Dịch bệnh từ sự nóng lên

Sự nóng lên toàn cầu sẽ làm hồi sinh những vi khuẩn đã ngủ quên từ hàng triệu năm trước, làm phát tán những căn bệnh mà trước đây chỉ khu trú ở một vài cộng đồng nhỏ hẹp, và có thể khiến những vi sinh vật vốn thân thiện với con người trở nên nguy hiểm…

Băng tan sẽ giải phóng những vi khuẩn, virus hàng triệu năm về trước. Ảnh: 7news.com.au

Đá là sử liệu về hành tinh, trải qua hàng triệu năm bị san phẳng bởi sức mạnh của niên đại địa chất thành các  lớp địa tầng với biên độ chỉ vài centimet, hay một, hay thậm chí ít hơn. Băng cũng vậy, nó như một cuốn sổ cái về khí hậu, nhưng cũng là lịch sử bị đông cứng, và một số trong đó có thể được hồi sinh khi rã băng. Có những mầm bệnh hiện đang mắc  kẹt trong băng ở Bắc Cực, vốn không lây truyền trong không khí suốt hàng triệu năm – một số trường hợp là từ trước khi loài người xuất hiện. Nghĩa là hệ miễn dịch của chúng ta sẽ không biết cách chống lại khi những bệnh dịch thời tiền sử đó thoát ra khỏi băng. Trong các phòng thí nghiệm, một số vi khuẩn đã được hồi sinh: một loại vi khuẩn “siêu mạnh mẽ” 32.000 năm tuổi được hồi sinh vào năm 2005, một con rệp 8 triệu năm tuổi được làm sống lại vào năm 2007, một vi khuẩn 3,5 triệu năm tuổi được một nhà khoa học người Nga tự tiêm vào cơ thể, không phải vì tò mò, chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra. (Ông này sống sót). Năm 2018, các nhà khoa học đã hồi sinh một thứ lớn hơn chút đỉnh – một con giun bị đông lạnh trong băng vĩnh cửu suốt 42.000 năm.

Bắc Cực cũng lưu giữ những căn bệnh đáng sợ trong thời gian gần đây. Tại Alaska, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tàn dư của dịch cúm năm 1918, căn bệnh lây nhiễm cho 500 triệu người, và giết chết khoảng 50 triệu người – khoảng 3% dân số thế giới, và gấp gần sáu lần số người chết trong Chiến tranh Thế giới, đó là lý do đại dịch này giống như một trải nghiệm khủng khiếp. Các nhà khoa học nghi ngờ bệnh đậu mùa và dịch hạch đang mắc kẹt trong băng tại Siberia, cùng những mầm bệnh khác đã đi vào truyền thuyết của loài người – đó là một lịch sử cô đọng về những căn bệnh tàn khốc, bị bỏ lại như thứ cặn bẩn dưới ánh Mặt trời Bắc Cực.

Nhiều trong số những sinh vật bị đóng băng này sẽ không sống thực sự sau khi rã băng; những cá thể sống lại được hồi sinh trong điều kiện nghiêm ngặt của phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vào năm 2016, một cậu bé đã tử vong và hai mươi người khác bị nhiễm bệnh than, căn bệnh được giải phóng khi băng vĩnh cửu tan ra, để lộ xác chết đông lạnh của một con tuần lộc bị vi khuẩn tiêu diệt ít nhất 75 năm trước đó; hiện có hơn hai nghìn con tuần lộc đã chết.

Điều khiến các nhà dịch tễ học quan tâm hơn so với những mầm bệnh cổ xưa là các tai họa hiện hữu được định hình lại, tái kết nối, thậm chí tái tiến hóa bởi sự nóng lên.

Điều khiến các nhà dịch tễ học quan tâm hơn so với những mầm bệnh cổ xưa là các tai họa hiện hữu được định hình lại, tái kết nối, thậm chí tái tiến hóa bởi sự nóng lên. Tác động đầu tiên thuộc về địa lý. Trước thời kỳ đầu hiện đại, đời sống co cụm của loài người là một lá chắn trước các đại dịch – một con rệp có thể xóa sổ một thị trấn, một vương quốc, thậm chí trong hoàn cảnh cực đoan là cả một lục địa – nhưng trong hầu hết các trường hợp, nó không thể lây lan xa hơn khỏi những nạn nhân của mình, nghĩa là không quá xa. Đại dịch Cái chết Đen đã tiêu diệt tới 60% dân số châu Âu, nhưng xem xét theo chiều hướng vô thực khủng khiếp: liệu tác động của nó có thể lớn đến mức nào trong một thế giới toàn cầu hóa thực sự.

