Phương pháp Steiner ngày càng lan tỏa

Khắp thế giới hiện có khoảng hơn 2.000 trường mầm non, hơn 1.000 trường học các cấp, 700 trung tâm chăm sóc trẻ em, vô vàn các bố mẹ và chương trình homeschooling (giáo dục tại nhà) đi theo phương pháp của Steiner.

Năm 1919, Steiner thành lập trường Waldorf đầu tiên ở Stuttgart, Đức, và trực tiếp đào tạo giáo viên, thực hành các triết lý giáo dục của mình tại đây. Sau giai đoạn Thế chiến I, Adolf Hilter cấm việc mở trường Waldorf bởi ông ta nhìn thấy và lo sợ nguy cơ về những con người cá nhân tự do, có đam mê và lý tưởng sống mà trường Waldorf có thể đào tạo ra. Giai đoạn này, một số các nhà giáo dục tiên phong đã di cư trường Waldorf sang Mỹ. Trường đầu tiên tại Mỹ, Rudolf Steiner School, thành lập năm 1928 ở New York và hoạt động cho đến nay. Hiện trên khắp thế giới có khoảng hơn 2.000 trường mầm non, hơn 1.000 trường học các cấp, 700 trung tâm chăm sóc trẻ em, vô vàn các bố mẹ và chương trình homeschooling (giáo dục tại nhà) đi theo phương pháp của Steiner.

Rudolf Steiner (1861-1925) là nhà giáo dục, triết gia người Áo. Sau thời kì dài biên tập để xuất bản các công trình của Johann Wolfgang von Goethe (từ 1882 đến 1886), Steiner xuất bản cuốn “Lý thuyết về kiến thức tiềm ẩn trong quan niệm về thế giới của Goethe” (The Theory of Knowledge Implicit in Goethe’s World-Conception). Cùng với ảnh hưởng của Goethe, ông chịu ảnh hưởng của Arthur Schopenhauer trong quan niệm về Ý chí (tạm dịch của chữ “the Will”), đặc biệt qua tác phẩm “Thế giới như là Ý chí và Biểu tượng” (The World as Will and Representation). Năm 1897, Steiner viết cuốn “Giáo dục dưới ánh sáng của khoa học tâm linh” (Education in the Light of Spiritual Science), là cơ sở triết lý cho việc ông xây trường, đào tạo giáo viên, và giảng dạy,…

Khác với các nền giáo dục ngày nay tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, nền giáo dục Steiner nhấn mạnh và đặt tầm quan trọng vào ba yếu tố cơ bản của con người: Suy nghĩ, Cảm xúc, và Ý chí.

Đặc biệt khác với nền giáo dục phổ quát, với ảnh hưởng từ quan niệm thế giới là sự biểu đạt của ý chí, kiến thức nhân loại không chỉ là những kiến thức thu nhận bằng tư duy logic thông thường của Goethe và Schopenhauer, Steiner đưa ra chi tiết các phương pháp thực hành trong giảng dạy để phát triển ý chí của trẻ, ngay từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Ông quan niệm đứa trẻ sinh ra vốn có một ý chí sống mãnh liệt, đó cũng là nguồn năng lượng để nuôi dưỡng đam mê, để đứa trẻ luôn có ý muốn, khát vọng và quyết tâm làm và làm cho được điều gì đó có ích, nhiệm vụ của giáo viên là nuôi dưỡng và phát triển cái chí này cho trẻ. Trong nền giáo dục Steiner, giáo viên được chỉ dẫn các phương pháp thực hành để phát triển ý chí cho trẻ qua các hoạt động học tập bằng trải nghiệm – các hoạt động chân tay ở tuổi mầm non và tiểu học, các dự án khoa học và nghệ thuật kéo dài nhiều tuần ở các lớp lớn hơn.

Mỗi đứa trẻ một cá thể không sợ hãi và hạnh phúc

Nền giáo dục phổ quát hiện tại dùng phương tiện cạnh tranh, thi đua, tưởng thưởng và trừng phạt để đạt được một vài kết quả kì vọng nào đó; theo đuổi cứu cánh là những gì nằm bên ngoài con người của chính đứa trẻ, những gì được người khác công nhận: sự thành công về một nghề nghiệp, sự thành danh về địa vị xã hội, đạt được uy quyền chính trị hay kinh tế.

Nếu ta tạm gọi nền giáo dục phổ quát là giáo dục theo chủ nghĩa duy vật thì nền giáo dục Steiner là nền giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng. Cứu cánh của trường phái giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng, như Krishnamurti viết: “Mục đích của giáo dục không chỉ là đào tạo những học giả, những kỹ thuật gia, những kẻ săn việc, mà còn là những nam nữ công dân vẹn toàn. Họ tự do với sợ hãi, bởi vì chỉ có giữa những con người như vậy mới có thể có một nền hòa bình vĩnh cửu.”1

Steiner nhìn đứa trẻ vượt ra ngoài chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc, là cái sinh ra do và vì các thể chế hơn là vì chính sự tiến bộ của nhân loại. Ông nhìn mỗi đứa trẻ như một cá thể Người của nhân loại hơn là một công dân sẽ gia nhập vào lực lượng lao động của một quốc gia, một nền kinh tế.

