Các đập thủy điện trên thế giới: Hai bức tranh trái ngược 

Sau một thời gian dài ồ ạt phát triển thủy điện, giờ đây nhiều nước đang đánh giá lại ảnh hưởng của thủy điện tới hệ sinh thái và các cộng đồng cư dân, thậm chí phá bỏ dần các thủy điện cũ.

Đập thủy điện trên dòng Elwha, trước khi bị phá sập vào năm 2014. Ảnh: phys.org

Năm 2014, sau mấy chục năm chờ đợi, cuối cùng các nhà sinh thái học sông ngòi đã có thể nhìn thấy nhiều loài cá tưởng đã tuyệt chủng trên dòng sông Elwha ở tiểu bang Washington, Mỹ, quay trở lại sinh sản sau khi người ta cho phá hai con đập lớn đã cũ. Không chỉ có dòng Elwha hồi sinh sau một cơn hôn mê kéo dài, ngày càng nhiều con đập được dỡ bỏ, giải phóng dòng phù sa trên các dòng sông trong khoảng một nửa trong số 85.000 con đập ở Mỹ không còn hoạt động hiệu quả. 

Đây có lẽ là ý tưởng điên rồ, khi nhiều nơi vẫn đang xây đập chằng chịt trên các dòng sông để tận dụng sức nước hoặc làm hồ chứa. Các đập thủy điện, từng là nguồn năng lượng quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng ở Mỹ khi có thời điểm chiếm tới 60% sản lượng điện. Nhưng bắt đầu từ cuối những năm 1960, các đập lớn đã ngừng được xây dựng vì những địa điểm tốt nhất để xây dựng đập đã được xây rồi, sau này chi phí xây dựng ở các địa điểm khác ngày càng quá cao và quan trọng nhất là các gánh nặng môi trường và xã hội ngày càng tăng. Kể từ đó, sự đóng góp của thủy điện vào nguồn cung cấp điện của Mỹ đã giảm dần xuống còn 6,1% mức tiêu thụ năng lượng và các nguồn năng lượng khác như hạt nhân, khí đốt, than đá, năng lượng mặt trời và gió bắt đầu thay thế. Nhiều đập được xây dựng trước năm 1950 đã hết thời hạn sử dụng, chi phí duy tu sửa chữa quá tốn kém, và càng giữ lâu thì càng để hệ lụy môi trường. Đến nay đã có 8000 đập đã được phá bỏ ở Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Thụy Sĩ và Pháp (cập nhật trên trang https://www.damremoval.eu).

Khoảng 80 triệu người phải di dời để xây dựng các con đập nhưng rất khó để tái định cư hợp lý và thực ra chưa có cơ chế bù đắp đầy đủ các tổn thất cho những cộng đồng bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng hệ sinh thái và xã hội

Giờ đây có hai bức tranh trái ngược nhau: thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo lớn trên thế giới và các nước đang phát triển như ở châu Á, Nam Mỹ, châu Phi vẫn tập trung xây thủy điện, nhưng ở Mỹ và châu Âu, số lượng đập bị phá đi nhiều hơn xây mới. Bởi vì sau khi đánh giá lợi ích từ nguồn năng lượng các thủy điện mang lại cũng như các chi phí, người ta ngày càng nhận ra tác động của thủy điện lên hệ sinh thái sông, phá rừng, dẫn tới di cư và thay đổi sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, chất lượng nước, mất đa dạng sinh học dưới nước và trên cạn…

Dù vậy, các nước đang phát triển vẫn phải xây mới thủy điện để có đủ năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội trong khi chưa có nguồn năng lượng khác thay thế (ước tính có khoảng 3.700 đập có công suất trên 1 MW đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng chủ yếu ở các nước đang phát triển) mặc dù đã có những ước tính cho thấy nhìn chung chi phí lớn hơn lợi ích mang lại, nhất là khi xây các đập lớn và siêu lớn. Còn các đập thủy điện nhỏ nhìn chung được đánh giá tích cực hơn, mang lại lợi ích cho cộng đồng, ít hệ lụy môi trường và xã hội. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về các tác động của cả thủy điện nhỏ.

Một công bố trên tạp chí PNAS đã tổng hợp các tác động môi trường của các hệ thống đập trên thế giới. 

Đầu tiên là về chi phí xây dựng các đập lớn. Một phân tích toàn cầu về chi phí xây dựng 245 đập lớn được xây dựng từ năm 1934 đến năm 2007 cho thấy chi phí của các đập lớn cao hơn 96% so với chi phí ước tính ban đầu và cứ 10 đập lớn thì có 1 đập có chi phí cao gấp ba lần so với ước tính ban đầu. Các con đập đã nhiều năm tuổi, khi vật liệu xây dựng bị lão hóa và tích tụ trầm tích quá nhiều sẽ cần phải sửa chữa (với các công trình xây dựng trước năm 1960, tốc độ bồi lắng không được đưa vào tiêu chí thiết kế đập một cách nhất quán; do đó, nhiều đập sẽ bị trầm tích lấp với tốc độ vượt quá dự liệu). Chi phí sửa chữa có thể cao gấp ba lần chi phí phá bỏ, và đây là lý do quan trọng dẫn đến xu hướng phá bỏ đập cũ ở nhiều nước ngày càng gia tăng. 

