Chuyện viết tiếng Việt
Một câu hỏi đang được đặt ra là "có cần thêm một số chữ cái latinh vào bộ chữ tiếng Việt, ví dụ như F, J, W, Z? ". Nguyên tắc chung, nếu nhu cầu là rõ ràng, thì sự đáp ứng là cần thiết. Còn sử dụng cụ thể như thế nào những chữ cái thêm vào này là công việc tiếp theo.
Trước hết, trong đời sống tiếng Việt hôm nay, chúng ta thực tế đã sử dụng những chữ này!
Nếu bạn đọc dòng văn bản “Thông báo của TW Hội LHPNVN” thì bạn hiểu rằng chữ W ở đây định nói cái gì, tuy có khi bạn chưa học chữ này bao giờ. Người ta không viết “TW” là “TƯ”, vì lo đọc chuyện này lại thành ra chuyện khác.
Người nông dân chúng ta thì đã quen với chuyện lợn lai: lợn F1 hay lợn F2, chứ không phải lợn PH1 hay lợn PH2.
Câu “từ A đến Z” ai cũng nói cũng viết, và nếu bạn nói và viết “từ A đến Y” thì không ai hiểu bạn muốn gì.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đây.
Hôm nay, thế giới đã mở ra với chúng ta. Việc mỗi người cần học để biết lấy một đến vài ngoại ngữ đã trở nên cần thiết. Và có lẽ chẳng mấy mà chúng ta sẽ phải giảng dạy khoa học, trước hết là các khoa tự nhiên, khoa công nghệ, khoa thương mại, bằng song ngữ Anh -Việt, trên phạm vi đại trà, nếu chúng ta lập chí hiện đại hóa dứt điểm.
Khái niệm du nhập
Chưa đến mức đó, thì việc sử dụng các khái niệm du nhập đã bắt chúng ta phải đọc thông viết thạo các chữ cái latinh “chưa được đưa vào chính thức”.
Tìm hiểu khái niệm WTO, đó là bổn phận và lợi ích sát sườn của người Việt hôm nay đã tham gia tổ chức này. Phải biết chữ W.
Mỗi xứ sở có điểm mốc “Zero”,”cây số không” (không viết “Dê rô”) của mình, để tính khoảng cách đi tới trung tâm này từ trên các quốc lộ hướng tâm này. Phải biết chữ Z.
Đo độ dài còn có “Foot”: 1 Foot US (ft) = 0,3048006 mét. Phải biết chữ F.
Nghe nhạc thì cũng có “Jazz”, không viết nhạc “Giagigi”. Phải biết chữ J.
Viết tên riêng
Phổ biến hàng ngày hơn nữa, là việc đọc và viết tên riêng.
Sau những thói quen ban đầu cố gắng mòn mỏi để hán-việt hóa bằng được các tên riêng trên thế giới cho bùi tai mình, chúng ta đã vượt được dần ra khỏi cái thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm này. Nhiều bạn trẻ hôm nay khó biết đâu là Á Căn Đình, đâu là Gia Nã Đại, ai Là Mạnh Đức Tư Cưu, ai là Nã Phá Luân. Yêu bóng đá thì hôm xưa có Zico, hôm qua có Zidan khắc trong trí nhớ mình, không phải viết dịch Di Cô hay Di Đan.
Tôi phản đối việc nhất nhất cố gắng viết chuyển dịch các tên Đông Á sang Hán – Việt. Điều đó gây ra những cảm xúc phản nhận thức. Từ bao giờ chúng ta tự cho mình có nghĩa vụ phải chuyển âm Hán – Việt các tên riêng Trung Hoa hay Triều Tiên, và rồi từ đó chúng ta có cảm giác như họ gần gũi với mình hơn cả những người láng giềng Lào hay Miên, thậm chí gần gũi hơn cả các tên riêng của người thiểu số trên đất mình! Đó là tự lừa mình. Tất nhiên khi bạn gọi “Hoa Thịnh Đốn” hay “Mạc Tư Khoa”, bạn sẽ có cảm giác tương tự, “thân thiết hơn”, vì âm thanh này quen thuộc và bùi tai chúng ta hơn. Nhưng nay bạn đã gọi Washington, Moscow, có lẽ rất nên gọi Beijing, Pyongyang để mà tinh thần ta có được sự bình đẳng, bình tâm sáng suốt trong nhận thức.
