Đầu tư cho đại học quốc tế: Cuộc tranh luận không có hồi kết

Tháng trước, nhân dịp lễ khánh thành trường Đại học Việt Đức, Giáo sư Ngô Việt Trung và PGS. Trần Đình Phong đã khởi xướng một cuộc tranh luận về sự hỗ trợ của Việt Nam đối với trường đại học này và với Đại học Việt Pháp. Hai trường này thường được gọi ngắn gọn tương ứng là VGU và USTH. Tôi biết cả hai người và đều rất trân trọng họ. Mỗi người đều có quan điểm riêng, GS. Ngô Việt Trung thất vọng về việc Việt Nam hỗ trợ chưa đủ cho giáo dục đại học trong nước, PGS. Trần Đình Phong đề cao những nỗ lực của ban giám hiệu USTH trong việc phát triển trường đại học của họ. Sẽ rất sai lầm nếu ta rơi vào bẫy cho rằng cần kết thúc tranh luận và xác định ai mới là người đúng trong cuộc tranh luận. Cả hai đều đúng, cái sai là cách chúng ta giải quyết những vấn đề như vậy ở Việt Nam.

Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm máy gia tốc, Đại học Quốc gia Hà Nội đang giới thiệu quy trình vận hành máy gia tốc tĩnh điện hiện đại, lần đầu tiên lắp đặt tại Việt Nam. Ảnh : vnu.edu.vn

Trong một bài viết trước đây trên Tia Sáng, sau khi giới thiệu Nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam (Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, sau đây gọi tắt là Nghị quyết 14), tôi bình luận rằng: “Nghị quyết chỉ đưa ra định hướng chung; Thủ tướng mong đợi việc triển khai Nghị quyết sẽ được thực hiện ở cấp dưới. Nhiệm vụ mà các lãnh đạo nhà nước chịu trách nhiệm, giảm nghèo đói và bất công, mang lại sự tiếp cận giáo dục cho số dân ngày càng tăng, là hết sức khó khăn và nhiều áp lực do đó ta không thể mong đợi Nghị quyết có thể đề cập những hành động chi tiết để thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học. Giáo dục đại học đến nay vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn lực của chính phủ, những giải pháp cho hầu hết các vấn đề cấp bách chỉ mang tính ngắn hạn, dường như vẫn đang thiếu một tầm nhìn dài hạn để chèo lái đúng hướng. Để Nghị quyết 14 được thực hiện hiệu quả, cần có một tổng công trình sư, chịu trách nhiệm cuối cùng; nhưng đáng tiếc cũng giống như Chương trình Điện Hạt nhân không thành công hay Chương trình Vũ trụ hiện tại chúng ta không có một người như vậy mà trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 14 lại được phân chia cho nhiều bộ và cơ quan, trong đó có Đại học Quốc gia (VNU) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)…, mà kết quả chỉ có thể là sự rời rạc và kém hiệu quả. Trong bối cảnh đó, các học giả được mong đợi tập hợp lại với nhau trên các diễn đàn, chẳng hạn trong các hội chuyên ngành như Hội Vật lý Việt Nam, và tạo nên các nhóm làm việc/tổ công tác vạch ra các giải pháp thiết thực nhất để triển khai Nghị quyết 14. Nhưng đáng tiếc, những sáng kiến như vậy không được thúc đẩy ở Việt Nam. Tất nhiên là có những phân tích bởi các tác giả Việt Nam1 hoặc bởi những hội thảo có nhiều người Việt Nam tham dự2, thậm chí bởi các cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo3, nhưng không một ai trong số họ có đủ vai trò để vạch ra một lộ trình rõ ràng. Qua nhiều phân tích minh họa cho cách quốc tế nhìn nhận về giáo dục đại học Việt Nam4; tôi luôn bị ấn tượng bởi mối quan tâm lớn mà các học giả nước ngoài dành cho giáo dục đại học Việt Nam, tương phản với thái độ của nhiều học giả trong nước. Tôi nhớ vài năm trước, có lần tôi tiếp cận với hiệu phó của một trường đại học Việt Nam và nói với ông ấy về những khiếm khuyết trong việc cấp bằng tiến sỹ ở Việt Nam; ông ấy trả lời rằng đó không phải việc của mình, và rằng tôi nên tìm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bất cứ ai yêu tri thức và khoa học và muốn thấy đất nước phát triển đều sẽ phải quan tâm và coi đó là việc của mình, không phải thế sao? Một thí dụ minh họa nữa là một hội thảo chiến lược mới đây của USTH mà tôi có tham dự. Số học giả người Pháp tham dự lớn hơn hẳn số học giả người Việt Nam, mặc dù hội thảo diễn ra ở Hà Nội. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng sự hỗ trợ quốc tế về giáo dục đại học có thể giúp chúng ta thoát khỏi gánh nặng đối mặt với các thách thức mà không cần đầu tư thời gian và công sức cho nó. Bởi vậy, nó khuyến khích sự vô trách nhiệm và cho phép chúng ta nói rằng mình đó không phải việc của mình. Trái lại, chúng ta cần được tổ chức một cách hiệu quả để tận dụng tối đa sự hỗ trợ đó”.