Nhiều lưu vực sông lớn đang là trung tâm để phát triển thủy điện do có tiềm năng sản xuất điện năng nhưng lại ít được quan tâm đánh giá tác động để từ đó giảm thiểu hậu quả về môi trường và xã hội. 

Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy hệ thống thủy điện trên sông Mê Kông và khai thác cát làm hạ thấp lòng sông, khiến tình trạng thiếu nước trong mùa kiệt nặng nề hơn. Ảnh: sông Mê Kông chảy qua Campuchia trơ đáy trong mùa cạn. Nguồn: Ủy hội sông Mê Kông.

Hàng triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng do việc xây dựng đập vì phải tái định cư để phục vụ việc xây dựng thủy điện, tích nước lòng hồ, hoặc sinh kế bị ảnh hưởng sau khi xây đập. Có ước tính, khoảng 80 triệu người phải di dời để xây dựng các con đập nhưng rất khó để tái định cư hợp lý và thực ra chưa có cơ chế bù đắp đầy đủ các tổn thất cho những cộng đồng bị ảnh hưởng. Những người phải di cư thường chịu định giá đất đai, nhà cửa thấp và cũng như không có cơ chế gì đền bù được những mất mát do đứt gãy mạng lưới xã hội, nền tảng văn hóa, gây ra những hậu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội và sức khỏe.

Một ước tính thận trọng là 472 triệu người trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng do các tác động của đập tới vùng hạ lưu. Kể cả có ước tính như vậy thì tác động lên các cộng đồng ở hạ lưu vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các cộng đồng ở hạ lưu các con sông thường không bị di dời, cũng không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào vì được cho là không chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy điện, mặc dù ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra tác động của đập tới sự phát triển bền vững của vùng hạ du cũng như tác động trực tiếp tới sinh kế của những cư dân sống dựa vào dòng sông. Những ảnh hưởng ấy có lẽ còn nghiêm trọng hơn người ta có thể hình dung khi hầu hết những người chịu ảnh hưởng đều là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. 

Lưu vực sông Mê Kông cũng đang trở thành điểm nóng hàng đầu thế giới trong việc thu hút đầu tư xây dựng các đập thủy điện lớn, chủ yếu là của Trung Quốc.

Lưu vực Amazon có 147 đập được quy hoạch. Quy mô đa quốc gia của các đập ảnh hưởng đến các hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học rất cao cũng như ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng cư dân các dân tộc khác nhau. Về mặt đa dạng sinh học, hệ thống sông Amazon có quần thể cá đa dạng nhất trên Trái đất và nghề cá ở đây cũng mang lại năng suất cao nhất. Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 2.320 loài cá ở lưu vực sông Amazon, nhiều nhất trong số các hệ thống sông trên thế giới, đứng thứ hai là Congo với 1.269 loài, sông Mê Kông đứng thứ ba với 599 loài. Tác động của các con đập đối với nghề cá ở lưu vực sông Amazon đã được nghiên cứu, cho thấy các con đập đã ảnh hưởng đến quần thể cá. Đơn cử, sau khi các con đập được lắp đặt trên sông Tocantins, số lượng cá đã giảm 25%, chủ yếu do các đập làm cản trở luồng di cư của cá. Lưu vực sông Mê Kông cũng đang trở thành điểm nóng hàng đầu thế giới trong việc thu hút đầu tư xây dựng các đập thủy điện lớn, chủ yếu là của Trung Quốc. Thống kê đến 2023 có 160 dự án thủy điện trên dòng Mê Kông, đã đe dọa tới ngư trường thuộc hàng có năng suất và đa dạng nhất trên thế giới này. Ngoài ra những thay đổi về lượng trầm tích cũng làm ảnh hưởng tới các loài cá.

Cân bằng chi phí và lợi ích 

Các nhà khoa học khuyến nghị giải pháp, để phát triển thủy điện bền vững, điều quan trọng là phải xây dựng các cơ chế giảm thiểu tác động môi trường, hài hòa lợi ích của cư dân các vùng chịu ảnh hưởng, cả ở thượng du và hạ du các con sông. Để đảm bảo cân bằng giữa chi phí và lợi ích, các nhà khoa học khuyến nghị đánh giá kỹ lưỡng các tác động, gồm: 

