Đại học Trung Quốc cũng có Ivy League

Cuối năm 2009, chín trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc tuyên bố thành lập Liên minh C9, được giới truyền thông nước này gọi là Ivy League Trung Quốc. Dư luận Trung Quốc có những ý kiến khác nhau về việc lập Liên minh ĐH nói trên, nhưng nói chung đa số ủng hộ.

Từ năm 2003 trở đi, 9 trường ĐH hàng đầu Trung Quốc – gồm ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa, ĐH Triết Giang, ĐH Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, ĐH Phục Đán, ĐH Giao Thông Thượng Hải, ĐH Nam Kinh, ĐH Khoa học kỹ thuật Trung Quốc và ĐH Giao Thông Tây An – cùng nhau định kỳ tổ chức Hội thảo xây dựng ĐH hàng đầu, coi đó là một biện pháp liên kết nguồn lực của các ĐH nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tới mức “hàng đầu thế giới”.

9 trường này thuộc nhóm ĐH đợt đầu tiên được đưa vào diện xây dựng theo Dự án 985, tức Dự án của Nhà nước Trung Quốc nhằm xây dựng một số ĐH hàng đầu thế giới và ĐH kiểu nghiên cứu có uy tín hàng đầu thế giới. Có 34 ĐH thuộc danh sách đợt 1 và 5 ĐH thuộc đợt 2 của dự án này. [1].

Ngày 9/10/2009, tại Hội thảo lần thứ 9, hiệu trưởng các trường ĐH này cùng nhau ký “Nghị định thư trao đổi và hợp tác đào tạo nhân tài giữa các trường ĐH hàng đầu”.

Bằng cách đó, họ tuyên bố thành lập Liên minh 9 trường, viết tắt theo tiếng Anh là C9, được giới truyền thông nước này gọi là Ivy League Trung Quốc.

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định Bộ Giáo dục ủng hộ và khuyến khích 9 ĐH này lập Liên minh C9 nói trên.

Liên minh C9 chiếm chưa đầy 1% tổng số trường ĐH và cao đẳng ở Trung Quốc, song họ có lực lượng giáo viên hùng hậu và sở hữu các cơ sở giảng dạy và thí nghiệm khoa học hàng đầu trong nước.

Nội dung hợp tác trao đổi trong Liên minh C9 gồm:

– Trao đổi sinh viên (SV) và liên kết đào tạo nghiên cứu sinh (NCS). SV được trao đổi có thể học tập 1 hoặc nhiều học kỳ tại ĐH khác trong Liên minh; thừa nhận lẫn nhau thành tích học và học phần của SV. Dựa ưu thế từng khoa của mỗi ĐH để lập một số khoa đào tạo NCS, dùng làm sàn nghiên cứu trao đổi lẫn nhau. NCS được duyệt sẽ có thể sang ĐH khác nghiên cứu nửa năm hoặc hơn; 9 ĐH này thừa nhận thành tích và học phần của NCS được trao đổi.

– Liên kết tổ chức trường học hè (C9-Summer School), tạo thương hiệu giáo dục C9 nổi danh thế giới, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chất lượng tốt của mỗi trường; mở các khóa chuyên đề đào tạo SV, NCS và học giả trẻ trong ngoài nước; tăng cường trao đổi hợp tác với Ivy League của Mỹ và G8 của Australia.

– Liên kết triển khai lập giáo trình, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu cải tiến giảng dạy; liên kết xây dựng và công bố danh mục giáo trình được thừa nhận lẫn nhau; liên kết xây dựng sàn giáo dục từ xa cùng sử dụng.

– Xây dựng cơ chế trao đổi định kỳ đào tạo nhân tài. Hàng năm tổ chức một cuộc hội thảo trao đổi nghiệp vụ giữa các học viện NCS, một hội nghị lãnh đạo bộ môn quản lý giảng dạy, lần lượt làm tại 9 ĐH.

