Di truyền học và cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người

Người hiện đại về giải phẫu (Homo sapiens sapiens) xuất hiện đầu tiên ở đâu và khi nào? Bằng chứng hóa thạch và kỹ thuật di truyền cho thấy, họ có nguồn gốc Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước; và các cuộc di cư chiếm lĩnh hành tinh chỉ bắt đầu từ 60 ngàn năm trước. Tuy nhiên hiện chưa rõ chuyện gì đã xảy ra khi họ gặp những người có trước, như người Neanderthal hay người đứng thẳng. Người hiện đại thay thế hoàn toàn những người đó hay có sự hòa huyết ít nhiều giữa họ với nhau?

Dẫn nhập:
Thuật ngữ “người hiện đại về giải phẫu” dùng để chỉ tổ tiên xưa của chúng ta, mà hình thể khá giống nhân loại hiện nay; và để phân biệt họ với những loài cũng được gọi là “người” dựa trên các đặc trưng như tỷ lệ não so với cơ thể tăng và khả năng sở hữu nền văn hóa vật chất, bao gồm công cụ đá 1.
Hóa thạch 2 triệu năm tuổi cho thấy, có thể người hiện đại tiến hóa từ người cổ, bao gồm người đứng thẳng (Homo erectus), người Heidelberg và người Neanderthal. Đó là lý do xuất hiện Thuyết tiến hóa trên nhiều vùng, cho rằng lịch sử loài người bắt đầu gần 2 triệu năm trước, khi người đứng thẳng rời khỏi châu Phi lần đầu tiên. Sau đó là hai cuộc đại di cư khác, xảy ra vào khoảng 650 ngàn năm (ứng với sự xuất hiện của người Heidelberg tại châu Âu và người Neanderthal tiến hóa từ họ tại châu Âu và Trung Á) và 130 ngàn năm trước (ứng với người Cro-Magnon, tức người hiện đại về giải phẫu) 2. Và sự hòa huyết thường xuyên giữa các vùng giúp toàn nhân loại không tách biệt nhau về mặt di truyền 3.


Hộp sọ người hiện đại (trái) và người Neanderthal (phải)

Ngược lại, Thuyết rời khỏi châu Phi cho rằng, người hiện đại chỉ liên quan với làn sóng di cư thứ ba khoảng 60 ngàn năm trước, theo những nghiên cứu mới về di truyền học. Và họ thay thế hoàn toàn những người cổ trước đó. Vì thế nó mang nhiều tên gọi như Thuyết rời khỏi châu Phi mới đây, Mô hình nguồn gốc duy nhất, Mô hình thay thế hay Giả thuyết nguồn gốc châu Phi mới đây.
Sự khác nhau giữa hai mô hình dẫn tới “cuộc tranh luận về nguồn gốc người hiện đại”. Trước kia, cuộc tranh luận tập trung vào bằng chứng hóa thạch và khảo cổ; nhưng từ 20 năm nay, di truyền học ngày càng có vai trò quan trọng. Phần lớn nghiên cứu tập trung phân tích hình thái biến đổi di truyền trong những người đang sống. Cụ thể hơn, chúng dựa trên thực tế, quá khứ tiến hóa sẽ để lại dấu vết khả kiến trong bộ gene của chúng ta. Nghiên cứu các “dấu gene” đó, có thể tái hiện sự tiến hóa theo thời gian và địa lý. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cố gắng phân tích các ADN cổ, như ADN của người Neanderthal, loại người tuyệt chủng 28 ngàn năm trước sau khi từng thống trị châu Âu và Trung Á hàng trăm ngàn năm. Qua đó có thể giúp trả lời câu hỏi, liệu người Neanderthal có để lại dấu vết trong bộ gene của chúng ta hay không. Nếu có, đó là bằng chứng của sự hòa huyết; nếu không, đó là bằng chứng cho thấy, chúng ta tiến hóa hoàn toàn riêng biệt, nếu các nguyên nhân khác được loại trừ (ví dụ tuy có hòa huyết, nhưng nếu số lượng người Neanderthal nhỏ thua 10 lần, gene của họ cũng đã biến mất) 4.