Đánh giá kỹ lưỡng cả tác động môi trường (EIA) và đánh giá tác động xã hội (SIA), trong trường hợp tác động môi trường và xã hội quá lớn thì các đánh giá này là cơ sở để ngăn việc xây dựng đập. Quá trình đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội phải do các đơn vị độc lập tiến hành chứ không phải do chính các công ty xây dựng đập mời đánh giá. Các công ty tham gia xây dựng đập hoặc các công ty con không đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội (như đang phổ biến ở nhiều quốc gia). Để thực hiện điều đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị, các báo cáo đánh giá về tác động đến môi trường, đến đa dạng sinh học và tác động xã hội do các tổ chức độc lập có chuyên môn, không có quan hệ lợi ích với các cơ quan quản lý, ngành năng lượng hoặc các công ty xây dựng. Thực tiễn hiện nay cho thấy rằng các đánh giá vẫn thường do các công ty tư vấn được thuê để làm và phản hồi cho các nhà xây dựng đập tiềm năng. Cần minh bạch hơn với công chúng xã hội về chi phí và lợi ích thực sự của các đập (bao gồm cả chi phí xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị và môi trường cũng như chi phí dỡ bỏ đập khi hết tuổi thọ của đập). Hiện nay các dữ liệu và kết quả nghiên cứu thường không được công bố rộng rãi cho các bên liên quan cho đến rất lâu sau khi các đập được xây dựng. Lợi ích thường xuyên bị thổi phồng trong khi đó các chi phí và tác động lại được giảm nhẹ đi trong các báo cáo tác động môi trường và xã hội. Và cuối cùng, chi phí để đền bù lại các tác động môi trường và xã hội ở các vùng chịu ảnh hưởng, thậm chí trong nhiều năm sau, là do xã hội gánh chịu chứ không phải do các công ty năng lượng chịu trách nhiệm. 

Các thủy điện cần được thiết kế mô phỏng dòng chảy của sông theo mùa và cho các loài cá đi qua. Khuyến nghị này đưa ra bởi vì hiện nay, các thủy điện đều không có cửa cho các loài các di cư đi qua, hoặc là các thiết kế này đều không hoạt động. Nhìn chung, việc thiết kế thủy điện để cho các loài cá đi qua đang bị lờ đi. Việc ưu tiên sản xuất năng lượng nhưng làm hủy hoại đa dạng sinh học ở các con sông phải dừng lại. Việc xả nước từ đập phải mô phỏng sự biến động tự nhiên theo mùa của sông để duy trì chất lượng dòng chảy. 

Cần xây dựng cơ chế quản lý các đập tốt hơn. Để khắc phục những hạn chế của hoạt động xây dựng đập hiện nay, các nhà khoa học khuyến nghị cần có cơ chế phối hợp thông tin liên vùng, liên quốc gia, làm rõ ảnh hưởng của các đập đến các vùng một cách minh bạch. Cho đến nay, các lưu vực sông chính là nơi chứng kiến sự căng thẳng giữa các quốc gia, và hầu như chưa có cơ chế minh bạch thông tin. Chẳng hạn gần đây, giới khoa học cũng đề nghị có sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ dữ liệu về chế độ thủy văn, tác động của thủy điện giữa các quốc gia, nhất là ở các lưu vực sông ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người, hoặc thậm chí hàng tỉ người. Nhiều báo cáo cho thấy, dữ liệu và thông tin thủy văn không được thu thập, duy trì hoặc công bố một cách có hệ thống, tiêu biểu như dữ liệu các sông ở Nam Á (các sông Ấn, sông Hằng và sông Brahmaputra). Dữ liệu sẵn có thường ở tình trạng chất lượng kém, khó xác minh, khó tiếp cận. Nhìn chung, dữ liệu rất rời rạc khiến việc phác dựng được bức tranh thủy văn hoàn chỉnh về các con sông trở nên khó khăn. Môi trường thông tin về các con sông rất khép kín và rời rạc đã làm ảnh hưởng đến khả năng đưa ra các quyết định chính sách, quy hoạch, quản lý và phát triển ở những lưu vực chung. Việc thiếu chia sẻ thông tin cũng ảnh hưởng đến khả năng ứng phó hiệu quả với các cú sốc, thảm họa thiên nhiên liên quan đến các con sông như lũ lụt, hạn hán, xâm mặn… của chính phủ các nước.

Về công nghệ, giới chuyên môn khuyến nghị nghiên cứu sử dụng các giải pháp thay thế cho việc xây đập truyền thống trên sông, như công nghệ tuabin cột nước thấp, ít ảnh hưởng tới hệ sinh thái hơn, đã được thử nghiệm ở nhiều nơi. 

Thủy điện vẫn cần thiết với nhiều quốc gia khi không có nguồn năng lượng thay thế. Nhưng điều quan trọng là phải hạn chế việc xây dựng các đập lớn, áp dụng công nghệ mới cho phép cá và trầm tích đi qua, từ đó không làm gián đoạn hệ sinh thái dòng chảy, hạn chế ảnh hưởng đến cộng đồng các cư dân. 

Bảo Như tổng hợp

Bài đăng Tia Sáng số 10/2024

https://www.pnas.org/doi/full/10.1073/pnas.1809426115
https://www.science.org/doi/abs/10.1126/science.aaa9204
https://www.nature.com/articles/511521a

Tác giả

(Visited 202 times, 1 visits today)