Đi tìm những cử nhân đầu tiên của Đại học Luật Đông Dương
Trường Luật Đông Dương là mô hình đào tạo cử nhân đầu tiên của giáo dục thời Pháp thuộc. Quá trình đi tìm những cái tên tốt nghiệp khóa đầu của trường sẽ hé lộ cho ta thấy mối quan tâm của Pháp tới đào tạo con người ở thuộc địa, sự đón nhận của người Việt với bậc giáo dục mới và quan trọng hơn là vai trò của nó trong việc tạo ra những con người góp phần xây dựng chính phủ mới sau này.
Dù còn những luyến tiếc, nhưng nhận thấy khoa cử nho học không còn phù hợp nữa, nên Vua Khải Định và chính quyền Pháp đã đồng ý bãi bỏ khoa cử nho học. Việc này được quyết định chính thức theo chỉ dụ ngày 28/12/1918 của Vua Khải Định. Khoa thi Hương chọn tú tài và cử nhân vào năm 1918 tại trường Thừa Thiên và khoa thi Hội, thi Đình tại Kinh đô Huế năm 1919 để chọn tiến sĩ là những khoa thi nho học cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Thực tế là trước khi ở trong nước bãi bỏ khoa cử truyền thống thì đã có những người Việt Nam ra nước ngoài, chủ yếu là đến Pháp, để học và lấy bằng cử nhân, tiến sĩ trong một số lĩnh vực, và một số bằng cấp đặc thù khác. Vậy còn việc đào tạo ngay tại Việt Nam những cử nhân tân học theo mô hình phương Tây đã có từ khi nào ? Việc này gắn với sự ra đời của trường Đại học Luật Hà Nội. Trường này còn được gọi bằng tên khác như Cao đẳng Luật Hà Nội, trường Luật Hà Nội, trường Luật Đông Dương, Cao đẳng Luật Đông Dương.
Bảy sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp cử nhân luật tại Hà Nội
Bằng Sắc lệnh ngày 11/9/1931 của Tổng thống Cộng hòa Pháp là Paul Doumer, một trường Đại học Luật để đào tạo cử nhân luật đã được thành lập tại Hà Nội và Trường này trực thuộc Đại học Đông Dương.1 Năm học đầu tiên của trường Đại học Luật khai giảng chính thức vào ngày 15/2/1932, do Toàn quyền Pierre Pasquier chủ tọa. Vào lúc đó, trường đang trong giai đoạn quá độ, chuyển đổi từ trường Cao học Đông Dương lên, vì vậy vào năm 1932 chỉ có duy nhất việc giảng dạy để cấp Chứng chỉ luật Đông Dương (Certificat d’études juridiques indochinoise). Lớp cử nhân luật được khai giảng muộn hơn, vào ngày 13/2/1933. Bài giảng đầu tiên cho lớp cử nhân được thực hiện bởi giáo sư luật Bienvenue, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Luật Hà Nội. Vì khai giảng muộn nên phải đẩy nhanh tiến độ giảng dạy. Đến tháng 10/1935 đã có kỳ kiểm tra tốt nghiệp đầu tiên của Trường Luật Hà Nội để cấp bằng cử nhân. Hà Thành ngọ báo, Số 2447, ra ngày 7/11/1935 có tường thuật sự kiện chính thức công bố những vị cử nhân luật đầu tiên của Trường Luật Đông Dương như sau:
“Chiều qua tại diễn đài trường cao đẳng phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay). Quan toàn quyền Robin đến dự lễ phát bằng cho các ông Cử mới (…)
Lễ này do giáo sư Maunier đại diện trường Luật khoa Paris chủ tọa. (…). Đến dự lễ có quan Toàn quyền Robin ngồi giữa, một bên là ông Camerlynk, Giám đốc trường Luật Hà Nội, một bên là giáo sư Maunier. Cùng hàng ghế nhất, có ông Giám đốc nha Học chánh Đông Dương Bernard và các giáo sư ban Luật khoa. Trên các hàng ghế khác, người ta thấy có mặt quan Thống sứ Bắc Kỳ, quan giám đốc tư pháp, Guiselin, các quan tòa Morché Nadaillat, quan chưởng lý Le Bel, các Luật sư Pháp, Nam (Việt Nam), các vị thân hào và các sinh viên các ban trường Cao đẳng rất đông. (…)
Dứt bài diễn văn của quan Giám đốc Nha học chánh thì giáo sư Maunier gọi 7 ông cử mới là: Các ông: Nguyễn Thương Dương, Vũ Văn Hiền, Lê Văn Mão, Nguyễn Văn Tri, Phạm Quang Su, Trịnh Đỗ Thi, Trần Văn Thinh lần lượt từng người lên để quan Toàn quyền phát cho mỗi ông một tờ giấy chứng thực vì bằng chưa gửi ở Pháp sang.
