Ba giai đoạn biến cây thuốc thành tiền

Việc sở hữu những mỏ vàng dược liệu cùng nhiều phương thuốc bí truyền, giúp cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi có thể khai thác dược liệu thành những sản phẩm đại trà thiết thực cho đời sống. Đó là một trong những con đường đưa họ thoát khỏi bủa vây của đói nghèo.

Thu hái kim ngân hoa ở hợp tác xã Nậm Đăm. Ảnh: HTX Nậm Đăm

Những mỏ vàng bỏ quên

Dù từ lâu đã biết về Sapanapro như một tấm gương điển hình thoát nghèo nhờ vào văn hóa và tài nguyên bản địa nhưng khi đặt chân tới Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai, chúng tôi rất ngạc nhiên vì doanh nghiệp cộng đồng có đại bản doanh ở nơi hẻo lánh này, từ chỗ chỉ có 13 “cổ đông không đồng” góp vốn bằng từng gùi thuốc tắm, bằng tri thức nghề thuốc nay đã vươn xa 100 đại lý và bệnh viện khắp cả nước. Ngạc nhiên hơn, ngoài cơ ngơi khang trang đủ đón hàng chục khách tắm, ở lại, Sapanapro đủ vốn cùng lúc vừa mua đất (mà đất Sapa giờ đã đắt ngang Hà Nội) dựng thêm 5 căn homestay vừa đầu tư 5 tỉ đồng xây dựng một nhà máy chế biến tinh dầu, các loại thuốc ngâm, tắm chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt GMP-WHO.

Xây dựng công ty từ nguồn vốn tri thức nghề thuốc, gìn giữ được hệ thực vật bản địa, Lý Láo Lở, Giám đốc của Sapanapro cùng gần 120 cổ đông người Dao là một trường hợp rất khác biệt so với phần còn lại trong bức tranh nông thôn miền núi, khi tỷ lệ nghèo của dân tộc thiểu số cao hơn dân tộc Kinh gấp 15 lần. 45% người thuộc nhóm dân tộc thiểu số vẫn sống trong nghèo đói, thậm chí, có vùng nghèo lõi như các bản làng xa xôi nhất có tỷ lệ nghèo lên tới khoảng 80%. 

Cũng vì bức tranh đói nghèo ấy phổ biến, bao trùm miền núi nên cả trong chính cộng đồng và bên ngoài nhìn vào, đều không để ý rằng: Một cộng đồng tồn tại được qua hàng ngàn thế hệ có nhiều tri thức quý báu. Đây là suy nghĩ của PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên trưởng Bộ môn Thực vật, Đại học Dược, khi anh đặt chân đến toàn bộ các cung đường hiểm trở, những vùng xa xôi nhất từ Tây Bắc sang Đông Bắc 20 năm trước. Cắm chốt nghiên cứu ở những nơi hệ thực vật phong phú như Tả Phìn, Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Đồng Văn, Mèo Vạc của cao nguyên đá Hà Giang, dọc từ Đông Triều tới Bình Liêu, thuộc Quảng Ninh, vùng rừng núi Việt Bắc của Thái Nguyên và Trà My của Quảng Nam, anh nhận ra nguồn vốn quý nhất ở vùng đất này chính là tri thức– nhân lực – đất đai – cảnh quan – đa dạng sinh học bản địa. Nhưng làm sao đưa tri thức cộng đồng vô hình trở thành tài sản kinh tế ra “tiền tươi thóc thật” để “người dân tộc thiểu số đứng trên mảnh đất này, làm giàu và cảm thấy tự hào về tri thức của cha ông ngàn đời?”

“Các tầng tháp thảo dược không chỉ phù hợp với từng mô hình hợp tác xã: kết hợp giữa vùng trồng thảo dược, nghề thuốc với làm du lịch, sinh thái, ẩm thực… mà còn là mô hình giúp ích cho ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam”. PGS.TS Trần Văn Ơn.

