Bí mật ánh mắt một bức tượng

Bức tượng nổi tiếng “Scribe accroupi” (Ông giáo ngồi) trong bảo tàng Louvre có một cái nhìn cuốn hút nhiều thế hệ khách thăm quan nơi đây. Nhưng tại sao người Ai Cập cổ lại có thể tạo ra được một ánh mắt kì lạ đến thế? Các nhà khoa học mới đây đã khám phá ra được bí mật này. Phân tích bức tượng này đã giúp các nhà khoa học không những hiểu được cách người ta làm ra bức tượng này như thế nào, mà còn cung cấp thêm những kiến thức mới về thành phần, cách chế tạo và bảo quản các tác phẩm nghệ thuật.

Tại thung lũng Saqqarah, vào năm 2600-2350 trước Công nguyên, một nhóm các nghệ sĩ đã được tập hợp lại để hoàn thiện một bức tượng điêu khắc làm bằng đá vôi, miêu tả một người đàn ông đang ngồi xổm. Nhẹ nhàng và khéo léo, các nghệ sĩ hoàn tất nốt công việc dát đá cho bức tượng. Những viên tinh thể đá núi đã được chọn để chế tác thành đôi mắt cho bức tượng. Họ đã khiến cho bức tượng Scribe, một tuyệt tác của Đế chế Ai Cập cổ đại có một cái nhìn bao la, thật một cách đáng kinh ngạc. Cái nhìn như từ bên trong của nhân vật nhưng lại giày vò những người ngoài khi họ bắt gặp ánh mắt đó, bằng những dữ liệu thị giác rõ ràng. “Chúng ta nhìn ông ta và điều kỳ lạ là chúng cảm thấy như đi cùng, hòa đồng với ông”, Maurice Merleau-Ponty, nhà triết học người Pháp từng nói về bức tượng như vậy.
Bức tượng Scribe là bằng chứng của một thời kỳ rực rỡ, thời kỳ mà các xưởng vẽ của các vị vua sáng lập ra Saqqarah, những phường hội nghề nghiệp cùng chung sống với nhau (hội họa và nghệ thuật có quan hệ mật thiết với những người thợ thủ công trong các lĩnh vực như mài đá, đào vàng, kim hoàn và chế tác đá quí).

Năm 1850, nhà Ai Cập học Auguste Édouard Mariette của bảo tàng Louvre phát hiện ra một lăng mộ ở Ai Cập bị vùi lấp dưới cát sa mạc, sau này lăng mộ đó đã trở nên nổi tiếng. Người ta kể lại rằng những công nhân Ai Cập được thuê khai thác kho báu đã rất sợ hãi khi mới nhìn thấy bức tượng và nói rằng ánh mắt của bức tượng luôn dõi theo họ. Đối với họ, đó là người thật chứ không phải là một bức tượng.

Quan sát bằng mắt thường

Cho tới năm 1997, bức tượng Scribe được bảo quản tại bảo tàng Louvre và ánh mắt của nó luôn được coi là bí ẩn đối với mọi người. “Tác phẩm nghệ thuật này là một thông điệp khá mơ hồ, trong đó tính đa nghĩa của cái được biểu đạt lại tồn tại với tính đơn nghĩa của cái biểu đạt”. Mỗi khách tham quan có thể có sự lựa chọn riêng của mình nhưng câu hỏi mà ánh mắt đưa ra đối với mọi người thì khó ai có thể giải đáp được chính xác.

Để lột bỏ bức màn bí hiểm che phủ bức tượng, vào năm 1997, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và phục chế các bảo tàng của Pháp (C2RMF) và bảo tàng Louvre đã chụp, quét và phân tích bức tượng Scribe với sự trợ giúp của các công nghệ mới nhất, các thiết bị tinh vi nhất và các kiến thức khoa học cập nhật nhất.

Phòng thí nghiệm nằm dưới bảo tàng là nơi tiến hành các nghiên cứu vật lý và hóa học trên tác phẩm nghệ thuật. Để đảm bảo không ảnh hưởng tới bức tượng, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp nghiên cứu không phá hủy (phân tích không cần lấy mẫu).

