Buổi giao thời của giáo dục Việt Nam

Giáo dục của nước ta hiện nay vẫn bám vào cái triết lý “tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa”, dù chả biết cái con người ấy có đặc điểm gì, trong khi nền kinh tế đã chuyển sang mô hình thị trường, dựa trên kinh tế đa thành phần và hội nhập vào thế giới.


Còn nhớ, dư luận từng tranh cãi rần rần trên mạng về việc một cô giáo nêu vấn đề cứu trợ người dân trong đại dịch COVID và tình trạng bi đát của người nghèo khi phải tháo chạy khỏi tâm dịch để tìm đường về quê. Nhiều cuộc trao đổi về chủ đề này đã mời sinh viên tham gia thảo luận. Vấn đề sẽ không có gì ầm ỹ nếu không có việc một sinh viên ghi âm ý kiến của cô giáo khi nêu vấn đề thảo luận rồi đưa lên mạng, và cơ quan an ninh văn hóa đã vào cuộc điều tra. Có những ý kiến khác nhau về sự kiện này: (1) Lo cho cô giáo sẽ bị mất thi đua, kỷ luật, thậm chí bị đuổi việc; (2) Giáo viên là một nghề nguy hiểm, sợ sinh viên đi học lại cứ chăm chăm ghi âm, cắt xén và đưa thông tin lên mạng nhằm dụng ý xấu; (3) Bênh vực công việc của giảng viên đại học, cho rằng họ không chỉ thuyết giảng một chiều mà còn là người nghiên cứu khoa học, cần nêu vấn đề từ các góc nhìn khác nhau làm cơ sở cho sinh viên tham gia thảo luận và nêu ý kiến. 

Quả thực, những ý kiến tranh luận quanh sự kiện này rất đáng suy ngẫm, không chỉ là đối với sự kiện đơn lẻ này mà cũng là vấn đề đặt ra cho cả nền giáo dục hiện thời của chúng ta nói chung. Qua sự kiện ồn ào này, tôi cũng mạo muội nêu ra vài ý kiến, và muốn lắng nghe “búa rìu” của dư luận. 

Chính nền giáo dục ở các trường học thời thực dân và hệ thống giáo dục khai phóng thời đó đã góp phần tạo nên cái hào sảng trí thức và tinh thần dân tộc chứ không phải lối dạy học thuộc lòng của các nho sĩ.

Nhớ lại năm 1997, tôi có dịp gặp giáo sư Phạm Minh Hạc ở một hội thảo quốc tế lớn tại Amsterdam (Hà Lan), và tôi xin được phỏng vấn ông về phương pháp dạy học trong nhà trường. Không may, ông không thu xếp được vì thời gian lưu lại Amsterdam quá ngắn. Ông hẹn tôi khi nào về Hà Nội, ông sẽ dành thời gian cho tôi. Cuối năm ấy, tôi về nước nghiên cứu thực địa về vấn đề lao động của trẻ em. Cuối đợt thực địa, tôi xin phỏng vấn phó giáo sư Trần Đình Hoan, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Lao động, và giáo sư Phạm Minh Hạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông Hoan thấy tôi về từ Amsterdam, cứ đinh ninh tôi là chuyên viên làm cho Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi ấy mới mở văn phòng ở Hà Nội, nên dành thời gian tiếp chu đáo. Liên quan đến câu hỏi tại sao trẻ con bậc trung học, từ lớp 6 trở đi, có tỷ lệ bỏ học cao thế, có phải để tham gia vào thị trường lao động mới hình thành sau đổi mới không? Ông không đi vào vấn đề, mà nói như trút bầu tâm sự: 