– Liên kết triển khai công tác đào tạo giáo viên trẻ.

– Lập trang mạng riêng của 9 ĐH hợp tác, xây dựng hệ thống bình xét lẫn nhau trên mạng đối với các luận án tiến sĩ.

– Liên kết tổ chức khảo sát dã ngoại, thực tập sản xuất, thực tập thiết kế, điều tra xã hội cho SV cùng chuyên ngành.

– Đẩy mạnh cải cách cơ chế đào tạo NCS để theo kịp các ĐH hàng đầu thế giới.

Dư luận Trung Quốc có những ý kiến khác nhau về việc lập Liên minh ĐH nói trên, nói chung đa số ủng hộ.

Giáo sư He Wang Yao ở ĐH Bắc Kinh có thái độ bảo lưu đối với việc các trường ĐH Trung Quốc hăng hái đề xuất xây dựng ĐH hàng đầu thế giới. Ông nói cách làm ấy là theo mô hình Mỹ, giống hệt việc Trung Quốc tổ chức học ĐH Tổng hợp Moskva hồi thập niên 50-60 thế kỷ trước, đều có tính mù quáng nhất định, không xét tới đặc điểm và nhu cầu của bản thân.

GS Han Xu ở ĐH Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc nói: “Xây dựng ĐH hàng đầu thế giới không phải là việc ngày một ngày hai mà cần sự cố gắng chung của mấy thế hệ. ĐH thời đại mới có ưu thế là ở trong môi trường tương đối hoà bình, có nguồn tài nguyên mạng nhanh chóng tiện lợi, nhưng cũng cần cảnh giác với sự nông nổi của thời đại này.”

GS Yuan Meng-chen ở ĐH Thanh Hoa đề nghị: “Hãy làm cho nguồn giáo viên và tài nguyên giảng dạy của 9 ĐH này được luân chuyển. Như hãy cho 10 giáo viên ĐH Bắc Kinh hàng năm được bình chọn là giáo viên được sinh viên hoan nghênh nhất, thay nhau đến ĐH Thanh Hoa giảng dạy; giáo viên giỏi của Thanh Hoa cũng sang ĐH Bắc Kinh giảng dạy, chứ không hạn chế ở chỗ chỉ trao đổi sinh viên và thừa nhận chứng chỉ học tập lẫn nhau.”

Tại cuộc Hội thảo lần thứ 9 nói trên, đa số đại biểu các trường có thái độ nghi ngờ hiệu quả trao đổi sinh viên trong phạm vi toàn quốc.

Ông Trần Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Nam Kinh, cho rằng việc phát triển Liên minh C9 phải bắt đầu từ những hợp tác cụ thể; chỉ có bổ sung lẫn nhau các ưu thế của mỗi trường thì mới thể hiện được sức mạnh của ĐH hàng đầu Trung Quốc. Cần giải phóng giáo viên, SV, hiệu trưởng ra khỏi các loại “gông cùm”, sao cho SV được học, hiệu trưởng được làm chuyên nghiệp của mình. Ngoài Ivy League của các ĐH tư thục ra, ở Mỹ còn có liên minh 10 ĐH công lập lớn rất đáng để Trung Quốc tham khảo. Các thư viện của liên minh này có hơn 78 triệu cuốn sách. Thực ra Liên minh C9 của Trung Quốc có nhiều ưu thế hơn. Toàn bộ các ĐH thuộc Dự án 985 đều do chính phủ Trung Quốc đầu tư (không như ĐH công ở Mỹ do nhiều ngành trong chính quyền lập ra), vì thế các trường này nên vượt ra khỏi lợi ích cục bộ.

Ông Trịnh Nam Ninh, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Tây An, mong muốn NCS do Liên minh C9 chiêu sinh có thể không tham gia thi thống nhất toàn quốc mà do các ĐH này tự chủ chiêu sinh, tuyển chọn.

