Giáo dục nhân văn trong thế kỷ 21

Tựa của bài viết này là tựa dịch của bài phát biểu của GS Connor, Giám đốc Trung tâm Nhân văn quốc gia (The National Humanities Center) thuộc Viện Giáo dục khai phóng Hoa Kỳ (American Academy for Liberal Education). Và nội dung của bài viết sẽ là những ý chính của bài phát biểu ấy, thông qua cách diễn giải và trình bày lại của người viết.

Ngành nhân văn ở Mỹ vào cuối thế kỷ 20: Những số liệu u ám

Bài phát biểu của Connor không ghi năm (có thể được viết vào khoảng cuối thập niên 1990). Bài viết bắt đầu với những số liệu u ám, về các ngành thuộc khối ngành gọi là “liberal arts” – ở đây được hiểu là khối ngành nhân văn (humanities) – trong các trường đại học của Mỹ.

Có thể đưa ra một vài ví dụ. Theo số liệu từ The Harvard Magazine, trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1994, một số ngành đào tạo trong đại học tăng lên gấp từ 5 đến 10 lần. Đó là các ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, khoa học vật liệu, các ngành y tế, doanh thương và quản trị kinh doanh – tất cả đều là những ngành có định hướng nghề nghiệp rõ rệt. Nhưng, trong cùng khoảng đó, theo số liệu đầu vào của các trường do SAT cung cấp, tất cả các ngành nhân văn như Lịch sử, Triết học, Ngoại ngữ, Văn học đều suy giảm và chỉ chiếm có 9% tổng số thí sinh vào đại học – một tỷ lệ vô cùng nhỏ nhoi đến thảm hại so với tỷ lệ áp đảo là 91% của những ngành học có định hướng nghề nghiệp cụ thể để phục vụ thị trường lao động.

Không chỉ thảm hại ở tỷ lệ sinh viên, số phận của các giảng viên thuộc khối ngành nhân văn cũng không khấm khá gì hơn. Theo Connor, các giảng viên khối ngành nhân văn được trả lương ở mức thấp nhất, buộc phải nhận một số giờ giảng cao nhất, ít được hỗ trợ để nghiên cứu nhất (cả về thời gian lẫn về tài chính), nhưng vẫn bị buộc phải liên tục có những công bố quốc tế theo yêu cầu, nếu không muốn bị mất việc. Chính vì thế, số lượng giảng viên làm việc ở khối ngành đang suy giảm và kém hấp dẫn này đương nhiên cũng giảm đi: từ tỷ lệ 1/6 (một giảng viên khối ngành nhân văn trên tổng số 6 giảng viên) vào năm 1960 giảm xuống còn 1/13 vào năm 1988.

Những số liệu u ám ấy khiến Connor phải thốt ra những lời đau đớn: Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục kéo dài thì ta có thể dự báo rằng chỉ trong vòng một thế hệ nữa nó sẽ tuyệt chủng hoàn toàn. Hoặc giả nếu nó còn cơ hội tồn tại, hẳn nó cũng phải biến hình sang một dạng hoàn toàn khác, ví dụ, sẽ không còn ai học để lấy tấm bằng cử nhân các ngành nhân văn, mà chỉ còn chương trình Thạc sỹ ngành nhân văn, dành cho những người trưởng thành tự nhận thấy trong công việc hoặc cuộc sống của mình vẫn có chỗ cần đến những kiến thức và kỹ năng mà một chương trình học với các môn học khai phóng – được hiểu ở đây là các môn nhân văn – có thể cung cấp.

Tình hình suy giảm nghiêm trọng này đã khiến tác giả phải nhìn lại lịch sử phát triển của giáo dục khai phóng – nó ra đời ra sao, và tồn tại với những sứ mạng như thế nào. Từ đó về lịch sử sẽ giúp chúng ta có được tầm nhìn xa để có được những dự báo lâu dài cho tương lai.

Sự ra đời và phát triển của giáo dục khai phóng trong lịch sử

Theo Connor, những bài viết sớm nhất về giáo dục khai phóng được bắt đầu tại Athens (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ 5, và có liên quan chặt chẽ đến phong trào dân chủ của xã hội Hy Lạp thời ấy. Cũng theo tác giả, một nền giáo dục khai phóng như nó được hiểu vào thời ấy có những đặc điểm như sau: (1) gắn chặt với bối cảnh xã hội đương thời (cụ thể là thành Athens thời ấy); (2) không nhấn mạnh kiến thức, mà nhấn mạnh các kỹ năng, cụ thể là kỹ năng nói trước công chúng (public speaking) cùng những kỹ năng trí tuệ khác như phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp, và nắm vững tâm lý của khán giả (audience psychology); và (3) những kỹ năng mà giáo dục khai phóng cung cấp cho người học, đặc biệt là kỹ năng diễn thuyết (rhetorics), là nhằm vào việc giúp người học khả năng tham gia vào các hoạt động lãnh đạo chính trị (political leadership) thời ấy. Nói cách khác, mục tiêu của giáo dục khai phóng nhằm “giải phóng” con người bằng cách cung cấp cho người học những kỹ năng để có thể tham gia đầy đủ nhất vào một xã hội dân chủ với tư cách là một chủ thể độc lập và tự do.

