Kant: Ngòi bút và dân quyền

Bàn về phương pháp giáo dục, Kant nhấn mạnh: "Mỗi cá nhân học hỏi và ghi nhớ sâu sắc nhất những gì hầu như chỉ học cho chính mình". Vì thế, việc học nơi con người khác về chất với việc huấn luyện nơi thú vật.

PHƯƠNG PHÁP SOCRATES

Thú vật được huấn luyện để bắt chước. Con người cần học dể biết suy nghĩ. “Nền giáo dục tương lai nhất thiết phải dựa trên phương pháp Socrates”, như ông khẳng định mạnh mẽ. Cốt lõi của “phương pháp Socrates” là tin vào năng lực tự đặt câu hỏi của mỗi người. Và chỉ những câu trả lời nào đến từ “bên trong” ta, mới thật là của ta và cho ta. Do đó, nhiệm vụ của giáo dục không phải là rao giảng, thuyết phục, áp đặt, trái lại, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn bị che phủ bởi sự mê muội, định kiến. Không lạ gì khi phương pháp ấy được mệnh danh là phương pháp “hộ sinh tinh thần”. Bốn bước cọ xát thông qua đối thoại: – giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho. Rồi bằng những câu hỏi trúng đích, chứng minh người đối thoại thật ra cũng chẳng biết gì chính xác cả! – tiếp theo, dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết vững chắc. Đó là phân tích chính xác các ví dụ, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời. – bằng phương pháp tổng họp, làm cho những định nghĩa tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn. – sau cùng, có được nhũng định nghĩa rõ ràng, chính xác về vấn đề đang bàn “hầu như có sẵn từ chính mình”. Vậy, biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành công. Nhưng, hỏi không phải để bắt bí mà để người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời là do chính họ tìm ra. Nền móng của đối thoại là là sự trung thực, minh bạch và tin cậy lẫn nhau, cũng như tránh mọi cực đoan và luôn kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của chính mình.

HỌC LÀ HỌC CÁCH HỌC   

Kant là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Ta không bao giờ có thể học triết học mà cùng lắm chỉ là học cách triết lý” (Phê phán lý tính thuần túy). Tất nhiên, ta vẫn có thể và cần học triết học (và khoa học nói chung) với tư cách là kiến thức vững chắc về lịch sử tư tưởng. Nhưng, kiến thức có tính “lịch sử” ấy chưa chứng tỏ được năng lực phán đoán từ chính đầu óc của mình. Ta chỉ mới được “đào tạo theo lý trí của người khác” như một “khuôn dấu sống” mà thôi. Do đó, ai muốn học cách triết lý thì phải xem “mọi hệ thống (tư tưởng) chỉ như là lịch sử về việc sử dụng lý trí”, và ta hãy dùng chúng như là chất liệu cho sự rèn luyện của chính mình. “Người học trò không học những tư tưởng mà học tư duy”, và vì thế, “thật là một sự lạm dụng chức trách sư phạm khi thay vì mở rộng năng lực suy nghĩ của học sinh và đào luyện họ để có được sự thức nhận trưởng thành trong tương lai thì lại làm cho họ lầm tưởng rằng đã có sẵn một kho kiến thức đã hoàn tất, khiến từ đó nảy sinh bao ngộ nhận về khoa học”.

TÍNH CÔNG KHAI
   
Đối với giáo dục cũng như với “hiến chương của đời sống dân sự” nói chung, tính công khai là yếu tố quyết định, bởi vì bản chất của lý tính là tính có thể thông báo được một cách không bị hạn chế đối với chính mình và với người khác. Triết học, khoa học hiểu tầm quan trọng ấy nên luôn tạo ra “ý chí thông báo”. Lý tính sẽ chết ngạt nếu không có bầu dưỡng khí của sự truyền thông. Đi vào chi tiết, Kant vạch rõ rằng mọi hình thức của lý tính đều cần đến tính thông báo công khai. Những khái niệm (khoa học) là đều có thể thông báo được, khác với những cảm giác riêng tư của ta. Phán đoán về hành vi đạo đức cũng cần được thông báo một cách phổ biến qua những khái niệm của lý tính thực hành như tốt, xấu, thiện, ác. Phán đoán thẫm mỹ tuy không cần đến “khái niệm của lý trí”, nhưng vẫn được tiến hành nhờ vào ý niệm về một “cảm quan chung” hầu như là phán đoán nhân danh cảm thức chung của con người.

