Catherine II – Nữ hoàng khai sáng

Bên cạnh hình ảnh một chính trị gia có tài thao lược, bà còn được coi là người mở ra thời kỳ Khai sáng ở Nga, thúc đẩy sự tiến bộ của mọi lĩnh vực xã hội với lòng khoan dung, lý tính và kiềm chế sự ảnh hưởng của giáo hội.

Chân dung đăng quang của nữ hoàng Catherine II. Họa sĩ: Stefano Torelli

Từ Công nương nước Phổ…

Trước khi trở thành người cai trị nước Nga, Sophie Auguste Fredericke, sinh ngày 2/5/1729, là con gái trong một gia đình quý tộc Phổ lụi tàn.

Thân phụ là Vương công Christian Augustus xứ Anhalt-Zerbst, còn thân mẫu là Công nương Johanna Elisabeth xứ Holstein-Gottorp. Công nương Johanna là một người cực kỳ tham vọng, bà đã tận dụng các mối quan hệ xã hội và gia đình để sắp xếp một cuộc hôn nhân giá trị cho con gái. Năm 1739, bà đưa Sophie mới 10 tuổi tới triều đình Phổ. Tại đây, cô bé gặp người anh họ mồ côi Karl Peter Ulrich – đứa cháu duy nhất còn sống của Peter I Đại đế.

Vài năm sau, khi Nữ hoàng Nga Elizabeth không con nhận đứa cháu này về làm người thừa kế, bà đã để mắt tới bạn chơi cùng của Peter. Và thế là, năm 14 tuổi, Sophie được triệu tập tới Nga để gả cho người kế vị. Bà đổi tên thành Catherine (hay Ekaterina trong tiếng Nga), và cải đạo từ Tin lành Lutheran sang Chính thống giáo Nga. 

Làm dâu hoàng gia không hề mang lại cho bà hạnh phúc. Catherine phải chịu đựng sự ghẻ lạnh và nhục nhã từ chồng, con cái sinh ra lần lượt bị Nữ hoàng Elizabeth mang đi. Mất vị thế trong triều đình, bà giải khuây bằng cách ngày ngày đọc sách, chăm chỉ học tập ngôn ngữ và văn hóa nước này để sớm ngày hòa nhập. Trong những đêm dài đằng đẵng, bà đi chân trần trên sàn nhà lạnh lẽo để ghi nhớ từ tiếng Nga. Những nỗ lực này đã khiến bà bị viêm phổi, nhưng cùng lúc nó xây dựng danh vọng cho Catherine với hình ảnh một con dân tận tâm với quê hương mới. 

Bên cạnh việc cố gắng trở thành người Nga, bà còn tiếp thu những lý tưởng cấp tiến trong thời kỳ Khai sáng của châu Âu. Các nhà tư tưởng đã “tạo ra một cuộc cách mạng trong tư duy của tôi”, như bà từng viết. Năm thứ hai sau khi lên ngôi, bà bắt đầu trao đổi thư từ với những triết gia nổi bật như Voltaire và Dennis Diderot, những lá thư này kéo dài trong suốt cuộc đời.

… trở thành Nữ hoàng đế quốc Nga

Trái ngược với Catherine, Peter tỏ ra bài xích nước Nga và một lòng hướng về nước Phổ. Điều này thể hiện rõ khi ông kế vị Nữ hoàng Elizabeth và trở thành Hoàng đế Peter III vào năm 1762. Ông buộc lính Nga phải cởi bỏ quân phục màu xanh lá và thay bằng màu áo xanh dương của nước Phổ. Chưa hết, tân Sa hoàng còn quay lưng lại với đồng minh nước Áo và từ bỏ cuộc chiến chống lại nước Phổ. 

Những hành động phản lợi ích quốc gia của nhà vua đã khiến triều đình phẫn nộ. Sáu tháng sau khi lên ngôi, Peter III bị quần thần đảo chính, vợ ông được tôn làm Nữ hoàng Catherine II. Với năng lực xuất chúng của mình, từ đây, nữ hoàng đã dẫn dắt Đế quốc Nga bước sang một thời kỳ thịnh trị kéo dài, trở thành một vương quốc hùng mạnh tại châu Âu thế kỷ 18.

