Chia sẻ chi phí trong phát triển GDĐH

Trong bối cảnh giáo dục đại học (GDĐH) tăng trưởng nhanh về mặt quy mô, bên “cung” (nhà nước) sẽ không còn đủ sức bao cấp miễn phí GDĐH như trước kia nữa. Chính sách chia sẻ chi phí (cost-sharing), hay sự chuyển dịch một phần gánh nặng tài chính từ chính phủ (thực chất là người đóng thuế) sang phía sinh viên và phụ huynh, dần được chấp nhận (hoặc buộc phải chấp nhận nhưng không chính thức thừa nhận) như một giải pháp phù hợp.

Một trong những vấn đề làm lúng túng các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới là làm sao có thể cân bằng được cùng lúc hai mục tiêu đảm bảo chất lượng và cơ hội tiếp cận trong giáo dục đại học (GDĐH). Trong bài viết này, dựa trên những nghiên cứu cập nhật trên thế giới, chúng tôi hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến vấn đề chia sẻ chi phí trong GDĐH; đồng thời gợi ý một vài cơ chế tài chính phù hợp nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách có thể cùng lúc giải quyết được hai mục tiêu cơ bản kể trên của GDĐH.

Trong bối cảnh giáo dục đại học (GDĐH) tăng trưởng nhanh về mặt quy mô, bên “cầu” (sinh viên) trở nên quá lớn, bên “cung” (nhà nước) chấp nhận mở rộng dịch vụ để thỏa mãn bên “cầu” nhưng không còn đủ sức bao cấp miễn phí GDĐH như trước kia nữa. Chính sách chia sẻ chi phí (cost-sharing), hay sự chuyển dịch một phần gánh nặng tài chính từ chính phủ (thực chất là người đóng thuế) sang phía sinh viên và phụ huynh (Johnstone, 2004), dần được chấp nhận (hoặc buộc phải chấp nhận nhưng không chính thức thừa nhận) như một giải pháp phù hợp, kể cả ở các nước có truyền thống bao cấp giáo dục như một số nước Bắc Âu, châu Phi hay thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước kia (Johnstone, 2004).

Chính sách chia sẻ chi phí có thể được thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau: từ cách thức trực tiếp như yêu cầu sinh viên – phụ huynh đóng học phí để chi trả một phần chi phí đào tạo tại những chương trình vốn được nhà nước bao cấp toàn bộ hay việc cho phép ra đời khu vực GDĐH tư nhân/ngoài công lập (nơi sinh viên thường phải đóng học phí bằng hoặc hơn chi phí đào tạo); cho đến những cách thức nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên như học bổng hay vay vốn tín dụng.

Tại Việt Nam, sau gần ba thập niên tăng trưởng không ngừng, nền GDĐH ở Việt Nam đã mở ra cơ hội tiếp cận GDĐH cho khoảng 2,18 triệu người vào năm 2012 (Bộ GD&ĐT, 2013), gấp 16 lần so với con số của năm 1987 (Pham, 2011), thu tăng nhanh nhất thế giới về quy mô GDĐH.

Tuy vậy, nếu xem xét đến các chỉ số thường được dùng để đánh giá chất lượng và cơ hội tiếp cận trong GDĐH, ta có thể thấy, trên mọi phương diện, kết quả của phát triển GDĐH ở nước ta vẫn còn ở mức trung bình trong khu vực.

Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam đang loay hoay làm sao để có thể cùng lúc cân bằng hai mục tiêu chất lượng và cơ hội tiếp cận. Việc đầu năm nay, Chính phủ bất ngờ điều chỉnh chỉ tiêu phát triển GDĐH xuống còn 2,2 triệu sinh viên, 256 sinh viên/10.000 dân (Thủ tướng Chính phủ, 2013) so với con số tương ứng được nhắc lại nhiều lần trong các quy hoạch chiến lược trước kia phần nào phản ánh điều này. Phải chăng, Việt Nam đang tạm hy sinh phần số lượng trong mục tiêu cơ hội tiếp cận để ưu tiên cho chất lượng trong thời gian tới? Hay đó cũng chỉ là phản ứng tạm thời của các nhà làm chính sách trong bối cảnh chịu quá nhiều sức ép từ dư luận về các bất cập của chất lượng GDĐH trong thời gian vừa qua?

Dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm cập nhật trên thế giới, bài viết này giúp các nhà làm chính sách ở Việt Nam nhận diện có hệ thống các vấn đề liên quan đến chính sách chia sẻ chi phí trong GDĐH; đồng thời, giới thiệu một vài cơ chế tài chính hiệu quả và bền vững trong việc cùng lúc có thể cân bằng được mục tiêu chất lượng và cơ hội tiếp cận trong bối cảnh đại chúng hóa GDĐH.

1. Bốn câu hỏi cho các nhà làm chính sách trong bối cảnh GDĐH đại chúng

Theo chúng tôi, để giải quyết được bài toán cân bằng giữa hai mục tiêu của GDĐH, các nhà làm chính sách cần xem xét bốn vấn đề:

1.1. Mối quan hệ giữa chi phí đơn vị và chất lượng

Chi phí tài chính không làm nên chất lượng nhưng đó là điều kiện cần để đảm bảo chất lượng. Ước tính chi phí đơn vị đào tạo một sinh viên trong một năm học để làm cơ sở tính toán cho các chính sách liên quan đến học phí, học bổng, hỗ trợ của nhà nước… cũng là gợi ý của Ngân hàng phát triển châu Á trong một báo cáo gần đây (ADB, 2009).

Hayden et al. (2012) là một trong những nhóm đầu tiên cho đến giờ đề cập chính thức về việc ước tính lại chi phí đơn vị cho GDĐH ở Việt Nam. Theo ước tính của nhóm này, đối với những nước thu nhập tương tự như Việt Nam, chi phí đơn vị hợp lý để duy trì chất lượng cạnh tranh với thế giới rơi vào khoảng 120%-150% GDP đầu người. Dựa trên tính toán này, với GDP đầu người 2012 của Việt Nam là 1.755 USD, chi phí đơn vị tối thiểu cho sinh viên đại học ở Việt Nam phải rơi vào khoảng 2.100 USD (120% x 1.755 USD), vượt xa con số trung bình tương ứng tại phần lớn các chương trình GDĐH chính quy tại Việt Nam hiện nay (khoảng 500-600 USD). Do (Hayden et al., 2012) không nêu rõ cách tính toán để đạt được con số 120%-150% GDP đầu người, chúng tôi không thể kiểm chứng tính chính xác của con số này1. Tuy vậy, chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm: nâng cao chi phí đơn vị là điều kiện cần2 để nâng cao chất lượng GDĐH ở Việt Nam. Việc tính toán kỹ chi phí đơn vị tới từng loại trường, từng nhóm ngành là việc các nhà làm chính sách cần làm sớm trong thời gian tới.

1.2. Tỷ lệ đóng góp giữa các bên liên quan vào chi phí đơn vị

Theo ước tính của (Hayden et al., 2012), tỷ lệ đóng góp của nhà nước (người đóng thuế), sinh viên – phụ huynh (học phí) và các nguồn thu khác (hiến tặng, nguồn thu từ hoạt động khoa học, công nghệ và dịch vụ) cho chi phí của GDĐH ở Việt Nam hiện nay lần lượt là 55%, 42% và 3%. Tỷ lệ tương ứng tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2012 là 56%, 39,3% và 4.7% (ĐH Quốc gia Hà Nội, 2013), tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2011 là 37%, 51% và 12% (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2013). Với cơ chế tự chủ cao và năng lực khoa học – công nghệ cao hơn các cơ sở GDĐH khác trong cả nước, việc hai ĐH Quốc gia thu hút được nhiều nguồn thu khác hơn mức độ trung bình của cả nước là điều dễ hiểu. Tuy vậy, về ngắn hạn và trung hạn, rõ ràng kinh phí trợ cấp của nhà nước và học phí vẫn là nguồn đóng góp chủ yếu cho chi phí đơn vị trên đầu sinh viên. Bảng 1 thể hiện tính toán của chúng tôi về tỷ lệ đóng góp giữa trợ cấp nhà nước trên học phí theo quy định hiện hành. Ví dụ với đối tượng sinh viên thuộc nhóm 1, tỷ lệ này hiện nay trung bình khoảng 1.3; với đối tượng 7, tỷ lệ này vào khoảng 3.6.