Kỷ lục hóa thạch:
Vượn người tách khỏi các loài vượn khoảng 6-7 triệu năm trước. Hóa thạch của loài đi bằng hai chân có niên đại trên 6 triệu năm. Còn hóa thạch vượn người đi bằng hai chân tại châu Phi có tuổi khoảng 4.2 triệu năm. Loài vượn người này (đi thẳng, ít nhất trên mặt đất) có não không lớn hơn não vượn, nhưng mặt và răng lớn hơn. Người đứng thẳng (H. erectus) xuất hiện tại châu Phi 1.8 triệu năm trước, với tỉ lệ các chi giống người hiện đại, kích thước não tăng, răng nhỏ và biết dùng công cụ đá. Cho đến lúc đó, quá trình tiến hóa chủ yếu xảy ra tại châu Phi, nhưng một số H. erectus đã tới Đông Âu và Đông Nam Á khoảng 1.7 triệu năm trước. Một số H. erectus còn sống tại Đông Nam Á đến tận 27-54 ngàn năm trước, và có thể liên quan với người lùn H. floresiensis, sống ở đảo Flores phía Đông Indonesia 18 ngàn năm trước.
Hậu duệ của người đứng thẳng thuộc nhóm người cổ, đóng vai trò cầu nối giữa người ban đầu (H. erectus) và người hiện đại (H. sapiens sapiens). Người cổ có kích thước não gần như người hiện đại, nhưng hộp sọ thấp hơn và có hình dạng khác, cũng như khuôn mặt lớn hơn. Trước họ được phân loại là người tinh khôn cổ (H. sapiens cổ), nhưng nay có xu hướng phân loại họ thành hai loài hay nhiều hơn. Nhiều nhóm trong đó được phân loại là người Heidelberg (H. heidelbergensis), từng sống tại châu Phi, châu Âu và có thể cả châu Á khoảng 800-200 ngàn năm trước. Ngoài ra là người Neanderthal, sống tại châu Âu và Trung Á đến tận 28 ngàn trước. Họ có khuôn mặt và hộp sọ khác người Heidelberg và người tinh khôn. Một số nhà nhân học xem họ là một chủng thuộc người tinh khôn (H. sapiens neanderthalensis), trong khi số khác lại xem họ như một loài riêng biệt (H. neanderthalensis).

Các mô hình về nguồn gốc loài người:

Như viết ở trên, cốt lõi của cuộc tranh luận là vấn đề quan hệ giữa người cổ và người hiện đại. Họ tiến hóa hoàn toàn riêng biệt hay có sự hòa huyết ít nhiều với nhau?
Thực ra xem hai giả thuyết có tính đối ngược nhau là một quan niệm không chính xác. Trên thực tế chúng có một số điểm chung. Vì thế nhiều nhà nhân học kết hợp hai mô hình với nhau, tạo ra một số mô hình lai. Relethford (2001) gọi chúng là “các mô hình nguồn gốc chủ yếu từ châu Phi” 1. Theo đó thì các đặc trưng hiện đại về giải phẫu xuất hiện đầu tiên tại châu Phi (phù hợp với Thuyết rời khỏi châu Phi), nhưng sau đó có sự trộn gene với người cổ ngoài châu Phi (phù hợp với Thuyết tiến hóa đa trung tâm). Từng có quan niệm, người ngoài châu Phi góp 80% vào bộ gene chung; nhưng nay giới học giả thừa nhận, tỉ lệ đó không vượt 30%, thậm chí không quá 10% 4.

Bằng chứng hóa thạch:

