt tốc độ tăng trưởng 5% hay 7%/năm để đến một thời điểm xác định (cuối năm 2006, hết năm 2010 hay 2015), GDP, kim ngạch xuất khẩu và GDP/người sẽ đạt bao nhiêu đó. Tất nhiên, hệ mục tiêu định lượng này rất quan trọng. Nó đo lường bước tiến và xác định tiềm lực (cũng là năng lực tăng trưởng và phát triển) của nền kinh tế. Nhưng hai đặc điểm của nó- chủ yếu đo lường sự phát triển theo kiểu “ta so với chính ta” và ít phản ánh chất lượng của quá trình -lại chứa đựng những điểm yếu. Thứ nhất, nó dễ làm người ta hài lòng, mãn nguyện. Thứ hai, nó ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động và chất lượng tăng trưởng. Thứ ba, và đây chính là điểm then chốt nhất, trong hệ thống kinh tế mở, nó không giúp định vị chính xác tương quan sức mạnh và vị thế của chủ thể so với các đối thủ cạnh tranh.
Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa rằng có những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn hay trung hạn rất cao nhưng vẫn có thể thua trong cuộc đua tranh phát triển dài hạn do bị thất bại trong cạnh tranh. Đối với các nước nghèo, lạc hậu, khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao thường là khá dễ dàng. Song năng lực cải thiện chất lượng tăng trưởng, tạo ra, duy trì và củng cố các cơ sở tăng trưởng dài hạn của họ thường là thấp. Điều này giải thích tại sao đa số nước nghèo lại vẫn “hoàn nghèo” trong cuộc chạy đua tăng trưởng trường kỳ. Các ví dụ nổi bật thường được đề cập đến để minh họa cho trường hợp này là Nigeria, Brazil và Argentina trong những năm 1970- thoạt đầu là thần kỳ tăng trưởng trong hàng chục năm liên tục với mô hình thay thế nhập khẩu, dựa vào khai thác tài nguyên, được dẫn dắt bởi các chính sách hướng nội và sự can thiệp trực tiếp, mang tính chi phối của nhà nước để rồi sau đó, rơi vào thảm họa suy thoái, trì trệ kéo dài.
Nói như vậy có nghĩa là trong một nền kinh tế thế giới mở cửa, cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu rộng thì loại mục tiêu sống còn, thậm chí, theo một nghĩa nào đó, còn quan trọng hơn cả mục tiêu tăng trưởng GDP 5-7%/năm, chính là loại mục tiêu “động”, liên quan đến năng lực cạnh tranh và vị thế trong hệ thống cạnh tranh. Không đạt được những mục tiêu này, đơn giản là nền kinh tế không thể tồn tại với tư cách là một thực thể cạnh tranh, không có cơ may để vươn lên, thoát khỏi tình trạng tụt hậu phát triển và vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, cho dù nó có thể đạt tốc độ tăng trưởng rất cao.
Theo logic đó, sự tụt hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng trưởng toàn cầu – hiện tượng đồng nghĩa với xu thế tụt hậu xa hơn – còn đáng sợ hơn cả sự sụt giảm 1-2% trong tốc độ tăng trưởng. Đây chính là thông điệp chính của tư duy thị trường-mở về mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn tới.
Đi theo thông điệp đó, tuy có thể (chỉ là có thể) tạm thời trong một vài năm trước mắt, nền kinh tế không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như kỳ vọng (vì phải dốc sức cho việc tạo lập và củng cố các cơ sở tăng trưởng dài hạn thay vì dốc sức cho chính tốc độ tăng trưởng ngắn hạn), song suốt cả một giai đoạn dài sau đó, nó nhất định đạt được mục tiêu tăng trưởng cao bền vững. Đó chính là cơ sở để nghĩ đến và tin tưởng rằng một giai đoạn tăng trưởng GDP 12-15%/năm kéo dài hàng chục năm đang đến với nền kinh tế Việt Nam.

—————
 * PGS.TS, Viện Kinh tế Việt Nam
** Bài này được viết tiếp bài “Có cần đổi mới tư duy về mục tiêu tăng trưởng?” của cùng tác giả đăng trên Tia Sáng số 16, ra ngày 20.11.2005. Các tít bài do Tia Sáng đặt.

———–
1 Trong Báo cáo, Chính phủ cũng “đề nghị Quốc hội đề ra nhiệm vụ kiềm chế lạm phát phù hợp với tình hình đang biến động, chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, không quy định một mức nhất định về chỉ số giá tiêu dùng như mấy năm trước”.
2 Khái niệm “tối ưu” trong phân công và phối hợp chức năng ở đây được hiểu theo quan điểm lợi ích của toàn bộ nền kinh tế chứ không phải là lợi ích cục bộ của một chủ thể, một nhóm chủ thể hay thậm chí của một thành phần kinh tế nào. Trong nhiều trường hợp, một nhóm hay một thành phần kinh tế có thể đạt được lợi ích tối đa trên cơ sở lợi ích của các nhóm, các thành phần khác bị tổn hại. Xét toàn cục, khi đó, lợi ích phát triển toàn bộ và dài hạn của cả nền kinh tế cũng được “hy sinh” cho lợi ích nhóm cục bộ.
3 Tình trạng dàn trải đầu tư nhà nước bị phê phán nhiều năm mà không giải quyết được, thậm chí, mức độ trầm trọng ngày càng tăng thêm; cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp ở nhiều tỉnh theo cách biến cả tỉnh thành một “đại công trường” (Hà Giang chắc chắn chỉ là một ví dụ điển hình chứ không hề là đơn độc) cho thấy mức độ trầm trọng do rất được “ưa thích” của căn bênh này.

————————-

Trần Đình Thiên * 
Nguồn tin: Tia sáng

Tác giả