Ngày nay, ngay cả với sự toàn cầu hóa và sự pha trộn nhanh chóng của các quần thể người, hệ sinh thái của chúng ta vẫn gần như ổn định, và điều này có ý nghĩa như một giới hạn khác – chúng ta biết nơi những con rệp có thể lây lan, đồng thời cũng biết môi trường mà chúng không thể. (Đây là lý do tại sao một số lĩnh vực du lịch mạo hiểm đòi hỏi tới hàng chục loại vaccine và thuốc phòng bệnh mới, và tại sao cư dân New York du lịch đến London không cần phải lo lắng).

Nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm xáo trộn các hệ sinh thái đó, nghĩa là nó sẽ giúp bệnh tật xâm nhập những ranh giới đó chắc chắn như cách Cortés1 đã làm. Dấu vết của mọi căn bệnh truyền nhiễm do muỗi hiện đang bị giới hạn, nhưng những ranh giới đó đang biến mất nhanh chóng, theo mức độ mở rộng của các vùng nhiệt đới – tốc độ hiện là 50km trong một thập kỷ. Tại Brazil, trong nhiều thế hệ, bệnh sốt vàng da tiềm ẩn ở lưu vực sông Amazon, nơi muỗi Haemagogus và Sabethes phát triển mạnh, khiến nó trở thành mối đe dọa cho những ai sống, làm việc, hay đi sâu vào rừng, nhưng chỉ đối với họ; vào năm 2016, căn bệnh rời khỏi Amazon, khi ngày càng nhiều muỗi lan ra từ rừng mưa này; và vào năm 2017, nó lan đến các siêu đô thị trên khắp đất nước, São Paulo và Rio de Janeiro – hơn ba mươi triệu người, nhiều trong số đó sống trong các khu ổ chuột, phải đối mặt với sự xuất hiện của một căn bệnh gây tử vong từ 3 đến 8 phần trăm số ca nhiễm.

Vào năm 2015, 2/3 loài linh dương saiga trên toàn cầu đã chết, vì một vi khuẩn vốn sống bình thường trong cơ thể chúng đột nhiên trở nên nguy hiểm khi khí hậu ẩm ướt đột ngột.

Sốt vàng da chỉ là một trong những bệnh dịch được loài muỗi mang theo khi di cư, xâm chiếm ngày càng nhiều nơi trên một thế giới đang nóng lên – một sự toàn cầu hóa bệnh dịch. Chỉ tính riêng bệnh sốt rét đã giết chết hàng triệu người mỗi năm, lây nhiễm ngày càng nhiều, nhưng bạn không cần quá lo lắng về nó nếu đang sống ở Maine hoặc Pháp. Khi vùng nhiệt đới mở rộng lên phía Bắc, và muỗi di cư theo, có lẽ bạn sẽ phải lo lắng; trong thế kỷ tới, ngày càng nhiều cư dân trên thế giới phải sống dưới cái bóng của những căn bệnh như thế. Người Mỹ cũng đã từng không phải lo lắng quá nhiều về bệnh Zika vài năm trước.

Thực ra, Zika cũng có thể là một hình mẫu tốt cho tác động đáng lo ngại thứ hai – sự biến đổi của mầm bệnh. Một lý do mà người Mỹ chưa nghe về Zika cho đến gần đây là nó bị mắc kẹt ở Uganda và Đông Nam Á; một lý do khác là cho đến gần đây, nó không có biểu hiện gây dị tật bẩm sinh. Các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu được những gì đã xảy ra, hoặc những gì họ bỏ sót, ngay cả ở hiện tại, vài năm sau khi hành tinh bị kìm kẹp trong cơn hoảng loạn về chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh: có thể căn bệnh đã biến đổi khi tới châu Mỹ, hậu quả đến từ một đột biến gene hoặc từ phản ứng thích nghi với môi trường mới; hoặc Zika chỉ tạo ra những ảnh hưởng tàn khốc lên thai nhi khi đứa trẻ đã mắc một bệnh nền khác, có thể là một bệnh ít phổ biến hơn từ châu Phi; hoặc một điều gì đó trong môi trường hay lịch sử miễn dịch ở Uganda đã bảo vệ các bà mẹ và đứa con chưa sinh của họ.

Nhưng chúng ta biết chắc chắn về cách thức biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên một số căn bệnh. Ví dụ, bệnh sốt rét phát triển mạnh ở những vùng nóng hơn, một lý do Ngân hàng Thế giới ước tính đến năm 2030 sẽ có 3,6 tỷ người phải cẩn trọng với nó – 100 triệu người trong số đó là chịu hậu quả trực tiếp từ biến đổi khí hậu.