Trước khi nhận dạng những trường đại học xuất sắc, cần phải nhận dạng những cá nhân và những nhóm nghiên cứu xuất sắc; chỉ bằng cách khiến cho họ làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng được những trường đại học xuất sắc.

Sau khi đã mô tả một số chi tiết về VGU và USTH là gì và những thách thức mà các đại học này đang phải đối mặt, tôi đã trả lời câu hỏi cần phải làm gì: “Tôi đã có nhiều cơ hội để bàn về chủ đề đổi mới giáo dục đại học trên Tia Sáng và cả ở những nơi khác5, đến nỗi những gì tôi sẽ nói chỉ là nhắc lại những gì đã từng nói trước đó. Tôi không đặc biệt thông thái, không có chuyên môn đặc biệt, không có tầm nhìn đặc biệt, không có tài năng đặt biệt; tôi chỉ viết ra những điều hợp lẽ thường; nhiều đồng nghiệp Việt Nam có tư cách hơn tôi để dẫn dắt chúng ta trên con đường cách mạng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kêu gọi khoảng mười hai năm trước, với thông điệp cơ bản là một cuộc cách mạng đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức, để biến các trường đại học thành những ngôi đền của sự nghiêm khắc về tri thức và đạo đức. Chúng ta dường như không sẵn sàng hoặc không muốn thúc ép nó. Nhưng không tiến hành cách mạng, chúng ta sẽ chắc chắn thất bại.

Việc thực hiện những hướng dẫn của Nghị quyết 14 đòi hỏi một tầm nhìn tổng quan bao quát được không chỉ các trường đại học mà toàn bộ giáo dục sau phổ thông, bao gồm cả các trường dạy nghề, có tính đến tình hình quốc tế, xét cả ngắn hạn và dài hạn, và lưu ý đến những ràng buộc của thực tế. Điều này bị cản trở bởi sự thiếu vắng một người lãnh đạo và sự phân tán trách nhiệm giữa các nhân tố liên quan đến cải cách. Trước khi đề xuất cách vượt qua trở ngại chính đó, tôi xin có vài nhận xét sơ bộ.

