Mô hình giáo dục phổ thông không thi cử

GS Trần Xuân Hoài cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần loại bỏ hoàn toàn các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và đề xuất mô hình mới cho hệ thống giáo dục trên cơ sở tham khảo mô hình giáo dục của  Đức, Thụy Sĩ, Áo, …

PV: Thưa Giáo sư, một trong những vấn đề giáo dục được xã hội quan tâm rất nhiều trong những năm qua là căn bệnh thành tích và tình trạng gian lận trong thi cử. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp phổ thông (PT). Xin Giáo sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

GS Trần Xuân Hoài: Tôi cho rằng cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục PT theo xu hướng của các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó đặc biệt phải khắc phục được tình trạng gian dối trong dạy, học và thi cử.

Hệ thống giáo dục có nhiều phần, như triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục, chương trình và sách giáo khoa… thuộc về phần hồn của giáo dục, còn phải thảo luận nhiều. Ở đây tôi chỉ đề cập tới phần cứng, tức là thiết kế một mô hình mới cho hệ thống giáo dục PT, trong đó loại bỏ hoàn toàn các kỳ thi tốt nghiệp trong trường học như hiện nay. Nguyên lý ở đây là khi hệ thống giáo dục PT được tổ chức tốt, học sinh đến trường học lấy kiến thức để ra đời làm việc chứ không nhằm ứng phó với các kỳ thi, thì cả người học và người dạy học sẽ không phải gian lận nữa.

Vậy mô hình mới do
Giáo sư đề xuất như thế nào?

Đó là một hệ thống được thiết kế ít nhất phải thỏa mãn yêu cầu bền vững với thời gian, ví dụ cho 20 năm tới. Nó phải đáp ứng lòng hiếu học (phần nào cũng xuất phát từ sự ham danh) của dân ta. Nó phải tạo ra bình đẳng về cơ hội học tập và phát triển cho mọi người nhưng cũng phải đảm bảo trung thực và chất lượng thực theo đúng khả năng từng cá nhân. Tất nhiên, phải làm sao khả thi, gọn nhẹ nhất, tiết kiệm nhất cho nhà nước và cá nhân; phân luồng được học sinh, và cùng với phần hồn giáo dục tốt, hệ thống này sẽ tạo ra những con người đa dạng, có đạo đức làm người và chất lượng nghề nghiệp tối đa.

Mô hình mới được đề xuất này dựa trên việc tham khảo mô hình của các nước tiên tiến ở châu Âu, với cấu trúc 6 – 4 – 2 (6 năm tiểu học, 4 năm PT, 2 năm PT nâng cao). Sau khi học xong PT, học sinh có thể ghi danh để tuyển vào PT nâng cao, học nghề/trung cấp hoặc tìm việc làm. Hết các cấp học, học sinh chỉ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình học và học bạ thay vì tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay. Tất nhiên cũng sẽ xuất hiện chứng nhận kém, rởm… nhưng chúng sẽ không có hại gì nhiều cho xã hội, vì với các nhà tuyển dụng lao động, chứng nhận đó của người xin việc chỉ là một yếu tố tham khảo, kỹ năng nghề và khả năng lao động mới là điều quan trọng nhất. 

Mô hình hệ thống giáo dục PT mới:

Thay đổi từ cấu trúc 5 – 4 – 3 (5 năm tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT) hiện nay sang cấu trúc 6 – 4 – 2 (6 năm tiểu học, 4 năm PT, 2 năm PT nâng cao). Cụ thể, từng cấp học như sau:

– Bậc tiểu học (từ lớp 1 tới lớp 6) là bậc phổ cập bắt buộc đối với mọi trẻ em từ 6 tuổi; Nhà nước chi trả 100% kinh phí, học sinh không phải đóng góp. Học xong lớp 6, học sinh được cấp một giấy chứng nhận hoàn thành phổ cập giáo dục và có quyền được vào học các trường PT mà không qua thi tuyển. Thêm 1 năm vào bậc phổ cập là thêm trách nhiệm của nhà nước, giảm đóng góp của dân ở cấp cao hơn, đồng thời nâng cao trình độ phổ cập lên.