Tên người cũng thế, tại sao ngay cả với người Nhật, chúng ta không cố sống cố chết Hán – Việt hóa tên riêng của họ, trong khi mọi tên người Trung Hoa chúng ta cứ như có bổn phận phải Hán – Việt hóa chúng bằng được? Nếu không phải lo Hán – Việt hóa tên ông tổng thống Mỹ là “Ô Bá Mã”, tên ông thủ tướng Nga là “Bá Tín”, thì cũng rất nên gọi tên ông thủ tướng Trung Hoa theo âm là Wen Jiabao, và bạn sẽ tìm thông tin về thủ tướng Trung Hoa trên Internet bằng tên đó dễ dàng hơn nhiều, thay vì mù tịt khi phải tìm hiểu về ông ấy vì chỉ biết cái tên đã Hán – Việt hóa.
Giữa cái tên ghi âm và cái tên Hán – Việt hóa nhiều khi có khoảng cách rất xa, ví dụ tên ông chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il được hán-việt hóa là Kim Chính Nhật, không biết đâu mà lần.
Một thói quen nữa là ngay ở Đông Á, nơi đâu “thân thiện” thì người ta gắng Hán – Việt hóa, bằng không thì thôi. Hongkong xưa là nhượng địa của Anh, nên thôi, không cần gọi là “Hương Cảng”. Các tên riêng ở Đại Hàn cũng khỏi bị cố gắng được Hán – Việt hóa nhiều vì “không thân lắm”. Tên riêng của Nhật Bản thì miễn phải Hán – Việt hóa.
Phải học tránh sự thiên vị trong nhận thức, bởi vô hình chung chúng ta cổ vũ cái lý tưởng “đồng văn đồng chủng” cho dân chúng, thông qua việc nhất nhất Hán – Việt hóa tên riêng của Trung Hoa hay của Triều Tiên trên thông tin đại chúng. Từ đó thậm chí ta hình dung như họ có họ hàng với mình khi suy từ tên gọi!
Từ kép
Một vấn đề rất quan trọng khi viết tiếng Việt là vấn đề từ kép.
Khi bạn đọc câu “học sinh vật cô Na”, bạn không có cách gì để xác định nghĩa thực của câu này.
Các ngôn ngữ dùng hệ thống chữ cái đều biết ghép các từ bằng cách viết liền chúng lại. Nếu trong tiếng Anh bạn có “net” là mạng lưới, “inter” là nối kết, bạn sẽ tạo ra chữ “internet” mà không phải là “inter net”. Và bạn có thể ghép nhiều hơn hai chữ để có một chữ mới.
Bạn ghép chữ “sinh” và “vật”, bạn phải có một chữ mới, đáng lẽ là “sinhvật”, chứ không phải là “sinh vật” cạnh nhau.
Khi bạn đọc câu “học sinh vật cô Na”, bạn phải cố làm một thao tác tinh thần để nối “học sinh” thành “họcsinh”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn nghi ngờ “được, nhưng chắc không phải thế“.
Tiếp đến bạn phải cố làm một thao tác tinh thần khác để nối “sinh vật” thành “sinhvật”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn tự bảo “được, chắc là thế“.
Hơn thế nữa, một người nước ngoài học tiếng Việt thì sẽ đánh vật với cái câu vô định này!
Lối viết tách rời các từ trong một từ kép làm tăng tính mất chính xác của câu chữ, khuyến khích tính chủ quan thẩm định, làm giảm tốc độ đọc hiểu, làm tốn kém lưu trữ trên giấy tờ văn bản hoặc trên các bộ nhớ điện tử, làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt.
Tất cả nguyên do chỉ vì xưa kia chúng ta dùng chữ vuông! Mỗi chữ vuông phải kê cách nhau ra, không có thì không ai hiểu!
Và công cuộc xây dựng chữ quốc ngữ dùng bảng chữ cái latin đã thiếu cái chí đi đến cùng để giải chuyện này. Chính chúng ta là người phải giải nó.