“Ở Việt Nam không có lao động trẻ em. Ông làm nghiên cứu, tôi cũng vậy, ta phải sòng phẳng mà nói với nhau như thế. Trẻ con tham gia làm việc này việc kia là quá trình xã hội hóa để lớn lên biết làm việc, chứ có ai bóc lột ai đâu, nhưng đáng lo là ở thì tương lai thôi. Kinh tế thị trường sẽ có thể nảy sinh bóc lột sức lao động trẻ em. Nhưng vấn đề còn ở bên giáo dục nữa. Trẻ con chán học không chỉ vì nghèo, vì không tìm thấy niềm vui đi học, mà còn vì đến trường chán quá. Ông cứ nghĩ mà xem, mấy môn học thuộc là trẻ con chán nhất, như môn sử chẳng hạn. Ai lại cứ dạy một chiều, thầy đọc trò chép, ở nhà thì bố mẹ là nhất, đến trường thì thầy cô giáo lúc nào cũng đúng, ra xã hội thì nghị quyết là luôn luôn đúng, tuyệt đối đúng, thế thì trẻ con chỉ cần học thuộc lòng để đỗ cao chứ ai cần chúng có ý kiến ý cò gì vào đấy nữa. Nên đổi mới giáo dục thì cần phải làm cho trẻ con thấy đi học là niềm vui, đến lớp được tôn trọng, và có chỗ cho chúng bày tỏ ý kiến riêng để sau này thành người lao động có bản lĩnh…”. 

Ảnh: Wikicommons.

Tôi đem ý kiến này sang hỏi giáo sư Phạm Minh Hạc, ông bảo: “Có vấn đề đó. Giáo dục của ta từ sau 1945 đến nay đã mấy lần đổi mới, toàn thêm vào nội dung mà không đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao tư duy độc lập và sáng tạo cho học trò. Thực tế là chúng ta đã lạc hậu về phương pháp dạy học so với thế giới nửa thế kỷ, nhưng đến giờ vẫn chưa thay đổi được. Tôi hỏi ông có dám cãi lại bố mẹ, thầy cô, nhà nước không? Không chứ gì. Thế thì cứ học thuộc và trả bài thi theo đáp án có sẵn là được, không thể khác.” Giáo sư Phạm Minh Hạc mời tôi ăn cơm, ông nhớ lại lần gặp tôi ở Amsterdam và cứ nghĩ tôi là Việt kiều nên nhờ tôi giúp phiên dịch một cuộc gặp quan trọng với các nhà khoa học Hà Lan. 

Sau chuyến thực địa này, tôi quay lại Hà Lan và viết một báo cáo về giáo dục Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi phát triển quan điểm “giáo dục vâng lời” để phân tích thực hành giáo dục ở nhà trường phổ thông Việt Nam. Bài này được trình bày tại hội thảo của ILO/UNICEF tại Amsterdam năm 1999, sau đó được tuyển chọn in trong tập sách về Việt Nam thời đổi mới. Mấy năm sau, Quỹ Ford tài trợ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức các lớp bổ túc về phương pháp nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trẻ. Bài viết của tôi được các giảng viên quốc tế chọn làm học liệu cho học viên. Sau này, tôi nghe nói bài viết bị học viên phản đối vì cho rằng chức năng của giáo dục là để tạo ra con người vâng lời kiểu “con ngoan trò giỏi”, sao lại đòi giáo dục làm trẻ con nghĩ và làm khác đi? Rõ ràng, tư duy giáo dục cũng giống như những lối mòn, không dễ thay đổi, nhất là khi giáo dục gia đình, trường học và xã hội có sự đồng điệu về lối nghĩ và thực hành. 

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy cho đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều mô hình, và mỗi mô hình giáo dục đều để lại dấu ấn đậm nhạt khác nhau trong nền giáo dục đương đại. Đầu tiên, đó là mô hình giáo dục Phật giáo, được hình thành từ sớm, và nó góp phần mở ra một lối đi trong giáo dục Việt Nam. Mô hình này hướng con người đến tính nhân bản, hoàn thiện về tri thức và tâm thức, có phẩm hạnh và đạo đức, chân thật, từ bi, mạnh mẽ và rộng lượng, biết kính trọng người khác, sống có lý tưởng, tôn trọng cây cỏ và tự nhiên, có tư duy hợp lý và thích ứng được với bối cảnh sống. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn duy trì tư tưởng này cùng với mô hình giáo dục Thiên Chúa giáo, tạo thành hai trường phái giáo dục mạnh nhất, cùng song hành ở đất nước mặt trời mọc.