Câu hỏi đầu tiên là: vì sao các trường đại học kiểu mới sẽ thành công trong khi các trường khác thất bại? Câu trả lời, theo tôi, là mô hình kiểu mới đem đến điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn cho giảng viên của các trường đó. Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo: làm sao để đảm bảo là họ xứng đáng với những điều kiện tốt hơn đó? Cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra là thực hiện một quá trình tuyển chọn khắt khe đối với cả sinh viên lẫn giảng viên, về cả giảng dạy lẫn nghiên cứu. Những điều trên là hiển nhiên, nhưng chúng gợi ra nhiều bình luận. Nếu chúng ta muốn mô hình đại học kiểu mới được các nhân tố của giáo dục đại học chấp nhận, chúng ta phải chỉ ra được những đặc quyền của nó là chính đáng. Không thể đơn giản đưa từ trên xuống một quyết định rằng trường đại học này hay trường đại học kia là trường đại học xuất sắc; đó là những danh hiệu vô nghĩa. Trước khi nhận dạng những trường đại học xuất sắc, cần phải nhận dạng những cá nhân và những nhóm nghiên cứu xuất sắc; chỉ bằng cách khiến cho họ làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng được những trường đại học xuất sắc. Sự xuất sắc được áp dụng cho cả sinh viên lẫn giảng viên. Sự tuyển chọn cần nghiêm túc và chính trực. Đối với sinh viên, đó là sự nghiêm túc và chính trực trong kỳ thi tuyển, cũng như trong việc theo dõi sự tiến bộ và việc cấp bằng. Đối với giảng viên, đó là sự nghiêm túc và chính trực trong tuyển dụng và thăng tiến, với ban tuyển dụng đánh giá dựa trên những tiêu chí khách quan: kinh nghiệm và trình độ giảng dạy, số lượng và chất lượng các bài báo khoa học, năng lực lãnh đạo nghiên cứu, kinh nghiệm đào tạo thạc sỹ và/hoặc tiến sỹ, uy tín quốc tế, năng lực phát triển hợp tác, v.v.

Hơn ba thập kỷ từ khi Đổi mới, chúng ta vẫn chưa thể làm giảm nạn chảy máu chất xám. Trong việc này, chúng ta không thể trông chờ các đối tác nước ngoài giúp đỡ. Tôi sống ở Việt Nam, và tôi đấu tranh để tài năng của các đồng nghiệp trẻ người Việt được thừa nhận ở Việt Nam. Nếu tôi sống ở Pháp và chào đón những sinh viên Việt Nam gia nhập các đồng nghiệp trẻ của mình, tôi sẽ đấu tranh để tài năng của họ được thừa nhận ở Pháp; tôi sẽ chẳng quan tâm đến nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam, tôi thậm chí sẽ góp phần làm cho nó nặng hơn. Ý thức được rằng Việt Nam không thể cho họ điều kiện làm việc thích hợp và không tôn trọng hiểu biết và kỹ năng của họ, tôi sẽ cố hết sức để giữ họ lại Pháp hoặc đâu đó ở châu Âu. Chúng ta sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng hỗ trợ quốc tế đơn giản là cho sinh viên Việt Nam cơ hội du học và cho giảng viên nước ngoài cơ hội đến Việt Nam một hai tuần để giảng lại những gì họ đã giảng ở nước họ. VGU và USTH sẽ trở thành nơi môi giới du lịch cho giảng viên nước ngoài và phương tiện chảy máu chất xám cho sinh viên Việt Nam nếu chúng ta cứ tiếp tục bỏ quên trách nhiệm của mình. Cụ thể, chúng ta cần: nhận dạng những nhóm nghiên cứu Việt Nam có khả năng tận dụng ưu thế hợp tác với các nhóm nghiên cứu nước ngoài để phát triển về chất lượng và quy mô; hỗ trợ các nhóm đó một cách thiết thực; ngược lại, mỗi sinh viên Việt Nam du học bằng hỗ trợ tài chính của nhà nước phải kèm theo điều kiện được một nhóm hướng dẫn trong nước liên hệ sát sao và theo dõi quá trình học tập”.

Phòng thí nghiệm của khoa Kỹ thuật hàng không, Đại học Việt Pháp. Ảnh: Fanpage USTH