Nhờ phương pháp gia tốc phân tử, các nhà khoa học đã khám phá được bí mật chất liệu làm ra đôi mắt kỳ lạ của bức tượng. Sử dụng thêm phương pháp chiếu tia X, cấu trúc của bức tượng cũng đã được làm rõ. Con ngươi của cặp mắt được làm từ tinh thể đá núi cực kỳ thuần khiết. Được đẽo thành hình nón, con ngươi của bức tượng trông như một nhãn cầu thực sự. Bề mặt hình nón được làm mờ để tạo ra “ánh sáng” xung quanh con ngươi. Chúng được làm như một đồng tử của mắt thật. Những điều này cho thấy người Ai Cập cổ đã có một kiến thức đáng ngạc nhiên về giải phẫu mắt. Người nghệ sĩ đã tái tạo khá trung thành độ cong của giác mạc và đồng tử thì được đặt rất đúng chỗ, với một sự chính xác hiếm có. Dường như người nghệ sĩ muốn tạo ra bí ẩn thực sự cho cái nhìn của bức tượng. “Người ta đã cố tạo cho cái nhìn đó sống động hết mức có thể. Một ánh mắt bất diệt”, Jean-Pierre Mohen, Giám đốc C2RMF.

Anne Bouquillon, một kỹ sư và đồng tác giả của nghiên cứu bức tượng nhận xét rằng: dường như các nghệ sĩ Ai Cập đã quan sát rất kỹ mắt của người, phần trước của mắt dường như được làm để tiếp nhận mọi ánh mắt khác khi nhìn vào đó. Điều kỳ lạ là các nhà kim hoàn thời đó đã biết mài các thấu kính thành các hạt quartz. “Đây là điều chưa từng có trong lịch sử, theo những kiến thức mà chúng tôi có được”, bà nói. Liệu y học Ai Cập đã phát minh ra nhãn khoa trước khi phát minh ra bức thư? Cho đến ngày nay, người ta chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng khảo cổ nào chứng minh cho câu hỏi đó. Tuy nhiên, với những quan sát và phân tích mắt bằng mắt thường như vậy chứng tỏ người xưa đã có rất nhiều các kiến thức y học trong lĩnh vực này.

Men và ngọc rubis

Qua các nền văn minh và thời kỳ khác nhau, người ta đã biết đến rất nhiều bộ phận giả được làm ra và gắn trong các tác phẩm nghệ thuật. Bức tượng nữ thần Babylon Ishtar được làm ra từ hai thế kỷ trước Công nguyên, với đôi mắt không phải là những mảnh thủy tinh nhuộm, mà là những viên ngọc rubis có nguồn gốc từ Myanmar (Miến Điện cũ).

Nhiều tác phẩm nghệ thuật Ai Cập khác cũng vậy, thí dụ như chiếc mặt nạ bằng vàng của bức tượng Toutankhamon và những con mắt tráng men, hay những đồ vật bằng đá chạm trổ tuyệt mỹ, tượng trưng cho đầu của thần Horus. Người ta cũng thấy nhiều bộ phận giả trong các tác phẩm nghệ thuật Celtic, Hy Lạp (thí dụ trong mặt người đánh xe của Delphes) hay trong các tác phẩm thời Roman. Phải chăng chính là nhờ các nghệ sĩ Roman mà ngày nay chúng ta có được từ ocularii, một từ dùng để chỉ các nhà sản xuất mắt giả, chuyên dùng cho các bức tượng. Vào thời Trung cổ, con ngươi trong mặt người trên các cột kiến trúc Roman đều được làm bằng đá quí hoặc chì. Các bức tượng ở Đảo Pâques trước cũng có các con ngươi như vậy, nhưng sau đã bị đánh cắp hết.

“Ngày nay người ta đã nhận thức rõ ràng rằng một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra không chỉ để thỏa mãn thị giác của người xem mà còn kể lại cuộc sống của những con người đã sáng tạo ra nó”, Jean-Pierre Mohen, Giám đốc phòng nghiên cứu và phục chế các tác phẩm nghệ thuật của Louvre nói.

VƯƠNG TIẾN  Theo Cnrs

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)