Theo quan điểm của chúng tôi, các nhà làm chính sách cần sử dụng tỷ lệ này như là một trong những thông số chính thức phản ánh mức độ ưu tiên và đầu tư cho các “đối tượng thụ hưởng” (tỷ lệ càng cao càng thể hiện mức độ ưu tiên của Nhà nước, trong trường hợp tỷ lệ này là +, sinh viên được miễn hoàn toàn học phí). Đồng thời, nhóm đối tượng theo tổng hợp của chúng tôi tại Bảng 1 cũng cần phải xem xét lại theo hướng mở rộng hơn nữa để phù hợp với tình hình phát triển của thực tế GDĐH Việt Nam, đặc biệt trong trường hợp chi phí đơn vị được nâng lên cao hơn nhiều so với hiện nay như đã phân tích ở mục 1.1.

Bảng 1: Tỷ lệ đóng góp giữa trợ cấp nhà nước và học phí cho một số đối tượng sinh viên ở Việt Nam

Đối tượng

Tỷ lệ Trợ cấp nhà nước/học phí

Ghi chú

(1) Sinh viên trường công lập (hệ theo chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD&ĐT phê duyệt)

1.3

=55%/43%

(2) Sinh viên trường công lập (hệ mở rộng)

0

Không có trợ cấp nhà nước

(3) Sinh viên trường ngoài công lập

0

Không có trợ cấp nhà nước

(4) Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.

+∞

Miễn học phí hoàn toàn

(5) Sinh viên một số ngành đặc thù: sư phạm, điện hạt nhân, lý luận chính trị; Sinh viên thuộc chương trình Tiến tiến

+

Miễn học phí hoàn toàn

(6) Sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.

6.6

= (55% +
0.7*43%)/0.3*43%

Miễn học phí 70%

(7) Sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên

3.6

= (55% +
0.5*43%)/0.5*43%

Miễn học phí 50%

Nguồn: Nhóm tác giả tính toán dựa trên Hayden et al. (2012) và Chính phủ (2010)

1.3. Thời điểm xác định tỷ lệ đóng góp giữa trợ cấp nhà nước trên học phí

Theo quy định hiện nay, tỷ lệ này được xác định ngay từ khi sinh viên đỗ vào trường đại học và được giữ cố định trong suốt bốn – năm năm học đại học. Cơ chế là phù hợp trong phần lớn các trường hợp; tuy vậy vẫn còn có một số điểm bất cập, điển hình trong hai trường hợp sau đây:

Thứ nhất, đối với sinh viên ngành sư phạm (đối tượng 7-Bảng 1): thực tế trong những năm qua cho thấy, có rất nhiều sinh viên học ngành này không làm nghề giảng dạy sau khi tốt nghiệp và ngược lại. Hệ quả không kỳ vọng của việc này là việc đầu tư nhầm chỗ gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Thứ hai, đối với sinh viên trường công lập, chính sách hiện nay không tạo động lực học tập giữa hai hệ thuộc chỉ tiêu tuyển sinh (đối tượng 1 – Bảng 1) được hưởng trợ cấp nhà nước và hệ mở rộng (đối tượng 2 – Bảng 1) không được hưởng trợ cấp nhà nước trong suốt 4-5 năm học đại học. Sinh viên thuộc đối tượng 1 chỉ cần thi đỗ đại học đầu vào một lần duy nhất (với điểm số cao hơn) mặc nhiên được hưởng hỗ trợ của nhà nước mà không cần nỗ lực học tập trong thời gian tiếp theo.