Riêng ông Vũ Văn Hiền được đức Bảo Đại ban thưởng một tấm bội tinh. Giáo sư Maunier lại hứa sẽ xin ở bên Pháp cho thí sinh nào giỏi nhất một phần thưởng của trường Đại học luật bên ấy. (…). Ngọ báo xin có lời mừng các ông cử mới, đã làm rạng vẻ cho học giới nước nhà”.
Không phải là bảy người mà 13 người
Khi tìm hiểu những tài liệu có ghi lại sự kiện này, chúng tôi bắt gặp một báo cáo của giáo sư Jean Esscarra và một báo cáo của giáo sư René Cassin. Đây là hai người được Khoa Luật Paris cử sang chủ trì kỳ kiểm tra đánh giá lên lớp và tốt nghiệp cho sinh viên Trường Luật Đông Dương, lần lượt vào tháng 5/1938 và tháng 5/1939. Theo danh sách của hai giáo sư, số người Việt Nam đỗ cử nhân thuộc khóa 1 là không phải là bảy mà là 13 người. Đặc biệt là có bốn người được nhắc tên trong Hà thành ngọ báo nhưng lại không có tên trong danh sách của hai giáo sư, đó là: Nguyễn Thương Dương, Nguyễn Văn Tri, Phạm Quang Su, Trịnh Đỗ Thi.
Hóa ra, trong một vài năm đầu hoạt động, Trường Luật Đông Dương tổ chức một lần kiểm tra đánh giá chính vào tháng mười và kỳ thi phụ vào tháng hai của năm sau dành cho những người chưa đỗ ở kì thi chính. Kỳ thi này gồm hai bài thi vấn đáp và để tham gia kì thi này, các thí sinh phải vượt qua một bài thi viết trước đó. Chúng tôi tìm được trên tờ L’Avenir du Tonkin tin tức về kì thi này thì thấy có đúng bảy người vượt qua cả bài thi viết và hai bài thi vấn đáp, và bảy người này đều có trong danh sách của hai người giáo sư đó là: 1. Vu Van Hien (Vũ Văn Hiền), 2. Trinh Ho Thi (Trịnh Hồ Thi), 3.Tran Van Tri, 4. Tran Trong Dzu (Trần Trọng Dzu), 5. Le Van Mao, 6. Nguyen Xuan Duong (Nguyễn Xuân Dương) và 7. Nguyen Van Trac.
Vậy còn bốn cái tên khác biệt giữa danh sách của Hà Thành ngọ báo và của hai giáo sư thì sao? Hà thành ngọ báo đã đưa sai tên. Danh sách của hai giáo sư có độ tin cậy cao hơn nhiều vì danh sách của giáo sư Esscarra vào năm 1938 được giáo sư Cassin thẩm định lại và cập nhật công việc và tình hình hiện tại của các cử nhân vào năm sau.
Đi tìm tiếp sáu cái tên đỗ ở kỳ thi phụ trên tờ L’Avenir du Tonkin thì chúng tôi thấy rằng, có hai vị là Vũ Đình Hòe (về sau ông trở thành Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Nguyễn Văn Huyền (về sau làm luật sư) không thấy có tên đỗ một bài vấn đáp của kỳ thi chính thì đã đỗ ở kỳ thi phụ. Còn có ba người không thấy tên đỗ trong cả hai bài vấn đáp kì thi chính giờ đã đỗ ở kỳ thi phụ là Ta Nhu Khue (Tạ Như Khuê), Dinh Xuan Quang và Nguyen Luong. Nhưng vẫn còn một trường hợp nữa là Ta Van Am, tuy có trong danh sách của hai vị giáo sư nhưng lại không có trong danh sách đỗ của kì thi phụ (trước đó thì ông đỗ kì thi vấn đáp một và không có tên đỗ trong bài vấn đáp hai tại kì thi chính). Nhưng thật may mắn là chúng tôi lại tìm được danh sách của ông Ta Van Am cùng với ông Vũ Văn Hiền và ông Tran Trong Dzu đã đạt chứng chỉ nghiên cứu luật Đông Dương (Certificat d’études juridiques indochinoises) vào dịp tháng 10/1936.