Những người sống ở nơi đây, bao lâu nay dựa vào lá cây ngọn cỏ chứa dược chất, những phương thuốc bí truyền để chữa bệnh, gìn giữ sinh mạng của mình, gia đình mình, mà không ngờ rằng, đó là những mỏ vàng cha ông để lại. Các phương thức thực hành chữa bệnh mà các “ông lang, bà mế” truyền từ đời này sang đời khác là một phần của tri thức và văn hóa bản địa. Việc khai thác nó một cách đúng đắn và bền vững cũng là cách để gìn giữ nó, không chỉ để thoát nghèo.

Câu chuyện khai thác tri thức bản địa càng có ý nghĩa hơn khi đặt nó vào bối cảnh hiện tại: khoảng 80% dân số của một nước có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu liên quan đến y học cổ truyền1 – còn thị trường y học cổ truyền trên thế giới có trị giá gần 80 tỉ USD. Nhìn ở góc độ này, có thể thấy những mỏ vàng dược liệu không chỉ có ý nghĩa với các tộc người miền núi, mà còn rất quan trọng với công nghiệp dược ở Việt Nam – đến nay chưa thể tham gia thị trường tỉ đô mà gần như hoàn toàn dựa vào dược liệu nhập nội. “Đất nước ta giàu có về cây cỏ, tri thức, nếu ta khéo léo thừa kế lên thì đây là con đường tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe rẻ mà phù hợp với điều kiện Việt Nam, khả thi với điều kiện Việt Nam. Còn nếu ta phát triển ‘thuốc Tây’ thì chưa chắc đã tới lượt mình, đừng tưởng hiện đại hóa phương thuốc cổ truyền thành viên thuốc hiện đại dễ như ăn bánh, lúc làm thì mới thấy là mình không thể làm nổi vì mình không hề có công nghiệp hóa chất. Trong khi đó, người dân có rất nhiều kinh nghiệm, đa dạng thực vật thì tại sao ta không phát triển lên?”, PGS.TS Trần Văn Ơn nói. Tuy nói là mỏ vàng nhưng hàng trăm bài thuốc của các tộc người vẫn chỉ là tiềm năng ngủ yên, không dễ gì khai thác được nếu thiếu đi người thợ giỏi đủ khả năng tách chiết và đánh giá từng miligram dược chất của từng loại cây nhiều khi chưa hoặc mới được bổ sung vào danh lục thực vật Việt Nam. “Công thức” của anh là ba giai đoạn nghiên cứu phát triển cộng đồng và một tháp thảo dược.

Tuy nhiên, nếu không khai thác theo cách này, rất có thể tương lai của cả vùng miền núi phía Bắc sẽ còn tệ hơn, khi người dân khai thác cây thuốc theo kiểu tận diệt, bán sản vật sang Trung Quốc, thu được tiền ngay nhưng là thảm họa với môi trường và gây đứt đoạn hoàn toàn với văn hóa bản địa và tri thức tộc người. Hoặc cũng chỉ có thể “vào trong thị trấn Sa Pa đeo bám khách du lịch bán hàng rong”, như lời kể của Lý Láo Lở.

Công thức ba giai đoạn

Là một nhà dược học dân tộc học, PGS. TS Trần Văn Ơn đã hình dung ra con đường mà người dân miền núi có thể khai thác được giá trị của các cây dược liệu, bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn một gồm nghiên cứu về lịch sử và giá trị của thuốc dân gian để đưa thành các phương pháp chăm sóc sức khỏe hiện đại; giai đoạn hai là chuyển giao lại cho cộng đồng bản địa đồng thời hỗ trợ bản địa thành lập doanh nghiệp cộng đồng hoặc hợp tác xã để “biến cây thuốc thành tiền”; giai đoạn thứ ba là mỗi cộng đồng này xây dựng vườn thảo dược rộng lớn.