Bằng chứng hóa thạch có ủng hộ quan niệm người hiện đại xuất phát từ châu Phi trước khi di cư tới mọi vùng trái đất hay không? Một thời gian dài, các hóa thạch gợi ý rằng, sự xuất hiện người hiện đại tại châu Phi xảy ra khoảng 130 ngàn năm trước, dù còn nhiều tranh cãi về giải phẫu và thời gian cụ thể. Tuy nhiên đến nay bức tranh đã rõ ràng hơn nhiều, với việc phát hiện người H. sapiens idaltu vào năm 2003. Thêm nữa, người hiện đại tại Omo, Ethiopia, được định niên lại là 195 ngàn năm trước. Trong khi đó, sự xuất hiện người hiện đại ngoài châu Phi đều muộn hơn nhiều: 92 ngàn năm trước tại Trung Á, 60-40 ngàn năm trước tại Australia và 40-30 ngàn năm trước tại châu Âu. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, điều đó không mặc nhiên ủng hộ Mô hình thay thế, vì bài toán hòa huyết vẫn chưa thể loại trừ.
Một số bằng chứng khảo cổ gợi ý có sự hòa huyết, vì nhiều đặc tính giải phẫu bền vững với thời gian, cả ở người cổ và người hiện đại. Nhưng một số nhà nhân học cho rằng, đó là những đặc trưng được di truyền từ tổ tiên chung của người cổ và người hiện đại (tức từ khoảng 2 triệu năm trước). Đặc biệt hóa thạch 25 ngàn năm tuổi của em bé 4 tuổi tại Lagar Velho, Bồ Đào Nha, mang một số đặc trưng của người Neanderthal đã tuyệt chủng cho thấy, có thể hòa huyết là sự thật. Một số người không đồng ý như vậy, khi cho rằng, đó là em bé H. sapiens sapiens dị dạng do bệnh tật 5.

Cây phả hệ di truyền:
Nhân học phân tử là một phân ngành nhân học chuyên dùng các phân tích phân tử và di truyền để khám phá nguồn gốc và tiến hóa loài người hay để phân loại và xem xét quá trình tiến hóa của các động vật nhân hình. Nó bắt nguồn từ Thế chiến I, khi hai thầy thuốc tại thành phố Thessaloniki, Hy Lạp, nhận thấy rằng thương binh bị tai biến truyền máu phụ thuộc vào quốc tịch. Đầu những năm 1950, Cavalli-Sforza nghiên cứu sự khác biệt di truyền giữa các tộc người bằng cách khảo sát protein đặc trưng cho các nhóm máu. Khác biệt ở protein phản ánh sự khác biệt trong hệ gene mã hóa chúng.
Sau đó giới nghiên cứu quan tâm chủ yếu tới ADN, yếu tố mang thông tin di truyền. Ngoài ADN trong nhân tế bào chiếm phần chủ yếu, còn có ADN trong ti thể, bào quan chuyên tạo năng lượng cho tế bào. Các ADN này đảm trách việc tổng hợp 37 protein mà ti thể cần để sinh năng lượng. Được biết từ 1963, nhưng vai trò của chúng, đặc biệt trong nhân học phân tử, chỉ được biết trong thập niên 1980. Chúng được di truyền theo đường mẹ con.
Năm 1987, trên tạp chí Nature, dựa trên kết quả nghiên cứu ADN ti thể của các tộc người khác nhau, ba nhà khoa học Cann, Stoneking và Wilson đưa ra một phát hiện chấn động dư luận: Toàn bộ nhân loại trên trái đất hiện nay là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước. Đó là nàng Eva ti thể, theo cách tôn xưng của giới truyền thông 6.
Đứng trước sự phê phán, năm 2000, Nature đăng tải công trình của Ingman và đồng sự, trong đó họ lặp lại được những kết quả chính của ba nhà khoa học nói trên với niên đại 172 ± 52 ngàn năm.
Cuối thế kỉ trước, khoa học bắt đầu quan tâm tới ADN trong nhiễm sắc thể Y, loại nhiễm sắc thể qui định giới tính nam, do cha truyền cho con trai. So với ADN ti thể, ADN nhiễm sắc thể Y mang nhiều nucleotide hơn gấp hàng ngàn lần (hàng chục triệu so với 16 ngàn), nên có thể tăng cường độ chính xác khi tìm kiếm sự khác biệt di truyền giữa các tộc người. Để làm điều đó, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu hàng trăm dấu gene, là vị trí ADN có những đột biến đặc trưng cho một nhánh tiến hóa cụ thể trong cây phả hệ gene.
Nghiên cứu của Spencer Wells, hiện lãnh đạo Đề án bản đồ gene do Hội địa lý quốc gia Mỹ, hãng IBM và Quĩ gia đình Waitt tài trợ (dùng 40 triệu USD nghiên cứu ADN của 100 ngàn người trên khắp hành tinh cho đến năm 2010), cho thấy, toàn thể nam giới trên hành tinh hiện nay đều có nguồn gốc từ người đàn ông duy nhất sống tại Đông Phi 60 ngàn năm trước. Đó là chàng Adam nhiễm sắc thể Y, đối tác của nàng