Theo quy định của Trường Luật thì kể từ năm học 1935-1936 chỉ những ai đã đỗ cử nhân luật thì mới được học tiếp chứng chỉ này (nhưng phải đăng ký học, gồm nhiều môn học), thường gọi đó là năm thứ tư. Đây là chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu khi tham gia một số vị trí trong hệ thống hành chính, công quyền khi đó. Từ đó có thể khẳng định ông Ta Van Am đã đỗ cử nhân trước đó, rồi mới theo học chứng chỉ luật Đông Dương và đạt chứng chỉ này vào tháng 10/1936.
Cuộc thi “tìm người tài”
Ngoài ra, trong kỳ kiểm tra, Trường Luật còn có tổ chức cuộc thi (concours) giữa các thí sinh theo các năm học bằng bài viết. Thường là môn luật dân sự (dân luật-Droit civil) và một bài chọn ra theo các môn học còn lại tùy theo năm học. Dựa trên thứ hạng phân định theo thang điểm số để trao giải (prix) nhất, nhì, ba và hạng (mention) nhất, nhì, ba. Người được giải nhất và nhì trong cuộc thi này còn được miễn tiền đăng ký tham dự vào các hội nghị và kỳ kiểm tra đó (nếu là sinh viên chưa tốt nghiệp). Cuộc thi này là một truyền thống tại các trường luật bên Pháp để khuyến khích và tìm kiếm tài năng. Không ít thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi này đã trở nên có tên tuổi về chuyên môn sau đó.
Trong bài của Hà Thành ngọ báo cũng có đưa tin về Cuộc thi (concours) của năm học 1934-1935 này. Chúng tôi đối chiếu và thấy thông tin về căn bản trùng khớp với thông tin trong tờ báo tiếng Pháp (có một chỗ khác nhau, chúng tôi sẽ giải thích), cụ thể như sau :
– Năm thứ nhất, môn Dân luật: giải thưởng thứ nhất cho ông Nguyễn Tư Vê, giải thưởng thứ hai cho ông Caratini; hạng thứ nhất cho ông Nghiêm Đăng;
– Năm thứ nhất, môn Kinh tế chính trị : giải thưởng thứ nhất là ông Nguyễn Tư Vê, nhì là ông Caratini, hạng nhất là ông Vũ Văn Mẫu, hạng nhì là ông Phạm Huy Thông.
– Năm thứ hai, môn Dân luật : giải nhất ông Hoàng Cơ Thụy, giải nhì ông Dương Minh Châu (về sau ông là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa I, nhưng ông bị Thực dân Pháp phục kích hi sinh vào năm 1947); hạng nhất ông Hoàng Thúc Đam, hạng nhì ông Phan Văn Anh;
– Năm thứ hai môn Hình luật, đồng giải nhất là ông Hoàng Cơ Thụy và ông Trịnh Khánh Phong (về sau ông trở thành cố vấn tòa án Thượng thẩm Hà Nội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); hạng nhất ông Huỳnh Văn Tỵ (theo Hà Thành Ngọ báo là ông Nguyễn Văn Tri, Ngọ báo lại không chính xác, lúc trước đã xếp ông Nguyễn Văn Tri vào danh sách đỗ cử nhân, tức là năm thứ ba, ở đây lại xếp vào thuộc năm thứ hai. Thực tế là không có ông này, mà phải là ông Huỳnh Văn Tỵ, lúc này đang học năm thứ hai (1935), vì chúng tôi thấy tên ông Huỳnh Văn Tỵ xuất hiện trong bảng danh sách cử nhân của hai giáo sư năm 1936), hạng nhì ông Hoàng Thúc Đam;
– Năm thứ ba môn Dân luật: không có giải nhất; giải nhì là ông Vũ Văn Hiền, hạng nhất là ông Lê Văn Mão.
– Năm thứ ba môn Khoa học tài chính, giải nhất là ông Vũ Văn Hiền (về sau ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính của chính phủ Trần Trọng Kim, ông cũng là Tổng thư ký Đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Công hòa tham dự Hội nghị Đà Lạt đàm phán với Pháp), giải nhì là ông Vũ Đình Hòe; hạng nhất là ông Nguyễn Xuân Đương.
