Câu chuyện kỳ lạ về ngôi mộ của Copernicus

Nicholas Copernicus là nhà thiên văn học sống năm thế kỷ trước đã giải thích trái đất quay quanh mặt trời hơn là ngược lại. Là một người của thời kỳ Phục hưng đích thực, ông cũng đồng thời là nhà toán học, kỹ sư, tác giả, nhà lý thuyết kinh tế và bác sĩ.

Khi qua đời vào năm 1543 ở Frombork, Ba Lan, Copernicus đã được chôn cất ở nhà thờ địa phương. Trải nhiều thế kỷ xáo trộn, vị trí ngôi mộ của ông đã thực sự không còn xác định được nữa.

Copernicus là ai?

Nicholas Copernicus, hay Mikołaj Kopernik theo tiếng Ba Lan, được sinh ra ở Toruń vào năm 1473. Ông là con út trong số bốn người con của một thương nhân địa phương.

Sau cái chết của cha Copernicus, cậu của Copernicus được cho là chịu trách nhiệm dưỡng dục cháu học hành. Vị học giả trẻ tuổi bắt đầu học tại trường đại học Kraków vào giữa năm 1491 và 1494, và sau đó là các trường đại học của Ý ở Bologna, Padua và Ferrara.

Sau khi nghiên cứu y khoa, giáo luật, thiên văn học toán học và thuật chiêm tính, Copernicus trở về nhà vào năm 1503. Ông sau đó đã làm việc cho người cậu nhiều ảnh hưởng của mình, Lucas Watzenrode Trẻ, giám mục vương quyền của Warmia.

Mặc dù vẫn Copernicus làm việc trong vai trò của một bác sĩ nhưng ông vẫn tiếp tục tìm hiểu toán học. Tại thời điểm đó, cả thiên văn học và âm nhạc đều được coi như những nhánh của toán học.

Trong thời kỳ đó, ông hình thành hai lý thuyết kinh tế có nhiều ảnh hưởng. Vào năm 1517, ông phát triển thuyết số lượng tiền tệ, vốn sau đó được John Locke và David Hume chỉnh sửa và trình bày rồi được phổ biến bởi Milton Friedman vào những năm 1960. Vào năm 1519, Copernicus cũng giới thiệu khái niệm mà giờ được biết là định luật Gresham, một nguyên tắc tiền tệ lý giải chu trình và đánh giá tiền tệ mà người ta thường gọi là “tiền xấu đuổi tiền tốt”.

Mô hình Copernus về vũ trụ

Nền tảng đóng góp của Copernicus cho khoa học là mô hình mang tính cách mạng về vũ trụ. Tương phản với mô hình Ptolemy thịnh hành khi coi trái đất là trung tâm vũ trụ, Copernicus cho là trái đất và các hành tinh khác đều quay quanh mặt trời.

Copernicus còn có thể so sánh kích thước của quỹ đạo hành tinh bằng cách biểu thị chúng theo khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất.

Copernicus sợ hãi cách công trình nghiên cứu của mình có thể bị nhà thờ và một số học giả đương thời đánh giá. Công trình của ông, “De Revolutionibus Orbium Coelestium” (Về chuyển động của các hình cầu vũ trụ), chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 1543.

Việc xuất bản công trình này đã tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng trong hiểu biết của chúng ta về vũ trụ, mở ra con đường cho các nhà thiên văn tương lai như Galileo, người sinh sau thời điểm Copernicus qua đời 20 năm.

Cuộc kiếm tìm Copernicus

Nhà thờ Frombork được coi là nơi yên nghỉ của hơn 100 người, phần lớn được chôn trong những nấm mộ vô danh.

Có rất nhiều nỗ lực để định vị được nấm mồ của Copernicus nhưng không thành công trong thế kỷ 16 và 17. Sau đó, chính hoàng đế Pháp Napoleon cũng cố gắng làm điều này sau trận đánh Eylau vào năm 1807. Napoleon ngưỡng mộ nhà thông thái, nhà toán học, nhà thiên văn học ở Copernicus.