Mô hình giáo dục Nho giáo, ngược lại, nhấn mạnh vai trò giáo hóa, tức truyền bá văn hóa từ bên trên (của tầng lớp cai trị) xuống bên dưới (tầng lớp bình dân). Nó đề cao việc học tập và rèn luyện nhằm mục đích “hành đạo”, tức ra làm việc nước. Tư tưởng này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ta hôm nay, coi việc học và bằng cấp là cái bàn đạp dấn thân để leo cao trên nấc thang quan trường. Nho giáo cũng đề cao việc học làm người, rèn luyện nhân cách con người “toàn đức” theo mô hình nhân, trí, dũng, lấy “đức nhân” làm lý tưởng tối cao, tạo nên những nhân cách cứng cỏi kiểu “quân tử” và “khí tiết sĩ phu”.

Mô hình giáo dục Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam thông qua Giáo hội Công giáo lập ra ở Sài Gòn năm 1865. Dù là trường công hay tư thì mô hình Giáo dục Thiên Chúa giáo đều nhấn mạnh triết lý phát triển nhân cách, tôn trọng tự do cá nhân và đào tạo ra con người biết tôn trọng tự do cá nhân của người khác, tạo điều kiện để trẻ em phát triển theo hướng sáng tạo và thích ứng, giáo viên ít can thiệp vào lối tư duy riêng của trẻ em mà ngược lại khuyến khích để nó phát triển. Mô hình giáo dục khai phóng được tạo dựng trên nền tảng triết lý giáo dục Thiên Chúa giáo, nhấn mạnh việc tạo ra con người tự do và sáng tạo. Nhà báo Hoàng Hưng khi nói về cái tinh thần hào hoa phong nhã của lớp trí thức đô thị như người Hà Nội và Sài Gòn đã cho rằng chính nền giáo dục ở các trường học thời thực dân và hệ thống giáo dục khai phóng thời đó đã góp phần tạo nên cái hào sảng trí thức và tinh thần dân tộc chứ không phải lối dạy học thuộc lòng của các nho sĩ. Mô hình này phổ biến ở hầu hết các nền giáo dục ở các nước tiên tiến hiện nay.

Cuối cùng, từ sau 1945, giáo dục Việt Nam dần dần phát triển một mô hình mới, gọi là mô hình giáo dục xã hội chủ nghĩa (XHCN). Động lực của mô hình này là để tạo ra CON NGƯỜI MỚI cho CNXH, trao trách nhiệm giáo dục trẻ con vào tay nhà nước trên cơ sở một nền giáo dục công lập, bắt buộc và miễn phí. Mô hình này nhấn mạnh vào tinh thần tập thể và phản đối chủ nghĩa cá nhân, muốn thay đổi cái cũ nhưng lại thực hành giáo dục trên nền tảng truyền thống “vâng lời”. Lấy truyền thụ kiến thức về CNXH làm chủ đạo, có xu hướng đề cao lãnh tụ và giai tầng nắm quyền nên không coi trọng tương tác và phản biện. Mô hình này thực ra có thể song hành tốt với nền kinh tế chỉ huy và bao cấp. Từ khi kinh tế chuyển sang định hướng thị trường, mô hình giáo dục mới đã sụp đổ vì không còn chỗ dựa lấy giáo dục miễn phí và nhà nước hóa làm trụ cột. Vậy nên từ sau đổi mới kinh tế, mô hình giáo dục xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng triền miên vì nó không giải quyết được mối quan hệ giữa giáo dục xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường. 