Sáng tạo nghệ thuật hơn 30 ngàn năm trước là một ưu thế sinh tồn của người hiện đại

Eva ti thể sống từ hơn 100 ngàn năm trước đó 7. (Kinh Thánh xem Adam và Eva là hai người đầu tiên trên thế giới; còn tại Đông Phi có nhiều Adam và Eva, nhưng chỉ Adam của Wells và Eva của Cann mới có hậu duệ hiện đang tồn tại. Con cháu của các Adam và Eva khác đều đã tuyệt chủng. Và cũng không có hiện tượng thắt cổ chai trong dân số tại các thời điểm khảo sát). Eva của Cann và Adam của Wells được gọi là tổ tiên chung gần nhất (TTCGN) của loài người, theo các tiêu chí ADN ti thể và ADN nhiễm sắc thể Y. Cần lưu ý rằng, từng hệ tiêu chí có TTCGN của riêng mình.
Đầu thế kỉ 21, khi hoàn tất bản đồ gene người, với ba tỉ “chữ cái” (nucleotide) trong toàn bộ gene, khoa học có thêm một công cụ mạnh mẽ để nghiên cứu nguồn gốc và tiến hóa loài người. Bằng cách so sánh bộ gene của các tộc người, có thể biết sự tiến hóa giữa họ theo thời gian và địa lý với độ chính xác cao hơn hai kĩ thuật trước đó rất nhiều 8.
Các kĩ thuật di truyền khẳng định ưu thế của Thuyết rời khỏi châu Phi, nhất là khi biết giữa các loài tinh tinh chỉ tại châu Phi còn có sự biến đổi ADN ti thể và gene nhiễm sắc thể Y lớn hơn sự biến đổi di truyền trong toàn thể loài người, bất chấp địa bàn phân bố của tinh tinh hẹp hơn địa lý phân bố của loài người rất nhiều. Nói cách khác, người hiện đại có sự đồng nhất rất cao về mặt di truyền, cho thấy nhiều khả năng họ có chung nguồn gốc. Theo Pearson, Đại học New Mexico, Mỹ, giả thuyết người hiện đại thay thế hoàn toàn người cổ là cách giải thích đơn giản nhất cho thực tế đó.
Kĩ thuật di truyền cũng chứng tỏ, 60 ngàn năm trước, số lượng người hiện đại trên toàn hành tinh chỉ khoảng 10 ngàn trong độ tuổi sinh sản 4.

Các cuộc di cư chủ yếu:
Theo những công bố mới nhất của Đề án bản đồ gene, hành trình chiếm lĩnh trái đất của người tinh khôn (Homo sapiens) có thể miêu tả lại như sau 9, 10:
· 200.000-60.000 năm trước: Người hiện đại tiến hóa tại Đông Phi. Bắt đầu có một số cuộc di cư nội châu Phi và vượt biển Đỏ sang Trung Đông. Người vượt biển hoặc bị diệt vong hoặc quay lại cố hương khi đối mặt với người Neanderthal (cuộc chạm trán lần thứ nhất).
· 60.000-55.000 năm trước: Vượt biển Đỏ tại eo Bab el Mandeb sang Yemen rồi men theo bờ biển Ấn Độ Dương tới lục địa Sunda (gồm vùng Đông Nam Á chưa bị biển ngăn cách) rồi đi tiếp tới Australia. Ngoài ra là các nhánh tới Cận Đông và Trung Á. Tất cả các cuộc di cư này đều được nhận chân nhờ dấu gene M*. Từ Ả-rập Xê-út có hai nhánh quay ngược về Bắc và Đông Phi (dấu gene đặc trưng là M1).
· 55.000-40.000 năm trước: Đây là thời kì dư cư điển hình của người hiện đại. Một nhóm từ vài trăm tới một vài ngàn người tinh khôn (dấu gene M168) vượt biển Đỏ rồi tách đôi tại Trung Đông. Một nhánh (dấu gene M174) đến Sunda, lên Đông Bắc Á, tới Siberia và Mông Cổ, trước khi vòng xuống Tây Nam Trung Quốc. Nhánh thứ hai hoặc tới Bắc Âu (dấu gene R) hoặc tới Trung Á (Bắc Afganistan). Từ đây Homo sapiens đi xuống Đông Nam Á và châu Úc (dấu gene B); xâm nhập miền Trung (dấu gene F) và Nam