Cũng như vậy, Steiner nhìn đứa trẻ vượt ra ngoài chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc, là cái sinh ra do và vì các thể chế hơn là vì chính sự tiến bộ của nhân loại. Ông nhìn mỗi đứa trẻ như một cá thể Người của nhân loại hơn là một công dân sẽ gia nhập vào lực lượng lao động của một quốc gia, một nền kinh tế. Đứa trẻ ấy sinh ra với gốc gác dân tộc và thấm nhuần văn hóa dân tộc để lớn lên là cá thể không sợ hãi và hạnh phúc, một cá thể của nhân loại với nền hòa bình vĩnh cửu, như Krishnamurti mô tả.

Để thoát khỏi và vượt xa nỗi sợ hãi, uy quyền hay các hủ tục truyền thống, cá nhân phải đạt tới trạng thái thấu hiểu bản ngã của mình, nhận biết đam mê, năng lực, mọi hành vi của mình. Điều này được hiện thực hóa bằng phương pháp giảng dạy trong những ngôi trường Waldorf/Steiner, nơi các nhà giáo từ chối uy quyền đối với học trò ngay từ khi đứa trẻ còn chập chững bước đi. Giáo viên chỉ đóng vai trò người dẫn đường để mỗi học sinh học tập bằng sự vui thích, khám phá phong phú các môn học khác nhau, từ thủ công, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ… đến ngôn ngữ, toán học, khoa học,… và từ đó tìm ra thế mạnh, niềm đam mê của chính mình. Nhân cách của người thầy, khoảng không mà thầy chủ động tạo ra để đứa trẻ được tự do bộc lộ, tự do lựa chọn, sự tôn trọng thực tâm mà thầy giáo dành cho mỗi cá nhân học sinh, là những phương thức thực hành hữu hiệu để mỗi ngày xây thêm một viên gạch vào việc hình thành những cá nhân không sợ hãi và hạnh phúc.

Không cạnh tranh, không tưởng thưởng, không trừng phạt

Điều đặc biệt là trong những ngôi trường này không có sách giáo khoa, cũng hoàn toàn vắng mặt sự cạnh tranh, thi đua, không tưởng thưởng không trừng phạt – những việc làm mà theo Krishnamurti sẽ làm gia tăng sự sợ hãi, hay sự ái ngã. Với tư tưởng giáo dục đi vào bên trong cá thể để tìm ra con người cá nhân, tìm kiếm sự mạnh mẽ nội tâm, xây dựng động lực từ bên trong mỗi học sinh, từ đam mê của cá nhân thay vì để đứa trẻ tìm kiếm và phụ thuộc vào động lực từ bên ngoài, nền giáo dục Steiner xây dựng những ngôi trường với những giáo viên hoàn toàn không phán xét, không so sánh, không thi đua từ bậc mầm non đến hết phổ thông.

Sự vắng bóng uy quyền, tưởng thưởng hay trừng phạt dễ dẫn đến tình trạng vô kỷ luật, vậy tại sao học sinh trong trường Waldorf/Steiner luôn có kỷ luật rất cao? Câu trả lời là tình yêu thương tạo ra kỷ luật từ bên trong mỗi học sinh. Điều nhỏ nhưng không nhỏ, các ngôi trường Waldorf/Steiner luôn đầy ắp tình yêu thương, ấm áp từ cách thiết kế lớp học đến cách giao tiếp giữa thầy trò, và rộng ra là tới từng phụ huynh, từng thành viên làm việc trong trường.

Bởi tất cả sự khác biệt này, như vốn dĩ một nền giáo dục đích thực hay một nền giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng đòi hỏi, những ngôi trường Waldorf/Steiner không thể là những ngôi trường với hàng nghìn học sinh, mà mỗi lớp học chỉ chừng hơn hai mươi học sinh và mỗi người thầy theo học trò ít nhất vài năm học (hết bậc mầm non, hết bậc tiểu học) để thấu hiểu, để tạo mối quan hệ bền vững, yêu thương và giúp từng cá nhân học sinh phát triển.

Trong khi nền giáo dục phổ thông của Việt Nam, và thậm chí nhiều nước phát triển hay đang phát triển khác, gặp phải vấn đề học sinh lớp 12 tốt nghiệp không biết mình muốn gì, không biết chọn trường nào thì nền giáo dục Steiner có được những kết quả ngoạn mục: Học sinh tốt nghiệp phổ thông Steiner chọn ngành nghề không vì bất cứ lí do nào khác ngoài đam mê cá nhân. Danh sách các học sinh cũ của các trường Waldorf/Steiner bao gồm nhiều người với nhiều thành quả, cống hiến quan trọng trong những ngành nghề đòi hỏi tính sáng tạo cao như: thiết kế, kiến trúc, làm phim, nhạc sỹ, họa sỹ, kĩ sư nghiên cứu không gian vũ trụ2… Một công trình nghiên cứu và so sánh tính sáng tạo (Torrance Test of Creative Thinking Ability) của học sinh Steiner và học sinh các trường công (mẫu dựa trên 1.165 học sinh các nước Anh, Scotland, Đức) đưa ra kết quả: chỉ số sáng tạo của học sinh Steiner cao hơn học sinh nền giáo dục công tại các nước được nghiên cứu3.