Gần đây, mô hình giáo dục dựa trên tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng đã từng thành công trước đây ở miền Nam và là mô hình giáo dục phổ biến ở các quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển được giới thiệu để xem xét nhưng xem ra, các nhà “ní nuận” của ta không thấy phê! Một vài nhà giáo dục như giáo sư Lâm Quang Thiệp cũng chỉ dám nói nước đôi “Đây là cuộc đấu tranh không đơn giản” nhưng “tin tưởng xu hướng xã hội hiện nay hỗ trợ cho tư tưởng giáo dục khai phóng và khiến nó dần dần thắng lợi”, còn giáo sư Ngô Bảo Châu thì hy vọng “sớm muộn gì Việt Nam cũng phải hình thành những ngôi trường “đại học khai phóng”. Chỉ là mong đợi, hy vọng thôi, hiện thực “còn xanh còn chua” lắm!

Lại nữa, hiện nay người ta cứ tranh cãi ầm ĩ về cái gọi là triết lý giáo dục Việt Nam. Thậm chí có đề tài khoa học được cấp nhiều tỷ đồng của nhà nước để tìm kiếm triết lý ấy và sau cùng, đã đưa ra một phát hiện động trời về tư tưởng giáo dục Việt Nam dựa trên quan điểm âm-dương hòa hợp. 

Về câu chuyện phương pháp dạy học, tôi cho rằng tư tưởng và mô hình giáo dục là cơ sở quyết định phương pháp dạy học. Nếu dạy học là để nhồi sọ, để tạo ra các con robot biết vâng lời thì cách dạy học vẹt, tiếp thu một chiều theo kiểu “vâng lời” sẽ là khó tránh khỏi. Đó là lý do tại sao giáo sư Phạm Minh Hạc đã phải kêu lên 50 năm nay muốn cải cách phương pháp giáo dục mà không động đậy được. Giáo dục của nước ta hiện nay đang ở buổi giao thời, vẫn bám vào cái triết lý “tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa”, dù chả biết cái con người ấy có đặc điểm gì, trong khi nền kinh tế đã chuyển sang mô hình thị trường, dựa trên kinh tế đa thành phần và hội nhập vào thế giới. Giáo dục rơi vào khủng hoảng vì không rõ chúng ta đang muốn tạo ra con người như thế nào: Vẫn duy trì mô hình đào tạo ra con người mới XHCN hay chuyển sang đào tạo con người của kinh tế thị trường, con người toàn cầu, hay con người cá nhân chủ nghĩa, thích “ra làm việc quan” để vinh thân phì gia? 

Quay lại câu chuyện của một cô giáo đại học đã nói ở trên, tôi thử tìm trong giáo dục hiện nay ở ta, thấy các giáo viên thường bị phân tâm bởi xung đột trong lối tiếp cận dạy và học: (1) Truyền lửa hay chừng mực hàn lâm? (2) Giảng giải hay chỉ truyền thụ tri thức? (3) Đưa thông tin đa chiều, nêu vấn đề mở cho học sinh tham gia thảo luận và có ý kiến riêng hay kết luận luôn rồi đọc cho học trò chép để học thuộc? Xem ra cách dạy thầy đọc trò chép dễ dàng hơn cho cả giáo viên và sinh viên, nhưng sẽ là thảm họa của giáo dục trong thời đại thông tin và hội nhập, vì chúng ta không mong tạo ra những con vẹt hay người máy bị giật dây làm theo lệnh của bàn phím mà là những con người biết suy nghĩ độc lập và sáng tạo, không bị ràng buộc hay sợ sệt thế lực hắc ám nào. Vậy nên tôi ủng hộ cách giảng bài của cô giáo đại học kia, khi dám nêu ra một vấn đề rất nhạy cảm để sinh viên quan tâm hơn đến hiện tình đất nước, thấy mình có thể tham góp được vào trong quá trình làm chính sách của nhà nước, vì sự an sinh và hạnh phúc của người dân.□

—————

* GS.TS Khoa Nhân học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn HN.

Tài liệu đã trích dẫn:

Nguyễn Văn Chính, 1997. “Work versus Education? An Empirical Study of Rural Education in a Transitional Economy of Vietnam”. In: Vietnamese Society in Transition. The Daily Politics of Reform and Change. J. Klein biên tập. Het Spinhuis: Amsterdam, 2001; tr. 64-101.

Tác giả

(Visited 99 times, 2 visits today)