Đại học để làm gì?
Để “đổi mới” hay “thay đổi” giáo dục đại học thì việc tiên quyết nhất là phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về đại học và nền đại học. Nếu nhận thức sai lệch và ấu trĩ thì việc “đổi mới” này sẽ không thể thực hiện được hoặc nếu có thực hiện được đi nữa thì cũng sẽ gây ra những hậu quả tai hại về nhiều mặt.
Vai trò của đại học trong xã hội?
Có thể có nhiều quan điểm về vai trò của đại học trong xã hội, nhưng tôi cho rằng, nền đại học có hai vai trò quan trọng bậc nhất đó là: (1) Lãnh đạo/Dẫn dắt xã hội về mặt trí tuệ và tư tưởng; (2) Đại diện cho chân lý, công lý và lương tri của loài người.
Tất nhiên, ngay cả trong những xã hội văn minh nhất ở những nước phát triển nhất thì không phải “trường đại học” nào cũng dễ dàng làm được những điều này (chẳng hạn như ở đâu đó trong những xã hội này vẫn có cả những “trường đại học” chỉ chuyên “bán bằng”). Nhưng xét trên bình diện chung thì một “nền đại học” đúng nghĩa phải nắm được và thể hiện được những vai trò đó trong xã hội. “Xã hội” ở đây không chỉ được hiểu là một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia, mà còn được hiểu là xã hội toàn cầu.
Sứ mệnh của đại học đối với xã hội?
Để có được và thể hiện được các vai trò trên thì đại học (nhất là những đại học tinh hoa của mỗi quốc gia) cần thực hiện được tối thiểu hai sứ mệnh (còn gọi là trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, công việc) quan trọng bậc nhất sau đây: (1) Sản xuất/Tạo ra tri thức / Knowledge (chức năng nghiên cứu của đại học); (2) Sản xuất/Tạo ra trí thức / Intellectuals (chức năng đào tạo của đại học). Hiện thực hóa hai sứ mệnh này sẽ phục vụ quan trọng cho mục tiêu phát triển quốc gia và góp phần thay đổi thế giới.
Khái niệm “trí thức” ở đây, theo một định nghĩa ngắn gọn của riêng tác giả, có thể được hiểu là “người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp“. (Có thể tham khảo thêm về khái niệm “trí thức” của cùng tác giả ở đây: http://www.ired.edu.vn/vn/DocTin/vai-tro-cua-tri-thuc-hay-trach-nhiem-xa-hoi-cua-nhung-nguoi-hieu-biet)
Như vậy, để có thể được xem là “trí thức” thì bản thân một người trước hết phải là một “chuyên gia chuyên ngành” (nhân lực trình độ cao) trong một hay một số chuyên ngành nào đó, nhưng chỉ riêng một tiêu chí đó sẽ là chưa đủ bởi “trí thức” không chỉ là một người giỏi chuyên môn và làm chuyên môn giỏi mà còn phải luôn nỗ lực thực hiện “trách nhiệm xã hội của người hiểu biết” (dùng chuyên môn và sự hiểu biết của mình để góp phần khai sáng xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp, hướng mọi người đến những giá trị phổ quát của loài người). Nói cách khác, những người giỏi chuyên môn mang trong mình “tinh thần đại học” đúng nghĩa sẽ trở thành “những con người trí thức”.
Một trường học sau phổ thông (higher education) chỉ đào tạo ra những người “có nghề” nhưng lại không “tạo ra tri thức mới” hay không “tạo ra trí thức mới” thì khó thể được xem là đại học. Và cũng trong sứ mệnh của mình, đại học đích thực, nhất là những đại học tinh hoa (bất kể công hay tư), cũng là một doanh nghiệp xã hội (phi lợi nhuận) hoạt động vì “mục đích công” và gắn liền với việc theo đuổi chân lý, bảo vệ công lý và đại diện lương tri… Như vậy, sản phẩm của những đại học đúng nghĩa về cơ bản là “sản phẩm công” (public goods) để phục vụ cho “mục đích công” (public purpose/public use), nên việc dùng “tiền công” (state budget) để tài trợ cho hoạt động của những đại học đích thực (bên cạnh tiền học phí từ học viên, tiền tài trợ khác từ bên ngoài và nguồn thu khác) là cần thiết.
Vị trí của đại học trong xã hội?