– Bậc PT (từ lớp 7 tới lớp 10): học sinh ra trường đã bước sang tuổi 17, đủ năng lực học nghề/trung cấp hay làm lao động PT và chịu trách nhiệm hình sự. Nhà nước và người dân cùng chia sẻ kinh phí theo tỉ lệ Nhà nước 70% – nhân dân 30%. Đây không phải bậc học bắt buộc nhưng Nhà nước phải khuyến khích học sinh theo học. Hết bậc PT, học sinh được cấp chứng nhận đã hoàn thành bậc học và có quyền ghi danh để tham gia tuyển chọn vào bậc PT nâng cao, học nghề/trung cấp hoặc tìm việc làm.

– Bậc PT nâng cao (từ lớp 11 tới lớp 12): Việc tuyển đầu vào do các trường tự tổ chức (có thể thi tuyển/phỏng vấn hoặc xét học bạ tùy theo từng trường). Bậc học này nhằm nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho học sinh vào ĐH nên việc học có cường độ cao, có phần tự do hơn, có thể tự chọn tăng cường những môn học sinh yêu thích. Nhà nước và người dân cùng chia sẻ kinh phí theo tỉ lệ bằng nhau 50 – 50. Sau khi học xong PT nâng cao, học sinh sẽ có một chứng nhận đã hoàn thành bậc học và có quyền tham dự kỳ thi tú tài.

So với hệ PT cơ sở và hệ PT trung học hiện nay, vì sao thiết kế mới này lại nâng cấp trung học PT thêm 1 năm (lớp 10) và rút PT nâng cao xuống còn 2 năm?

Một người hoàn thành Trung học phổ thông được coi là cơ bản đầy đủ kiến thức và tư cách làm người để bắt đầu tự lập. Vì vậy cần tối thiểu 10 năm học tập. Vả lại sau những năm học tập PT, đa số sẽ bước vào đời sống nghề nghiệp, nếu tuổi vào đời là 15 sang 16 thì còn non, tốt nhất là sang tuổi 17. Ở bậc phổ thông nâng cao, chủ yếu là bổ sung, nâng cao kiến thức, có thể học với cường độ cao, kiến thức chọn lọc, cho nên 2 năm là đủ.

Như vậy, chúng ta sẽ tuyển đầu vào cho ĐH như thế nào?

Sẽ có một cuộc thi thường niên, cấp quốc gia, độc lập với hệ thống trường học, được tổ chức chung toàn quốc (Bộ GD&ĐT tổ chức) có thể tạm gọi là “Thi tú tài” hoặc “Thi trung học PT quốc gia”. Thi theo nội dung chương trình phổ thông nâng cao, ví dụ có 8 môn thi cho thí sinh chọn, 4 môn trên trung bình là đỗ. Kỳ thi này mở rộng cho bất kỳ ai đã có chứng nhận hoàn thành phổ thông nâng cao hoặc tương đương (không phụ thuộc vào thời gian, nơi cấp). Đây là kỳ thi duy nhất, bằng cấp văn hóa duy nhất của đời người cho những ai muốn có bằng cấp hoặc muốn học lên cao hơn. Những thí sinh có bằng tú tài sẽ tùy thuộc vào kết quả (môn học nào đỗ) được công nhận trên bằng để ghi danh vào các chuyên ngành đại học tương ứng.

Cách tuyển sinh như vậy sẽ có ưu điểm gì so với cách làm hiện nay ở Việt Nam?

Kỳ thi lấy bằng tú tài là kỳ thi quốc gia ,độc lập với trường học, không có thi riêng hoặc cộng điểm cho bất kỳ đối tượng nào và phải được tổ chức thường niên, nghiêm ngặt. Có thể gồm 8 môn thi: văn, toán ,vật lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ theo chương trình phổ thông nâng cao. Thí sinh có thể tự chọn môn thi, chỉ cần đạt 4 môn trên trung bình là đỗ, nhưng trong 4 môn đó bắt buộc phải có ngoại ngữ và toán hoặc văn; phân loại bằng thành 3 loại: A-đỗ 8 môn, B-đỗ 6 môn và C-đỗ 4 môn. Trong bằng phải ghi rõ điểm số của từng môn. Được thi lại nhiều lần, bảo lưu điểm thi 3 năm.