Con đường này không hề dễ dàng, cần có sự hỗ trợ của khoa học hiện đại mà kiến thức đầu tiên là phân loại thực vật (Plant taxonomy). Việc phân loại thực vật chính xác các loại cây, từ kim ngân Hy Mã Lạp Sơn, quỷ xuy tiêu, thanh anh, thu hải đường Vân Sơn, ngọc trúc, mao lương đất, quan thần hoa, thượng tiễn… từ núi Lảo Thẩn, Kỳ Quan San về xây dựng “vườn thảo dược trên mây” ở Y Tý mất cả chục năm nghiên cứu mà vẫn chưa đến điểm chót. Sau đó, những loại cây mà các “ông lang bà mế” vẫn dùng trong các bài thuốc nay được các nhà khoa học phân tích đánh giá khả năng chống viêm nhiễm trong cây “chùa dù”, chất chống ô xy hóa, giảm đau nhức xương trong cây “củ dòm”, chất giảm đau trong cây lanh… để có thể khai thác được thế mạnh của chúng tốt nhất và gợi mở cách dùng thuận tiện nhất. “Nếu không chúng ta muôn đời cũng chỉ băm chặt ngâm rượu hoặc cho vào nồi sắc cả ngày”, PGS. TS Trần Văn Ơn giải thích.

Con đường đưa một bài thuốc dân gian trở thành một sản phẩm dưới dạng điều chế hiện đại, như viên nang hoặc viên nén, cao lỏng… hoặc ở cấp độ thấp hơn như chiết xuất bài thuốc tắm người Dao trở thành chai thuốc sử dụng cho bà mẹ và trẻ em trong các bệnh viện phụ sản, trải qua rất nhiều bước gian nan, ngay cả khi các nhà khoa học đã có trong tay rất nhiều công cụ tiên tiến. “Rất khó chuyển hóa từ bài thuốc cổ truyền sang loại thuốc được bào chế như dạng Tây y, khâu khó nhất là chuẩn hóa để cho nó đạt được độ ổn định, độ rã, độ chảy, đảm bảo được khả năng giải phóng của thuốc…”, ThS Nghiêm Đức Trọng, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của PGS. Trần Văn Ơn, trao đổi với phóng viên Tia Sáng khi nghiệm thu đề tài thuốc lợi gan lợi mật, kết hợp giữa nhóm nghiên cứu của GS. Phạm Hùng Việt (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) và PGS.TS Trần Văn Ơn vào tháng 12/2019. Đơn cử, với dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium), từ lúc phát hiện Acid gymnemic – một hoạt chất có tác dụng hạ đường huyết, ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng cũng như các hoạt chất Gymnema Sylvester giúp giảm mỡ thừa, Hentriacontane giảm biến chứng tiểu đường… cho tới ngày sản xuất thành viên nén thực phẩm chức năng, được cấp phép, anh cũng mất cả chục năm.

Trên con đường kiên trì áp dụng phương thức “ba giai đoạn”, 20 doanh nghiệp và hợp tác xã đã được thành lập trên vùng đất phía Bắc này. Tất cả nhờ vào sự tính toán và hiểu biết của PGS.TS Trần Văn Ơn. Từ kinh nghiệm của mình, sau khi nghiên cứu xong giai đoạn một để chuyển giao công nghệ cho cộng đồng, anh thấy có hai tình huống: tình huống thứ nhất là đã có hệ thống sẵn – là các công ty hoặc HTX đã sản xuất, và họ chỉ gặp vướng ở một vài vấn đề công nghệ, ví dụ như giống kém, cần chuyển giao giống mới, hoặc chiết xuất, chế biến, bảo quản gặp vấn đề cần đưa công nghệ vào xử lý. Vấn đề đặt ra lúc này chỉ là người dân có hấp thụ được công nghệ đó không, thực sự công nghệ của nhà khoa học, doanh nghiệp đưa ra có hiệu quả không, phù hợp và giải quyết được vấn đề mấu chốt mà người dân đang cần không.