Nội dung của giáo dục khai phóng

Trong bối cảnh của Hy Lạp thế kỷ thứ 5, các kỹ năng diễn thuyết, và cùng với nó là các kỹ năng tư duy, lập luận, phân tích, giải quyết vấn đề vv được xem là những kỹ năng cần thiết nhất, và vì thế nội dung giáo dục khai phóng thoạt tiên chỉ gồm có 3 môn: ngữ pháp (grammar), tu từ (rhetorics), và biện chứng (dialectic) – những ngành nghệ thuật (arts) hoặc nhân văn. Sau đó, cũng từ những đòi hỏi của thực tế cuộc sống, 4 môn học khác được thêm vào, đó là âm nhạc (harmony), số học (arithmatics), hình học (geometry), và thiên văn học (astronomy) – những kỹ năng được xem là cần thiết để giúp người học phát triển cá nhân, có kỹ năng tham gia vào xã hội và quản lý cuộc sống của chính mình ở mức cao nhất và hiệu quả nhất. Cần chú ý là trong 4 môn học được thêm vào sau này thì chỉ có âm nhạc là thuộc về nghệ thuật, còn 3 môn kia thuộc về khoa học, tức là phần “and sciences” của cụm từ “liberal arts and sciences” đã được đề cập đến trong phần dẫn nhập của tôi.

Hơn bao giờ hết, vai trò của khối ngành nhân văn trong thế kỷ 21 càng được khẳng định, nếu ta kiên trì với mục tiêu khởi thủy của giáo dục khai phóng, đó là cung cấp cho người học những kỹ năng của một con người tự do, hay có thể nói là kỹ năng tự giải phóng (the skills of freedom). Những kỹ năng mà khối ngành nhân văn giúp phát triển ở người học – khả năng đọc và hiểu các lập luận, cảnh giác đối với ngụy biện, tư duy logic, khả năng diễn đạt và thuyết phục, có những hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội đương đại, kỹ năng phán đoán và giải quyết vấn đề – sự quan trọng và cần thiết của chúng đối với người học ngày nay là điều không còn gì để bàn cãi, để góp phần phát triển xã hội với rất nhiều tiến bộ, nhưng cũng rất nhiều phát sinh vấn nạn mới của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, cùng với những đổi thay về mặt chính trị và xã hội, rất nhanh chóng các mục tiêu nguyên thủy của giáo dục khai phóng đã bị biến đổi, không còn tính thiết thực và gắn liền với xã hội như trước, mà gắn với những động cơ chính trị hoặc động cơ cá nhân và thực dụng. Vì thế nhiều môn học mới được giới tăng lữ thêm vào nhằm bảo vệ những thành tựu về tư tưởng và văn hóa của họ. Giáo dục khai phóng đã được cải biến thành “giáo dục toàn diện” với nội dung học tập không còn gắn liền với thực tiễn xã hội, và người đi học cũng không có mục tiêu đạt được những kỹ năng thiết yếu cho việc tham gia vào một xã hội dân chủ, mà chỉ để được lọt vào giới thượng lưu, học như một công cụ thăng tiến về mặt xã hội hoặc nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế của thời ấy.

Và tuy không viết ra cụ thể, nhưng ta có thể hiểu Connor đã ngầm kết luận rằng với những thay đổi của lịch sử, khi vai trò của giai cấp thống trị thời ấy (chủ yếu là giới tăng lữ của nhà thờ Thiên chúa giáo) không còn nữa thì giá trị của một nền giáo dục khai phóng theo định nghĩa của họ cũng phải trải qua nhiều thay đổi, hoặc chấp nhận sự suy giảm và thậm chí có thể hoàn toàn biến mất.

Giáo dục khai phóng ở Mỹ: Sự lặp lại của lịch sử

Quay lại bối cảnh của xã hội Mỹ. Sự sụt giảm của các ngành nhân văn và khoa học ở một đất nước đã từ lâu hãnh diện với một truyền thống đạị học dựa trên nền tảng “giáo dục khai phóng” vững chắc phải chăng là một lời cảnh báo về sự thiếu phù hợp của các ngành này đối với những đòi hỏi của xã hội hôm nay?