Nữ cử nhân luật đầu tiên tại Đại học Luật Đông Dương
Vào tháng 5/1938 có một phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận bằng cử nhân luật của Trường Luật Đông Dương. Vị nữ cử nhân đó tên là Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Vì đây là một trong số các sự kiện đánh dấu bước tiến bộ của nữ giới nước ta thời đó, cho nên một số báo chí ngày ấy cũng đã đưa tin về bà. Theo đó, bà xuất thân trong một gia đình không xa lạ với nhiều người. Cha của bà chính là cụ Nguyễn Quí Anh. Như vậy ông nội của bà chính là cụ cử nhân nho học Nguyễn Thông (1827-1884). Tràng An báo, số 324, ngày 27/5/1938, mục thư Sài Thành có đoạn viết như sau: “Nước Nam đã có thêm một nữ luật sư. Nữ luật sư ấy là cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt (…), lệnh ái ông Nguyễn Quí Anh hội trưởng hội buôn Liên thành ở số nhà 205, đường Charles Thomson tại Chợ lớn. Cô Nguyệt năm nay mới có có 25 tuổi. Thật là một điều vẻ vang cho người Việt Nam, cho các bạn phụ nữ nước nhà. Tốt số cho ông nào sẽ là chồng cô. Tuy vậy, cũng hơi gay một chút”.
Lưu ý là nhà báo trên chưa hiểu rõ quy định để trở thành luật sư. Muốn trở thành luật sư thì phải trải qua một kỳ tập sự tại văn phòng luật và mất nhiều thời gian, ngoài ra còn phải đáp ứng những quy định cụ thể khác. Vào thời điểm tháng 5/1938, bà chỉ vừa tốt nghiệp cử nhân, nên chưa thể là luật sư ngay được.
Tờ Sài Gòn, số 141164, ngày 2/5/1939 có một bài với tiêu đề “Nay mai ở tòa án Saigon sẽ có vị trạng sư?”. Chúng tôi để nguyên nội dung và chính tả bài: “Hôm thứ bảy tuần rồi, tòa hộ có nhìn nhận Mlle Ng-M-Nguyệt, ái nữ của ông Ng-Qui-Anh, đã quá vãng (tức là cụ Nguyễn Quí Anh đã mất), nhập tịch dân Pháp. Mlle Minh Nguyệt là một nữ lưu, đầu tiên đỗ cử nhơn luật khoa ở Hanoi năm trước. Theo một đạo lịnh trước đây, thì đàn bà đều được phép làm trạng sư. Như thế thì nay mai có lẽ ở tòa án Saigon, chúng ta sẽ thấy một vị nữ trạng sư vậy”.
Rất tiếc là chúng tôi không có thêm những tin tức về cuộc đời và những hoạt động của bà sau này như thế nào.
Ngoài các vị khóa 1 đỗ cử nhân luật mà trong đó có những nhân vật đã trở nên danh tiếng như luật sư, tiến sĩ Vũ Văn Hiền, chủ nhiệm báo Thanh nghị, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, luật sư Nguyễn Văn Huyền, luật sư Tạ Như Khuê, các năm sau đó Trường Luật Đông Dương đã tiếp tục đào tạo được thêm các cử nhân (theo tài liệu lưu trữ của Pháp thì khoảng 220 cử nhân), trong số này có các vị như Phan (Văn) Anh, Phạm Huy Thông, Vũ Trọng Khánh, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Đức Dục, Dương Đức Hiền, Đinh Gia Trinh, Cù Đình Lộ…
Trường Luật Hà Nội (1931-1945) đã giúp cho một bộ phận, dù rất nhỏ, trong giới thanh niên nước ta khi đó được học hỏi, tiếp cận một cách có hệ thống với văn minh pháp quyền phương Tây, văn minh lập pháp mà thời nào cũng rất cần thiết để xây dựng xã hội. Bên cạnh đó, các sinh viên luật cũng được học những lĩnh vực khoa học mới mẻ nhưng rất hữu ích như kinh tế chính trị học. Thực tế là một bộ phận các cử nhân luật từ đây ra đã góp phần tích cực, hiệu quả vào việc soạn thảo, góp ý xây dựng hiến pháp tiến bộ năm 1946, hoặc vào cải cách tư pháp của nước ta, bên cạnh đó là vào nhiều lĩnh vực quan trọng (như văn hóa, giáo dục) để xây dựng xã hội trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.□
———————————————-
1 Gouvernement général de l’Indochine – Direction de l’Instruction publique, Annale de l’Université de Hanoi, Tome 1, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, tr.86.