 
Các cuộc di cư dựa trên ADN nhiễm sắc thể Y (màu xanh) và ADN ti thể (màu vàng)

Trung Quốc (dấu gene B); ngược lên Mông Cổ, Altai (Siberia) và Bắc Trung Quốc (dấu gene A, B, F). Nhiều nhánh vượt Siberia qua eo Bering để tới Bắc và Nam Mỹ (dấu gene A, B, C, D).
Và họ tiếp tục xâm nhập Trung Á (M9); Ấn Độ (M69); theo bờ biển tới Sunda trước khi sang Philippines và Australia, cũng như lên Đông Bắc Á, vào Siberia, đồng thời theo bờ Thái Bình Dương sang Tây Bắc Mỹ (đều mang dấu gene M130)
· 40.000-35.000 năm trước: Từ Trung Á tới châu Âu (M173), Trung Âu và bán đảo Iberia (M343), một nguyên nhân khiến người Neanderthal tuyệt chủng (cuộc chạm trán lần thứ hai, với kết quả ngược với lần thứ nhất). Cũng từ Trung Á, họ tiếp tục xâm nhập Tây Bắc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc (M175),
· 35.000-30.000 năm trước: Từ Tây Nam Trung Quốc, Homo sapiens tới Đài Loan (M119), Indonesia, Triều Tiên và Nhật Bản (cùng mang dấu gene P31).
· 20.000-10.000 năm trước: Từ Đông Á, người tinh khôn di cư tới Tây Bắc Mỹ (M217). Từ Bắc Afganistan, người hiện đại di cư lên Bắc Âu (LLY22), qua Siberia tới Alaska (M242), rồi tới Bắc và Nam Mỹ (M3). Từ Đông Nam Á, họ đi tới châu Đại Dương (M4); còn từ Nam Trung Quốc, họ ngược lên tới Hoàng Hải (M122).
Đó là mốc thời gian và địa lý của những cuộc di cư chủ yếu. Thông tin chi tiết hơn có thể tìm tại địa chỉ www.nationalgeographic.com trên mạng.

Nghiên cứu của Templeton:
Bằng chứng di truyền học giúp Thuyết rời khỏi châu Phi giành được sự thắng thế hoàn toàn trước Thuyết tiến hóa đa vùng? Không hẳn như vậy, mà nghiên cứu của Templeton là minh họa điển hình 2,11.
Là người thách thức Thuyết rời khỏi châu Phi, Templeton khảo sát 25 vùng ADN, gồm ADN ti thể, ADN nhiễm sắc thể Y, 11 dấu gene gắn với nhiễm sắc thể X và 12 dấu gene dùng ngày 6 triệu năm tuổi khi người và tinh tinh bắt đầu tách nhau để định chuẩn. Kết quả cho thấy 15 dấu gene chứng tỏ sự di cư; và niên đại của các cuộc di cư không phù hợp với giả thuyết rời khỏi châu Phi chỉ một lần. Thay vào đó là ba cuộc đại di cư vào ba thời điểm khác nhau: 1) khoảng 1.9 triệu năm trước ; 2) khoảng 650 ngàn năm trước: và 3) khoảng 130 ngàn năm trước.
Điều đáng nói là kết quả của Templeton phù hợp với bằng chứng hóa thạch. Cuộc di cư thứ nhất ứng với sự xuất hiện và lan tỏa của người đứng thẳng (H. erectus). Cuộc di cư thứ hai ứng với sự gia tăng kích thước hộp sọ khoảng 700 ngàn năm trước và phù hợp với sự xuất hiện của người Heidelberg. Làn sóng di cư cuối cùng ứng với người hiện đại về giải phẫu. Vì thế Templeton kết luận, giả thuyết thay thế không phù hợp, vì dấu gene người cổ vẫn lưu truyền đến tận hôm nay.
Không phải ai cũng đồng ý với Templeton 4. Nghiên cứu của Takahata, Lee và Satta (2001) cho thấy, tỉ lệ dân số châu Phi so với Á – Âu khoảng 9:1. Với 10 ngàn người châu Phi, dân số Á – Âu chỉ là 1.000 người trong tuổi sinh sản. Trong không gian địa lý quá rộng lớn, nhân số nhỏ như vậy không đủ để họ sống sót. Còn những dấu gene có tuổi hơn 200 ngàn năm thì xuất phát từ tổ tiên chung của người đứng thẳng và người hiện đại khoảng 2 triệu năm trước, chứ không phải từ người Heidelberg hay người Neanderthal 11.