Sẽ có những bệnh dịch mà hiện tượng biến đổi khí hậu lần đầu tiên đưa ra đối đầu với chúng ta – một vũ trụ hoàn toàn mới của những căn bệnh mà loài người chưa từng biết đến, thậm chí chưa từng lo lắng về chúng.

Những dự báo như vậy không chỉ phụ thuộc vào mô hình khí hậu mà còn phụ thuộc vào những hiểu biết phức tạp về sinh vật hiện diện trong cuộc chơi. Hay nói đúng hơn là các sinh vật. Cơ chế truyền bệnh sốt rét liên quan đến cả mầm bệnh lẫn loài muỗi; bệnh Lyme cũng vậy, liên quan đến cả mầm bệnh lẫn bọ ve – một loài sinh vật mang mối đe dọa dịch tễ khác, với phạm vi hoạt động đang nhanh chóng mở rộng do sự nóng lên toàn cầu. Như Mary Beth Pfeiffer đã ghi nhận, số ca nhiễm Lyme đã tăng đột biến tại Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hàn Quốc, nơi căn bệnh này gần như không xuất hiện trước năm 2010 – không có ca bệnh nào – và hiện tồn tại bên trong cơ thể hàng trăm người Hàn Quốc mỗi năm. Tại Hà Lan, 54% các vùng trên toàn quốc bị nhiễm bọ ve; nhìn chung tại châu Âu, số ca bệnh Lyme hiện gấp ba lần mức tiêu chuẩn. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 300.000 ca nhiễm mới mỗi năm – và vì nhiều ca đã điều trị Lyme vẫn tiếp tục xuất hiện các triệu chứng sau nhiều năm nên con số có thể còn lớn hơn. Nhìn tổng quan, số ca mắc bệnh từ muỗi, bọ ve, và bọ chét đã tăng gấp ba lần ở Hoa Kỳ chỉ trong 13 năm qua, khi lần đầu tiên, hàng chục hạt khắp đất nước bắt gặp bọ ve. Tuy vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh có thể được nhận thấy rõ nét hơn trên các loài động vật khác: tại Minnesota, suốt những năm 2000, bọ ve mùa đông đã khiến số lượng nai sừng tấm giảm 58% trong một thập kỷ, và một số nhà môi trường học tin rằng loài này có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khỏi tiểu bang từ năm 2020. Tại New England, người ta đã phát hiện đến 90.000 con bọ ve no tròn trên xác những con nai sừng tấm con, những con non này thường chết không phải vì bệnh Lyme mà đơn giản do thiếu máu, tác động từ số lượng quá lớn những con bọ, mỗi con hút vài mililit máu từ con non. Những con sống sót cũng không khỏe khoắn gì, nhiều con đã cọ xát không ngừng lên lớp da vốn đã trụi hết lông hòng loại bỏ những con bọ ve, để lại một màu da xám ma quái, mang tới cho chúng cái tên “nai ma”.

Nói một cách tương đối, Lyme vẫn là một căn bệnh mới, và chúng ta chưa hiểu rõ mọi thứ về nó: chúng ta gán một loạt các triệu chứng rất bí ẩn và rời rạc cho nó, từ đau khớp, mệt mỏi, mất trí nhớ, đến liệt mặt, gần như là lời giải thích cho mọi căn bệnh chưa thể xác định chính xác trên những bệnh nhân mà chúng ta biết đã bị bọ ve mang mầm bệnh cắn. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ bọ ve như hiểu về bệnh sốt rét – không nhiều loài ký sinh trùng khác mà chúng ta hiểu rõ hơn. Nhưng lại có rất nhiều, hàng triệu loài chúng ta hiểu biết ít hơn, nghĩa là tri giác của chúng ta về cách thức hiện tượng biến đổi khí hậu chuyển hướng hoặc sửa đổi chúng vẫn bị che đậy trong sự thiếu hiểu biết được báo trước. Và rồi, sẽ có những bệnh dịch mà hiện tượng biến đổi khí hậu lần đầu tiên đưa ra đối đầu với chúng ta – một vũ trụ hoàn toàn mới của những căn bệnh mà loài người chưa từng biết đến, thậm chí chưa từng lo lắng về chúng.

Cụm từ “vũ trụ mới” không hề khoa trương. Các nhà khoa học dự đoán địa cầu có thể tiềm ẩn hơn một triệu loài virus chưa được phát hiện. Vi khuẩn thậm chí còn phức tạp hơn, và vì vậy có lẽ chúng ta hiểu biết về chúng ít hơn.