Câu trả lời của Connor cho câu hỏi trên là một lời khẳng định. Theo ông, giáo dục khai phóng – hay chính xác hơn là ngành nhân văn – của Mỹ đã lập lại vết xe đổ của sự phát triển thiếu bền vững của giáo dục khai phóng từ khởi thủy qua sự phát triển rực rỡ rồi suy giảm ở Châu Âu. Ở thời kỳ đầu khi mới lập quốc, giáo dục đại học của Mỹ dựa trên cơ sở giáo dục khai phóng gắn rất chặt với sự phát triển xã hội và ý thức công dân, nhằm cung cấp những kỹ năng cần thiết cho các công dân để tham gia hiệu quả nhất vào việc xây dựng một xã hội mới trên một vùng đất mới.

Nhưng dần dà, mục tiêu của giáo dục khai phóng đã trở nên mơ hồ dần, và nội dung của nó thì ngày càng rộng ra, sự nhấn mạnh kỹ năng đã nhường bước cho sự nhấn mạnh nội dung, và người học thì học lấy kiến thức chỉ vì kiến thức (knowledge for knowledge’s sake, cách nói của người Việt là biết chỉ để mà biết). Và hậu quả là phản ứng của người học và của xã hội: sự lựa chọn của người học và sự thái độ của xã hội đối với khối ngành này ngày càng suy giảm, như những số liệu u ám đã đưa ở đầu bài viết.

Như vậy, giải pháp sẽ là gì, để cứu vãn khối ngành nhân văn – và thực ra, ta có thể nói giúp cho cả khối khoa học cơ bản nữa, vốn cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng không kém?

Tác giả Connor không đưa ra một câu trả lời cụ thể, mà ngược lại, lại đặt ra một loạt những câu hỏi. Theo ông, nếu chúng ta đồng ý rằng mục tiêu của giáo dục khai phóng (bao gồm cả khối ngành nhân văn lẫn khoa học cơ bản) là đem lại cho người học những kỹ năng để tồn tại và phát triển trong xã hội như những chủ thể tự do, thì chúng ta phải tự mình trả lời những câu hỏi sau đây: (1) Liệu các môn học mà chúng ta đang dạy ở đại học có chuẩn bị cho người học tham gia một cách có hiệu quả vào một xã hội đầy biến động và toàn cầu hóa như hiện nay chưa? Các ngành ngoại ngữ liệu có còn cần thiết như trước đây hay không nếu tiếng Anh hiện nay đã trở thành một ngôn ngữ toàn cầu, và thứ “ngoại ngữ” mà người ta thực sự cần chỉ là ngôn ngữ Java (một loại ngôn ngữ lập trình web)? Chúng ta đã nghĩ đến vai trò của ngành truyền thông (media) trong nội dung giảng dạy của khối ngành nhân văn hay chưa?

Giáo dục nhân văn liệu có còn chỗ đứng trong thế kỷ 21?

Không đưa ra giải pháp cụ thể để cứu các ngành nhân văn, nhưng Connor đã kết thúc bài viết được bắt đầu khá u ám bằng những lời khẳng định mạnh mẽ: Hơn bao giờ hết, vai trò của khối ngành nhân văn trong thế kỷ 21 càng được khẳng định, nếu ta kiên trì với mục tiêu khởi thủy của giáo dục khai phóng, đó là cung cấp cho người học những kỹ năng của một con người tự do, hay có thể nói là kỹ năng tự giải phóng (the skills of freedom). Những kỹ năng mà khối ngành nhân văn giúp phát triển ở người học – khả năng đọc và hiểu các lập luận, cảnh giác đối với ngụy biện, tư duy logic, khả năng diễn đạt và thuyết phục, có những hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội đương đại, kỹ năng phán đoán và giải quyết vấn đề – sự quan trọng và cần thiết của chúng đối với người học ngày nay là điều không còn gì để bàn cãi, để góp phần phát triển xã hội với rất nhiều tiến bộ, nhưng cũng rất nhiều phát sinh vấn nạn mới của ngày hôm nay.

Vấn đề là làm sao để giúp người học phát triển được các kỹ năng căn bản ấy nhưng trong bối cảnh cụ thể của xã hội ngày nay? Rõ ràng là câu trả lời không thể đến chỉ từ những người trong ngành, hoặc thậm chí toàn bộ giới học giả và các nhà khoa học đang hoạt động trong các trường, viện, mà còn cần cả sự đóng góp tích cực của toàn xã hội nữa.

Đó cũng là ý kiến kết luận của Connor. Một kết luận không chỉ đúng cho nước Mỹ vào cuối thế kỷ trước, mà còn đúng cho cả Việt Nam của ngày hôm nay.

Còn các học giả của Việt Nam, và toàn xã hội nữa, chúng ta có định làm gì để cứu vãn sự suy giảm của khối ngành nhân văn ở VN, và giảm bớt những điểm 0 của môn Lịch sử như trong kỳ thi đại học vừa qua, hay chăng?

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)