Nhà cai trị khai sáng

Bên cạnh hình ảnh một chính trị gia có tài thao lược, bà còn được coi là người mở ra thời kỳ Khai sáng ở Nga, thúc đẩy sự tiến bộ của mọi lĩnh vực xã hội với lòng khoan dung, lý tính và kiềm chế sự ảnh hưởng của giáo hội. 

Hình ảnh biếm họa cuộc đối kháng giữa các bác sĩ ủng hộ tiêm chủng và những người phản đối. Phải: Các bác sĩ cầm con dao dùng để tiêm chủng, trên đầu có thiên thần với lời thoại “Bảo vệ loài người”. Trái: Bác sĩ truyền thống chạy trốn với con dao mổ khắc dòng chữ “Lời nguyền của loài người”.

Thúc đẩy văn hóa – giáo dục

Nữ hoàng hỗ trợ in ấn phát triển, nới lỏng tự do báo chí, xây dựng nhà hát, hình thành các hiệp hội văn học và văn hóa, cũng như các tổ chức khác như Học viện Mỹ thuật. Âm hưởng của tinh thần này được cháu bà là Vua Alexander I kế thừa. Ông đã trao cho các trường đại học quyền tài trợ hiệp hội học thuật để phổ biến kiến thức và văn hóa. Nhiều hiệp hội mới được thành lập như Hiệp hội Lịch sử và Cổ vật Nga, Hiệp hội Vật lý và Y học, Hiệp hội các nhà tự nhiên học và Hiệp hội những người bạn Văn học Nga.

Catherine cũng đặc biệt chú trọng giáo dục người dân. Nỗ lực đầu tiên để bà đạt được mục tiêu này là thành lập Cô nhi viện Moscow. Những đứa trẻ nghèo khổ và sinh ngoài giá thú được đưa về đây để học tập. Catherine còn dành trọng tâm cho việc giáo dục cả nam lẫn nữ theo cách phù hợp và hiệu quả. Nữ hoàng thành lập Học viện Smolny cho Nữ quý tộc – đây là ngôi trường đầu tiên dành cho nữ giới ở Nga. Ban đầu, nơi đây chỉ tiếp nhận tiểu thư tới từ tầng lớp quyền quý, nhưng cuối cùng những cô gái có thiên phú cũng được cho phép nhập học. 

Catherine không ngừng tìm hiểu lý thuyết giáo dục và việc thực hiện ở các quốc gia khác. Bà triển khai rất nhiều cuộc cải cách trong lĩnh vực này, đặc biệt thông qua việc cải tổ các trường thiếu sinh quân vào năm 1766. Những ngôi trường này bắt đầu nhận học sinh từ độ tuổi rất nhỏ và giáo dục cho tới năm 21 tuổi. Chương trình giảng dạy mở rộng từ quân sự chuyên nghiệp sang cả các môn khoa học, triết học, đạo đức, lịch sử và luật quốc tế.

Bà cũng xem xét nghiêm ngặt giáo dục tôn giáo, cố gắng sửa đổi việc học giáo lý, dự trù cải cách các trường tôn giáo. Đáng tiếc, cuộc cải cách này không bao giờ tiến xa hơn giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên, bà biến đổi giới tăng lữ từ một nhóm có quyền lực ảnh hưởng lớn tới Chính phủ Nga và người dân sang một cộng đồng tách biệt, buộc phải phụ thuộc vào trợ cấp nhà nước.

Những hành động kể trên của bà đã tạo nên sự thay đổi lớn trong văn hóa – xã hội và tư tưởng của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho tầng lớp tri thức phát triển.

Cung cấp chăm sóc y tế cho người dân

Một trong những đóng góp đầu tiên của bà trong công cuộc hình thành một quốc gia khai sáng là lập ra hệ thống bệnh viện. Catherine tài trợ cho bệnh viện thành phố tại St. Petersburg, nhà thương điên và bệnh viện cho trẻ mồ côi. Tại đây, người nghèo được khám chữa miễn phí. Khi nhập viện, họ được cạo râu, cắt tóc, tắm rửa và cho mặc quần áo sạch sẽ. Nhà thương điên cũng nổi danh là điều trị nhẹ nhàng. 