Theo chúng tôi, một chính sách linh hoạt hơn về thời điểm xác định tỷ lệ đóng góp giữa trợ cấp nhà nước trên học phí giúp “sàng lọc” tốt hơn và công bằng hơn trong cơ hội tiếp cận với trợ cấp của nhà nước là vấn đề các nhà làm chính sách cần xem xét trong thời gian tới.

1.4. Thời điểm đóng học phí

Như khuyến nghị đã đưa ra ở mục 1.1, để có thể cạnh tranh với quốc tế về mặt chất lượng, chúng ta cần phải nâng chi phí đơn vị lên cao hơn nhiều so với mức chi phí đơn vị tối thiểu hiện nay (500-600 USD). Câu hỏi đặt ra, ai/bên liên quan nào sẽ phải trả mức chênh lệch giữa hai mức chi phí đơn vị mới và cũ? Như đã phân tích ở trên, về ngắn hạn và trung hạn, chúng ta khó có thể trông chờ sự đóng góp nhiều hơn từ các nguồn thu khác, xét trên điều kiện về cơ chế chính sách cũng như năng lực của các trường đại học Việt Nam hiện nay. Trừ đối với một số ngành đặc thù hoặc một số đối tượng thuộc chế độ chính sách hoặc được cấp học bổng, theo chúng tôi, nhà nước cũng khó nâng mức hỗ trợ (khoảng 300 USD như hiện nay) để bù vào phần chênh lệch này trên diện đại trà vì hai lý do:

Thứ nhất, ngân sách nhà nước hạn hẹp không còn đủ sức tiếp tục chi thêm cho GDĐH (bản thân việc duy trì mức hỗ trợ như hiện nay đã là một gánh nặng quá lớn đối với nhà nước)3.

Thứ hai, trong bối cảnh GDĐH chưa mở rộng đến mức phổ cập – cho tất cả mọi người (trên 90% số người ở độ tuổi đi học đại học là sinh viên). Cơ chế nhà nước bao cấp vô hình trung lại tạo ra sự “bất bình đẳng ngược”. Thực vậy, nhiều nghiên cứu trong vòng hơn 10 năm trở lại đây (Johnstone, 2004; Mark Gradstein, 2004; World Bank, 2003) đã chỉ ra rằng, bất bình đẳng trong giáo dục chủ yếu được thể hiện ở các bậc học phổ thông – nơi mà, con em tại các khu vực thành thị hoặc từ các gia đình có điều kiện được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục tốt hơn (bao gồm cả giáo dục phi chính thức hay học thêm), lại có nhiều cơ hội đỗ vào học tại các chương trình học được sự bao cấp của nhà nước. Vô hình trung, cơ chế này lại tạo ra một nghịch lý ngân sách nhà nước (tiền thuế của toàn dân) lại chỉ dùng để bao cấp cho một nhóm người xuất thân từ khu vực hoặc có điều kiện tốt hơn.

Như vậy, phần chi phí chênh lệch này chỉ có thể do sinh viên – phụ huynh chi trả. Điều đó có nghĩa là mức học phí trần hiện nay (năm học 2013-2014) từ 4,85 triệu đồng/năm – 6,85 triệu đồng/năm theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP (Chính phủ, 2010) cần phải được gỡ bỏ hoặc nới lỏng. Nhưng làm thế nào để cho tất cả sinh viên, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn hơn về kinh tế (nhưng chưa đủ điều kiện để nhận học bổng miễn học phí và các học bổng khác) có khả năng chi trả mức học phí cao đến hàng chục triệu/năm? Một cơ chế tín dụng phù hợp giúp sinh viên chỉ phải trả học phí sau khi đã tốt nghiệp (khi đã đi làm) có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Trong thực tế, tại Việt Nam cũng đang có một chương trình tín dụng sinh viên được áp dụng trên cả nước từ năm 2007 (Thủ tướng Chính phủ, 2007) (Chương trình 157). Tuy vậy, Chương trình 157 chưa đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt trong việc nâng hướng tới hai mục tiêu nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người nghèo cho sinh viên nghèo. Hình 1 minh họa rõ cụ thể hơn vấn đề này. Đường thẳng nét đứt là đường “bình đẳng” (hay đường 45 độ) khi tỷ lệ những người đi học đại học giữa năm nhóm từ nghèo nhất đến giàu nhất là bằng nhau. Đường cong nét liền (đường cong Lorentz) thể hiện thực trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam bắt nguồn từ lý do khác biệt thu nhập trong hai năm 2004 và 2011. Điều này chứng tỏ các chính sách về chia sẻ chi phí ở Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh “hỗ trợ” người nghèo trong việc tiếp cận giáo dục đại học và thực trạng bất bình đẳng đang diễn ra theo hướng ngày “xấu đi” kể từ năm 2004 cho đến năm 2011 (đường cong Lorentz năm 2011 nằm dưới đường cong Lorentz năm 2004).


Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ World Bank (2008) và UNESCO (2014)
Ghi chú: Q1-Q5 tương ứng với 20% nhóm gia đình nghèo nhất đến giàu nhất


Như vậy, để khắc phục tình trạng bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, Việt Nam cần một vài cơ chế tài chính hiệu quả hơn chương trình 157 và các cơ chế tài chính khác đang được áp dụng, nhất là trong trường hợp học phí và chi phí đơn vị được nâng lên như đã phân tích ở trên. Phần 2 của bài viết này giới thiệu một vài cơ chế hiệu quả hơn đồng thời lưu ý các điều kiện để có thể áp dụng chúng thành công.

2. Một vài cơ chế tài chính hiệu quả hỗ trợ chính sách chia sẻ chi phí

2.1. Tín dụng tùy theo thu nhập (Income contingent loan)

Tín dụng tùy theo thu nhập lần đầu tiên được áp dụng tại ĐH Illinois trong những năm 1970; nhưng phải đến năm 1989 mới được áp dụng đại trà trên phạm vi quốc gia lần đầu tiên tại Australia. Cho đến nay, có khoảng 25 nước trên thế giới, trong đó có cả các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương áp dụng cơ chế là cơ chế tài chính “sáng tạo” này như Indonesia, Papua New Guinea, và Philippines (Chapman, 2005). Theo Chapman & Hunter (2009), “tín dụng tùy theo thu nhập là hình thức cho vay vốn để sinh viên trang trải chi phí học sau trung học mà sau đó, người đi vay (là sinh viên sau khi tốt nghiệp) chỉ phải bắt đầu trả nợ khi mức thu nhập hằng tháng vượt quá một mức nhất định. Đồng thời, số lượng tiền phải trả nợ hằng tháng sau đó cũng tỷ lệ thuận với mức thu nhập của người đi vay theo một mức nhất định, nhằm đảm bảo số tiền trả nợ không phải là một gánh nặng quá lớn đối với người trả nợ”.

Tín dụng tùy theo thu nhập ưu việt hơn tín dụng thế chấp ở điểm một mặt, nó giúp sinh viên nghèo có đủ tài chính để chi trả chi phí cho việc học đại học nhưng mặt khác, lại không tạo gánh nặng phải trả nợ trong trường hợp sinh viên đó chưa kiếm được việc làm hoặc kiếm được việc nhưng lương chưa đủ cao sau khi tốt nghiệp. Tại phần lớn các nước, tín dụng tùy theo thu nhập được thiết kế nhằm hướng đến mục tiêu cơ hội tiếp cận. Tuy vậy, trong bối cảnh Việt Nam, theo Hayden et al. (2012) cơ chế tài chính này còn có thể được dùng làm cơ sở để nâng học phí để chi phí đơn vị đạt mức có thể cạnh tranh với thế giới (120% GDP đầu người) như đã phân tích ở mục 1.1.