Lúc đó, tôi đã bình luận rằng chúng ta sẽ rất sai lầm khi nghĩ rằng tất cả các trường đại học nước ngoài đều tốt và chúng ta chỉ cần sao chép những mô hình đó là có thể thành công; Thay vào đó, tôi nhấn mạnh rằng chúng ta cần học từ cả thành công và thất bại của nước ngoài và áp dụng chúng vào bối cảnh Việt Nam. Tôi đưa ra những ví dụ minh họa rằng nếu chúng ta không xác định rõ nhu cầu của đất nước là gì, chúng ta sẽ thất bại trong sứ mệnh phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Tôi cũng đã bình luận về các nguồn lực tài chính như sau: “Sinh thời GS. Hoàng Tụy thường nói rằng ưu tiên hàng đầu để phát triển các trường đại học Việt Nam là tăng lương đến một mức khá cho giảng viên và nghiên cứu viên. Việc này chỉ có thể được thực hiện cùng với việc đưa ra một hệ thống đánh giá chất lượng công bằng và khách quan. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bàn về một tác động tài chính ở một quy mô đủ lớn. Chúng ta không thể nói, như một lý do cho việc thụ động, rằng thiếu nguồn tài chính, khi mà bao nhiêu tiền bị lãng phí do quản lý yếu kém, chưa kể đến tham nhũng. Hàng triệu USD bị lãng phí vì đầu tư vào các thiết bị không được dùng đến. Trái lại, những quy định mới về tự chủ và cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học đang cản trở sự phát triển và đe dọa sự sống còn của những nhóm nghiên cứu xuất sắc trong cả nước”.

Để kết luận, sau đó tôi đã bình luận rằng “VGU và USTH phát triển chậm hơn kỳ vọng và đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về tuyển sinh. Nếu hai trường thất bại, đó trước hết sẽ là thất bại của Việt Nam chứ không phải thất bại của các nước đối tác. Giúp hai trường thành công là vì lợi ích của Việt Nam; quả bóng đang ở trong chân chúng ta. Các nước đối tác đã dành nhiều thời gian và công sức cho sự phát triển của VGU và USTH, chúng ta thì chưa. Có thể chúng đang đi chệch đường vì thiếu một nhận thức chính xác về tình hình Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm làm cho chúng quay lại con đường đúng. Chúng ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Thiếu chỉ đạo từ trên xuống không phải lý do để cứ mãi thụ động. Những khởi xướng từ dưới lên sẽ giúp thúc đẩy tiến bộ và cần được khuyến khích. Chúng ta không được phép quản lý giáo dục đại học như dự án đường sắt đô thị Hà Nội; ở đây chúng ta không chỉ xử lý hàng trăm triệu USD, mà quan trọng hơn, nó còn tác động tới tương lai của trẻ em cả nước, tài sản lớn nhất của quốc gia.

VGU và USTH sẽ trở thành nơi môi giới du lịch cho giảng viên nước ngoài và phương tiện chảy máu chất xám cho sinh viên Việt Nam nếu chúng ta cứ tiếp tục bỏ quên trách nhiệm của mình.

Tôi xin gợi ý rằng VGU và USTH có thể bắt đầu những nỗ lực thành lập những nhóm làm việc nhỏ với nhiệm vụ nghiên cứu một cách nghiêm túc tình hình và đưa ra những đề xuất để cải thiện nó. Một số nhóm cần nghiên cứu nhu cầu của Việt Nam về giáo dục đại học để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. […] Những nhóm làm việc như vậy sẽ không thuộc về riêng nước nào, mà vận hành trong sự hợp tác giữa Việt Nam và nước đối tác. Phần lớn công việc cần được thực hiện trong nước bởi người Việt Nam, nhưng sự tham gia của các nhà khoa học của nước đối tác cũng là cần thiết, đặc biệt là các nhà khoa học hiện diện ở Việt Nam, chẳng hạn các thành viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD) của Pháp. Thành phần chủ yếu của các nhóm làm việc cần phải là các nhà khoa học chứ không phải các nhà quản lý hay các chính trị gia: giảng viên, nghiên cứu viên, và cả sinh viên – tôi chắc chắn một số sinh viên sẽ tự nguyện đóng góp thời gian vào các nghiên cứu đó nếu được trao cơ hội, và những gì họ sẽ học được là vô giá. Các nhóm làm việc cần viết các báo cáo, gửi cho chủ tịch hay hiệu trưởng của trường đại học, tóm tắt kết quả công việc, phân tích và đề xuất những hành động nhằm giúp trường đại học tiến bộ và phát triển theo đúng hướng. Họ có thể học hỏi Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc thực hiện những báo cáo chất lượng về những vấn đề chính liên quan đến sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam.

