Cha tôi – Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Để có ngày 30/4/1975, còn có sự hy sinh thầm lặng và vô cùng lớn lao của những trí thức Việt Nam. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, chúng tôi xin trích đăng một đoạn hồi ký của nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh về gia đình, thay cho lời tưởng nhớ tới GS Đặng Văn Ngữ - người đã hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên khi đang nghiên cứu một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội.





…Cha tôi là người Huế, thành phần tiểu tư sản trí thức. Mẹ tôi là người Huế, thành phần quan lại phong kiến. Cả hai đều đi theo Cách mạng. Khởi đầu do cha tôi trong những ngày du học ở Nhật tình cờ đọc được lời kêu gọi toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bèn từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học để về nước tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc. Cha tôi đã từ Nhật Bản đáp tầu thuỷ về Thái Lan, tìm gặp đại diện của Chính phủ ta ỏ Bangkok để xin về nước tham gia Kháng chiến, chẳng có một tổ chức nào giới thiệu, móc nối. Ông làm việc đó như một lẽ tự nhiên, chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước.

Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo lý tưởng của một người trí thức yêu nước. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những người như cha mẹ tôi đã phải tự kiểm điểm những gì trong những cuộc chỉnh huấn trên Việt Bắc vào năm 1953? Không biết họ có phải ân hận về xuất thân thành phần giai cấp của mình và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Khi bà hôn mê, cha tôi đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Mẹ tôi hôn mê ba ngay ba đêm liền, chờ cha tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sĩ nhưng ông đành bó tay bất lực vì đã quá muộn. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản thủ đô.

Những ngày sau Hoà bình lập lại ở Miền Bắc công việc chính của cha tôi là tiêu diệt bệnh sốt rét. Cha tôi lại lặn lội trở về với những khu căn cứ địa cũ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai… để thực hiện một chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có. Sau 10 năm thực hiện chương trình, bệnh sốt rét căn bản đã bị đẩy lùi trên miền Bắc nước ta.

Trong những ngày chiến tranh leo thang ra miền Bắc cha tôi vẫn tiếp tục đi về các địa phương chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia giới tuyến 17 thì không thể nào giữ dược thành quả của công cuộc chống sốt rét ở Miền Bắc. Những tin tức về con số thương vong to lớn do sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm cha tôi ngày đêm day dứt không yên. Cuối cùng ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển được: vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội.

Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng của mình lên trên cuối cùng ông đã được toại nguyện. Tôi biết trong quyết định này của cha tôi còn có một sự thôi thúc khác nữa. Cha tôi luôn mang trong lòng một nỗi nhớ không nguôi về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình – xứ Huế. Ông hy vọng trong chuyến đi này có thể trở về gặp lại bà nội tôi, lúc đó đã cao tuổi lắm rồi, dù chỉ một lần. Nhưng đến ngày đất nước thống nhất có thể về Huế được thì ông đã không còn. Ông đã mất trước đó 8 năm trong một trận bom B52 ở phía Tây Phong điền Tỉnh Thừa thiên. Mơ ước của ông là tìm mọi cách giảm tử vong vì sốt rét cho bộ đội. Ông chưa tìm ra được vac xin miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia xẻ với họ cái chết. Đó là nỗi đau thứ hai trong đời tôi, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của tôi sau này trong điện ảnh.

Người đầu tiên báo cho tôi và em gái tôi Đặng Nguyệt Ánh cái tin này là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế hồi đó. Tôi còn nhớ đinh ninh lời ông nói như sau: “Các cháu phải can đảm để đón nhận cái tin đau đớn này: Ba các cháu đã hy sinh tại chiến trương Trị thiên vào lúc 2 giờ ngày 1 tháng 4 năm 1967.” Sau đó bác Thạch nói với chúng tôi: Lúc ba các cháu còn sống, bác không hiểu hết ba các cháu. Tôi biết ông rất ân hận về điều đó và tôi cũng hình dung được phần nào những khó khăn mà cha tôi đã gặp phải trên bước đường công tác của mình.

Không lâu sau bác Thạch cũng đi vào chiến trường miền Tây Nam bộ rồi mất tại đó vì bệnh. Tôi không nghĩ chiến trường cần sự có mặt của ông đến như vậy. Việc ra đi của ông có lẽ còn do một sự hối thúc nào đó của lương tâm sau cái chết của cha tôi.

Cha tôi nằm trên Trường Sơn lặng lẽ suốt hai mươi năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông với gói vải dù bọc hài cốt cùng một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng văn Ngữ 1- 4 -1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ vô danh nào đó nên đã đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong điềnTỉnh Thừa thiên. Mãi năm năm sau anh em chúng tôi mới tìm được để đưa cha mình về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình.

 
 
 
 
 
 

Tác giả

(Visited 44 times, 1 visits today)