2.2. Thuế tốt nghiệp (graduate tax)

Thuế tốt nghiệp là hình thức tương tự như tín dụng tùy theo thu nhập. Sinh viên có thể được cho vay tiền để trang trải học phí và sinh hoạt trong thời gian đi học và việc trả nợ được thực hiện thong qua việc đóng thêm thuế tốt nghiệp của sinh viên này sau khi tốt nghiệp và đi làm (ADB, 2009)

2.3. Hợp đồng vốn nhân lực (human capital contract)

Với cơ chế tài chính này, khu vực tư nhân (là một hoặc một nhóm các doanh nghiệp hoặc một quỹ tư nhân) có thể hỗ trợ kinh phí cho sinh viên trong thời gian đi học; việc trả nợ có thể thực hiện bằng cách trừ thẳng vào lương của người vay trong trường hợp sau khi tốt nghiệp sinh viên đi làm cho chính doanh nghiệp cho vay (theo như cam kết trong hợp đồng cho vay ban đầu) hoặc trả nợ giống như hình thức vay vốn thông thường (ADB, 2009)

2.4. Một vài lưu ý

Điều kiện tiên quyết để áp dụng hiệu quả các chương trình tín dụng sinh viên nói trên là việc khả năng thu hồi vốn. Đối với các cơ chế tài chính giới thiệu ở trên, khả năng này lại phụ thuộc vào việc bên cho vay có kiểm soát được thu nhập thực tế của người vay sau khi tốt nghiệp và đi làm hay không. Đối với trường hợp hợp đồng vốn nhân lực mà tại đó, sinh viên làm việc cho chính bên cho vay (doanh nghiệp) sau khi tốt nghiệp thì việc kiểm soát thu nhập tương đối dễ dàng; trong các trường hợp vay vốn sinh viên như tín dụng tùy theo thu nhập, theo Chapman & Hunter (2009) giải pháp cho việc kiểm soát thu nhập này là việc xây dựng một hệ thống thuế thu nhập cá nhân đủ mạnh để kiểm soát toàn bộ thu nhập của người vay (sinh viên) khi đi làm.

Bên cạnh đó, Chapman & Hunter (2009) lưu ý khi thiết kế các chương trình tín dụng kể trên, các nhà làm chính sách cần tính cả đến điều khoản cam kết/ràng buộc với người vay (sinh viên) trong trường hợp người vay (sinh viên) chuyển sang nước ngoài sinh sống trong khi chưa hoặc đang trong thời gian trả nợ.

Hơn thế nữa, kinh nghiệm thế giới cho thấy, một trong những sai lầm thường gặp khi thiết kế chương trình tín dụng sinh viên trên thế giới là việc không áp dụng hình thức đánh giá năng lực tài chính của sinh viên làm cơ sở cho việc cho vay như đang áp dụng với Chương trình 157 hiện nay. Điều này dẫn đến hệ quả là người cần vay thì chỉ được vay ít còn người không cần vay cũng được vay và lại dung khoản tiền vay đó vào mục đích khác như đã diễn ra ở Malaysia (ADB, 2009).

Riêng đối với trường hợp Hợp đồng vốn nhân lực (bên cho vay là khu vực tư nhân) do khu vực tư nhân thực hiện nhưng cũng cần sự “can thiệp” chính sách của nhà nước như: ưu đãi thuế cho bên cho vay; hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi bên cho vay trong trường hợp bên vay cố tình hoặc không có khả năng chi trả nợ. Ngoài ra, bên cho vay có thể tham khảo mô hình tín dụng nhỏ đã được áp dụng rất thành công trong tại Pakistan trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo trong đó hợp đồng vay vốn do bên cho vay ký với nhóm năm người vay cùng lúc . Theo điều khoản ràng buộc của mô hình này, nếu một trong người vay trốn nợ hoặc không có khả năng trả nợ thì bốn người còn lại phải có trách nhiệm trả nợ hộ người đó. Mô hình này giúp giảm thiểu tình trạng trốn nợ, nợ xấu, vốn được xác định là một trong những nguy cơ chính ảnh hưởng đến sự bền vững của tất cả chương trình vay vốn.

