Vì sao chúng ta lại yêu, ghét âm thanh của một số từ nhất định?

Có một số từ tạo ra cho chúng ta một cảm giác khó chịu, gai góc; nhưng cũng có một số từ lại mang đến cho chúng ta cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng.


Ảnh: funbutterfly/Shutterstock

Trong thời kỳ đại dịch, nhiều người trong chúng ta cảm thấy bản thân trở nên căng thẳng hơn mỗi khi nghe thấy từ “virus”. Nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng chỉ riêng âm thanh “virus” thôi cũng đủ làm tăng huyết áp – và có thể tình trạng này đã xảy ra từ trước khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện.

Tất cả chúng ta đều đã từng trải nghiệm việc một số âm thanh nhất định có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh của bản thân, chẳng hạn như tiếng rít khi cứa móng tay lên bảng đen hoặc tiếng khóc thét của một đứa trẻ; nhưng đáng ngạc nhiên là hoá ra âm thanh của một số từ cụ thể (như “virus”) cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận và thậm chí hé lộ một chút về ý nghĩa tiêu cực của chúng. Hiện tượng này, trong đó âm thanh của một từ kích hoạt một cảm xúc hoặc một ý nghĩa, được gọi là “biểu tượng âm thanh” (sound symbolism). Tuy nhiên, quan điểm cho rằng có thể tồn tại mối liên hệ giữa âm thanh và ý nghĩa của từ đã đi ngược lại với tư duy ngôn ngữ được chấp nhận từ hơn một thế kỷ trước.

Trong cuốn sách Trò chơi Ngôn ngữ: Sự cải tiến đã tạo ra ngôn ngữ và thay đổi thế giới như thế nào, GS Morten H. Christiansen (Giáo sư Tâm lý học, Đại học Cornell) và GS Nick Chater (Giáo sư Khoa học Hành vi, Trường Kinh doanh Warwick, Đại học Warwick) đã phác thảo một quan điểm hoàn toàn mới về cách chúng ta, với tư cách con người, sử dụng ngôn ngữ ngay từ đầu; cách trẻ em có thể học và sử dụng nó một cách dễ dàng, và biểu tượng âm thanh đóng vai trò gì trong đó.

Mối quan hệ giữa âm thanh và ý nghĩa

Các ngành khoa học ngôn ngữ từ lâu đã cho rằng âm thanh của một từ không cho chúng ta biết ý nghĩa của nó. Điều này giúp giải thích lý do tại sao các ngôn ngữ khác nhau thường sử dụng các mẫu âm thanh rất khác nhau để diễn đạt cùng một ý nghĩa. Ví dụ, cây thân gỗ lâu năm mà chúng ta gọi là “tree” trong tiếng Anh thì là “Baum” trong tiếng Đức, “arbre” trong tiếng Pháp và “shù” (樹) trong tiếng Quan Thoại. Tất nhiên, các ngôn ngữ đều chứa những từ tượng thanh như tiếng bíp, tiếng nổ và tiếng vo ve – nhưng nhiều học giả, như Steven Pinker, đã lập luận rằng những từ bắt chước trực tiếp âm thanh trong tự nhiên như vậy chỉ là những ngoại lệ nằm ngoài quy luật.


Ảnh:  Cây thân gỗ lâu năm mà chúng ta gọi là “tree” trong tiếng Anh thì là “Baum” trong tiếng Đức, “arbre” trong tiếng Pháp và “shù” (樹) trong tiếng Quan Thoại. Ảnh: StocKNick/Shuttestock

Tuy nhiên, khi các nhà khoa học về ngôn ngữ tiến hành xem xét kỹ hơn hơn 7.000 ngôn ngữ trên thế giới, họ đã phát hiện ra rằng biểu tượng âm thanh không chỉ có những ngoại lệ hiếm hoi như trên, mà còn xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. GS Morten H. Christiansen và GS Nick Chater đã phân tích gần hai phần ba ngôn ngữ trên thế giới và nhận thấy có những mối tương quan đáng tin cậy giữa các âm cụ thể được sử dụng trong từ và ý nghĩa của từ.

Ví dụ: nếu bạn chọn ngẫu nhiên một ngôn ngữ mô tả khái niệm “red” (đỏ), thì từ tương ứng có nhiều khả năn sẽ có âm “r” trong đó – chẳng hạn như  “rød” trong tiếng Đan Mạch, “rouge” trong tiếng Pháp và “krasnyy” ( красный ) bằng tiếng Nga. Nhưng điều này không có nghĩa là âm “r” luôn có nghĩa là “red”, chỉ có điều các từ trên thế giới chỉ màu đỏ thường có âm “r”. Và sự trùng hợp này không phải vì những người nói những ngôn ngữ này đều sống ở cùng một nơi hay vì họ nói những ngôn ngữ có nguồn gốc từ một tổ tiên chung xa xưa.