Bắt đầu từ xóa bỏ ý thức phán xét, nuôi nấng trí tưởng tượng

Ở các trường Waldorf/Steiner, việc dạy và học không bao giờ chỉ tập trung vào kiến thức mà họ có mọi hoạt động và phương thức để nuôi dưỡng ý chí, nuôi dưỡng năng lực và mong muốn làm việc của đứa trẻ qua từng giai đoạn.

Giai đoạn mầm non: Trẻ được sống trong môi trường cổ tích, kìm giữ và xóa bỏ ý thức phán xét, nuôi nấng trí tưởng tượng, là ngọn nguồn của sự sáng tạo. Trẻ được sống trong môi trường đầy tính thơ, đầy ắp tình thương, chưa cần biết đến và va chạm với thế giới thực hỗn mang, tránh xa mọi tưởng thưởng hay trừng phạt, thi đua hay cạnh tranh. Trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đại đồng của nhân loại, với những câu chuyện thần thoại, cổ tích của loài người. Và tất nhiên, để cái cây có thể xòe tán rộng nhất thì rễ của nó phải bám sâu vào đất, tại mỗi dân tộc, đứa trẻ được tắm mình trong những câu chuyện dân gian của dân tộc mình, bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Toàn bộ tuổi thơ được vui chơi, trải nghiệm trong thiên nhiên, hoàn toàn vắng bóng các “giờ học” theo cách chúng ta đang làm ở tất cả các trường mầm non hiện tại, với vô số chủ đề mà đứa trẻ cần phải học để đến nỗi chúng không còn thời gian vui chơi tự do với bạn bè khi đến lớp.

Đứa trẻ được dung dưỡng cảm xúc trong từng môn học, để thích học và học bằng toàn bộ con người chứ không chỉ bằng tư duy logic, tư duy trừu tượng.

Giai đoạn tiểu học: Đứa trẻ được dung dưỡng cảm xúc trong từng môn học, để thích học và học bằng toàn bộ con người chứ không chỉ bằng tư duy logic, tư duy trừu tượng. Giai đoạn 7-12 tuổi, như các nghiên cứu của Jean Piaget về sự phát triển tư duy của trẻ đã chỉ ra: trẻ tiếp thu kiến thức và tư duy bằng hình ảnh, đây chưa phải là giai đoạn của tư duy trừu tượng. Các môn học trong trường tiểu học Waldorf/Steiner không tập trung vào tư duy trừu tượng, trẻ học qua trải nghiệm thực, tiếp xúc thực, ngay cả đến phép toán cộng trừ cũng được học bằng toàn bộ cơ thể, được gắn với cái đẹp. Tại sao lại đề cao tính đẹp trong mọi môn học? Steiner cho rằng cái đẹp gây xúc cảm nơi tâm trí, từ đó đánh thức tư duy, nuôi dưỡng ý chí.

Đặc biệt, nhìn sự phát triển tư duy của trẻ như một quá trình lặp lại và rút ngắn con đường phát triển của loài người, từ giai đoạn người-chế tác đến người hiện đại. Điều này đặc biệt thấy rõ qua môn lịch sử: trẻ bắt đầu học huyền thoại, truyền thuyết, đến sự phát triển của đế chế Hy Lạp – La Mã, giai đoạn Phục hưng, và sau cùng mới là lịch sử hiện đại của dân tộc mình; hay ở môn khoa học, trẻ bắt đầu tiếp cận với thế giới thực vật, động vật, khoáng vật, rồi mới đến con người.

Giai đoạn trung học: Trẻ học bằng tư duy logic, tư duy trừu tượng, các vấn đề khoa học được đào sâu bằng tư duy phản biện. Đặc biệt, học sinh không học khoa học mà làm khoa học, trong các phòng thí nghiệm, các nhà xưởng không kém gì tại các trường đại học lớn, theo đuổi các dự án khoa học kéo dài nhiều tháng. Các môn học nghệ thuật, đến thời điểm này, đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp, các tác phẩm nghệ thuật của học sinh đã đạt trình độ như một họa sỹ, một nhà điêu khắc, một nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng.

Kỳ tới: Giáo dục Steiner ở bậc mầm non

——————

1 Krishnamurti, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (NXB Thời Đại).

2 http://thewaldorfs.waldorf.net/famousparents.html

3 Báo cáo nghiên cứu “So sánh chỉ số sáng tạo học sinh Waldorf và học sinh trường công”, Ogletree & Earl J, 12/1996 (nghiên cứu tại Anh, Scotland, Đức).

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)