Một blogger viết: Thấy nước Mỹ có Ivy League, Trung Quốc không chịu thua, cũng lập Ivy League của mình; chẳng khác gì Mỹ có NBA (Hội bóng rổ), ta cũng nhất định làm CBA. Từ lâu lắm, người Trung Quốc thích học người Mỹ, nhất là giáo dục cao đẳng. Chỉ có điều học một cách “có đặc sắc Trung Quốc”. Cái cơ bản của người ta thì không học, thí dụ tự do học thuật, tự trị đại học và giáo sư quản lý nhà trường. Những cái vớ vẩn, hình thức thì nhất định học, thậm chí chỉ học cái bề ngoài, không học thực chất, như chế độ học của NCS, thạc sĩ Mỹ học 2 năm, ta cũng 2 năm. Cái bên trong thì vẫn kiên trì đặc sắc Trung Quốc, kết quả chẳng ra ngô ra khoai. Ivy League vốn là một liên minh thể dục của 8 trường ĐH Mỹ, không liên quan gì với giảng dạy. Người ta quen gọi mấy ĐH lâu đời và đậm màu sắc quý tộc ấy là ĐH Ivy League. Chỉ là cái tên gọi mà thôi chứ 8 ĐH ấy có lập liên minh gì đâu. Thực ra mỗi ĐH ấy đều là ĐH tư thục, đều có đặc sắc riêng, Còn ĐH của ta thì như nhau tuốt, đều là ĐH nhà nước lập. Bây giờ mới biết thì ra xưa nay các ĐH này không thừa nhận học phần của nhau, nay lập liên minh thì mới chịu thừa nhận.

Nhằm thực hiện giấc mơ biến Trung Quốc trở thành cường quốc dẫn đầu toàn cầu, từ năm 1998 Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực thi kế hoạch xây dựng một hệ thống trường đại học (ĐH) có trình độ hàng đầu thế giới.

Theo Bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới năm 2009 do báo The Times và Cơ quan Nghiên cứu giáo dục cao đẳng nổi tiếng Anh Quốc Quacquarelli Symonds liên kết đưa ra, Mỹ và Anh chiếm các vị trí cao nhất trong Top 50 ĐH; Trung Quốc chỉ có 3 ĐH của Hồng Công và 1 ĐH của nội địa (ĐH Thanh Hoa) lọt vào Top 50 này. ĐH Bắc Kinh xếp thứ 53, sau đó tới ĐH Phục Đán thứ 104.

Nếu so với xếp hạng năm 2006, ĐH Bắc Kinh tụt 38 bậc, ĐH Thanh Hoa tụt 21 bậc, ĐH Phục Đán lên 12 bậc.

Trong Bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới năm 2010 do ĐH Giao thông Thượng Hải lập (Academic Ranking of World Universities-2010), Trung Quốc cũng không có tên trong Top 50.

Ghi chú:
[1] Theo Dự án 985, các ĐH thuộc Liên minh C9 được cấp kinh phí (để thực hiện nhiệm vụ Dự án) như sau: – Nhóm ĐH có mục tiêu tiến tới ĐH hàng đầu thế giới gồm ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa mỗi trường 1,8 tỷ RMB (Nhân dân tệ, 1 RMB = 0,147 USD); – Nhóm ĐH có mục tiêu tiến tới ĐH hàng đầu trong nước và có tiếng trên thế giới gồm ĐH Triết Giang 1,4 tỷ; ĐH Nam Kinh, ĐH Phục Đán, ĐH Giao thông Thượng Hải mỗi trường 1,2 tỷ; ĐH Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân 1 tỷ; ĐH Khoa học Kỹ thuật, ĐH Giao thông Tây An mỗi trường 0,9 tỷ RMB. Nguồn kinh phí nói trên do Bộ Giáo dục và chính quyền tỉnh hoặc đơn vị cấp trên ngành dọc chung nhau đài thọ.

 

Tác giả