Đại học Carnegie Mellon – “Học qua hành”

Đòi hỏi lớn của xã hội và nền kinh tế hiện nay, khi mà công nghệ thông tin và Internet đang trở thành môi trường làm việc mới, là phải có những người lãnh đạo am hiểu các nghiệp vụ, kinh doanh được tiến hành trên nền công nghệ thông tin. Do đó cần phải hướng việc đào tạo số lớn những người lao động tri thức mới có những tri thức và kĩ năng cả về nghiệp vụ, kinh doanh lẫn việc triển khai trên nền công nghệ thông tin để họ tham gia vào việc tổ chức ra nền sản xuất hiện đại. Những đòi hỏi này tạo ra các yêu cầu mới về thay đổi cách giảng dạy và cách học tập trong Đại học Carnegie Mellon – CMU nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của công nghiệp.

Theo truyền thống, các đại học thường đào tạo ra những người làm nghiên cứu, quá trình học tập trong trường nhấn mạnh vào các mô hình lí thuyết của thực tế và khả năng suy luận của sinh viên. Những đòi hỏi của thế kỉ 21 đang đặt ngược lại một yêu cầu rất lớn đối với hệ thống đào tạo đại học truyền thống: bên cạnh việc có những trường đào tạo ra người nghiên cứu chuyên sâu, cần có các đại học khác đào tạo ra các kĩ sư với những kĩ năng đáp ứng được yêu cầu thực tế của các công ty.
Nhìn vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ ta có thể thấy sự phân chia rõ nét giữa các hình thái đào tạo này. Các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Harvard, MIT, Stanford chú trọng đào tạo các nhà nghiên cứu hàng đầu, nhằm vào các vấn đề mũi nhọn của khoa học hiện đại. Các trường đại học như Carnegie Mellon,… lại rất coi trọng việc đào tạo ra các kĩ sư đáp ứng đúng yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại, trong các lĩnh vực chế tạo và quản lí.
CMU – Đại học Carnegie Mellon là một trong những đại học hàng đầu ở Mỹ và là đại học được xếp hạng thứ nhất về kĩ nghệ phần mềm. CMU cộng tác rất chặt chẽ với công nghiệp và hiểu rằng với nhịp độ thay đổi công nghệ nhanh chóng và sức ép của cạnh tranh toàn cầu, nhiều công ty đang tự hỏi làm sao họ có thể kiếm được các công nhân có kĩ năng mà họ cần. Vì vậy CMU đi tiên phong trong việc thay đổi cách giảng dạy đại học và tập trung vào đào tạo các kĩ sư phần mềm đáp ứng ngay cho nhu cầu thực tế này.
Sinh viên CMU ra trường thường nhận được lời mời làm việc của 2 tới 16 công ty. Riêng điều này đã chứng tỏ học sinh được đào tạo tại CMU thực sự có khả năng giải quyết các vấn đề thực tế, đáp ứng đúng nhu cầu của công nghiệp. Tỉ lệ thi vào trường CMU là 16:1.
Cách giảng dạy tại CMU khác nhiều so với các đại học khác, do quan niệm mới của trường về vấn đề đào tạo kĩ sư phần mềm đáp ứng nhu cầu công nghiệp.
Trong các đại học thông thường, sinh viên năm đầu học về các cơ sở toán học, cấu trúc dliệu, thuật toán rồi sau đó lên lập trình. Điều này làm cho sinh viên chỉ quen một mình ngồi với máy tính để lập trình. Sinh viên không được tiếp cận và không quen thuộc với các dự án lớn nhiều người làm, điều mà thực tế yêu cầu người kĩ sư phải tham gia.
Theo quan điểm của CMU, ngay từ đầu không nhất thiết nhấn mạnh vào các vấn đề căn bản của khoa học máy tính, mà trái lại, phải nhanh chóng đưa sinh viên vào toàn cảnh của thực tế rồi sau đó đi vào rèn luyện các kĩ năng thc hiện sâu về sau.