Bà cũng thành lập trường y đầu tiên tại Nga vào năm 1763 để đào tạo đội ngũ y bác sĩ và người bào chế thuốc phục vụ tại các tỉnh thành. Khi cải tổ hành chính vào năm 1755, Catherine đã ban hành sắc lệnh là thủ phủ của mỗi tỉnh phải có một bệnh viện, mỗi một hạt có dân số từ 20.000 đến 30.000 người phải có một bác sĩ, một bác sĩ phẫu thuật, một trợ lý phẫu thuật và bác sĩ thực tập. 

Tiêm chủng đậu mùa

Kể từ thế kỷ 16, người dân ở Trung Quốc, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã biết tới tiêm chủng. Khác với tiêm vaccine ngày nay, người chưa nhiễm bệnh sẽ được rạch một đường trên cánh tay và nhỏ giọt mủ chứa virus sống, lấy từ nốt đậu mùa ở người mắc bệnh. Vào đầu thế kỷ 18, khi cách này truyền vào Anh, các bác sĩ đã khiến quy trình trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều cho người tiêm. Cho tới nửa thế kỷ sau, bác sĩ người Anh Thomas Dimsdale đã giản lược phương pháp tiêm chủng và khiến nó hiệu quả hơn. Bằng cách này, người dân có thể được miễn dịch với căn bệnh, tuy vẫn có rủi ro vì khoảng 2% – 3% người tiêm tử vong. Nhưng so với tử lệ tử vong tự nhiên là 30% thì tiêm chủng an toàn hơn nhiều. Năm 1767, ông đã chia sẻ thông tin về việc tiêm chủng an toàn và công bố cẩm nang hướng dẫn công khai. Trên thực tế, ông đã thành công miễn dịch cho toàn bộ gia đình hoàng gia Anh quốc.  

Thời đó, đậu mùa là căn bệnh nguy hiểm giết chết khoảng 400.000 người mỗi năm chỉ ở châu Âu, cứ năm người mắc bệnh là có một người chết. Khi dịch bệnh tràn tới St. Petersburg, Nữ hoàng đã vô cùng lo sợ cho sự an nguy của bản thân và gia đình. Nhận được lời khuyên về tiêm chủng, bà đã tìm hiểu kỹ càng và mời bác sĩ Dimsdale tới thực hiện việc này, hứa hẹn ban thưởng hậu hĩnh cho ông, cũng như chuẩn bị sẵn sàng xe ngựa để ông chạy trốn khỏi sự trả thù nếu chẳng may thất bại. Thật may mắn là Catherine thành công qua khỏi và không lâu sau thái tử cũng được tiêm chủng. Tin tức Nữ hoàng hồi phục được công bố vào ngày 29/10/1768.

Lấy mình làm gương, Catherine thúc đẩy việc tiêm chủng trên khắp đế quốc. Bà cho phân phát tài liệu in và dựng một vở ballet có tên là Prejudice Defeated (Đánh bại định kiến) nhằm chúc mừng chiến thắng của khoa học trước sự mê tín dị đoan; bà cho rung chuông nhà thờ, bắn đại bác, thậm chí ấn định một ngày nghỉ lễ hằng năm. Bên ngoài nước Nga, bà tuyên truyền về trải nghiệm này nhằm nhấn mạnh hình ảnh một nhà cai trị khai sáng và nước Nga là một quốc gia châu Âu hướng tới tương lai, chứ không phải nơi lạc hậu nguyên thủy. Tuy nhiên, việc tiêm chủng vẫn không được phổ biến rộng rãi như Nữ hoàng mong đợi do vấp phải sự hoài nghi từ nhiều bác sĩ cũng như sự phản đối từ giới tăng lữ. 

Song, sự xả thân của Nữ hoàng đã gieo một hạt mầm trong lòng người dân. Năm 1780, một chiến dịch lớn đã thu hút 20.000 người tới tiêm chủng. Tới năm 1800, hơn hai triệu người Nga đã đi tiêm chủng đậu mùa, sau khi bác sĩ người Anh Edward Jenner phát triển một phương pháp an toàn hơn nhiều, sử dụng mủ dịch đậu bò để tiêm chủng vào năm 1798.

Nữ hoàng Catherine II qua đời vào ngày 6/11/1796 do đột quỵ. Với những di sản mà bà để lại, Nữ hoàng được hậu thế tôn xưng là Catherine Đại đế.

Minh Tú – Phương Anh

Nguồn: nationalgeographic.com, smithsonianmag.com, edition.cnn.com, washingtonpost.com, townandcountrymag.com

(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)