Số phận người Neanderthal:
Trước làn sóng di cư từ Trung Á về phía Tây Âu của người hiện đại, người Neanderthal lùi dần về bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay) trước khi tuyệt chủng 28 ngàn năm trước. Nguyên nhân của biến cố này là một thách thức đối với khoa học hiện đại.

Người Neanderthal theo phục dựng của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ

Theo Wynn và Coolidge (2008), người Neanderthal tuyệt chủng vì họ không có năng lực tinh thần như người hiện đại 12. Bằng chứng khảo cổ cho thấy, công cụ đá của họ không hề cải tiến suốt 200 ngàn năm. Điều đó chứng tỏ người Neanderthal thiếu năng lực phát minh. Trong lúc đó, người hiện đại tạo ra các bức bích họa hoành tráng tại nhiều hang động khắp châu Âu, như hang Lascaux hay Chauvet tại Pháp, từ hơn 30 ngàn năm trước. Vì thế người Neanderthal thua trong cuộc đấu tranh sinh tồn, nhất là khi họ đủ trí tuệ để nhận biết và lo lắng trước ưu thế của người hiện đại. Nói cách khác, sự thua kém trong năng lực trí tuệ và sự căng thẳng trường diễn đã giết chết những người xấu số đó, cho dù giữa họ và người hiện đại dường như không có đụng độ vũ trang.
Vậy người hiện đại và người Neanderthal có hòa huyết hay không? Hiện Viện nhân học tiến hóa Max Planck tại Leipzig, Đức, cùng Công ty Khoa học sự sống 454 tại Connecticut, Mỹ, đang giải mã bộ gene từ hóa thạch xương người Neanderthal 40 ngàn năm tuổi tìm thấy tại Croatia. Theo Stix, Scientific American, July 2008, câu trả lời sẽ có trong vòng 12 tháng tới 3. Khi đó sẽ biết, trong mỗi chúng ta có dấu vết di truyền của người Neanderthal hay không.

Kết luận:
Từ những điều đã trình bày, có thể rút ra các kết luận như sau:
1. Có hai giả thuyết về nguồn gốc loài người là Thuyết rời khỏi châu Phi và Thuyết tiến hóa trên nhiều vùng.
2. Thuyết rời khỏi châu Phi cho rằng người hiện đại tiến hóa tại châu Phi 200 ngàn năm trước rồi tỏa ra khắp hành tinh khoảng 60 ngàn năm trước; họ thay thế hoàn toàn những người có trước như người Heidelberg hay người Neanderthal.

 

Công cụ đá của người Neanderthal hầu như không cải tiến trong suốt 200 ngàn năm

3. Thuyết tiến hóa trên nhiều vùng xem người hiện đại xuất hiện tại nhiều vùng và sự trộn gene thường xuyên giữa các vùng giúp cả nhân loại đồng nhất về mặt di truyền.
4. Một số nhà nghiên cứu hợp nhất hai giả thuyết thành Thuyết nguồn gốc chủ yếu từ châu Phi, xem người hiện đại xuất hiện tại châu Phi trước khi di cư tới các lục địa khác. Tại đó họ hòa huyết với những người có trước, với phần đóng góp ngoài châu Phi vào bộ gene chung không quá 10%.
5. Các kĩ thuật di truyền khẳng định ưu thế của Thuyết rời khỏi châu Phi, nhưng cũng không loại trừ khả năng trộn gene giữa người hiện đại và người Neanderthal. Lời giải đáp có thể có trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 7-2008.