“Học qua Hành”

Tại đại học Carnegie Mellon đã có nghiên cứu sâu để duyệt xét lại về giá trị của chương trình đào tạo đại học và trường đã đi tới thừa nhận nhu cầu của công nghiệp về các công nhân tri thức có kĩ năng. Trên cơ sở này trường nhận định cần thay đổi cách đào tạo để sinh viên biết cách làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm ngay sau khi tốt nghiệp. Đó là lí do để trường thiết kế ra “Loạt kĩ nghệ phần mềm thực hành” như “lớp học ảo,” nơi sinh viên có thể truy nhập vào tài liệu đào tạo và bài giảng ở bất kì đâu trên thế giới.

 

Ba đặc điểm chính của giảng dạy tại CMU:
1.  Giáo viên không phải là người truyền thụ tri thức mà là người hướng dẫn học tập.

 

2.  Giáo viên không trực tiếp giảng dạy cho sinh viên, không trả lời câu hỏi của sinh viên khi sinh viên chưa tự đọc bài.

 

3.  Giáo viên nêu vấn đề để sinh viên giải quyết. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn.

Cách tiếp cận của trường đã được đặc biệt thiết kế để đáp ứng cho nhu cầu của sinh viên và công nghiệp toàn cầu dựa trên loạt các “kịch bản thực hành”, không dựa trên dạng thức bài giảng truyền thống vẫn được các trường đại học sử dụng. Các nghiên cứu của trường đã cho thấy rằng cách dạy hiệu quả nhất những kĩ năng mới là đưa sinh viên vào một loại dự án nào đó nơi họ có thể dùng những kĩ năng đó trên cơ sở đều đặn. Sinh viên được trao cho các công cụ cần thiết để nâng cao việc học tập của mình ngay lập tức và có khả năng áp dụng nó để giải quyết các vấn đề của thế giới thực.
Cách tiếp cận “Học qua Hành” là quá trình mà sinh viên học từ kinh nghiệm thay vì từ lí thuyết. Các kịch bản được thiết kế cho sinh viên làm việc thay vì nghe bài giảng lí thuyết. Lí do cho cách tiếp cận này có tác dụng tốt là ở chỗ nó gõ thẳng vào trung tâm của qui trình học tập căn bản mà con người vẫn dựa vào đó. Hành vi của con người được dựa trên kinh nghiệm nhiều hơn là lí thuyết về quan niệm. Con người học cách làm mọi thứ và qua tham gia vào kinh nghiệm, học cả sai hay đúng. Con người học khi nào thì áp dụng những qui tắc nào đó và khi nào chúng phải được thay đổi. Con người học khi nào những qui tắc nào đó có thể được tổng quát hoá và khi nào chúng là ngoại lệ. Con người học tất cả những điều này bằng việc làm thực tế, bằng việc thường xuyên có kinh nghiệm mới và cố gắng tích hợp những kinh nghiệm đó và cấu trúc kí ức hiện có của mình. 
Tất cả các lớp học đều bắt đầu bằng “bài giảng trên video” cung cấp một tóm tắt về tài liệu sinh viên cần biết, phục vụ chỉ như một nguồn hướng dẫn. Sinh viên đi theo bài giảng với nhiệm vụ đọc thêm và tham gia vào thảo luận trong lớp dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Họ học thảo luận và giải quyết vấn đề dựa trên tập các kịch bản được tổ hợp với các bài kiểm tra cá nhân và công việc tổ, nơi việc họ thực sự xảy ra. Để đảm bảo sinh viên hiểu các khái niệm, có bài đọc hằng tuần, bài kiểm tra và nhiệm vụ được phân công. Sinh viên được khuyến khích làm việc theo tổ để giải quyết vấn đề và chuyển giao vật phẩm dựa trên các vấn đề tương tự như vấn đề họ sẽ gặp trong thực tế. Cách tiếp cận này là một kĩ thuật hiệu quả, vì khi sinh viên làm việc qua nhiệm vụ được phân công họ học các kĩ năng chủ chốt cần cho việc hoàn thành thành công nhiệm vụ của họ.
Sinh viên phải tự xem video bài giảng trước một hai lần, có slide và tiếng nói, tập nghe tiếng Anh cho quen. Năm thứ nhất và thứ hai khi vào lớp giáo viên có thể dùng bản ngữ để giải thích. Nhưng vào năm thứ 3 trở đi phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Các bài học được thực hiện hằng tuần trong ba phiên liên tiếp.
Phiên thứ nhất là làm bài kiểm tra, sau đó chữa luôn bài kiểm tra trên lớp với giả định sinh viên đã tự đọc trước về nội dung tri thức của bài.
Phiên học thứ hai được tiến hành dựa trên nhận định về khả năng làm bài kiểm tra của sinh viên. Giáo viên xác định những điểm nút về tri thức và kĩ năng mà sinh viên còn thiếu, chưa thể hiện được qua bài kiểm tra. Từ đó giáo viên giảng giải kĩ hơn về những điểm sinh viên có thể chưa hiểu rõ hay những điểm quan trọng nhất cần nắm.
Sau đó, vào phiên học thứ ba giáo viên đưa ra các chủ đề để cho sinh viên có thể thảo luận và làm việc tại các tổ, tổ chức cho các tổ thuyết trình các giải pháp mình tìm ra.
Sau khi học khoảng 5-6 tuần sẽ có một kì thi giữa kì, dựa trên các câu hỏi của bài đã học để khắc hoạ lại những điều đã học. Cuối khoá học có kì thi tổng kết, dựa trên quãng 50 câu hỏi mà sinh viên còn chưa làm được.
Việc kiểm tra và thi được tiến hành thường xuyên hằng tuần dựa trên giải quyết vấn đề. Bài thi không nhất thiết phải ăn nhập với điều có trong sách mà là vấn đề thực tế được nêu ra.