Có lẽ đáng sợ nhất là những loài sống bên trong cơ thể của chúng ta, yên bình cho đến bây giờ. Hơn 99% các loài vi khuẩn, kể cả những loài bên trong cơ thể người, hiện chưa được khoa học biết đến, nghĩa là chúng ta đang sống trong sự thiếu hiểu biết gần như hoàn toàn về tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài ký sinh bên trong cơ thể mình, chẳng hạn như trong ruột – về số lượng vi khuẩn mà loài người hiện đại đang dựa dẫm, như những công nhân nhà máy thầm lặng, trong mọi chuyện từ tiêu hóa thức ăn đến điều chỉnh sự lo lắng, có thể bị biến đổi, giảm bớt, hay hoàn toàn bị tiêu diệt bởi mức nóng lên vài độ.

Tất nhiên, đại đa số những loài virus và vi khuẩn cư trú bên trong cơ thể chúng ta không phải là mối đe dọa đối với loài người – hiện tại. Có lẽ sự chênh lệch một hoặc hai độ trong nền nhiệt toàn cầu sẽ không làm thay đổi đáng kể hành vi của phần lớn bọn chúng – hoặc đại đa số, thậm chí gần như toàn bộ. Nhưng hãy xem xét trường hợp của saiga – loài linh dương đáng yêu, chân ngắn, có nguồn gốc từ Trung Á. Vào tháng 5/2015, gần hai phần ba loài này trên toàn cầu đã chết trong khoảng thời gian chỉ vài ngày – từng con một trong một khu vực có diện tích tương đương Florida, trên mặt đất đột nhiên có hàng trăm nghìn xác linh dương saiga, không một con nào sống sót. Một sự kiện như vậy được gọi là “cái chết hàng loạt”, rất nổi bật và kịch tính đến nỗi lập tức làm phát sinh một loạt thuyết âm mưu: người ngoài hành tinh, phóng xạ, nhiên liệu tên lửa bị rò rỉ. Nhưng các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ chất độc nào, dù họ đã xem xét rất kỹ những cánh đồng chết chóc – trên chính các con vật, trong đất, trong cây cối địa phương. Hóa ra, thủ phạm lại là một loại vi khuẩn đơn giản, Pasteurella multocida, sống bên trong hạch hạnh nhân của linh dương saiga mà không hề đe dọa đến vật chủ suốt nhiều thế hệ. Đột nhiên nó sinh sôi nảy nở, di cư vào máu, từ đó đến gan, thận, và lá lách của vật chủ. Nhưng tại sao? Nhà báo Ed Yong đã viết trên tờ The Atlantic, “Những nơi linh dương saiga chết vào tháng 5/2015 cực kỳ ấm và ẩm ướt. Trên thực tế, độ ẩm đạt mức cao nhất từng thấy trong khu vực kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được ghi nhận vào năm 1948. Hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận trong hai lần trước đó, với quy mô nhỏ hơn nhiều, vào năm 1981 và 1988. Khi nhiệt độ thực sự nóng và không khí thực sự ẩm ướt, linh dương saiga sẽ chết. Khí hậu là cò súng, còn Pasteurella là viên đạn”.

Điều này không có nghĩa là chúng ta hiểu chính xác về chuyện độ ẩm vũ khí hóa vi khuẩn Pasteurella, hay có bao nhiêu loài vi khuẩn khác đang sống trong cơ thể các loài động vật có vú như chúng ta – 1% là số lượng chúng ta đã xác định được, hay nói theo cách đáng ngại hơn, 99% là số lượng chúng ta nuôi dưỡng mà không có chút kiến thức hoặc hiểu biết nào – có thể được kích hoạt bởi khí hậu theo cách tương tự, những con bọ cộng sinh, thân thiện mà trong một số trường hợp, chúng ta sống chung suốt hàng triệu năm qua, nay đột nhiên biến thành những tác nhân truyền bệnh nằm sẵn trong cơ thể. Đó vẫn là một bí ẩn. Nhưng sự thiếu hiểu biết vốn không thoải mái chút nào. Có lẽ hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ vỡ lòng cho chúng ta về vài điều trong số đó. □

Phạm Vũ Miên dịch

——-

Bài viết được trích từ cuốn: Địa cầu không sự sống, NXB Trẻ (2022), Phạm Miên Vũ dịch.

1 Người mở đường cho công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ của Tây Ban Nha.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)