Vĩ thanh:

Từ 2004, nhà văn Hà Văn Thùy, vốn được đào tạo chính qui về sinh học, hăng hái tuyên truyền cho giả thuyết, từ 40.000 năm trước, người Việt đã lên khai phá lục địa Trung Hoa. Vì thế người Việt là nguồn gốc của người Hán, tiếng Việt là chủ thể của tiếng Hán, và người Việt sáng tạo nhiều thành tựu văn hóa vẫn được xem là của người Hán 13. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống mà Kim Định, Lê Mạnh Thát và một vài tác giả khác đã xây dựng nền móng, với một chiều kích hoàn toàn mới, cao rộng hơn rất nhiều.
Không khó để thấy sai lầm của tác giả, vì ông lập thuyết chủ yếu dựa trên cuốn Địa Đàng phương Đông: Lục địa Đông Nam Á bị chìm, một cuốn sách phổ biến khoa học không được đánh giá cao của Oppenheimer, chuyên gia nhi khoa nhiệt đới người Anh 14; và diễn giải sai công trình về bộ gene người Trung Quốc của Chu và 16 đồng tác giả đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, ngày 29-9-1998 15.
Oppenheimer cho rằng con đường phía Nam, từ châu Phi qua biển Đỏ rồi men theo bờ Ấn Độ Dương tới lục địa Sunda (vùng Đông Nam Á lúc chưa bị nước biển nhấn chìm như hiện nay), là con đường di cư chủ yếu từ 80-90 ngàn năm trước. Từ đây người tinh khôn tỏa ra khắp thế giới; nên Đông Nam Á được gọi là Địa Đàng phương Đông.
Nghiên cứu trong 10 năm qua, tính từ thời điểm công bố hai công trình mà Hà Văn Thùy dùng để lập thuyết, cho thấy, đó là quan điểm sai lầm về thời gian (60.000 năm trước mới có đợt di cư quyết định cuối cùng) và địa lý. Theo Wells và nhiều người khác, con đường phía Bắc, từ Trung Đông lên Trung Á (Bắc Afganistan) mới là hành trình chủ yếu. Khoảng 90% dân cư ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của những nhà thám hiểm con đường này từ 50-40 ngàn năm trước 16.
Vậy người Hán có nguồn gene chủ yếu từ đâu? Chủ yếu từ người Mongoloid phương Bắc (có nguồn gốc Altai thuộc Siberia; Trung Á; và Đông Nam Á, mà ban đầu cũng từ Trung Á), và từ người Mongoloid phương Nam (hậu duệ của người Mongoloid phương Bắc di cư xuống Tây Nam Trung Quốc, Tây Bắc Đông Nam Á. Người Việt có thể có nguồn gốc Mongoloid là vì vậy 17).

Tài liệu tham khảo
1. Relethford JH (2008), Genetic evidence and the modern human origins debate, Nature Heredity, 100: 555-563
2. Templeton AR (2002), Out of the Africa again and again, Nature, 416: 45-51
3. Stix G (2008), Traces of a distant past, Scientific American, July 2008, pp 38-45
4. Pearson OM (2004), Has the combination of genetic and fossil evidence solved the riddle of modern human origins?, Evolutionary Anthropology, 13: 145-159
5. Weaver TD, Roseman CC (2008), New developments in the genetic evidence for modern human origins, Evolutionary Anthropology, 17: 69-80
6. Mitochondrial Eve, Wikipedia, the free encyclopedia, at www.wikipedia.com
7. Y-chromosomal Adam, Wikipedia, the free encyclopedia, at www.wikipedia.com
8. Wade N (2006), Before the Dawn: Recovering the Lost History of Our Ancestors, Penguin
9. Atlas of the Human Journey, at www.nationalgeographic.com
10. Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, Natl Geographic
11. Desalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us about Ourselves, Texas A. & M. Univ. Press
12. Wynn T, Coolidge FL (2008), A stone-age meeting of minds, American Scientist, vol 96, 1: 44-51
13. Hà Văn Thùy (2008), Rời khỏi Địa Đàng hay hành trình chiếm lĩnh Trái đất, Văn nghệ, 19-4-2008
14. Stephen Oppenheimer, Wikipedia, the free encyclopedia, at www.wikipedia.com
15. Chu JY, Huang W, Kuang SQ, et al (1998), Genetic ralationship of populations in China, PNAS, vol 75, pp 11763-11768
16. Spencer Wells, Wikipedia, the free encyclopedia, at www.wikipedia.com
17. Ballinger SW, Schurr TG, Torroni A, et al (1992), Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations, Genetics, 130: 139-152

Đỗ Kiên Cường

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)