Chính sách về nước thiếu nhạy cảm giới: Bỏ qua tác động bất công với phụ nữ

Trong khi việc thảo luận về các giải pháp quản lý nước để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này là điều quan trọng, chúng ta cũng rất cần phải tính đến các yếu tố về giới và phụ nữ trong các cuộc thảo luận ấy để có thể đưa ra các giải pháp toàn diện mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trung bình, phụ nữ dành nhiều thời gian hơn nam giới để lấy và vận chuyển nước. Ảnh: theconversation.com

Nhu cầu về tài nguyên nước đang ngày càng bức thiết hơn bao giờ hết. Khủng hoảng dân số toàn cầu, sự phát triển bành trướng của các ngành công nghiệp và tác động của biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nước này.

Báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã nhấn mạnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh nguồn nước và những tổn thất không thể đảo ngược đối với hệ sinh thái nước ngọt khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Các nhà khoa học cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đang thực hiện các nghiên cứu và tổ chức các hội thảo để tìm ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu tiếp cận nước sạch ngày càng gia tăng.

Trong khi việc thảo luận về các giải pháp quản lý nước để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này là điều quan trọng, chúng ta cũng rất cần phải tính đến các yếu tố về giới và phụ nữ trong các cuộc thảo luận ấy để có thể đưa ra các giải pháp toàn diện mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Phụ nữ và nước

Trung bình, phụ nữ phải dành ra nhiều thời gian hơn nam giới để đi lấy và vận chuyển nước. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, phụ nữ ở Malawi dành 54 phút để lấy nước trong khi con số này ở nam giới chỉ là 6 phút.

Phụ nữ cũng có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai và ô nhiễm nguồn nước nặng nề hơn. Tình trạng ô nhiễm hữu cơ (xảy ra khi một lượng lớn chất hữu cơ được thải vào các vùng nước) tại các con sông ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đã gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và nền kinh tế.

Nó cũng tạo ra sự bất bình đẳng khi chủ yếu tác động đến người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Lý do là bởi, việc thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường gây ảnh hưởng lớn đến phụ nữ và trẻ em gái – những người cần nguồn nước vệ sinh để tránh bị nhiễm trùng và đảm bảo an toàn thể chất.

Báo cáo Khả năng phục hồi của phụ nữ ở Mông Cổ cũng nêu bật những bất bình đẳng tương tự trong việc tiếp cận các nguồn lực, giáo dục và trách nhiệm gia đình đối với phụ nữ ở Mông Cổ.

Những khác biệt có tính hệ thống này gây bất lợi cho phụ nữ và trẻ em gái, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Phụ nữ có thu nhập thấp hơn và cơ hội giáo dục ít hơn thường phải gánh vác hầu hết các công việc gia đình, cũng như phải đi xa hơn để lấy nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán.

Vô hình trong việc quản lý nước

Dù phụ nữ dễ bị tổn thương như vậy trước cuộc khủng hoảng về nước, các chính sách quản lý nước và môi trường từ trước đến nay vẫn rất thiếu nhạy cảm giới. Việc hoạch định chính sách đã không tính đến những ảnh hưởng khác biệt của sự khan hiếm nước đối với phụ nữ. Nó cũng đã thất bại trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào quá trình đưa ra các giải pháp.

Chẳng hạn, báo cáo thường niên gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới về Chương trình Nước và Năng lượng Trung Á không đề cập đến bất kỳ cam kết cụ thể hoặc giải pháp về giới nào đối với khả năng tiếp cận tài nguyên nước của phụ nữ.

Các chính sách về nước bỏ qua thực tế là phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các vấn đề về nước. Trên khắp thế giới, phụ nữ đảm nhiệm các hoạt động sử dụng nhiều nước hơn như nấu ăn và dọn dẹp. Theo ước tính, phụ nữ và trẻ em trên khắp thế giới dành 200 triệu giờ mỗi ngày để lấy nước – số giờ đáng lẽ ra nên được dành ở trường học hoặc nơi làm việc. Điều này càng góp phần gây ra sự bất bình đẳng giới.

Việc thiếu thông tin bối cảnh cụ thể về các mối quan hệ về giới và nước ở hầu hết các quốc gia là rào cản lớn nhất để giải quyết việc thiếu đại diện và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực nước. Thu hẹp khoảng cách dữ liệu này là điều cần thiết để đạt được các cam kết mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến giới.

Kim Dung lược dịch

Nguồn: Gender-blind policies ignore the disproportionate effects of water crisis on women

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)