Đây là một dịp để tưởng nhớ tới người có công lao đề xuất giải pháp viết từ kép này đã từ rất lâu, ông Hoàng Xuân Hãn. Ông đã soi rằng việc viết chữ kép như thế sẽ có rất hãn hữu trường hợp có thể gây nhầm nghĩa, và trong trường hợp đó thì một dấu gạch ngang sẽ là giải pháp.
Hy vọng rằng người Việt chúng ta sẽ đến lúc đủ quyết tâm để thực hiện ý tưởng đơn giản và tuyệt vời này của ông Hoàng Xuân Hãn.
Không cần phải ngay một lúc viết liền hết các từ kép: chỉ cần chúng ta tiến lên từng bước một, thống nhất từng chữ kép một, và chúng ta sẽ đi dần được rất xa. Công việc này có thể được giao cho một tổ chức có năng lực và thẩm quyền.
Để làm ví dụ giống như ông Hoàng Xuân Hãn đã làm trước đây, tôi chép đoạn cuối của bài viết ra đây nhưng viết liền các từ kép để chúng ta cùng đọc thử, và để thấy chúng ta sẽ được lợi về đủ đường: chính xác, tốc độ, và tiết kiệm lưu trữ.
Từkép
Một vấnđề rất quantrọng khi viết tiếng Việt là vấnđề từkép.
Khi bạn đọc câu “học sinh vật cô Na”, bạn không có cách gì để xácđịnh nghĩa thực của câu này.
Các ngônngữ dùng hệthống chữ cái đều biết ghép các từ bằng cách viết liền chúng lại. Nếu trong tiếng Anh bạn có “net” là mạnglưới, “inter” là nốikết, bạn sẽ tạo ra chữ “internet” mà không phải là “inter net”. Và bạn có thể ghép nhiều hơn hai chữ để có một chữ mới.
Bạn ghép chữ “sinh” và “vật”, bạn phải có một chữ mới, đáng lẽ là “sinhvật”, chứ không phải là “sinh vật” cạnh nhau.
Khi bạn đọc câu “học sinh vật cô Na”, bạn phải cố làm một thaotác tinhthần để nối “học sinh” thành “họcsinh”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểubiết chủquan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếptục kiểmtra câu này, và bạn nghingờ “được, nhưng chắc không phải thế“.
Tiếp đến bạn phải cố làm một thaotác tinhthần khác để nối “sinh vật” thành “sinhvật”, rồi kiểmtra xem có được hay không theo hiểubiết chủquan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểmtra câu này, và bạn tự bảo “được, chắc là thế“.
Hơn thế nữa, một người nướcngoài học tiếng Việt thì sẽ đánhvật với cái câu vôđịnh này!
Lối viết táchrời các từ trong một từ kép làm tăng tính mấtchínhxác của câuchữ, khuyếnkhích tính chủquan thẩmđịnh, làm giảm tốcđộ đọchiểu, làm tốnkém lưutrữ trên giấytờ vănbản hoặc trên các bộ nhớ điệntử, làm khókhăn cho người nướcngoài học tiếng Việt.
Tấtcả nguyêndo chỉ vì xưakia chúngta dùng chữ vuông! Mỗi chữ vuông phải kê cách nhau ra, không có thì không ai hiểu!
Và côngcuộc xâydựng chữ quốcngữ dùng bảng chữ cái latin đã thiếu cái chí đi đến cùng để giải chuyện này. Chính chúngta là người phải giải nó.
Đây là một dịp để tưởngnhớ tới người có cônglao đềxuất giảipháp viết từkép này đã từ rất lâu, ông Hoàng Xuân Hãn. Ông đã soi rằng việc viết chữ kép như thế sẽ có rất hãnhữu trườnghợp có thể gây nhầm nghĩa, và trong trườnghợp đó thì một dấu gạchngang sẽ là giảipháp.
Hyvọng rằng người Việt chúngta sẽ đến lúc đủ quyếttâm để thựchiện ýtưởng đơngiản và tuyệtvời này của ông Hoàng Xuân Hãn. Chỉ cần tiếnlên từng bước một, thốngnhất từng chữkép một, và chúngta sẽ đi được rất xa.