Nhưng tình huống thứ hai là ở các cộng đồng chưa hề có công ty hay HTX nào cả. Khi đó “gói chuyển giao” không đơn thuần chỉ là công nghệ mà phải giúp xây dựng cộng đồng, hình thành ra các hợp tác xã, công ty ở địa phương để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, và đơn vị đó sẽ trở thành hạt nhân. Như vậy, không đơn giản chỉ là có công nghệ là được, mà cần tạo ra một chuỗi giá trị. Mà khâu này thì nhà khoa học lại “thua”. Trong một dự án, không chỉ có nhà khoa học, không thể chỉ “chăm chăm” vào công nghệ cụ thể, bởi trong rất nhiều tình huống, có thể sau khi chuyển giao cho người nông dân xong, khi hoàn tất thì nhà khoa học và người dân lại “ai về nhà nấy”. Do đó, ngoài vai của nhà khoa học am hiểu về khoa học, kỹ thuật, anh Ơn gánh thêm vai của nhà phát triển cộng đồng để chuyển giao công nghệ chế biến các bài thuốc, vị thuốc hiện đại hóa thành sản phẩm đại trà.

Một góc vườn thảo dược của Sapanapro, Sapanapro đang xây dựng vườn thảo dược 5ha.

Nhờ giải quyết được tình huống này, với việc lăn lộn tư vấn hỗ trợ người dân, 20 doanh nghiệp cộng đồng/hợp tác xã của các cộng đồng bản địa đã ra đời, như Sapanapro đặt giữa vùng văn hóa người Dao đỏ chuyên về thuốc tắm cho bà mẹ, trẻ em; Y Tý Farmstay đặt giữa vùng văn hóa Hà Nhì đen chuyên phân loại và trồng các loài cây thuốc đặc hữu của vùng cao nhất trên dãy Hoàng Liên Sơn, Nậm Đăm ở vùng văn hóa người H’Mông làm vườn cây thuốc đặc hữu của vùng cao nguyên đá Hà Giang…

Tháp thảo dược

Nhưng không phải hợp tác xã/ doanh nghiệp cộng đồng nào cũng đủ khả năng phát triển những bài thuốc trở thành sản phẩm thuốc/thực phẩm chức năng như cách anh Ơn làm với dây thìa canh lá to. Không phải hợp tác xã/doanh nghiệp cộng đồng nào cũng đủ khả năng theo đuổi việc phát triển vùng trồng, nhận chuyển giao/ liên kết với doanh nghiệp lớn, và nhà khoa học nghiên cứu được tới sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, anh Ơn và các hợp tác xã nghĩ tới một mô hình “tháp thảo dược”: Thị trường thuốc chỉ ở trên đỉnh của tháp, rất bé và rất khó làm, chỉ dành cho những doanh nghiệp, hợp tác xã có công nghệ, có tổ chức sản xuất tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe. Các tầng chân tháp – sản phẩm phục vụ ăn uống, du lịch, mới là bệ đỡ, với thị trường là hàng chục triệu người mỗi năm mới đủ khả năng làm giàu từ nguồn vốn cây thuốc. Sapanapro, Y Tý Farmstay hay Nậm Đăm ở … đều đi theo mô hình tháp này: ở tầng chân tháp là thảo dược phục vụ du lịch gắn với văn hóa bản địa, các tầng trên cao gồm chiết xuất, thuốc, hẹp lại dần. Thực tế, trong số 20 hợp tác xã và doanh nghiệp cộng đồng chỉ có DK Natural gắn với dây thìa canh mới đủ sức đi tới đỉnh cao nhất của tháp – làm vùng trồng phối hợp, liên kết để với Công ty Dược DK Pharma để sản xuất thực phẩm chức năng trị tiểu đường.