Quan điểm thiết kế chương trình đào tạo của CMU
Từ thay đổi quan niệm căn bản về giảng dạy của giáo viên để chuyển sang nhấn mạnh vào quá trình học tập của sinh viên, cách tổ chức học tập trong suốt 4 năm tại trường cũng có những thay đổi căn bản so với cách tổ chức học tập truyền thống.

Chương trình đào tạo của CMU được thiết kế để thực hiện việc học qua hành đúng đắn, tích hợp tất cả các khía cạnh của nhiệm vụ thế giới thực, đối lập với việc dạy kĩ năng một cách độc lập dựa trên lí thuyết không có ngữ cảnh.
Năm thứ nhất giới thiệu tổng quan: học cái gì
Năm thứ nhất là “năm chuyển tiếp” nơi sinh viên dự bài giảng, làm bài tập về nhà, với các bài kiểm tra hằng tuần dựa trên phương pháp truyền thống “ghi nhớ” và “học thuộc lòng.” Nhưng có thêm việc thảo luận trên lớp và công việc tổ hội tụ vào trình bày để làm cho sinh viên quen thuộc với cách tiếp cận “Học qua Hành”.
Tất cả chương trình học tập trong 4 năm đều được giới thiệu ngay cho sinh viên năm thứ nhất. Nhấn mạnh chủ yếu là khuyến khích và động viên sinh viên theo học cách học mới, biết mở rộng trước và sau đó biết cách thực hiện trong thực tế.
Việc đọc sách báo hiện thời và các bài tạp chí được nhấn mạnh là để mở rộng kĩ năng của sinh viên chứ không đi theo cách tiếp cận “sách giáo khoa” cổ điển nơi hướng dẫn duy nhất cho sinh viên là tài liệu do tác giả của cuốn sách giáo khoa đó soạn ra. Ngay trong năm thứ nhất, sinh viên đã bắt đầu làm việc trong tổ và cộng tác lẫn nhau để làm việc.

