Nước Anh – Chất xám chảy ngược

Khi các đại học tại các nước đang phát triển còn đang đau đầu với vấn đề “chảy máu chất xám” sang các doanh nghiệp thì tại Anh Quốc, các chuyên gia trong lĩnh vực Sinh học và Y học lại đang bắt đầu thành công trong việc thu hút chất xám ngược từ các doanh nghiệp về các trường đại học.

Khi một nhà nghiên cứu quyết định rời trường đại học để ra ngoài làm cho các doanh nghiệp, thường thì ít khi anh ta quay lại trường đại học. Đây chính là nguyên nhân chính của thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực khoa học tại các đại học và viện nghiên cứu tại Anh Quốc.

Mới đây, Chính phủ nước này quyết định khởi động một dự án nhằm cải thiện vấn đề này. Đây còn là một phần trong nỗ lực ổn định cơn khủng hoảng tài chính hiện tại và tổ chức lại nền công nghiệp dược phẩm, nơi có nhiều nhà khoa học tài năng không được trọng dụng.

Hội đồng Nghiên cứu Anh đã chi tổng cộng 5 triệu Bảng cho chương trình trên. Số tiền này sẽ giúp các trường đại học tiếp tục tiến hành nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ, đồng thời  đẩy mạnh tìm kiếm người cho các vị trí lãnh đạo thích hợp, một việc trước đây được coi là rất khó thực hiện.

“Nhiều nhà khoa học hàng đầu hiện đang đầu quân cho các doanh nghiệp,” Lord Drayson, Bộ trưởng Bộ Khoa học Anh, phát biểu trong buổi khai mạc chương trình.

“Nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại, dù có chuyên môn cao, người ta vẫn có thể phải đối mặt với những bất ổn tương lai. Vì thế, chúng ta cần tạo điều kiện cho họ có thể tiếp tục công việc nghiên cứu bằng cách trở lại các trường đại học.” – Bộ trưởng Drayson cho biết.

Hội đồng nghiên cứu Y khoa (Medical Research Council – MRC), Hội đồng nghiên cứu Sinh học và Công nghệ Sinh học (Biotechnology and Biological Sciences Research Council – BBSRC) được chỉ định là các cơ quan trực tiếp điều hành chương trình này.

Các trường đại học được chờ đợi sẽ tự bổ nhiệm và trả lương cho các giáo sư. Còn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu của họ, sẽ là trách nhiệm của Ban chỉ đạo chương trình này; dự tính hằng năm, mỗi giáo sư thuộc chương trình sẽ được tài trợ khoảng 250.000 Bảng Anh.

Ông Tony Peatfield, trưởng Ban hợp tác của MRC cho biết: “Mặc dù chương trình không thật lớn, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ gây được hiệu ứng tốt trong việc bước đầu thu hút các nhà khoa học rời doanh nghiệp để trở về các đại học.”

Vấn đề là liệu các đại học có chấp nhận các nhà khoa học từ lâu đã xa rời với các nghiên cứu cơ bản?

“Họ thực sự là các chuyên gia, những kiến thức trong các phòng thí nghiệm tại các doanh nghiệp thực sự cũng rất hữu ích đối với các đại học” – ông Peatfield nhận định.

Ông Peatfield cũng cho biết là trong thực tế kể từ năm 1999, MRC đã áp dụng một chương trình tương tự nhằm giúp các đại học trong việc thu hút được 30 nhà khoa học hàng đầu nước ngoài.

Ngân sách sẽ sẵn sàng giúp cho các đại học nhằm thu hút người đến từ bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào, nhưng có một điều kiện bắt buộc là họ phải là các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh, hóa học, lâm sàng học, thống kê học hay công nghệ thông tin.

Ông Peatfield cũng cho biết mặc dù đã có khá nhiều ứng viên xuất sắc nộp đơn, nhưng chương trình có chính sách ưu tiên các chuyên gia trẻ, còn nhiều thời gian để phát triển và cống hiến.

Danh sách các ứng viên trúng tuyển sẽ được công bố vào khoảng tháng tư năm 2009, và người ta hy vọng sẽ có thể chọn được từ 10 đến 15 nhà khoa học làm việc trong khoảng 2 đến 3 năm tiếp theo.

Một chương trình tương tự nhưng dài hạn hơn cũng sẽ được bắt đầu trong mùa xuân này. Chương trình này cũng nhằm mục đích khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học quay về các đại học làm việc.

“Nếu các công ty có ý định sa thải các nghiên cứu viên của mình, thì thay vì phải trả một khoản lớn tiền đền bù thiệt hại, họ có thể trả một phần hoặc toàn bộ lương của anh ta trong một năm đầu tại trường đại học.” Ông Peatfield cho biết.

Ông Rod Coombs, phó hiệu trưởng phụ trách sáng tạo và phát triển kinh tế, đại học Manchester, tỏ ra rất hoan nghênh kế hoạch này, ông cho rằng: “Những người có nhiều kinh nghiệm trong các doanh nghiệp chắc chắn sẽ hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình tại trường đại học.”

“Một khi đã quen với không khí của giảng đường và các phòng thí nghiệm đại học, lại được trợ cấp thì chắc chắn công việc nghiên cứu sẽ trở nên thoải mái và tự nhiên hơn, và họ sẽ lại tiếp tục làm nghiên cứu giống như khi còn trong môi trường công nghiệp. Họ cũng sẽ không mất quá nhiều thời gian vào việc này bởi chính họ cũng xuất thân từ các đại học” Ông Coombs nhận định.

Ông Peatfied cho biết, chương trình sẽ chỉ nhận hồ sơ từ các trường đại học. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học đang làm việc tại các doanh nghiệp sẽ buộc phải có tìm được một ghế trong trường đại học trước khi có thể nộp đơn tới chương trình này.

Phạm Hiệp dịch (Phụ San Thời báo Giáo dục Đại học (THES).

Tác giả