Vào năm 2005, một nhóm các nhà khảo cổ Ba Lan đã thực hiện cuộc kiếm tìm ngôi mộ của con người vĩ đại này. Cuộc tìm kiếm dựa vào phân tích của nhà sử học Jerzy Sikorski, người tuyên bố Copernicus đã đảm nhiệm vị trí về giáo luật ở nhà thờ Frombork Cathedral nên được chôn cất gần bệ thờ của nhà thờ mà ông phụng sự trọn đời. Đây là bàn thờ Thánh Wacław, giờ được gọi là bàn thờ Chén thánh.

Mười ba bộ hài cốt được tìm thấy ở chính bàn thờ này, bao gồm một bộ hài cốt không hoàn chỉnh thuộc về một người nam ở độ tuổi giữa 60 và 70. Bộ hài cốt này được nhìn nhận như một ứng cử viên gần nhất với Copernicus mà các nhà khoa học tìm kiếm.

Khoa học pháp y

Xương sọ của bộ hài cốt này được coi là cơ sở cho việc tái cấu trúc khuôn mặt.

Thêm vào với những nghiên cứu hình thái, phân tích DNA thường được sử dụng cho việc nhận diện lịch sử hoặc xương cổ đại. Trong trường hợp của bộ xương được giả định của Copernicus, một nhận diện di truyền có lẽ tùy thuộc vào trạng thái được bảo quản tốt của bộ răng.

Một thách thức đáng kể trong nhận diện là một nguồn vật liệu tham chiếu phù hợp. Không còn rõ hiện tại còn có bất cứ hậu duệ nào của Copernicus không.

Một cuộc tìm kiếm khó khăn

Vào năm 2006, tuy nhiên, một nguồn DNA vật liệu tham chiếu đã xuất hiện. Một cuốn sách nghiên cứu về thiên văn học từng được Copernicus sử dụng nhiều năm đã được tìm thấy còn lưu lại những sợi tóc giữa những trang sách.

Cuốn sách này đã được chuyển tới Thụy Điển khi họ xâm lược Ba Lan vào giữa thế kỷ 17. Hiện nay nó được bảo quản ở Bảo tàng Gustavianum thuộc đại học Uppsala.

Một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng cuốn sách này đã tìm thấy nhiều sợi tóc, vốn được cho là thuộc về người sử dụng đầu tiên cuốn sách này, Copernicus. Do đó, những sợi tóc này đã được đánh giá là vật liệu tham chiếu tiềm năng cho so sánh di truyền với răng và xương được lấy từ ngôi mộ.

Các sợi tóc đó được so sánh với DNA từ răng và xương của bộ hài cốt. Cả DNA ty thể từ răng và mẫu xương đã khớp với các sợi tóc. Cả hai đều cho thấy khả năng bộ xương là phần còn lại của Nicholas Copernicus.

Nỗ lực liên ngành, bao gồm khai quật khảo cổ học, nghiên cứu hình thái và phân tích DNA tiên tiến đã dẫn đến một kết luận hấp dẫn.

Bộ xương được khám phá gần bàn thờ Chén thánh ở nhà thờ Frombork dường như có xu hướng thuộc về Nicholas Copernicus. Phát hiện quan trọng này không chỉ rọi ánh sáng vào nơi yên nghỉ của một trong những nhân vật nhiều ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử khoa học mà còn chứng tỏ chiều sâu và sự tinh tế của các phương pháp khoa học hiện đại trong chứng thực dữ liệu lịch sử.

Nguyễn Nhàn tổng hợp

Nguồn: https://theconversation.com/the-strange-story-of-the-grave-of-copernicus-213358

https://www.ndtv.com/science/lost-to-history-the-strange-story-of-the-grave-of-nicholas-copernicus-4828792

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)