Các từ chế cũng có thể mang tính biểu tượng. Trong một nghiên cứu kinh điển vào năm 1929, nhà tâm lý học người Đức Wolfgang Köhler đã cho những người nói tiếng Tây Ban Nha nhìn thấy một vật có đường nét tròn với một vật có các mũi nhọn, và hỏi họ nghĩ cái nào được gọi là “baluba” và cái nào là “takete”, hầu hết đều chọn baluba” là từ gắn với vật tròn trịa và “takete” là từ gắn với vật gai góc. Các nghiên cứu sau đó (thay thế baluba bằng bouba và takete bằng kiki) đã phát hiện cảm nhận tương tự giữa sinh viên người Mỹ và người nói tiếng Tamil ở Ấn Độ. Ngay cả trẻ sơ sinh dưới bốn tháng tuổi cũng có lựa chọn tương tự.


 Hình nào là ‘bouba’ và hình nào là ‘kiki’? 

Trong một nghiên cứu năm 2021, GS Christiansen và GS Chater đã chỉ ra rằng hiệu ứng bouba-kiki này có thể bắt nguồn từ sự kích thích cảm xúc (làm dịu và kích động). Những người tham gia thí nghiệm cảm thấy rằng những hình dạng có gai nhọn gây ra một mức độ cáu kỉnh, bức dọc, trong khi những hình tròn được cho là mềm mại và êm dịu hơn. Tương tự, “kiki” được đánh giá là có đặc tính âm thanh căng, cứng, trong khi “bouba” lại nhẹ nhàng hơn.

Trong thử nghiệm cuối cùng, những người tham gia được yêu cầu ghép một tập hợp các hình tròn và nhọn với một tập hợp các từ vô nghĩa. Kết quả xác nhận rằng mọi người có xu hướng ghép những hình có gai nhọn với các từ kích thích cao và những từ có dạng tròn với các từ kích thích thấp. Điều này cho thấy rằng phản ứng cảm xúc đối với những gì chúng ta nhìn thấy và nghe thấy đã thúc đẩy một số mối liên hệ giữa âm thanh và ý nghĩa trong vốn từ vựng của chúng ta.

Một khía cạnh khác của biểu tượng âm thanh

Sự kết nối biểu tượng âm thanh giữa âm thanh và ý nghĩa rất hữu ích: chúng giúp chúng ta học ngôn ngữ dễ dàng hơn, vì âm thanh của một từ có thể khơi gợi ý nghĩa của nó. Nhưng vẫn có một số hạn chế tồn tại.

Mô hình máy tính về cách trẻ em học ngôn ngữ đã tiết lộ rằng, khi vốn từ vựng của trẻ ngày càng phát triển, càng ngày càng khó có những âm báo hiệu các đặc trưng về ý nghĩa. Thật vậy, trong một nghiên cứu, nhóm tác giả phát hiện ra rằng những từ có xu hướng tiếp thu sớm khi còn nhỏ sẽ mang tính biểu tượng âm thanh hơn những từ được tiếp thu khi ta lớn lên.

Quả thật, có một lý do hợp lý ngăn cách âm thanh và ý nghĩa của nó. Giả sử tất cả các giống chó đều được định danh bằng những từ rất giống nhau như beagle, bagel và bugle, thì chỉ cần chúng ta ‘nghễnh ngãng’ một chút, chúng ta cũng có thể nghe nhầm thành một giống chó khác. Tuy nhiên, trên thực tế, beagle (chó săn thỏ), bagel (bánh vòng) và bugle (tù và) là những từ rất khác nhau. Vì vậy khi một người nói rằng họ đã mua một dây dắt mới cho “chó beagle” của họ thì chúng ta khó mà nghe nhầm thành mua một dây dắt cho chiếc “bage” (bánh vòng) hay “bugle” (tù và) được, chúng không có nghĩa gì. Việc ngắt kết nối âm thanh và ý nghĩa làm cho quá trình giao tiếp trở nên rõ ràng hơn – và các ngôn ngữ theo thời gian sẽ có xu hướng nới lỏng mối liên kết giữa âm thanh và ý nghĩa.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phát hiện nhiều mối liên hệ lịch sử sâu sắc giữa âm thanh và ý nghĩa. Chẳng hạn, để xoa dịu những căng thẳng khi nghe về một loại virus, chính những phân tích âm học đã gợi ý một giải pháp: hãy thử tập trung vào những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu hơn như “sun” (mặt trời), “moon” (mặt trăng) và “mom” (mẹ).

Hoàng Nhi  dịch

Nguồn: Why people hate or love the sound of certain words

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)