Năm thứ hai : học cách làm
Việc học tập của sinh viên từ năm thứ hai chuyển từ bề rộng sang bề sâu, đi vào cách thức thực hiện,  thường là những cách thức do người khác đã tìm ra.
Trong năm thứ hai và trong toàn khoá, sinh viên sẽ được đặt vào trong một loại tình huống mà họ cần dùng điều họ đã học để giải quyết vấn đề. Sinh viên đi tới hiểu ra khi nào, tại sao, và làm thế nào họ phải dùng những kĩ năng này theo việc. Họ học bằng việc thực tế làm các nhiệm vụ “đúng thời gian.” Điều này nghĩa là họ thực sự học khi họ muốn biết thông tin, khi thông tin trở thành có nghĩa nhất cho họ, và theo cách đó họ sẽ rất có thể ghi nhớ thông tin này về sau khi họ cần tới nó trong nghề nghiệp của mình.

Năm thứ ba : học cách tự làm
Sinh viên được học tập bằng cách tự mình tiến hành cách thức thực hiện những tình huống mô phỏng thực tế. Những bài học tình huống hoàn toàn kĩ thuật được nêu ra để sinh viên xử lí. Chẳng hạn khi kĩ thuật thay đổi, dự án sinh viên đang thực hiện phải bị thay đổi, khi hoàn cảnh thay đổi thì người thực hiện dự án phải chủ động thay đổi.
Sinh viên làm việc trong các tổ, được trao cho các thông tin chi tiết về công ty được mô phỏng mà họ làm việc cho, cùng với các dự án chi tiết và đích thực, thông qua các câu chuyện và tình huống. Có sẵn sự hỗ trợ về tài liệu và tài nguyên, và có giáo viên trợ giúp để trả lời các câu hỏi và hướng dẫn sinh viên theo đúng hướng khi cần. Hiệu quả của cách tiếp cận này là ở chỗ sinh viên làm việc thông qua các chuyện kể để đạt tới mục đích mà câu chuyện tạo ra, học các kĩ năng chủ chốt cần cho việc hoàn thành thành công nhiệm vụ của họ trong cuộc sống thực.

Năm thứ tư: học trong ứng dụng thực

Năm thứ tư học theo việc áp dụng vào các dự án thực tế liên quan tới yêu cầu hiện tại của công nghiệp. Sinh viên sẽ tham gia vào các d án thực, thường gọi là capstone, mỗi capstone kéo dài trong 6 tháng
Phương pháp giảng dạy Học qua Hành được tiến hành bằng việc chia lớp thành các tổ dự án làm việc cho các công ty. Các tổ phải tự động xây dựng dự án xem như bài tập. Mọi thay đổi, mọi biến động của  dự án đều là thực và tổ d án phải thích ứng được với các hoàn cảnh thực tế đó. Học sinh vừa học vừa làm theo sự phức tạp của thực tế.

 ***
Xu hướng đào tạo các kĩ sư thực hành tại Đại học Carnegie Mellon đã được ngành công nghiệp Mỹ chấp nhận và trường CMU được thừa nhận là một trong những trường đi tiên phong trong lĩnh vực đổi mới này. Không những thế, cách đào tạo này đang được triển khai trên qui mô toàn thế giới. Cho tới nay, các nước đã triển khai chương trình đào tạo kĩ sư phần mềm của CMU bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các tiểu vương quốc Arab và Việt Nam.

Với thời gian, chúng ta có thể được chứng kiến rõ ràng hơn về những thay đổi căn bản trong quan niệm giáo dục sẽ đưa tới những đổi mới thực tế nào về cách giảng dạy đại học cho sát với nhu cầu của xã hội và nền kinh tế.

——-

 * Nhóm Kỹ thuật Phần mềm Việt Nam (SEGVN)
 

Tác giả