Chỉ nhờ sự thông báo công khai thì mới mở rộng và kiểm tra lý tính được. Vì thế, Kant gọi tính công khai là điều kiện của tính người, của tính nhân văn, hay nói nói mạnh mẽ hơn như Hegel sau này, “nếu không thể và không cho thông báo cho nhau thì chính là chà đạp lên tính người”. Ta nhớ lại ba châm ngôn của lý trí tự do đã giới thiệu trước đây. Bên cạnh việc “tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình” và “suy nghĩ nhất quán với chính mình”, Kant còn nhấn mạnh đến châm ngôn: “suy nghĩ từ vị trí hay quan điểm của người khác”. Đó là nguyên tắc của “cung cách tư duy mở rộng”, vượt ra khỏi “các điều kiện riêng tư, chủ quan của phán đoán”.

Vậy, tự do thông báo là điều kiện của tự do tư duy. Không có tự do thông báo thì tư duy bị dồn vào góc hẹp của cá nhân và trong sự nhầm lẫn chủ quan. Ông viết: “Quyền lực bên ngoài nào tước đoạt sự tự do thông báo công khai tư tưởng của con người thì cũng tước đoạt sự tự do suy nghĩ của họ”.

Tiến trình giáo dục khai minh thoát thai từ sự tự do của lý tính và tạo nên sự tự do ấy trong toàn bộ đời sống chính trị-xã hội bằng hai bước: sự khai minh cho quảng đại nhân dân và sự khai minh đối với nhà cầm quyền.

Với nhân dân, sự khai minh yêu cầu mọi người “sử dụng lý trí của mình một cách công khai trong mọi lĩnh vực”. Ông phân biệt: một viên chức, một binh sĩ phải tuân lệnh trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhưng, cũng chính con người ấy, để không trở thành công cụ mù quáng, thì, với tư cách là “học giả”, họ lại có quyền phát biểu công khai về những sai lầm của bộ máy hành chính hay quân sự. Vì, không quên rằng, giống như trong các lĩnh vực khác, họ đồng thời là “công dân” của “hai thế giới”: thế giới của đời sống thực tồn và thế giới của tự do tinh thần. Và, nếu họ thấy chức trách không còn phù hợp với lương tâm và lẽ phải nữa thì hãy từ chức! Kant viết: “Trong công việc thì phải tuân lệnh, nhưng trong phát biểu công khai của lý tính thì mọi sự giới hạn là phản lý tính”. Sự phân biệt của Kant có ảnh hưởng lớn đến cuộc thảo luận chung quanh vấn đề đạo đức công vụ và ngăn chặn việc trốn chạy trách nhiệm viện cớ tuân lệnh cấp trên.

Tính công khai trong đời sống chính trị là điều kiện tiên quyết của luật pháp và nhà nước pháp quyền. Không có tính công khai, không thể thực hiện được sự công chính. Người công dân tiền giả định rằng người cầm quyền không muốn vi phạm những quyền hợp pháp của mình, và nếu vi phạm là do nhầm lẫn hay không am tường các hậu quả nào đó của việc thực thi pháp luật. Vì thế, song hành với “suy đoán vô tội” đầy thiện chí ấy, hiển nhiên người công dân phải có quyền phát biểu công khai về điều mà họ cho là vi phạm pháp luật. Như thế, “tự do của ngòi bút là vị thần linh duy nhất của dân quyền”. Các giới hạn của quyền tự do này chỉ có thể là do chính lý trí tự đặt ra cho chính mình mà thôi: đó là sự tôn trọng hiến chương dân sự, tôn trọng lề lối tư duy tự do và sự làm chủ phẩm cách và tinh thần phê phán của lý tính.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 22, 26.06.2014)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)