Những quy định mới về tự chủ và cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học đang cản trở sự phát triển và đe dọa sự sống còn của những nhóm nghiên cứu xuất sắc trong cả nước.

Bên cạnh những nhóm làm việc gắn với các khu vực cụ thể liên quan đến chương trình giảng dạy của trường đại học, cần có một số nhóm giải quyết các câu hỏi chung hơn, chẳng hạn độ dài của chương trình và logic đằng sau nó, hay tiền lương của các nhà khoa học ở đại học công, đại học tư và các viện nghiên cứu, hay nghiên cứu sự tiến triển của nạn chảy máu chất xám và nguyên nhân của nó.

Kết quả của việc đó sẽ vô cùng giá trị. Các báo cáo sẽ tạo thành một nguồn tư liệu quý giá để các hội đồng trường, các liên minh các trường đại học và các ban quản lý có thể dựa vào đó để khởi xướng các bước giúp cho sự tiến bộ và phát triển của trường đại học. Quan trọng hơn, chúng sẽ khiến cộng đồng khoa học và sinh viên Việt Nam nhận thức tốt hơn trách nhiệm của mình; chúng sẽ trở thành hình mẫu để các tổ chức, chẳng hạn các hội chuyên ngành, chủ động tham gia vào sự tiến bộ và phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, vào việc làm giảm và tiến đến ngăn chặn hoàn toàn nạn chảy máu chất xám.

Đứng núi này trông núi nọ. VGU và USTH có thể giúp sinh viên nhảy qua hàng rào sang nước ngoài, như sinh viên Việt Nam vẫn làm như vậy hàng thập kỉ qua. Họ cũng có thể giúp sinh viên chăm sóc ngọn núi bên này. Quyết định lựa chọn và hành động ở bên nào là của chúng ta”.□

Phạm Ngọc Điệp dịch

Chú thích

1Reforming Higher Education in Vietnam, Challenges and Priorities, Harman, Grant, Hayden, Martin, Nghi Pham, Thanh (Eds.), Springer, 2010.

2 http://www.vnseameo.org/InternationalConference2019/wp-content/uploads/2019/07/Mr.-John-Andre_Academic_Leadership_and_Learning_-Analytics_in_Higher_Education_in_Vietnam.pdf; John Andre, Le Trung Kien, and Ray Webster, Academic Leadership and Learning Analytics in Higher Education in Vietnam.

3 https://www.slideshare.net/British_Council/assoc-prof-nguyen-thu-thuy; Nguyen Thu Thuy, Vietnam’s higher education: going forward and going global,  May 15 2019.

4 https://wenr.wes.org/2017/11/education-in-vietnam; Stefan Trines, Education in Vietnam, 8/11/2017.

https://www.usaid.gov/vietnam/fact-sheets/higher-education; USAID, Higher Education in Vietnam,  1 October 2019.

https://dune.une.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1209&context=theses; Hoang-Yen (Maya) T. Dang, The Need For Academic Reform In Vietnamese Higher Education (VHE) To Align With Employers’ Expectations, 5-1-2019.

https://www.diplomatie.gouv.fr/fr/venir-en-france/etudier-en-france/veille-sur-les-systemes-d-enseignement-superieur-dans-le-monde-base-curie/asie-oceanie/article/vietnam; France

Diplomatie, Higher education in Vietnam, 14 November 2018.

https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20190129142655883; NitaTemmerman,

Transforming higher education in Vietnam, 1 February 2019.

https://internationaleducation.gov.au/International-network/vietnam/publications/

Documents/Vietnam%20High%20Education% 20Policy%20and%20Systems%20Update.pdf; Australian Government, DoET, Vietnam higher education, policy and system update, October 2018.

Mahsood Shah & Cuong Huu Nguyen, Quality Assurance in Vietnamese Higher Education: Policy and Practice in the 21st Century, Palgrave Macmillan, DOI: 10.1007/978-3-030-26859-6, October 2019.

5 Tôi tập hợp ở đây vài bài báo liên quan https://drive.google.com/open?id= 11WaVrgi5MkmbScuKyPM17va8A4vgdvW7

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)