Những thí sinh có bằng Tú tài A có thể chọn bất kỳ trường ĐH nào để ghi danh, những thí sinh đỗ B hoặc C chỉ được ghi danh vào những trường ĐH có chuyên ngành phù hợp với những môn mình đỗ. Giá trị ghi danh là 10 năm. Trong đời người học chỉ có một kỳ thi văn hóa này cho những ai có nhu cầu.

Cái lợi thứ nhất của việc này là học sinh sẽ không bị nặng nề chuyện thi cử, vì thi thường niên, không đỗ môn nào năm sau thi lại môn đó, hoặc chọn môn khác cho đến khi đỗ hoặc chán thi thì thôi. Trường học cũng không mất công nhào nặn kết quả thi bởi họ không phải tổ chức một kỳ thi nào cả, chỉ tập trung cho chất lượng học tập thôi. Học sinh ra trường chỉ có duy nhất một chứng nhận đã hoàn thành bậc học và học bạ.

Bằng tú tài này sẽ được bảo lưu 10 năm, trong thời gian đó, học sinh hoàn toàn có quyền sử dụng nó để ghi danh tuyển vào các trường ĐH. Đây chính là cái lợi thứ hai – tức là các trường Đại học không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi ĐH phức tạp, chỉ cần xét Bằng tú tài và phỏng vấn (trường nào thấy cần tổ chức kỳ thi ĐH riêng thì cứ việc tự tổ chức). ĐH nào uy tín sẽ có nhiều người ghi danh.

Rõ ràng, không có kỳ thi nào nghĩa là chấm hết trò gian lận trong thi cử ở bậc PT, nhưng có thể một số trường PT vẫn không trung thực, cứ thích tạo ra những học bạ thật đẹp để giữ gìn danh tiếng của họ?

Học bạ đẹp sẽ không có nghĩa lý gì khi trường đó có tỉ lệ học sinh vào được PT nâng cao và đỗ kỳ thi tú tài thấp. Với việc công khai kết quả Thi tú tài một cách rộng rãi, các bậc phụ huynh sẽ tự biết trường PT nâng cao nào có chất lượng tốt để cho con mình học.
Chỉ sau một thời gian, trường PT nâng cao nào tuyển đầu vào dễ dãi, tỉ lệ học sinh đỗ tú tài thấp thì sẽ mất dần thí sinh ghi danh– đây là nguyên tắc cạnh tranh, chính là cái lợi thứ ba. Tức là các trường PT nâng cao phải đua nhau lựa chọn học sinh tốt, đào tạo cẩn thận để đảm bảo đầu ra. Để chọn được học sinh tốt, các trường này cũng phải được giao quyền tự chủ: có thể tổ chức thi kiểm tra, phỏng vấn, hoặc chọn theo học bạ. Hiện nay, sai lầm lớn nhất là nhà nước liên tục tổ chức các kỳ thi một cách hình thức, còn các trường không chịu trách nhiệm gì nhiều.

GS Hồ Ngọc Đại:

Bậc học phổ thông phải được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn một có 6 năm “thiết thân với trẻ em như nước, như ánh sáng, như không khí”, Nhà nước phải chi toàn bộ kinh phí, kể cả tiền sách vở; giai đoạn hai có 3 năm, nhà nước và cha mẹ học sinh cùng chia sẻ kinh phí.

GS Văn Như Cương:

Theo tôi, cần tái cơ cấu bậc học phổ thông từ 12 năm xuống 9 năm. Sau khi học xong cấp hai, nên phân luồng thành hai hệ thống cho học sinh ở cấp ba: dự bị đại học hoặc học để đi học nghề. Những người học dự bị đại học chỉ chiếm 1/3 tổng số học sinh, và số này sẽ đi lên các đại học tinh hoa.