3. Một vài gợi ý chính sách

Trong bối cảnh đại chúng hoá GDĐH, chia sẻ chi phí là giải pháp bắt buộc bởi không một nhà nước nào có đủ năng lực để trợ cấp toàn bộ cho số lượng lớn sinh viên đại học. Tuy vậy, chia sẻ chi phí như thế nào lại là một bài toán phức tạp. Chia sẻ chi phí có thể là động lực nhưng cũng có thể lại là rào cản tác động đến chất lượng, cơ hội tiếp cận (bao gồm yếu tố số lượng và bình đẳng) trong GDĐH. Như đã phân tích ở trên, để phát huy hết những mặt tích cực của chia sẻ chi phí, các nhà làm chính sách cần quan tâm đến bốn việc sau đây:

Thứ nhất, tính toán lại chi phí đơn vị tối thiểu cho từng loại trường, nhóm ngành nhằm đảm bảo chất lượng cạnh tranh với thế giới.

Thứ hai, một mặt, ban hành chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc nâng cao nguồn thu cho trường đại học từ hoạt động khoa học, công nghệ, dịch vụ và hiến tặng; mặt khác tính toán tỷ lệ hợp lý giữa phần đóng góp của nhà nước (người đóng thuế) và sinh viên – phụ huynh nhằm đảm bảo tính công bằng trong cơ hội tiếp cận giữa các nhóm đối tượng khác nhau.

Thứ ba, sau khi đã xây dựng được chính sách ưu tiên đầu tư trên cơ sở tính toán được tỷ lệ hợp lý giữa phần đóng góp giữa trợ cấp nhà nước và học phí cho từng đối tượng, xác định thời điểm thích hợp (trước, trong và sau quá trình học) để quyết định việc áp dụng chính sách đó cho đối tượng thụ hưởng nhằm đảm bảo đầu tư của nhà nước đi tới được đúng đối tượng, đồng thời tạo động lực học tập tích cực cho sinh viên.

Thứ tư, xây dựng các cơ chế tín dụng mới (như tín dụng tùy theo thu nhập, thuế tốt nghiệp hay hợp đồng vốn nhân lực) thay thế chương trình 157 đang được áp dụng hiện nay nhằm giúp quá trình chuyển dịch thời điểm đóng học phí trong thời gian học đại học sang thời điểm sau khi tốt nghiệp đi làm hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhấn mạnh lại những tính toán trên cần phải được xem xét trên cơ sở số liệu tổng hợp, tin cậy và cập nhật trong nhiều năm, bao gồm cả những số liệu về sự phù hợp về chất lượng, số lượng và cơ cấu đầu ra của sinh viên tốt nghiệp đối với yêu cầu của thị trường lao động – một vấn đề chưa được nhắc đến cụ thể trong bài viết này.

* Bài viết là bản rút gọn bài trình bày tại diễn đàn thường niên Đối thoại Giáo dục Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề Cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 31/07 và 01/08/2014 tại TP Hồ Chí Minh.

Đọc thêm:
Tự chủ đại học – thực trạng và giải pháp
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7739

Tài liệu tham khảo

ADB. (2008). Education and Skills: Strategies for Accelerated Development in Asia and the Pacific. Retrieved from http://www.adb.org/documents/education-and-skills-strategies-accelerated-development-asia-and-pacific

ADB. (2009). Good practice in cost sharing and financing in higher education. Manila, Philippines: ADB.

Bộ GD&ĐT. (2013). Thống kê giáo dục đào tạo năm 2013. Hà Nội. Retrieved from www.moet.gov.vn

Chapman, B. (2005). Income Contingent Loans for Higher Education: International Reform (CEPR Discussion Paper No. 491). Centre for Economic Policy Research, Research School of Economics, Australian National University. Retrieved from http://ideas.repec.org/p/auu/dpaper/491.html

Chapman, B., & Hunter, B. H. (2009). Exploring Creative Applications of Income Contingent Loans. Australian Journal of Labour Economics, 12(2), 133.