“Các tầng tháp thảo dược không chỉ phù hợp với từng mô hình hợp tác xã: kết hợp giữa vùng trồng thảo dược, nghề thuốc với làm du lịch, sinh thái, ẩm thực… mà còn là mô hình giúp ích cho ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam”, PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết. Đối với riêng ngành công nghiệp dược liệu, các tầng chân của tháp càng dày, phục vụ đa dạng nhu cầu khác nhau, càng mở rộng trồng trọt thì càng có điều kiện để cho tầng đỉnh của tháp có nhiều nguyên liệu cho sản xuất thuốc/ thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Việc thay đổi quan điểm về thảo dược, mở rộng khái niệm dược liệu có thể giúp phát triển ngành này để phục vụ đa dạng nhiều nhu cầu: từ các loại rau ăn, đồ uống, lương thực, đến hương liệu, chất nhuộm màu thực phẩm,… để ăn, uống hằng ngày nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đến các sản phẩm chuyên sâu hơn, như các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và cuối cùng mới là thuốc, như thuốc Y học cổ truyền, thuốc dược liệu và thuốc “Tây”.

Trường hợp các doanh nghiệp cộng đồng như Sapanapro, DK Natural là “nguyên mẫu” để anh Ơn tư vấn thành công cho tỉnh Quảng Ninh xây dựng chương trình OCOP (mỗi xã phường một sản phẩm) ngay từ khi cả nước chưa biết đến chương trình này, và lồng ghép việc phát triển các vườn dược liệu dọc theo các hợp tác xã ở phía Tây của Quảng Ninh. Không dừng lại ở 20 hợp tác xã và doanh nghiệp cộng đồng, anh mơ tới ngày nhân rộng những mô hình này, xây dựng một cung đường thảo dược – áp dụng cách tiếp cận mới theo tháp thảo dược. Năm trục theo tháp thảo dược, đưa thảo dược vào hoạt động kinh tế du lịch, văn hóa, gồm Trục Văn hóa – thảo dược Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Trục Văn hóa – thảo dược Cao Nguyên Đá (Hà Giang), Thung lũng dược liệu Ngọa Vân – Yên Tử (Quảng Ninh), Trục Văn hóa thảo dược Việt Bắc (Thái Nguyên) và Trục Văn hóa – thảo dược Hội An – Trà My (Quảng Nam). Ở mỗi cung đường, anh đã gây dựng thành công hàng loạt các mô hình hợp tác xã hoặc công ty cộng đồng phát triển thảo dược gắn với văn hóa du lịch.

Thực ra anh Ơn tự nhận, con đường mình vạch ra không phải quá mới mẻ vì các nước đã đi cả rồi. Gần Việt Nam, Thái Lan thì đưa ra tầm nhìn đưa vùng Đông Bắc trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược và y học truyền thống Thái Lan và massage Thái. Và con đường xây “tháp thảo dược” này sẽ đưa Thái Lan sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về mỹ phẩm thảo dược. Nếu Việt Nam không có hướng đi cụ thể, không quyết tâm phát triển thị trường thì vườn thảo dược Việt Nam liệu 20 – 30 năm nữa có hình thành hay mãi là tiềm năng? “Đây là con đường mà ta có lợi thế, có đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học, cảnh quan tuyệt đẹp. Tại sao ta lại không dùng thế mạnh này mà cứ đi phụ thuộc vào tân dược?”, PGS.TS Trần Văn Ơn nói. Và dầu có phụ thuộc vào tân dược (cũng với nguồn nhập khẩu áp đảo), thì 60%  số thuốc tân dược hiện nay có xuất phát hoặc dựa trên các hợp chất tự nhiên. “Chỉ khi phát triển được các trục dược liệu: du lịch và “xuất khẩu dược liệu tại chỗ” mới tạo ra nền móng cho dược liệu cho y học cổ truyền, tạo dược liệu để xuất khẩu quốc tế”.□

Chú thích:

1)https://www.who.int/news/item/25-03-2022-who-establishes-the-global-centre-for-traditional-medicine-in-india

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)