Để hiện thực hóa được sứ mệnh của mình, để thực hiện được công việc của mình và thể hiện được vai trò của mình trong xã hội thì vị trí, vị thế của đại học phải như sau: (1) Độc lập với quyền lực (nhất là quyền lực về chính trị, vì trong một xã hội văn minh, về cơ bản, đại học được sinh ra không phải để phục vụ cho mục tiêu chính trị hay để thực hiện các “nhiệm vụ chính trị” của các đảng phái chính trị); (2) Độc lập với tiền bạc (nhà tài trợ Nhà nước, nhà tài trợ tư nhân, nhà tài trợ tổ chức… tài trợ tài chính cho đại học hoạt động nhưng không được phép chi phối hay bóp méo bản chất công việc của đại học; và đồng thời, đại học cũng không được phép để tiền bạc hay quyền lực chi phối hay bóp méo bản chất công việc của mình); (3) Độc lập với tôn giáo (trong một xã hội văn minh, có thể có cả đại học thuộc một tôn giáo nào đó, nhưng xét về tổng thể nền đại học và nền giáo dục, luôn có sự độc lập cần thiết giữa giáo dục, tôn giáo và chính trị).
Chỉ khi đại học có được cả ba vị thế “độc lập” nói trên thì may ra mới có thể có “tự do” (tự do học thuật / tự do đào tạo, tự do nghiên cứu…). Và từ “tự do” thì mới có thể có “tự chủ” (tự chủ về học thuật, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về thu chi…). Hoặc đôi khi cũng có thể nói ngược lại là, phải có “tự chủ” mới có “tự do”. Nhưng tóm lại là, chỉ khi có các tiền đề “độc lập”, “tự do” và “tự chủ” (nhất là về mặt học thuật) như trên, đại học mới có thể phát triển theo đúng cái nghĩa mà thế giới văn minh đang hiểu, còn không thì không có gì để bàn nhiều. Bởi chúng ta sẽ không bao giờ có những trường đại học đúng nghĩa (và một nền đại học đúng nghĩa) nếu chúng ta chỉ cho nó (đại học) một tờ quyết định A4, một con dấu đỏ, một miếng đất rộng, một số tiền lớn và một biển hiệu đẹp (trên đó có dòng chữ “Đại học…” để treo hoành tráng trước cổng trường).
Để có được sự “đúng nghĩa” đó, ngoài những thứ đó ra (giấy phép và tiền bạc), có ít nhất hai thứ quan trọng và thiêng liêng nữa mà chúng ta cần phải trao cho đại học:
(a) Tinh thần đại học: Tinh thần đó là: Khi đại học “ngồi” đúng vị trí (độc lập với quyền lực, tiền bạc và tôn giáo; tự do về học thuật; và tự chủ về hoạt động); thì đại học sẽ thực hiện được đúng sứ mệnh (sản xuất tri thức mới, sản xuất trí thức mới, và sản xuất chuyên gia chuyên ngành); Và khi đó đại học sẽ giữ đúng vai trò (nơi dẫn dắt xã hội về mặt trí tuệ và tư tưởng; nơi đại diện cho chân lý, công lý và lương tri của loài người);
(b) Lãnh đạo đại học: Nhà nước và nhà trường cần có sự hỗ trợ tối đa để những nhà quản trị đại học có tầm (có khả năng thẩm thấu, trung thành, bảo vệ và theo đuổi “tinh thần đại học” nói trên) và có tâm (có khát khao, dám dấn thân nhằm kiến tạo một “nền giáo dục đại học Việt Nam” có khả năng đua tranh với những nền đại học ở các xã hội văn minh) ngồi vào ghế lãnh đạo trường đại học và nền đại học.
Tất nhiên, trước khi trao cho đại học những thứ này thì cũng cần một hành lang pháp lý hữu hiệu nhằm bảo đảm “tinh thần đại học” được phát huy tối đa và đồng thời kiểm soát được những vấn đề phát sinh.
Nếu trường đại học và nền đại học không có được những điều tiên quyết là “tinh thần đại học” và “lãnh đạo đại học” nói trên thì việc “đổi mới căn bản và toàn diện nền đại học” mà chúng ta đang kêu gọi chỉ là một viễn cảnh mù mờ.
Ngược lại, nếu trường đại học và nền đại học có được những điều tiên quyết này thì nhất định các trường đại học và cả nền đại học sẽ cất cánh mạnh mẽ và đất nước cũng sẽ được thăng hoa. Khi đó, các nhà lãnh đạo nền đại học, các nhà lãnh đạo nền giáo dục và các nhà lãnh đạo quốc gia có thể tự hào vì những gì mà mình đã làm để đặt nền móng và khơi nguồn cho công cuộc cải tổ nền đại học nói riêng và cho sự thịnh vượng và văn minh của quốc gia nói chung./.
————–
(*) Viện IRED (TP. HCM)