Thế còn cơ hội đối với những người học hết PT nhưng chưa thể thi vào PT nâng cao ngay hoặc những người đã đi học nghề/đi làm nhưng một thời gian sau lại muốn vào ĐH?
Nếu người học không có điều kiện, hoặc không được tuyển chọn học ở trường PT nâng cao thông thường thì có thể vừa làm vừa học bổ túc, hoặc học các trường trung cấp nghề kèm chương trình PT nâng cao chọn lọc. Chỉ có điều, không có kỳ thi tú tài riêng cho học bổ túc văn hóa hay trung cấp nghề này, tú tài là tú tài, một kỳ thi, một chất lượng, bất kể người học ở đâu. Còn nữa, trong vòng 10 năm sau khi thi đỗ tú tài, người học vẫn có thể nộp hồ sơ vào ĐH bất kỳ lúc nào. Có thể họ đi làm tích đủ tiền rồi mới đi học ĐH.

Về mặt tài chính, ở bậc học PT nâng cao, người học và phụ huynh phải tự lo lấy tiền học là chính, nên người học và gia đình phải tự cân nhắc chọn PT nâng cao, hoặc chọn học nghề kèm văn hóa…Để không bỏ sót những học sinh nghèo có thực tài, có thể đề ra các quy chế học bổng, hỗ trợ…

Mô hình do Giáo sư đề xuất dựa trên cơ sở mô hình giáo dục PT của nước nào?

Quan niệm của tôi là phải nghiên cứu mô hình giáo dục của các nước nhưng không áp dụng nguyên văn, chỉ áp dụng những điều phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình. Chẳng hạn, nhiều hệ thống giáo dục PT ở châu Âu, nhất là Đức, không thi cử căng thẳng và có sự phân luồng từ rất sớm, ngay sau cấp tiểu học. Cụ thể, ở Đức, sau khi học hết tiểu học (hết lớp 6), tùy theo khả năng (việc đánh giá khả năng này rất khó thực hiện ở nước ta) học sinh sẽ được phân luồng vào một trong 4 loại trường cấp trung học:

+ Hauptschule, từ lớp 7 tới 10 (tạm dịch:Trung học giản lược) sau khi hoàn thành sẽ vào học nghề hoặc đi làm. Học sinh giỏi đặc biệt có thể chuyển sang PT nâng cao.

+ Realschule, lớp 7-10 (Trung học chuẩn) để sau đó học tiếp Trung cấp nghề kèm PT nâng cao, có thể liên thông lên Cao đẳng/Cao cấp (Fachhochschule); học nghề; đi làm. Học sinh giỏi đặc biệt có thể chuyển sang trường PT nâng cao.

+ Gesamtschule, từ lớp 7 -10- 12(Trung học nâng cao kết hợp): Học xong lớp 10 có thể chuyển qua học nghề, hoặc học tiếp PT nâng cao (11-12) hoặc Nghề + PT nâng cao để lấy bằng Abitur (tương tự Tú tài)

 +Gymnasium, từ lớp 7-12 (Trường Trung học nâng cao chọn lọc ) học liên tục từ 7 đến 12, mục đích chính là đạt bằng Abitur và vào Đại học.

Nhưng ở ta, không thể phân luồng ở bậc tiểu học như của Đức, do ba khác biệt cơ bản:
Họ phổ cập trung học, ta chỉ tiểu học. Vì vậy ta không thể phân luồng ngay sau tiểu học.

Do các cấp tiểu học được tổ chức tốt, nghiêm túc nên Đức phân luồng học sinh rất sớm và không tổ chức kỳ thi nào trong giáo dục PT. Việt Nam chưa thể phân luồng sớm sau cấp tiểu học như vậy vì chưa thể tổ chức tốt cấp tiểu học, chỉ có thể phân luồng lần 1 sau  cấp PT (lớp 10) lên PT nâng cao bằng tuyển chọn của trường.

Ưu điểm của ta là hệ thống giáo dục thống nhất toàn quốc, do đó hệ thống của ta thiết kế đơn giản, thống nhất hơn hệ thống giáo dục của Đức. Đó cũng là tiền đề để tổ chức kỳ thi quốc gia thống nhất, độc lập với hệ thống trường học địa phương. Kỳ thi này là đặc thù của nước ta và có thể cũng có ở dạng gần như thế ở một số quốc gia châu Á (như Hàn Quốc chẳng hạn), khác với hệ thống của Đức.

Trong hệ thống mà GS đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng vai trò gì?