Chính phủ. (2005). Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Retrieved from http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet-14-2005-NQ-CP-doi-moi-co-ban-va-toan-dien-giao-duc-dai-hoc-Viet-Nam-giai-doan-2006-2020-vb5013.aspx

Chính phủ. (2010). Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Retrieved from http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?mode=detail&document_id=94653

ĐH Quốc gia Hà Nội. (2013). Báo cáo ba công khai năm học 2013-2014. Hà Nội. Retrieved from http://vnu.edu.vn/home/?C2192

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. (2013). Báo cáo thường niên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh. Retrieved from http://www.vnuhcm.edu.vn/Default.aspx?DocumentId=f1ca5019-d325-41e2-8f5d-cb59e0539caa

Hayden, M., Pham, P., Lam, Q. T., Pettigrew, A., Meek, L., Ryan, N., … Nguyen, D. C. (2012). Master plan for Vietnam’s higher education system. Hanoi: Southern Cross University.
Johnstone, D. B. (2004). The economics and politics of cost sharing in higher education: comparative perspectives. Economics of Education Review, 23(4), 403–410.

Nguyễn, M. H., & Phạm, H. H. (2014). Tín dụng sinh viên – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Tài chính kế toán, (02 (127)).

Pham, H. (2011, July 24). VIETNAM: Young academic talent not keen to return. Retrieved from http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20110722201850123

QS University Rankings. (2013). QS University Rankings: Asia 2013. Retrieved June 26, 2014, from http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-university-rankings/2013

Thủ tướng Chính phủ. (2007a). Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020. Retrieved from http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30340&cn_id=67242

Thủ tướng Chính phủ. (2007b). Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Retrieved from http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=279&mode=detail&document_id=41275

Thủ tướng Chính phủ. (2011a). Quyết định 579/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Retrieved from http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Quyet-dinh-579-QD-TTg-phe-duyet-Chien-luoc-phat-trien-nhan-luc-Viet-Nam-vb122715t17.aspx

Thủ tướng Chính phủ. (2011b). Quyết định số 2474/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Retrieved from http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=153381

Thủ tướng Chính phủ. (2013). Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020. Retrieved from http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=168322

UNESCO. (2014). Higher Education in Asia: Expanding Out, Expanding Up. Scribd. Retrieved June 26, 2014, from http://www.scribd.com/doc/226664049/Higher-Education-in-Asia-Expanding-Out-Expanding-Up
Welch, A. R., Banta, S., & ADB. (2012). Counting the cost: financing Asian higher education for inclusive growth. Mandaluyong City, Philippines: ADB.

World Bank. (2008). Vietnam : Higher Education and Skills for Growth (World Bank Other Operational Studies No. 7814). The World Bank. Retrieved from http://ideas.repec.org/p/wbk/wboper/7814.html



*  Nghiên cứu sinh, Khoa quản trị Kinh doanh, ĐH Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan

** Phó Giáo sư, Khoa Chính sách và Các vấn đề Môi trường, ĐH Indiana Bloomington, Hoa Kỳ

1 Năm 2013, Bộ GD&ĐT đã đưa kiến nghị chi phí đơn vị tổi thiểu bằng 120% GDP vào Đề án Đổi mới giáo dục – đào tạo năm 2013 nhưng sau đó vấn đề này đã không được Trung Ương thông qua trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

2Điều kiện đủ là các yếu tố liên quan đến lĩnh vực quản trị đại học như: chất lượng nhân lực nghiên cứu và giảng dạy; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; năng lực quốc tế hoá…

3Theo (Welch, Banta, & Asian Development Bank, 2012), Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực tăng mức độ đầu tư của Nhà nước trên đầu sinh viên trong những năm qua (trong giai đoạn 2001-2008, tổng số sinh viên ở Việt Nam tăng 172% từ 974,100 lên 1,675,700 trong khi mức đầu tư của Nhà nước trên đầu sinh viên một năm tăng 283%, từ 1,845,806 VNĐ lên 5,222,892 VNĐ).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)