Tổ chức kỳ thi quốc gia cấp bằng tú tài sao cho trung thực, chất lượng là một công việc cụ thể  thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Ngoài việc cụ thể đó ra, Bộ chỉ cần đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước, đào tạo giáo viên, quy định chương trình khung cho bậc PT, vv.., và giám sát, kiểm tra chất lượng đào tạo. Quan trọng là Bộ Giáo dục phải làm sao cung cấp thông tin chất lượng giáo dục một cách chính xác, công khai, minh bạch, đặc biệt là thông tin về tỉ lệ học sinh các trường đỗ, trượt kỳ thi tú tài. Như trên tôi đã nói, công khai chất lượng đồng nghĩa với việc các trường sẽ không dám lơ là chất lượng dạy học, chất lượng kém chắc chắn bị đào thải.

Liệu có điểm hạn chế, hệ lụy nào nếu không tổ chức các kỳ thi ở bậc PT?

Trước tiên, chúng ta nên đặt ra câu hỏi thẳng thắn rằng các kỳ thi ở PT hiện nay có giá trị gì không? Còn nếu tổ chức thi gian dối thì càng nên bỏ. Để ghi nhận công học tập và trình độ tương đối của người học, trường chỉ cần cấp chứng nhận hoàn thành chương trình, kèm điểm số là đủ.

Một kỳ thi quốc gia tốt để lấy bằng tú tài là quá đủ (căng thẳng) cho một đời người rồi! Các bằng cấp sau tú tài chỉ là bằng cấp nghề mà thôi (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ..), ai dạy nghề thì người đó cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng. Việc thay đổi này sẽ không có tác động xấu gì cho xã hội, mà chỉ tác động tới các cấp quản lý của ngành giáo dục, đó là trao quyền cho các trường, các tỉnh nhiều hơn. Còn đương nhiên, giám sát, đảm bảo chất lượng vẫn luôn là việc của các cơ quan ngành giáo dục. Xin nói thêm, xây dựng hệ thống mà chúng ta đang nói ở đây không gây xáo trộn, thêm công việc hay tốn kém gì thêm đối với xã hội cả. Nó chỉ hoàn thiện, sắp xếp lại cấu trúc hiện tại (12 năm học, 3 cấp học, kỳ thi 3 chung…). Chỉ cần trên cơ sở hiện có đó nhưng thiết kế tốt thì sẽ hữu ích và hiệu suất hơn, tạo điều kiện dạy thực và học thực, loại bỏ được nhiều khả năng sinh ra tiêu cực.

Đối với quản lý giáo dục trong các hệ đào tạo ngoài PT thì chúng ta sẽ cần làm gì?

Tất nhiên hệ thống PT trên đây phải kết hợp hữu cơ với hệ thống dạy nghề trung cấp, cao đẳng và đại học. Hệ thống này hiện nay rất lộn xộn, bất hợp lý và chất lượng thấp. Cần phải gấp rút cải cách.

Trước mắt, với bậc giáo dục ĐH thì bộ GD&ĐT không nên can thiệp vào mà phải tạo điều kiện để thực thi tự trị (autonomous) trong đại học. Trường tự chủ tuyển sinh theo khả năng, không phải xin cho chỉ tiêu. Trường tự đào tạo thì tự đảm bảo số lượng và chất lượng. Ngoài ra cũng không nên học quá nhiều môn ngoài chuyên ngành. Ở Đức, ví dụ sinh viên học ngành Vật lý không phải học những vấn đề ngoài chuyên nghành như các môn tư tưởng, quân sự, thể chất… hết đến hơn 1/3 thời lượng như ở ta, mà chỉ tập trung vào chuyên ngành. Thời gian đó dành cho sinh viên xuống xưởng thợ, nhà máy để thực tập, học nghề, thành thạo như một người thợ khi ra trường. Trường ĐH cũng không tổ chức học ngoại ngữ, việc đó phải hoàn thành ở cấp phổ thông, sinh viên kém phải tự tìm học ngoại ngữ ở đâu cũng được, nhưng nếu ngoại ngữ yếu sẽ thể hiện ngay trong khi đọc tài liệu, làm seminar và bị điểm kém. Chuyện đào tạo đại học còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng chúng ta sẽ phải để dành cho một dịp khác.

Xin cảm ơn giáo sư!

       

Tác giả